Học trực tuyến và sự phát triển của trẻ
I. Thách thức của việc học trực tuyến đối với sự phát triển của trẻ
Khó khăn trong việc tiếp cận với hình thức học trực tuyến
Việc học trực tuyến yêu cầu phải có thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại…) kết nối mạng internet, tuy nhiên nhiều gia đình không sở hữu các thiết bị này.
Chỉ riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 77 ngàn trẻ không có điều kiện học trực tuyến, ở các vùng khó khăn có khi 5 – 6 trẻ phải cùng nhau dùng chung một chiếc điện thoại [2]. Bên cạnh đó nhiều trẻ nhỏ còn thiếu kỹ năng sử dụng các thiết bị điện tử, đặc biệt là các thiết bị điện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ [3]. Trong một trường hợp đáng tiếc, bé trai 10 tuổi đã tử vong do bị điện giật khi học online [4].
Hạn chế cơ hội tương tác và vận động
Việc học online cũng hạn chế những cơ hội tương tác với bạn bè đồng lứa và tham gia các trò chơi vận động giúp trẻ phát triển, đặc biệt là với các bé còn nhỏ tuổi. Việc thiếu hụt những hoạt động này không chỉ làm làm giảm hứng thú, tinh thần học tập mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.[5]
Tăng nguy cơ bỏ học
Sự gián đoạn trong việc học tại trường, khó khăn trong tiếp cận lớp học trực tuyến kết hợp với tình trạng đói nghèo gia tăng có thể làm gia tăng tỷ lệ bỏ học ở trẻ em sống tại khu vực vùng sâu vùng xa và vùng còn nghèo đói. Sự nghèo túng cùng những gánh nặng kinh tế gia tăng do tình tình dịch bệnh là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình quyết định cho các em nghỉ học để đi làm. Hiện tại, vẫn chưa có những số liệu thực tế về tình trạng bỏ học ở Việt Nam do tác động của Covid-19 nhưng tại Ấn Độ, tình trạng bỏ học đã có xu hướng tăng cao [6] [7]. Bỏ học có thể dẫn tới gia tăng tỷ lệ tảo hôn, bạo hành, mang thai sớm và rất nhiều vấn đề phát triển khác [8].
Tăng nguy cơ tiếp xúc với ấn phẩm độc hại, bắt nạt qua mạng
Việc chuyển sang học trực tuyến làm gia tăng thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, theo đó có thể gia tăng tỷ lệ trẻ tiếp xúc với các nội dung xấu, độc hại (các nội dung liên quan tới bạo lực, tình dục,…) trên mạng, gia tăng tỷ lệ bắt nạt qua mạng [14]. Các em học sinh, đặc biệt là học sinh nhỏ tuổi có thể vô tình tập nhiễm các hành vi này thông qua việc tiếp xúc và quan sát các nội dung mạng. Một số nghiên cứu ở Việt Nam đã gợi ý mối liên hệ giữa việc quan sát các nội dung bạo lực trên mạng với hành vi bạo lực học đường ngoài đời [9, 10]. Việc đóng cửa trường học và các quy định giãn cách nghiêm ngặt khiến nhiều gia đình phải dùng tới mạng trực tuyến để giúp con trẻ học tập, giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài (bạn bè đồng trang lứa, trường lớp, các hội nhóm, CLB,…) nhưng không phải trẻ nào cũng có đầy đủ kiến thức, kĩ năng và nguồn lực để bảo vệ bản thân trên môi trường mạng [14].
Ngoài ra cũng có nghiên cứu online cho thấy việc dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử (bao gồm cả việc học online) có liên hệ với việc giảm sút thành tích học tập và cân bằng cảm xúc. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng có thể việc học online khiến các em khó tìm kiếm sự trợ giúp từ giáo viên hơn, thiếu động lực và sự tập trung trong quá trình học [11, 13, 15].
II. Lợi ích của việc học trực tuyến
Cơ hội làm quen sớm với công nghệ thông tin
Việc tiếp xúc với các sản phẩm điện tử và công nghệ có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng nếu được giám sát và hướng dẫn đúng cách, đây sẽ là cơ hội để trẻ sớm làm quen với một công cụ mạnh mẽ và không thể thiếu trong thời đại kỹ thuật số. Việc học online có thể giúp các em học cách sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử khác, tin học văn phòng và tương tác online an toàn. Đây đều là những kỹ năng cần thiết với các em sau này.
