Nam sinh có khả năng phục hồi tốt hơn nữ sinh trước những trở ngại trong học tập
Là những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học giáo dục, nhóm nghiên cứu từ ĐH New South Wales (Sydney) đặc biệt quan tâm đến cách học sinh đối mặt với những trở ngại và thách thức trong quá trình học tập của mình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những học sinh có khả năng phục hồi tốt (resilient) thường đạt được những kết quả học tập tích cực hơn. Những kết quả này bao gồm việc nỗ lực nhiều hơn trong học tập, có kỹ năng học tập tốt hơn và cảm thấy yêu thích trường học hơn so với những học sinh có khả năng phục hồi kém hơn.
Nhóm nghiên cứu tiến hành đo lường khả năng phục hồi thông qua một khái niệm gọi là “sự vững vàng học thuật” (academic buoyancy). Đây là một đặc điểm cá nhân giúp học sinh vượt qua những khó khăn thường gặp trong đời sống học đường, chẳng hạn như khối lượng bài tập lớn, điểm kiểm tra thấp hoặc các thời hạn nộp bài tập cho thầy cô.
Trong hai thập niên qua, các nghiên cứu về khả năng phục hồi học thuật đã cho thấy một xu hướng đáng lo ngại: nữ sinh thường có mức độ vững vàng học thuật thấp hơn so với nam sinh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, GS. Andrew J. Martin (Giáo sư tâm lý học giáo dục) cùng các cộng sự đã tiến hành phân tích toàn bộ những nghiên cứu hiện có nhằm xác định chắc chắn liệu có tồn tại sự chênh lệch về giới trong vững vàng học thuật hay không, và nếu có, thì mức độ như thế nào.
Nghiên cứu
Phân tích tổng hợp (meta-analysis) là một phương pháp nghiên cứu nhằm xác định hiệu ứng trung bình của một hiện tượng trên cơ sở nhiều nghiên cứu khác nhau. Trong trường hợp này, phân tích tổng hợp được sử dụng để tính toán sự khác biệt trung bình giữa nam và nữ trong mức độ vững vàng học thuật.
Phân tích tổng hợp tạo ra một giá trị gọi là “kích thước hiệu ứng” (effect size), được phân loại thành các nhóm nhỏ, trung bình hoặc lớn. Trong nghiên cứu của GS. Andrew, kích thước hiệu ứng càng lớn thì sự khác biệt giữa nam và nữ trong khả năng vững vàng học thuật càng rõ rệt.
Tác giả đã rà soát tất cả các nghiên cứu liên quan đến vững vàng học thuật được công bố trên các cơ sở dữ liệu học thuật lớn, đồng thời liên hệ với các nhà nghiên cứu đầu ngành để thu thập thêm những nghiên cứu chưa được công bố.
Phân tích tổng hợp của nhóm bao gồm 53 nghiên cứu được công bố trong giai đoạn từ 2008 đến 2024, xem xét mối liên hệ giữa giới tính và khả năng vững vàng học thuật. Tổng số mẫu gồm 173.665 học sinh và sinh viên từ bậc tiểu học đến đại học. Các nghiên cứu được thực hiện tại Úc, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada, Jamaica, Phần Lan, Trung Quốc, Singapore và Philippines.
Những phát hiện chính
Nhóm nghiên cứu nhận thấy ảnh hưởng trung bình của giới tính đến khả năng vững vàng học thuật là có ý nghĩa về mặt thống kê và thuộc mức từ nhỏ đến trung bình. Điều này cho thấy tồn tại một sự khác biệt đáng tin cậy và có thể quan sát được giữa nam và nữ trong việc tự báo cáo mức độ vững vàng học thuật. Nói cách khác, nữ sinh có xu hướng ít vững vàng hơn so với nam sinh khi đối mặt với những thách thức học thuật hàng ngày (ví dụ như điểm số thấp hoặc tương tác tiêu cực với giáo viên).
Mặc dù nghiên cứu này không nhằm xác định nguyên nhân, nhưng các nghiên cứu trước đó cho rằng nữ sinh có thể trải nghiệm mức độ lo âu học đường cao hơn nam sinh, và điều này có thể cản trở họ trong việc vượt qua các nghịch cảnh học tập. Với những phát hiện mới từ phân tích tổng hợp này, cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn nhằm tìm hiểu lý do dẫn đến sự khác biệt về giới này.
Tất nhiên, kết quả của nhóm tác giả chỉ phản ánh xu hướng trung bình. Điều này không có nghĩa là tất cả nữ sinh đều có mức độ vững vàng học thuật thấp và tất cả nam sinh đều có mức độ cao. Do đó, các nỗ lực nên tập trung vào việc nâng cao khả năng vững vàng học thuật cho những học sinh đang gặp khó khăn, đồng thời duy trì sự vững vàng đó đối với những học sinh đang quản lý tốt việc học tập.
