Tình trạng thiếu giáo viên: Tắc đầu vào, nghẽn đầu ra
Đầu vào, địa phương không đặt hàng đào tạo, trường sư phạm muốn đào tạo nhưng không được giao chỉ tiêu; đầu ra, địa phương không có chỉ tiêu tuyển dụng do yêu cầu giảm biên chế. Hai điểm nghẽn này đã bóp chặt một chính sách nhân văn trong giáo dục là thu hút người giỏi đến với sư phạm, giáo viên yên tâm sống với nghề.
Một chính sách rất nhân văn khi thí sinh lựa chọn học sư phạm được miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí lại đang tắc nghẽn vì… thiếu tiền và trách nhiệm nửa vời từ địa phương. Nghị định 116 ban hành năm 2020 của Chính phủ đang có nhiều dấu hỏi đặt ra để giải quyết bài toán đầu vào của nhóm ngành sư phạm.
Tắc đặt hàng
Theo Nghị định 116, SV sư phạm nếu cam kết làm trong ngành giáo dục sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí và nhận 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Kinh phí này được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại địa phương. Các trường đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm.
Báo cáo mới đây nhất của Bộ GD&ĐT cho thấy, số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên chỉ chiếm 23/63 tỉnh, thành phố.
“Như vậy, có thể nói phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai ở mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116”, báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu rõ.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết có 6 cơ sở đào tạo giáo viên đã được các địa phương sở tại, lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ. Trong đó có 2 trường trọng điểm là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ với 13 chỉ tiêu; Trường ĐH Sư phạm TPHCM với 51 chỉ tiêu, một tỷ lệ quá nhỏ so với nhu cầu xã hội.
Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện và chi trả kinh phí đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc gây mất công bằng giữa các địa phương với nhau.
Ghi nhận cho thấy, vừa qua, sinh viên sư phạm một số trường đã phải kêu cứu vì không nhận được sinh hoạt phí trong đó có Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang.
Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang, ông Nguyễn Trung Triều thừa nhận, sinh viên khóa 2021 (387 sinh viên) của trường này được nhận sinh hoạt phí đến hết tháng 11/2022, còn thiếu từ tháng 12/2022 đến kết thúc năm học (6 tháng). Khóa 2022 (293 sinh viên), sinh viên được nhận khoản tiền trên đến hết tháng 2/2023, còn thiếu 4 tháng. Nguyên nhân của việc trả chậm sinh hoạt phí này là do trường được cấp kinh phí chậm.
Ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào
Việc chậm cấp kinh phí đào tạo giáo viên còn ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Sát ngày hết hạn đăng ký nguyện vọng (ngày 30/7), Trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa thông báo cho thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành sư phạm của trường điều chỉnh nguyện vọng sang ngành khác hoặc trường khác với lý do chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao chỉ tiêu đào tạo.
Ngày 1/8, UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ, chỉ tiêu đào tạo giáo viên sư phạm cho Trường ĐH Hồng Đức và Trường ĐH Văn hóa - Thể thao - Du lịch với tổng số lượng là 200 chỉ tiêu. Con số này quá ít so với số lượng hàng nghìn hồ sơ thí sinh đăng ký trước đó.
Trong khi đó, số lượng giáo viên của tỉnh Thanh Hóa đang thiếu khoảng 10.000 người. Tìm hiểu cho thấy năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo để thực hiện Nghị định 116. Tổng số sinh viên được tuyển theo nghị định năm 2021 là 1.412 cho 2 cơ sở đào tạo trên. Tổng số kinh phí cần có cho học kỳ I/2021 là 24,3 tỷ đồng.
Năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ra quyết định giao nhiệm vụ cho 2 trường nói trên là 1.533 chỉ tiêu với kinh phí cần có cho cả năm học 2021 - 2022 khoảng trên 87 tỷ đồng.
Năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa dự toán giao nhiệm vụ tuyển sinh chỉ bằng năm 2022. Theo đó, số kinh phí cộng dồn của cả năm 2021, 2022 chưa được bố trí và học kỳ I/2023 sẽ lên đến gần 166,5 tỷ đồng. Nhưng điểm “nghẽn” ở chỗ số tiền đầu tư đào tạo giáo viên lại chưa rõ nguồn chi trả.
Từ năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính đề xuất bố trí kinh phí cấp bù cho các năm 2021, 2022 và cho năm 2023 nhưng vẫn không có câu trả lời từ Bộ Tài chính. Đấy còn chưa kể nếu sinh viên tốt nghiệp không làm giáo viên theo quy định thì việc thu hồi kinh phí bồi hoàn cũng rất mịt mờ. Đó là lý do tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục thực hiện Nghị định 116 nhưng năm nay bị siết chỉ tiêu chỉ bằng chưa đến 1/70 so với dự toán ban đầu. Cũng vì điểm nghẽn này mà nhiều địa phương không dám triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên.
Theo số liệu năm 2021, Bộ GD&ĐT giao trên 50 nghìn chỉ tiêu ngành sư phạm cho các cơ sở đào tạo. Số thí sinh trúng tuyển và nhập học đạt tới trên 85% so với chỉ tiêu được giao. So với các năm trước, số thí sinh theo học sư phạm và điểm chuẩn tăng mạnh.
Tuy nhiên, cơ chế đấu thầu chưa được triển khai cộng với việc chậm trả sinh hoạt phí nên năm 2022 Bộ GD&ĐT giao trên 37 nghìn chỉ tiêu đào tạo giáo viên và có tới gần 82.000 thí sinh đăng ký nhưng số trúng tuyển nhập học chỉ đạt 70% chỉ tiêu.
Sự sụt giảm đáng kể số lượng này so với năm trước đó cho thấy những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện năm 2021 đã tác động tới tình hình tuyển sinh 2022.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết năm 2022 hiệu ứng của Nghị định 116 đối với các trường đào tạo sư phạm vẫn tốt. Năm nay, mặt chung vẫn có tác động nhưng khi tiếp cận với thí sinh thì thấy các em có băn khoăn trước những vấn đề liên quan đến kinh phí. Vì vậy mong muốn trước mắt của nhà trường là đủ tài chính cho sinh viên theo học. “Gốc rễ của vấn đề khi thực hiện Nghị định 116 hiện nay là phối hợp giữa địa phương và cơ sở đào tạo phải có sự gắn kết mật thiết. Nếu chỉ một vế nỗ lực làm thì không bao giờ thực hiện được. Cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt thì mới tháo gỡ được những điểm nghẽn hiện nay”, ông Minh nói.
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Chẩn đoán ADHD đã thay đổi theo thời gianTin tức08/10/2024
- Khai giảng K65, trao QĐ công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đối với chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý giáo dụcTin tức30/09/2024
- Thông báo tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động năm 2024Tin tức26/09/2024
- Hiểu nhầm về chứng khó đọc khiến trẻ bị chẩn đoán saiTin tức08/09/2024
- Nghiên cứu quốc tế đã làm sáng tỏ lý do tại sao người tự kỷ tham gia vào các diễn đàn căm thùTin tức07/09/2024
- Thay vì tư vấn cặp đôi, chúng ta hãy dành ra một khoảng nghỉ trong 5 giâyTin tức05/09/2024
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024
- CHÚC MỪNG CÔ THÁI THỊ ĐÀO ĐÃ BẢO VỆ THÀNH CÔNG LUẬN ÁN TIẾN SỸTin tức10/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024