Truyền thống 54 năm xây dựng và phát triển của Khoa Lịch sử, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh (1968 - 2022)
Trường Đại học Vinh mà tiền thân là Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh được thành lập theo Quyết định Ngày 16/7/1959, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký Nghị định số 375/NQ. Sau đó ba năm, Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh được Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký quyết định số 637/QĐ ngày 29/2/1962, chuyển thành Trường Đại học Sư phạm Vinh.
Tháng 8/1968, theo Quyết định của Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT), khoa Lịch sử - Địa lý Trường Đại học Sư phạm Vinh được thành lập gồm bộ môn Lịch sử Việt Nam và bộ môn Lịch sử thế giới.
Tháng 9/1969, Trường quyết định tách cán bộ giảng dạy và sinh viên ngành Địa lý. Theo đó, khoa Lịch sử - Địa lý được đổi tên thành khoa Lịch sử cho đến nay (năm 2018). Đến năm 1993, Bộ GD&ĐTcho phép Trường Đại học Sư phạm Vinh đào tạo Cao học Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.
Từ năm 1996, được sự nhất trí của Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Vinh, khoa Lịch sử đã liên kết với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) mở các lớp đào tạo Cử nhân Văn thư Lưu trữ, Cử nhân Du lịch học (Khóa 36), Cử nhân Thông tin - Thư viện và Cử nhân Khoa học Lịch sử (Khóa 38). Ngày 25/4/2001, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Sư phạm Vinh được đổi tên thành Trường Đại học Vinh. Khoa Lịch sử cùng Trường Đại học Sư phạm Vinh chuyển từ đào tạo đơn ngành (Sư phạm) sang đào tạo đa ngành đáp ứng nhu cầu xã hội. Khoa bắt đầu đào tạo hệ Cử nhân Khoa học Lịch sử chính qui và tại chức tập trung.
Năm 2000, Bộ GD&ĐT cho phép Trường Đại học Vinh mở mã ngành đào tạo Cao học Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Thế giới; năm 2008 mở mã ngành đào tạo Cao học Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử. Như vậy, đến năm 2008, về đào tạo Sau đại học, khoa Lịch sử đã có đầy đủ các mã ngành Cao học: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới, Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử.
Năm 2011, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh đào tạo Tiến sĩ hai chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận hiện đại và Lịch sử thế giới cận hiện đại. Năm 2013, Khoa mở thêm mã ngành đào tạo Cử nhân Quản lý văn hóa. Như vậy, tính đến thời điểm năm 2014, hệ thống đào tạo Đại học và Sau đại học của Khoa đã khá hoàn chỉnh. Về đào tạo bậc Đại học có các ngành: Sư phạm Lịch sử, Cử nhân Khoa học Lịch sử, Việt Nam học (Chuyên ngành Du lịch), Công tác xã hội và Quản lý văn hóa. Về đào tạo bậc Sau đại học, Cao học Thạc sĩ có ba chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới và Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử; Nghiên cứu sinh Tiến sĩ có hai chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam cận hiện đại và Lịch sử thế giới cận hiện đại. Điều đáng chú ý là, đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu của Khoa đều làm chủ chương trình, biên soạn tài liệu, giáo trình và đảm trách nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo cho tất cả các ngành từ bậc Đại học đến bậc Sau đại học.
Về đào tạo đại học, trong năm học 2007 - 2008, khoa Lịch sử mở thêm 2 mã ngành đào tạo mới là Việt Nam học (Chuyên ngành Du lịch) và Công tác xã hội với số lượng sinh viên ngày càng đông.
Ngoài đào tạo đại học chính quy tại Trường, Khoa Lịch sử còn đào tạo hệ vừa làm vừa học các ngành: Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Văn - Sử, Công tác xã hội, Quản lý văn hoá... trải dài trên địa bàn các tỉnh: Điện Biên, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đắc Lăk... Ở bậc đào tạo Sau đại học, Khoa Lịch sử đã đào tạo cao học thạc sĩ tại Thanh Hoá, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp.
Tháng 6/2018, thực hiện đề án tái cấu trúc Nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, Viện Sư phạm Xã hội được thành lập theo Quyết định số 510/QĐ-ĐHV, ngày 20/6/2018 của Hiệu trưởng trường Đại học Vinh trên cơ sở sáp nhập 09 bộ môn của 4 khoa: Khoa Sư phạm Ngữ văn (3 bộ môn), khoa Lịch sử (3 bộ môn), khoa Địa lí – Quản lí tài nguyên (2 bộ môn), khoa Giáo dục Chính trị (01 bộ môn).