Hai cách tiếp cận hỗ trợ học sinh
Các nghiên cứu trước cho thấy có hai cách tiếp cận chính mà giáo viên và phụ huynh có thể áp dụng để hỗ trợ học sinh.
1. Cách tiếp cận trực tiếp
Giáo viên, cố vấn học tập và phụ huynh có thể trực tiếp nâng cao khả năng vững vàng học thuật của học sinh thông qua các bước sau:
– Giúp học sinh nhận diện sớm những trở ngại học tập, trước khi chúng trở nên khó kiểm soát hơn. Ví dụ: khi các em bắt đầu mất nhiều thời gian làm bài hơn so với các bạn khác.
– Hướng dẫn học sinh cách điều chỉnh tư duy, hành vi và/hoặc cảm xúc khi gặp khó khăn. Về mặt tư duy, học sinh có thể được khuyến khích suy nghĩ về các nguồn lực sẵn có mà mình có thể tận dụng. Về hành vi, học sinh có thể học cách chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ giáo viên. Về cảm xúc, các em có thể học cách kiểm soát nỗi sợ khi cần nhờ trợ giúp.
– Khuyến khích học sinh ghi nhận và cảm nhận những tiến bộ nhỏ như một thành công (Ví dụ: khi nhờ tới sự hỗ trợ của giáo viên, các em có thể coi đó là một "chiến thắng" - “Mình có thể vượt qua khó khăn”).
– Khuyến khích học sinh tiếp tục theo dõi và điều chỉnh tư duy, hành vi và cảm xúc một cách thường xuyên như một thói quen hàng ngày.
2. Cách tiếp cận nền tảng với mô hình 6 chữ C
Một cách tiếp cận khác tập trung vào các yếu tố nền tảng của khả năng phục hồi học thuật. Nghiên cứu trước đây của GS. Andrew xác định 6 yếu tố (6 chữ C) mà phụ huynh và giáo viên có thể hỗ trợ học sinh:
-
Confidence (Tự tin): Tăng cường niềm tin vào năng lực học tập của bản thân.
-
Coordination (Phối hợp): Hỗ trợ học sinh lập kế hoạch học tập và quản lý nhiệm vụ hiệu quả.
-
Commitment (Cam kết): Phát triển tính kiên trì, ví dụ thông qua việc đặt mục tiêu và theo đuổi mục tiêu.
-
Control (Kiểm soát): Hướng sự chú ý của học sinh vào những yếu tố mà các em có thể kiểm soát, chẳng hạn như nỗ lực cá nhân.
-
Composure (Bình tĩnh): Giảm thiểu lo âu học tập bằng cách điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực và thực hành các kỹ thuật thư giãn phù hợp.
-
Community (Cộng đồng): Xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè và giáo viên để học sinh cảm thấy được hỗ trợ.
Khi áp dụng các chiến lược này, giáo viên cũng cần lưu tâm đến những áp lực khác trong cuộc sống của học sinh – chẳng hạn như khó khăn trong quan hệ xã hội hoặc vấn đề gia đình – vốn có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn học tập. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc đến các vấn đề lâm sàng như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Tổng thể, với sự hỗ trợ tích cực từ giáo viên và phụ huynh, học sinh có thể thực hiện những thay đổi thiết thực để nâng cao khả năng đối phó với các thử thách học thuật – qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong mức độ vững vàng học thuật.
- Thông tin tuyển sinh ngành Quản lý giáo dục 2025Tin tức30/06/2025
- Thông tin tuyển sinh ngành Tâm lý học giáo dục 2025Tin tức30/06/2025
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2025 đã hoàn thànhTin tức27/06/2025
- Tài liệu hướng dẫn dành cho thí sinh 2025Tin tức25/06/2025
- Công bố kết quả PISA 2022 của Việt NamTin tức17/06/2025
- Luật Nhà giáo đã được thông quaTin tức17/06/2025
- BEES: Một công cụ sức khỏe tâm thần mới hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm, chú ý rộng rãiTin tức16/06/2025
- Một bài tập hồi tưởng trước khi đi ngủ có thể cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi, bao gồm cả những người mắc và không mắc bệnh AlzheimerTin tức11/06/2025
- Thông tin tuyển sinh ngành Quản lý giáo dục 2025Tin tức30/06/2025
- Thông tin tuyển sinh ngành Tâm lý học giáo dục 2025Tin tức30/06/2025
- THÔNG TIN TUYỂN SINH TRƯỜNG SƯ PHẠM NĂM 2025: KHOA GIÁO DỤC MẦM NONGiới thiệu28/06/2025
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2025 đã hoàn thànhTin tức27/06/2025
- Tài liệu hướng dẫn dành cho thí sinh 2025Tin tức25/06/2025
- Công bố kết quả PISA 2022 của Việt NamTin tức17/06/2025
- Luật Nhà giáo đã được thông quaTin tức17/06/2025
- BEES: Một công cụ sức khỏe tâm thần mới hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm, chú ý rộng rãiTin tức16/06/2025