KHOA VĂN NGÀY ẤY...
PGS.TS. Đinh Trí Dũng
Tháng 6 năm 1981, tôi tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh sau bốn năm học tập. Hồi ấy, tốt nghiệp xong phần lớn sinh viên đều “Nam tiến”, tăng cường cho các trường Đại học, trung học phổ thông các tỉnh phía Nam đang rất thiếu giáo viên. Tin được giữ lại trường công tác đến khi tôi khi đang lăn lê bò toài tại một dãy đồi trọc ở xã Nghi Phương, nơi phần lớn nam sinh viên tốt nghiệp được cử đi huấn luyện sĩ quan dự bị. Người ký quyết định nhận tôi, thầy Hiệu trưởng Lê Hoài Nam tôi chưa một lần được tiếp xúc, còn phòng Tổ chức cán bộ của Trường tôi cũng chưa một lần đặt chân đến. Thế là sau khi nhận quân hàm thiếu úy sĩ quan dự bị, tôi trở thành giảng viên trẻ nhất của khoa Văn.
Ấn tượng đầu tiên ám ảnh tôi những năm 80 của thế kỷ trước là cái đói. Đói quay quắt, cơm là thứ hiếm, lương thực chủ yếu là sắn khô, bo bo (mỳ hạt). Lương tiêu chưa đủ một tuần là hết. Một vài giảng viên trong khoa đã xin về quê dạy phổ thông hoặc xin đi xuất khẩu lao động để cứu gia đình. Tôi được phân một căn phòng 6 mét vuông trong khu tập thể. Tôi còn nhớ như in hình ảnh thầy Trương Sinh suốt ngày chỉ bận chiếc quần xà lỏn, cởi trần vì không có áo may ô. Căn phòng của thầy Nguyễn Cảnh Phức phía dưới giường chất đầy củi, lá phi lao khô dùng làm chất đốt. Thầy thường nói với chúng tôi: “Nhiên liệu là tất cả những gì cháy được”. Căn phòng của thầy giáo trẻ Nguyễn Quang Vinh có rất nhiều nồi đất đưa ở quê ra để nấu khoai, sắn. (Sau đó mấy năm, khi anh trúng tuyển đi học Liên Xô, anh còn tặng lại tôi 2 chiếc nồi đất). Điện cũng là thứ hiếm, ba tối đèn dầu mới có một tối có điện. Cứ đến cuối buổi trưa, buổi chiều, dọc hành lang các căn nhà cấp bốn khu tập thể lại khói um khi các thầy bắt đầu nhóm bếp. Thỉnh thoảng có người về quê đưa lên mớ khoai, sắn luộc là anh em lại tập trung, chia sẻ phần quà ít ỏi.
Những ngày đói, khổ cũng là những ngày đầy ắp kỷ niệm về tình người, tình đồng nghiệp, tình thầy trò. Đầu tiên là thực hiện chủ trương của cấp trên “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Các thầy trong công đoàn khoa như thầy Chu Học Hiệu, Hoàng Nghĩa Quán… xoay xỏa lên Nghĩa Đàn mua sắn tươi, ra Quỳnh Lưu mua rau về cho anh em cải thiện. Những hôm tập trung đi nhà máy gỗ Bến Thủy mua mùn cưa làm chất đốt, đến căng tin trường chen chúc nhận lạc về bóc thật sự là những ngày hội vui vẻ của cán bộ toàn khoa. Bóc lạc tứa máu cả ngón tay, lại rỉ tai nhau nghĩ kế làm sao cho lạc ẩm đi để cân nặng hơn. Rồi rủ nhau quấn thuốc lá điếu đi nhập quán, ai khá hơn thì mua máy khâu may gia công. Rồi chủ trương đưa sinh viên khoa Văn lên các nông trường Nghĩa Đàn vừa kết hợp kiến tập, thực tập, vừa dựa vào các nông trường để có hỗ trợ thêm về lương thực. Các cán bộ trẻ là những người tiên phong đi cùng sinh viên. Tôi - anh chàng chưa vợ, nuôi không nổi mình - phải dẫn đầu đưa hơn 50 em sinh viên khóa 25 lên Nghĩa Đàn, vào làm cỏ chanh, cỏ cam cho các nông trường 1 tháng 5, Tây Hiếu. Khi đi phải mang theo cả cấp dưỡng cùng đủ thứ nồi niêu, xoong chảo. Các nông trường cũng thương sinh viên, hỗ trợ một phần lương thực, rau xanh, chất đốt, có hôm còn cho khá nhiều cá đánh ở hồ để bữa ăn thêm tươi. Nhưng lao động thì quá vất vả. Cỏ tốt lút đầu, cao hơn cả cam, chanh. Đất bazan chỉ cần một trận mưa nhỏ là dẻo quánh, kéo bật hết cả quai guốc, dép. Sinh viên không quen lao động, lại gặp thời tiết không thuận lợi, một số em ốm đau, riêng em Mai Hoa phải nhập viện Nghĩa Đàn điều trị. Thầy Hoàng Tiến Tựu chủ nhiệm khoa thấy tình hình không ổn, điều thầy Nguyễn Đình Ba lên tăng cường, cho xe của trường chở lương thực lên tiếp tế, chấm dứt việc lao động ở các nông trường và chuyển sinh viên sang các trường kiến tập. Chuyến đi miền Tây ấy được nhắc lại trong rưng rưng nỗi nhớ tại buổi kỷ niệm 30 năm ra trường của các lớp 25B Văn tổ chức rất xúc động năm 2018 tại Thành phố Vinh.
