Cần thêm cơ chế thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong trường đại học
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học. Ở nhiều đơn vị, hoạt động này được chú trọng đầu tư tương xứng và đạt kết quả tích cực.
Dù vậy, trong triển khai thực tiễn các chính sách về nghiên cứu khoa học vẫn còn khó khăn nhất định.
Các nhà khoa học mong mỏi có cơ chế cởi mở hơn để nhà khoa học, giáo dục đại học thực hiện được vai trò dẫn dắt của mình trong nghiên cứu, đào tạo.
Tăng số lượng công bố quốc tế
Cùng với thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế đang được các trường đại học đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ thường xuyên.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc hai danh mục cơ sở dữ liệu lớn của thế giới là Web of Science (của Clarivate) và Scopus (của Elsevier).
Thống kê của cơ sở dữ liệu Scopus cho thấy, công bố bài báo quốc tế của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2022 tăng mạnh và liên tục, trung bình trên 40%/năm, dẫn đầu cả nước.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, toàn trường có 4.900 bài báo công bố quốc tế, giai đoạn 2020-2022 là hơn 5.900 bài; riêng năm 2022 đạt gần 2.300 bài.
Trong số đó, số công bố đỉnh cao trên các tạp chí được xếp hạng Q1 và Q2 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 67% và xu hướng tăng dần theo từng năm.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với đơn vị trong và ngoài nước công bố công trình nghiên cứu trên tạp chí khoa học hàng đầu thế giới như Science, Nature… và nhiều bài báo trên tạp chí rất uy tín với chỉ số ảnh hưởng IF rất cao.
Kết quả về công bố quốc tế trên đã đóng góp vào tiêu chí danh tiếng học thuật, tiêu chí xuất bản, trích dẫn trong các bảng xếp hạng đại học giúp cải thiện vị trí của đại học trong bảng xếp hạng quốc tế.
Kết quả xếp hạng qua các năm của Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS)-Anh quốc cho thấy vị thế của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khu vực châu Á liên tục được cải thiện, từ top 33,3% năm 2018 vươn lên top 22% các đại học xuất sắc nhất khu vực này.
Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang chủ trì xây dựng Đề án “Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.”
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ Đề án nhằm góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từng bước thực hiện đổi mới giáo dục đại học.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đề án là phát triển các chương trình đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm đầu châu Á; phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, kết nối với các trung tâm của khu vực và thế giới.
Đề án được xây dựng với nhiều mục tiêu về nghiên cứu khoa học, đào tạo: Đến năm 2030, nhà trường sẽ đào tạo tốt nghiệp khoảng 140.000 Cử nhân, Kỹ sư, Kiến trúc sư, Thạc sỹ, Tiến sỹ...; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt trên 90%; công bố hơn 35.000 bài báo khoa học trong danh mục Scopus; hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia.
Các chương trình đào tạo và nghiên cứu về Công nghệ bán dẫn, Công nghệ thông tin và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ sinh học nằm trong tốp 50 của châu Á.
Có cơ chế cởi mở hơn cho nhà khoa học trong nghiên cứu
Viện Nghiên cứu Tế bào gốc thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở khoa học công nghệ công lập tự chủ tài chính.
Vì thế, việc phát triển sản phẩm nghiên cứu đưa ra thị trường để đem lại doanh thu cho đơn vị là mục tiêu sống còn. Mỗi năm, hoạt động chuyển giao công nghệ của Viện mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc, cho rằng có 3 yếu tố có thể thực hiện thành công hoạt động chuyển giao công nghệ, đó là nghiên cứu phải đảm bảo tính đổi mới sáng tạo để tạo lợi thế cạnh tranh về mọi mặt; nắm vững các quy định pháp luật liên quan; đặc biệt, nghiên cứu đó phải phục vụ đại đa số người dân.
Để có thể “nuôi” được đề tài nghiên cứu cho đến khi ra kết quả cuối cùng, Viện thực hiện chuyển giao các công nghệ thành phần nhằm có tài chính tái đầu tư. Việc chuyển giao công nghệ thành phần này được thực hiện theo hình thức bán quyền sử dụng công nghệ cho đối tác, chứ không chuyển giao quyền sở hữu. Viện vẫn nắm giữ công nghệ cốt lõi tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển
Ở các nước trên thế giới, mô hình doanh nghiệp Spin-off (doanh nghiệp khởi nghiệp từ các trường đại học) đang được triển khai rộng rãi.