Giảm thời gian đi lại, chi phí học tập
Việc học online còn vô cùng thuận tiện, giúp giảm chi phí đi lại cho học sinh, cho phép những học sinh ở xa có thể học ở các trường thậm chí là ở nước ngoài và giảm gánh nặng về cơ sở vật chất cho khu vực đào tạo. Một lớp học online có thể tổ chức cho hàng trăm người học một lúc. Các khóa học online tiện lợi cho phép truy cập từ bất cứ đâu miễn là người học có khả năng kết nối vào mạng internet. Sự linh hoạt này có thể nói là điểm lợi khiến việc học online rất phù hợp với những học sinh bận rộn [16].
Có cơ hội tiếp cận phương pháp giảng dạy-học tập mới
Những giới hạn của phòng học trực tuyến buộc người dạy phải tìm ra nhiều cách giảng dạy mới, thú vị hơn để hấp dẫn sự tập trung chú ý của học sinh [14]. Những công cụ online với nhiều chức năng mới như filter, chia sẻ màn hình… có thể cung cấp những tài liệu học tập thú vị dưới dạng tranh ảnh, video, audio,… Người dạy có thể tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi mới lạ bằng các ứng dụng như Kahoot, Mentimeter… khiến hoạt động học của học sinh trở nên hấp dẫn, mới lạ hơn so với môi trường học tập truyền thống.
Những giới hạn của phòng học trực tuyến buộc người dạy phải tìm ra nhiều cách giảng dạy mới, thú vị hơn để hấp dẫn sự tập trung chú ý của học sinh [14]. Những công cụ online với nhiều chức năng mới như filter, chia sẻ màn hình… có thể cung cấp những tài liệu học tập thú vị dưới dạng tranh ảnh, video, audio,… Người dạy có thể tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi mới lạ bằng các ứng dụng như Kahoot, Mentimeter… khiến hoạt động học của học sinh trở nên hấp dẫn, mới lạ hơn so với môi trường học tập truyền thống.
Vậy cần làm gì để cùng trẻ vượt qua giai thay đổi bất ngờ này?
Sự phối hợp giữa Nhà trường, Thầy, Cô và gia đình
Trẻ học tại nhà càng cần sự ủng hộ và quan tâm từ cha mẹ, đặc biệt là những trẻ khuyết tật lại càng cần sự quan tâm đặc biệt trong thời kỳ nhạy cảm này, khi trẻ tiếp xúc nhiều hơn với không gian mạng [14]. Cha mẹ và nhà trường cần đồng hành trong việc hướng dẫn trẻ sử dụng các thiết bị điện tử và mạng internet một cách an toàn, thậm chí là sử dụng những phần mềm quản lý sử dụng internet và kiểm soát trình duyệt an toàn nếu cần thiết.
Cha mẹ và thầy cô cần chuẩn bị và cho các em thời gian làm quen với hình thức học trực tuyến. Ngoài ra, trong thời gian học, hai bên cũng cần khuyến khích động lực học tập và sự tự định hướng của học sinh bởi đây là yếu tố quyết định việc học trực tuyến có hiệu quả hay không [15].
Quan tâm tới sức khỏe tinh thần của giáo viên
Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị cần quan tâm tới sức khỏe tinh thần của giáo viên khi dạy trực tuyến [15]. Tuy chưa được chú trọng nhưng sức khỏe tinh thần của giáo viên không chỉ liên quan tới khả năng ứng phó với những tình huống tiêu cực mà còn ảnh hưởng tới sự hài lòng với công việc và việc xây dựng những mối quan hệ tích cực. Việc quan tâm tới sức khỏe tinh thần của giáo viên không chỉ giúp cải thiện chất lượng bài giảng mà còn tăng cường mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh [13].
Đảm bảo đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất cho người học
Các cơ quan, tổ chức và các ban ngành liên quan cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cung cấp mạng internet và các thiết bị điện tử để các em có thể truy cập vào lớp học online và tiến hành học tập.
