THẦY... CHƠI CHỮ
PGS.TS. Phan Mậu Cảnh
Trường ĐHSP Vinh, khoa Văn. Những năm 90.
Thời đó, phần đa cán bộ độc thân, một số người hơi lớn tuổi thì có vợ con, có nhà đông "nhân khẩu", thường là nhà ở quê. Mỗi người được phân một phòng nhỏ, phía trước thềm có bể chứa nước được ghép 5 viên ngói xi măng. Có cán bộ đưa con đến cùng "để đỡ cho bà xã ở quê". Nhiều thầy vừa lo dạy vừa xoay xở làm thêm để phụ giúp cả nhà (nuôi lợn, bóc lạc, may vá...). Nghèo nhưng an bần lạc đạo, tình người, tình thầy trò thật giản dị, thân ái. Một thời bầu bạn đông vui. Ăn "sư" ở "phạm" vẫn cười vô tư.
Các khoa của trường nói chung, khoa Ngữ văn nói riêng từ lâu đã có thương hiệu uy tín đào tạo giáo viên cho cả nước. Sinh ra, lập nghiệp và trui rèn ở vùng đất nổi danh "ông đồ Nghệ", thầy cô nào cũng có tay nghề chắc, dạy giỏi, chữ nghĩa bề bề. Mỗi người một cá tính, phong thái, cách sống. Rất đa dạng. Ở tập thể nên cái gì cũng có thể thành "chuyện". Thôi thì đủ. Kể đến khuya chưa hết.
(Gọi là "chuyện" thực ra là những mẩu về thời cuộc, nghề nghiệp, yêu đương, có khi là về thói quen, cử chỉ, ứng xử của một ai đó. Có khi là thật, có khi bịa thêm; nghiêm túc, cảm động có, tếu táo vui đùa có mà giai thoại cũng có; cả thanh và tục; có người một chuyện, có người có cả một series. "Cơ bản"do mấy anh em hay ngồi với nhau (như thầy: Quang, Tùng, Dinh, Tri, có thêm Nguyễn Long nhà thơ và v.v) lúc trà dư tửu hậu tán vui, "lưu hành nội bộ", không ác ý hay xúc phạm ai, cười xòa vui vẻ. Từ thầy Tựu, thầy Hiếu đến sau này: thầy Du, thầy Đức, thầy Bản, thầy Quang, thầy Lợi, thầy Tùng, thầy Dinh, thầy Minh và nhiều thầy cô khác... Họ thuộc lớp những người thầy khả kính, thế hệ vàng; họ còn là những người humor hài hước, là người kể hay chính là "nhân vật" trong các chuyện kể...).
Đây nói về thầy giáo dạy Hán Nôm (môn sêm sêm ngôn ngữ học, SV xếp vào 3 "khờ": khô khổ khó). Nhiều hôm, gặp thầy như đang cắm cúi tìm gì; hỏi, thầy bảo mình kiếm củi nấu ăn. Làm gì có củi mà bác tìm? (Hồi ấy, củi, mùn cưa, trấu là hàng hiếm không phải ai cũng mua được). Đáp: Củi là bất cứ thứ gì cháy được: lá phi lao, giấy loại, chổi cùn, chiếu rách... đại khái thế, cậu à. Thầy cười hóm.
Ấn tượng về thầy là phản xạ nhanh về ngôn từ. Trong lúc tếu táo, thầy hay "chiết tự" tiếng trong từ láy hay ghép rồi "liên hệ" một nghĩa có lý, tếu vui. Tưng tửng mà tự nhiên. Đi chợ về, thầy bảo: đúng là chợ búa, giá cả như "búa" đánh vào người mua. Có người kể gia cảnh túng thiếu, thiếu thốn đủ mọi thứ, thầy cười và "đốp" ngay: túng là do thiếu, túng thì phải tính, còn thiếu thì phải "thốn" (bớt, tiết kiệm), có gì đâu. Nhắc đến tiền bạc, thầy bẩu tiền là "bạc" (bạc bẽo) tiền "tệ" (tệ bạc) mà. Bọn mình nghèo nhưng nhàn, không lo "tiền nong" (nong: ý là tiền cả nong, nhiều) nên "Ăn ruốc cáy ngáy khò khò, ăn thịt bò lo cạy cạy". Sướng.