Các doanh nghiệp này sẽ thực hiện chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu của nhà khoa học trong trường học để đưa ra thị trường sản phẩm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Phúc, tại Việt Nam, cơ chế này cần được thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các trường, viện. Công ty Spin-off có thể giúp nhà khoa học trong trường đại học nắm giữ công nghệ lõi để tiếp tục nghiên cứu phát triển, giữ được vai trò, vị thế dẫn dắt trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ.
Hoạt động chuyển giao công nghệ gặp khó khăn khi pháp luật hiện hành chưa theo kịp nghiên cứu thực tế. Đơn cử, Viện Nghiên cứu tế bào gốc đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ tạo ra sản phẩm tế bào gốc điều trị bệnh lý thoái hóa khớp, thoái hóa địa đệm cột sống.
Công nghệ sản xuất sản phẩm này được Viện chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cách đây 4 năm nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật về sản phẩm tế bào gốc nên đơn vị này chưa thể đưa ra thị trường.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Phúc cho rằng hoạt động chuyển giao công nghệ của nhà khoa học gặp khó khăn khi nhà khoa học và doanh nghiệp không "gặp" nhau. Việc thành lập các trung tâm chuyên thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo, nhất là trong các đại học lớn góp phần giải quyết vấn đề này.
Các trung tâm này lấy đầu vào là kết quả nghiên cứu ở phòng thí nghiệm của nhà khoa học để thử nghiệm sản xuất ra sản phẩm cuối cùng rồi mới chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất. Khâu này cần chi phí đầu tư lớn nhưng rủi ro cao bởi có thể sản phẩm không thành công nên doanh nghiệp rất e dè.
Nếu Nhà nước đầu tư cho khâu này sẽ kết nối được nhà khoa học với doanh nghiệp, tránh tình trạng "cái nhà khoa học có, doanh nghiệp không cần. Cái doanh nghiệp cần, nhà khoa học lại không có."
Nhà nước cần có đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo một cách tương xứng, về nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu, cơ chế thuận lợi cho nhà khoa học, nhà đầu tư trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Phúc đề xuất.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phương Thảo, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn nhận thủ tục giấy tờ hành chính, tài chính là một trong những khó khăn lớn đối với nhà khoa học trong triển khai nghiên cứu các đề tài. Thủ tục hành chính, tài chính kéo dài khiến hoạt động triển khai nghiên cứu và chuyển giao công nghệ khó khăn. Bên cạnh đó, quá trình chuyển giao công nghệ của nhà khoa học trong trường đại học gặp khó do vướng quy định theo Luật Viên chức.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phương Thảo chia sẻ vừa qua nhóm nghiên cứu đã lọt vào vòng cuối chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô cho một đơn vị nước ngoài. Dù được đối tác đánh giá rất cao về mặt kinh nghiệm, chuyên môn nhưng nhóm lại không có cơ chế để vận hành lab (phòng thí nghiệm) cho phía đối tác.
Từ dẫn chứng này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phương Thảo đề xuất nhà nước có cơ chế để các giảng viên ở trường đại học và trường đại học có thể thành lập công ty Spin-off giải quyết bài toán chuyển giao công nghệ.
Mới đây, trao đổi trong buổi làm việc tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học song việc triển khai các chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ trong thực tiễn còn khó khăn.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ phối hợp với các đơn vị xây dựng báo cáo trình Thủ tướng những vấn đề cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ. Báo cáo này xác định 13 vấn đề cần giải quyết, Bộ sẽ lấy ý kiến các đơn vị khác tìm giải pháp tháo gỡ.
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Chẩn đoán ADHD đã thay đổi theo thời gianTin tức08/10/2024
- Khai giảng K65, trao QĐ công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đối với chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý giáo dụcTin tức30/09/2024
- Thông báo tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động năm 2024Tin tức26/09/2024
- Hiểu nhầm về chứng khó đọc khiến trẻ bị chẩn đoán saiTin tức08/09/2024
- Nghiên cứu quốc tế đã làm sáng tỏ lý do tại sao người tự kỷ tham gia vào các diễn đàn căm thùTin tức07/09/2024
- Thay vì tư vấn cặp đôi, chúng ta hãy dành ra một khoảng nghỉ trong 5 giâyTin tức05/09/2024
- Bạn đã sẵn sàng hợp tác với AI trong công việc chưa?Tin tức04/09/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024