Đến ngày 21/7/2021, Hội đồng trường Trường Đại học Vinh đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐT về việc thành lập Trường Sư phạm thuộc Trường Đại học Vinh trên cơ sở sáp nhập, tổ chức lại Viện Sư phạm Tự nhiên, Viện Sư phạm xã hội, Khoa Giáo dục và Trung tâm Bồi dưỡng NVSP. Theo đó, Khoa Lịch sử cùng 11 khoa sư phạm khác chính thức được tái lập.
Nhìn lại chặng đường 54 năm xây dựng và trưởng thành (1968 - 2022), cán bộ, giảng viên và các thế hệ sinh viên có quyền tự hào về những thành quả đạt được qua bao gian lao, thử thách. Từ một khoa ra đời trong điều kiện chiến tranh ác liệt, bằng sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ thầy trò, đã đưa khoa Lịch sử lên vị trí xứng đáng trên bản đồ đào tạo Đại học nước nhà, đóng góp to lớn vào sự phát triển của Trường Đại học Vinh và góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho khu vực Bắc Miền Trung và cho cả nước.
Trong hơn 54 năm xây dựng và phát triển, khoa Lịch sử đã đào tạo, bồi dưỡng cho đã đào tạo hơn 18000 cử nhân SPLS và 6000 cử nhân khoa học Lịch sử; hơn 900 thạc sĩ Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới, Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử; 50 Tiến sĩ Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới. Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước phù hợp với với chức năng, nhiệm vụ của Trường và gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hiện nay, Khoa Lịch sử đang đào tạo 80 SV ngành SPLS, 52 học viên cao học của chuyên ngành Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam, 10 NCS của chuyên ngành Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam.
Cùng với hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội của Khoa/Viện cũng được chú ý phát triển. Khoa/Viện đã tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học; xuất bản hơn 20 giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo; công bố hơn 1000 bài báo trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước (trong đó có 06 bài báo thuộc danh mục ISI, Scopus). Các cán bộ của Khoa/Viện đã chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ và cấp trường.
Đội ngũ cán bộ của Khoa/Viện không ngừng được bổ sung về số lượng, số cán bộ có học hàm, học vị ngày càng lớn. Nhiều cán bộ hiện nay đang giữ các chức vụ chủ chốt của trường. Quy mô và hình thức đào tạo của Khoa/Viện ngày càng mở rộng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao trên địa bàn.
Những thành tựu to lớn mà khoa Lịch sử đạt được trong 54 năm qua là nhờ sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, Đảng bộ bộ phận, Ban Chủ nhiệm khoa, sự đóng góp hết sức mình của các thế hệ thầy trò, cán bộ viên chức khoa Lịch sử. Khái quát lại, những thành tựu chủ yếu của khoa Lịch sử trong nửa thế kỷ qua là:
Thứ nhất, các thế hệ thầy trò khoa Lịch sử đã tạo dựng được một truyền thống tốt đẹp, mang đậm bản sắc của Khoa. Đó là không khí dân chủ, đoàn kết, tương thân tương ái giữa các thành viên trong Khoa. Đó là quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các thế hệ giảng viên vừa cởi mở, thân mật, vừa “có trên có dưới”, “thầy ra thầy, trò ra trò”. Tình cảm thầy trò, nhất là đối với các thế hệ thầy giáo lão thành được cán bộ, viên chức toàn Trường Đại học Vinh ghi nhận và noi theo.
Hai là, Khoa đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ giảng dạy đông về số lượng; mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ; vững vàng về tư tưởng, chính trị; trong sáng về phẩm chất, đạo đức. Từ một Khoa có số lượng cán bộ giảng dạy ít ỏi, 100% cán bộ chỉ đạt đến trình độ Đại học, sau 53 năm đào tạo, bồi dưỡng, đến năm 2022, khoa Lịch sử đã có một đội ngũ cán bộ giảng dạy với 92,3% đạt trình độ Tiến sĩ(12/13), 92,3% cán bộ giảng dạy là Giảng viên chính, giảng viên cao cấp (12/13%). Ngoài ra, Khoa còn có đội ngũ 7 cán bộ quản lý trong trường có trình độ Tiến sĩ Lịch sử trở lên tham gia giảng dạy. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa có năng lực và kinh nghiệm về xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, giáo trình, trực tiếp giảng dạy đào tạo bậc Đại học và Sau đại học, chủ trì và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ.v.v... Những năm gần đây, nhiều cán bộ giảng dạy, nhất là cán bộ giảng dạy trẻ đang tiếp cận trình độ khu vực trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.