Kết quả nghiên cứu quá trình học online của trẻ từ 4 – 5 tuổi cho thấy tỷ lệ giáo viên – học sinh trong lớp cũng quan trọng không kém [3]. Tác giả chỉ ra rằng lớp học online cho trẻ không nên quá đông bởi (1) khi trình bày, giáo viên không thể thấy hết màn hình của các em và (2) không thể chia các em thành nhóm nhỏ để các em tự hoạt động với nhau bởi trẻ vẫn chưa thể tự điều khiển các chức năng học online một cách thành thạo và giáo viên không thể giám sát các nhóm cùng lúc như môi trường học truyền thống [3].
Tác giả: Nguyễn Thu Trang
Tài liệu tham khảo
[1] Pokhrel, S., & Chhetri, R. (2021). A Literature Review on Impact of COVID-19 Pandemic on Teaching and Learning. Higher Education For The Future, 8(1), 133-141. doi: 10.1177/2347631120983481
[2] Hà Linh (2021). Thiếu trầm trọng thiết bị, học trực tuyến thế nào?.
[3] Kim, J. (2020). Learning and Teaching Online During Covid-19: Experiences of Student Teachers in an Early Childhood Education Practicum. International Journal Of Early Childhood, 52(2), 145-158. doi: 10.1007/s13158-020-00272-6
[4] Lê Hữu Việt (2021). Từ vụ trẻ 10 tuổi học trực tuyến bị điện giật tử vong, Cục trưởng Trẻ em nói gì?.
[5] Trương Thị Khánh Hà (2017). Giáo trình Tâm lý học phát triển. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
[6] Alvi, M., & Gupta, M. (2020). Learning in times of lockdown: how Covid-19 is affecting education and food security in India. Food Security, 12(4), 793-796. doi: 10.1007/s12571-020-01065-4
[7] Như Ý (2021). Covid-19 và sự gián đoạn của giáo dục toàn cầu.
[8] Birchall, J. (2018). Early marriage, pregnancy and girl child school dropout. K4D, Knowledge, Evidence, and Learning for Development.
[9] Đinh Anh Tuấn (2015). Bạo lực học đường trong học sinh trung học trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay: Thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng. Luận án tiến sĩ chuyên ngành Xã hội học.
[10] Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Thu Hà (2019). Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa các yếu tố môi trường xã hội với bạo lực học đường. Tạp chí Giáo dục, 448 (7), 26 - 31.
[11] Champeaux, H.; Mangiavacchi, L.; Marchetta, F.; Piccoli, L. (2020). Learning at Home: Distance Learning Solutions and Child Development during the COVID-19 Lockdown. Truy cập tại:
[12] Dong, C., Cao, S., & Li, H. (2020). Young children’s online learning during COVID-19 pandemic: Chinese parents’ beliefs and attitudes. Children And Youth Services Review, 118, 105 - 440. doi: 10.1016/j.childyouth.2020.105440
[13] Sintema, E. J. (2020 April 7). Effect of COVID-19 on the performance of grade 12 students: Implications for STEM education. EURASIA Journal of Mathematics, Science and Technology Education, 16(7).
[14] Pokhrel, S., & Chhetri, R. (2021). A Literature Review on Impact of COVID-19 Pandemic on Teaching and Learning. Higher Education For The Future, 8(1), 133-141. doi: 10.1177/2347631120983481
[15] Chiu, T., Lin, T., & Lonka, K. (2021). Motivating Online Learning: The Challenges of COVID-19 and Beyond. The Asia-Pacific Education Researcher, 30(3), 187-190. doi: 10.1007/s40299-021-00566-w
[16] Gilbert, B. (2015). Online Learning Revealing the Benefits and Challenges. Education Masters. Paper 303.
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Chẩn đoán ADHD đã thay đổi theo thời gianTin tức08/10/2024
- Khai giảng K65, trao QĐ công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đối với chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý giáo dụcTin tức30/09/2024
- Thông báo tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động năm 2024Tin tức26/09/2024
- Hiểu nhầm về chứng khó đọc khiến trẻ bị chẩn đoán saiTin tức08/09/2024
- Nghiên cứu quốc tế đã làm sáng tỏ lý do tại sao người tự kỷ tham gia vào các diễn đàn căm thùTin tức07/09/2024
- Thay vì tư vấn cặp đôi, chúng ta hãy dành ra một khoảng nghỉ trong 5 giâyTin tức05/09/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024