Rồi lại có chủ trương: phải phát huy thế mạnh khoa Ngữ văn là văn nghệ. Một đội văn nghệ mang tên Nguyễn Du gấp rút được thành lập. Chỉ đạo nghệ thuật là thầy Hoàng Tiến Tựu, Nguyễn Văn Lợi. Thành viên đội nòng cốt là các em sinh viên khóa 26 văn. Khóa này nhiều hoa khôi, lại nhiều giọng ca vàng. Biểu diễn trong trường thành công, thừa thắng xông lên, đội kéo ra sân khấu bờ hồ Goong. Buổi chiều đã có dán quảng cáo, bán vé hẳn hoi. Buổi tối, người đến xem khá đông vì cứ ngỡ đoàn nào trung ương mới về. Xem được một lúc, một số kẻ phát hiện ra ca sĩ toàn mấy đứa sinh viên trường Sư phạm Vinh. Thế là đất đá bay vèo lên sân khấu. Buổi biểu diễn tan. Cả đoàn lủi thủi ra về. Thầy Hoàng Tiến Tựu đến động viên: “vẫn may vì không em nào bị ném trúng đầu. Ta sẽ rút kinh nghiệm để hôm sau hát, múa hay hơn”.
Cũng rất ấn tượng với tôi là trong những ngày đói khổ cùng cực ấy, các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của khoa vẫn được duy trì nghiêm túc. Trong những buổi họp khoa, tôi và các cán bộ trẻ thường ngồi im một chỗ nghe các thầy tranh luận nảy lửa về học thuật. Thời ấy, các thầy không có nhiều chức danh, bằng cấp như bây giờ, nhưng thầy nào cũng sắc sảo, thẳng thắn, có chính kiến riêng trong khoa học. Thầy Hoàng Tiến Tựu vừa là trưởng khoa, cũng là chuyên gia hàng đầu về văn học dân gian, đang rất nổi tiếng về quan điểm tam phân: phân loại, phân kỳ, phân vùng văn học dân gian. Nói chuyện với thầy một lúc lại quay sang “tam phân”. Thầy dạy văn theo kiểu bình. Cao hứng, thầy có thể nói tròn buổi về câu ca dao “Con cò mà đi ăn đêm...”. Nào là “cò con” là cách nói khiêm nhường của con cò mẹ; nào là “cò con” là con cò mẹ đang nói về con của nó... Có khá nhiều giai thoại về cách quản lý khoa của thầy. Thầy có biệt tài thuyết phục. Có câu chuyện rằng: một anh sinh viên bị kỷ luật, phải sang Nghi Xuân lao động ba tháng, sau đó học lại với khóa sau. Anh ta lên gặp thầy. Thầy thuyết phục rằng anh có ba cái sướng. Thứ nhất, trải qua lao động, biết thêm nghề, được rèn luyện sức khỏe. Thứ hai, anh không mất bạn khóa cũ, lại có thêm các bạn khóa mới. Thứ ba, anh có thêm thời gian đọc lại sách vở... Anh sinh viên tươi cười xin về, vì thấy mình bị kỷ luật té ra sướng hơn hẳn bọn cùng lớp. Thầy Nguyễn Trung Hiếu sắc sảo, am hiểu sâu về văn học trung đại, văn học phương Tây. Thầy có kiểu dạy tưng tửng, rất tự nhiên như trò chuyện, nhưng đã nghe là lôi cuốn, không dứt ra được. Thầy đang thai nghén công trình “Về tính hệ thống của văn học” (theo như tôi được biết, thầy Hiếu là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu lý thuyết về vấn đề này). Những hôm rỗi rãi, mấy đứa trẻ chúng tôi thường lên nghe thầy trò chuyện văn thơ và xem thầy vẽ tranh (thầy có bộ tranh Truyện Kiều khá đẹp). Thầy Nguyễn Sĩ Cẩn uyên thâm, có cốt cách nhà nho, “giống một ông Nguyễn Trãi” (ý thơ Nguyễn Văn Hùng), rất tâm huyết với văn học Lý, Trần, Lê, đặc biệt rất mê thơ văn Nguyễn Trãi. Thầy Lê Bá Hán lúc nào cũng chỉn chu trong ăn mặc, trong hoạt động chuyên môn, những giờ dạy lý luận của thầy hấp dẫn bởi sự rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết. Căn