Có hôm trời lạnh, thầy mặc áo bông, hỏi: bác đi đâu. Lạnh thì phải "lùng" thôi, còn muốn ấm thì phải "áp" (ấm áp), cậu à. Có hôm gặp mấy SV nữ vừa học giờ thầy đi về cứ cười khúc khích, hỏi: các em cười gì. Đáp: thày giáo bẩu, người nào mà xấu thì "xa", còn xinh thì ai cũng muốn "xắn" (tán, gần) một tí. hihi.
Một hôm, thầy đang hí húi nấu nước, thấy tôi đi qua, bảo: Cậu vào đây uống trà. Tôi đùa: Ngại phiền phức đến bác. Thầy: Ôi dào, Phức đã mời sao lại sợ phiền Phức! (Cười). Mấy lâu mình viết bài về dạy từ Hán Việt cho học sinh, có bài được đăng trên tạp chí Trung ương đấy. Các cậu đừng nghĩ mình chỉ thợ dạy đâu nha. Oách không! Thầy cười khoái chí khi bài viết được đăng và có người hưởng ứng.
Cậu đọc xem. Mình khoe với cậu bài mới, chứ đâu phải khoe khoang, "khoang" là cái gì mà phải khoe. Tôi bảo: Thầy đang chơi chữ đấy. Cậu nói mình "chơi chữ"? Tiếng Việt, tiếng Nghệ mình nó hay lắm, chớ nghĩ nó khô khổ khó. Mà này, tớ chơi chữ chứ có chơi bài bạc, lô đề hay gái gú gì đâu, được quá đi hè. Cười.
*
Gom góp điểm xuyết các mẩu "ký ức vụn" về một người thầy bình dị, không danh vị, một đời thầm lặng chèo đò, cần mẫn khó nhọc cày ải trên cánh đồng văn chương chữ nghĩa. Và để nhớ về một thế hệ tâm huyết với nghề, vất vả mưu sinh, chống vượt qua thời gian khổ. Họ trùng điệp, làm tròn xong danh phận lại là hạt bụi hòa tan vào hư vô. Nhưng chính họ đã làm sáng danh xưng nghề giáo, đã hợp sức làm nên "Nôi Hồng" khoa Văn một thời không thể nào quên.
Nay nhiều thầy cô thế hệ đó "ngồi tựa mạn cây" (休) tỉ phú (thời gian). Nhiều người đã rời cõi tạm, thầy Phức đã đi xa hơn nửa giáp.
"Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ"...
- Giảng viên khoa Ngữ văn tham gia Hội thi Giảng viên dạy giỏi Trường Đại học VinhNghiên cứu05/05/2024
- Văn học so sánh – hướng nghiên cứu nhiều tiềm năngNghiên cứu09/12/2023
- Hoạt động dự giờ hưởng ứng Tháng Rèn luyện Nghiệp vụ sư phạmNghiên cứu30/11/2023
- Sinh viên khoa Ngữ văn đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học và Công nghệ năm 2023Nghiên cứu13/11/2023
- Giảng viên khoa Ngữ văn tích cực xuất bản giáo trình, phục vụ hoạt động dạy họcNghiên cứu28/10/2023
- Sinh hoạt chuyên môn: Trao đổi thêm về Chương trình và Sách giáo khoa Ngữ vănNghiên cứu18/09/2023
- Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viênNghiên cứu18/04/2023
- Nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Oanh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Lí luận văn họcNghiên cứu27/12/2022
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024
- ĐẠI HỘI ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG SƯ PHẠM THÀNH CÔNG TỐT ĐẸPĐoàn thanh niên31/10/2024
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Kế hoạch xét chọn giải thưởng và Hội nghị SV NCKH Trường Sư phạm năm học 2024-2025Nghiên cứu21/10/2024
- Tổ chức cuộc thi Thiết kế bài giảng e-Learning cho sinh viên Sư phạm năm học 2024 - 2025Tin tức21/10/2024
- Lịch sử và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam - 20/10Tin tức16/10/2024
- SINH VIÊN TRƯỜNG SƯ PHẠM ĐẠT GIẢI NHÌ CUỘC THI OLYMPIC TIẾNG ANH HỌC SINH, SINH VIÊN TỈNH NGHỆ AN NĂM HỌC 2023 - 2024Đoàn thanh niên09/10/2024