phòng nhỏ ở khu Quang Trung của thầy cũng là nơi anh em trẻ thường qua lại, mượn tài liệu, trao đổi học thuật. Rồi thầy Ngô Xuân Anh dạy văn học Trung Quốc luôn hào hứng, dí dỏm, có lúc thầy đọc thơ như lên đồng… Các thầy rất gần gũi, chan hòa trong đời thường, nhưng khi tranh cãi chuyên môn cũng rất quyết liệt. Tôi còn nhớ nhiều vấn đề được đưa ra tranh luận: “Vì sao văn học Việt Nam phong phú thế, mà đề thi tốt nghiệp lúc nào cũng chỉ có văn học dân gian, cứ con cò, con cói, rồi lại Thạch Sanh, Tấm Cám?”; “Có phải có một chủ nghĩa hiện thực trong Truyện Kiều”?; “Ra trận, Máu và Hoa phải chăng là chặng đường phát triển mới của thơ Tố Hữu?”; “Phải chăng văn học 1945-1975 chỉ là văn học minh họa? v.v…Thỉnh thoảng lại rộ lên những vấn đề gay cấn, nhất thiết phải tranh luận. Tranh luận ở khoa, về tranh luận từng nhóm ở khu tập thể. Nào là Thạch Quỳ có bài thơ “Với con” đang bị kiểm điểm; nào là “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu đang bị xem xét; nào là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” của ông Hoàng Ngọc Hiến đang bị phê bình. Là những người đi trước, các thầy rất quan tâm bồi dưỡng cho các cán bộ trẻ. Giảng viên trẻ mới ở lại mỗi năm chỉ phải lên lớp vài chục giờ, còn lại là dự giờ, đưa sinh viên đi thực tế, kiến tập. Mỗi giờ dạy của chúng tôi có phân người hướng dẫn. Tôi được phân về tổ Văn học Việt Nam hiện đại do thầy Hồ Hồng Quang làm tổ trưởng, dạy phần văn học 1930-1945, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy Nguyễn Văn Lợi. Thầy Lợi xem tôi như người trong gia đình. Mỗi giờ tôi dạy, thầy góp ý thẳng thắn, chân tình. Chúng tôi còn được cử đi học sau đại học (thời ấy chưa gọi là thạc sĩ). Vào dạy lớp bồi dưỡng sau đại học những năm ấy có nhiều người nổi tiếng như GS. Phong Lê, GS. Trần Đình Sử... Khoảng đầu những năm 90, khi nền kinh tế đã bớt khó khăn, chúng tôi được Ban chủ nhiệm Khoa tạo điều kiện cho ra Hà Nội làm nghiên cứu sinh. Các thầy lại tư vấn cho về người hướng dẫn. Ra Hà Nội, chúng tôi vô cùng thuận lợi vì lại gặp các thầy đã từng công tác ở khoa Văn ĐHSP Vinh như thầy Nguyễn Đăng Mạnh, thầy Trần Đình Sử, thầy Phùng Văn Tửu, thầy Phan Thiều... Phan Huy Dũng làm luận án với thầy Trần Đình Sử, tôi làm với thầy Nguyễn Hoành Khung, Biện Minh Điền làm với thầy Nguyễn Đình Chú... Chúng tôi được tham gia các hội nghị khoa học cấp khoa, cấp trường, rồi sau đó một số năm cùng các thầy tham gia các hội thảo cấp vùng, cấp quốc gia: Hội thảo về phân vùng văn học dân gian, hội thảo về giảng dạy văn học trung đại, hội thảo về văn học hiện đại... Năm 1991, nhân 40 năm ngày mất Nam Cao, tôi có báo cáo đầu tiên trình bày ở hội thảo Quốc gia, các thầy cô trong tổ, trong khoa rất vui mừng, động viên tôi phải tiếp tục có những nghiên cứu mới. Nhiều ý kiến của các thầy hồi ấy, dù chỉ mới là gợi mở, đã giúp tôi rất nhiều trên con đường nghiên cứu khoa học sau này. Có nhiều câu nói của các thầy, nhiều năm sau tôi mới hiểu ra, mới thấm. Chẳng hạn, thầy Hiếu bảo tôi: “Dạy văn không phải là dụ cho học sinh khóc, dạy bài Tùng của Nguyễn Trãi mà học sinh khóc thì đại bịp”. Hay thầy Lê Bá Hán bảo tôi: “Cậu cứ muốn cái hợp lý thì tồn tại, còn Hêghen bảo: cái tồn tại là hợp lý”…
Khi chúng tôi lần lượt quay về Khoa thì cũng là lúc phải chia tay các thầy. Thầy Hoàng Tiến Tựu, thầy Nguyễn Văn Bồng trở về quê Thanh Hóa công tác. Thầy Nguyễn Trung Hiếu, thầy Ngô Xuân Anh, thầy Từ Đức Trịnh về hưu tại Vinh. Thầy Lê Bá Hán vào thành phố Hồ Chí Minh với con gái. Thầy Nguyễn Sĩ Cẩn theo các con ra Hà Nội... Một thế hệ vàng các thầy nay đều đã đi xa, về với thế giới người hiền: thầy Lê Hoài Nam, thầy Nguyễn Trung Hiếu, thầy Hoàng Tiến Tựu, thầy Ngô Xuân Anh, thầy Lê Bá Hán, thầy Nguyễn Sĩ Cẩn, thầy Từ Đức Trịnh…Mỗi thầy trong tôi là một khoảng trời ấm áp. Cho đến những phút cuối đời, các thầy vẫn đau đáu về khoa Ngữ văn, về sự trưởng thành, đi lên của nó. Tôi còn nhớ như in cái buổi tiếp nhận tủ sách mà gia đình thầy Ngô Xuân Anh hiến tặng lại toàn bộ cho khoa Ngữ văn – từng cuốn sách được bọc bìa cẩn thận bằng giấy xi măng. Rồi lần cuối cùng được gặp thầy Hoàng Tiến Tựu. Thầy ốm nặng, nằm trên giường, giơ một bàn tay ra bắt tay chúng tôi. Thầy nhắc lại những ngày vất vả ở nơi sơ tán Thạch Thành. Thầy bảo: “Sương gió Thạch Thành giờ mới ngấm” (thầy bảo hồi ở Thạch Thành thầy đã bị viêm gan). Rồi những ngày cả tổ thay phiên nhau trực bên cạnh giường thầy Hiếu khi thầy ốm nặng. Rồi chuyến cuối cùng ra thăm thầy Lê Bá Hán tại Hà Nội cùng anh Biện Minh Điền. Thầy nửa ngồi nửa nằm trên chiếc ghế gỗ tựa lưng, gầy gò, mệt mỏi, nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui khi gặp lại chúng tôi. Thầy nắm tay tôi: “Mình suốt đời gắn bó với Khoa Văn. Nay có nguyện vọng cuối cùng, muốn được cậu vừa là học trò của mình, của Khoa Văn, vừa là cháu viết cho bài điếu văn”. Tôi ngậm ngùi: “Sao thầy lo xa thế”. Thầy bảo: “Lo dần đi là vừa”. Không ngờ câu nói đó lại trở thành sự thật. Tôi là người viết điếu văn cho thầy, vừa viết vừa rơi nước mắt, gửi ra Hà Nội để nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đọc trong đám tang của Thầy. Các thầy đi xa, nhưng để lại những khoảng trời thương nhớ, những khoảng trời luôn ấm áp, trong trẻo trong tôi, và trong ký ức của nhiều thế hệ học trò Khoa Văn ngày ấy.
Vinh, cuối tháng 8 năm 2019
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Giảng viên khoa Ngữ văn tham gia Hội thi Giảng viên dạy giỏi Trường Đại học VinhNghiên cứu05/05/2024
- Văn học so sánh – hướng nghiên cứu nhiều tiềm năngNghiên cứu09/12/2023
- Hoạt động dự giờ hưởng ứng Tháng Rèn luyện Nghiệp vụ sư phạmNghiên cứu30/11/2023
- Sinh viên khoa Ngữ văn đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học và Công nghệ năm 2023Nghiên cứu13/11/2023
- Giảng viên khoa Ngữ văn tích cực xuất bản giáo trình, phục vụ hoạt động dạy họcNghiên cứu28/10/2023
- Sinh hoạt chuyên môn: Trao đổi thêm về Chương trình và Sách giáo khoa Ngữ vănNghiên cứu18/09/2023
- Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viênNghiên cứu18/04/2023
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024
- ĐẠI HỘI ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG SƯ PHẠM THÀNH CÔNG TỐT ĐẸPĐoàn thanh niên31/10/2024
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024