Ba là, khoa Lịch sử đã đào tạo và cung cấp một số lượng lớn nguồn nhân lực có trình độ cao cho các tỉnh khu vực Bắc Miền Trung và cho cả nước. Trong 50 năm qua, hàng ngàn giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, môn Địa lý, giảng dạy hai môn Văn - Sử, Sử - Chính trị do Khoa đào tạo và góp phần đào tạo đã công tác tại các trường phổ thông từ Bắc chí Nam. Trong khoảng 25 năm lại đây, hàng trăm Cử nhân các ngành Văn thư Lưu trữ, Du lịch học, Thông tin - Thư viện, Cử nhân Khoa học Lịch sử, Công tác xã hội, Việt Nam học (Chuyên ngành Du lịch), Quản lý văn hóa ra trường và đang hăng say làm việc trên các lĩnh vực chuyên ngành. Cũng trong khoảng 25 năm lại đây, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 86 cựu sinh viên, học viên đạt trình độ Tiến sĩ, hàng trăm Thạc sĩ do Khoa đào tạo đang nỗ lực đóng góp trí tuệ và sức lực của mình trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều cựu sinh viên, học viên của Khoa nhanh chóng trưởng thành, đã và đang giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước ta từ trung ương đến địa phương; trong hệ thống giáo dục (Giám đốc Sở, Ban Giám hiệu các Trường phổ thông; Ban Chủ nhiệm, Giảng viên chủ chốt các khoa đào tạo của các trường đại học; giáo viên dẫn dắt chuyên môn…); trong tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, trở thành niềm tự hào của các thế hệ thầy trò khoa Lịch sử.
Bốn là, công tác nghiên cứu khoa học ngày càng được đẩy mạnh và nâng cao dần về chất lượng, trực tiếp phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng dạy tập trung vào các mảng chủ yếu sau đây: Nghiên cứu, biên soạn các tài liệu, giáo trình phục vụ công tác đào tạo. Tính đến nay (năm 2022), cán bộ giảng dạy của Khoa đã biên soạn và tham gia biên soạn 54 giáo trình. Viết và đăng tải các bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Tạp chí Khoa học (Trường Đại học Vinh)... Theo thống kê chưa đầy đủ, cán bộ giảng dạy của Khoa đã đăng tải gần 1.500 bài báo khoa học trên các tạp chí khác nhau. Tổ chức các Hội thảo khoa học nhằm trao đổi những vấn đề học thuật và kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo. Cán bộ giảng dạy của Khoa tích cực đăng ký và thực hiện các đề tài cấp Trường, cấp Bộ, tham gia các đề tài cấp Nhà nước. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng dạy, Khoa còn chú trọng đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Năm là, tổ chức tốt các hoạt động mang nét đặc thù của khoa Lịch sử như: Công xã Pari (18/3), Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), Ngày giải phóng miền Nam (30/4), Lễ kỷ niệm Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9), Cách mạng tháng Mười Nga (7/11), ... Qua hoạt động này, sinh viên vừa được mở rộng, nâng cao kiến thức lịch sử vừa được giáo dục tư tưởng, tình cảm đúng đắn và hình thành một số kỹ năng cần thiết trong tổ chức các sinh hoạt tập thể.
Sáu là, đi đôi với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo, Khoa còn quan tâm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức. Khoa có nhiều cố gắng để tăng nguồn quĩ và thực hiện tốt việc quản lý việc thu - chi công bằng, hợp lý. Trong nhiều năm, Khoa đã tổ chức cho cán bộ, viên chức đi tham quan Vịnh Hạ Long, Côn Sơn, Yên Tử, Sa Pa, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Cần Thơ, Hà Tiên, Phú Quốc... kể cả tham quan nước ngoài như Lào, Trung Quốc, Malaysia, Singapore...
Bảy là, tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước. Khoa Lịch sử có mối quan hệ gần gũi với tất cả khoa Lịch sử của các trường đại học, nhất là đối với khoa Lịch sử các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Sài Gòn... Các viện nghiên cứu như Viện Sử học, Nghiên cứu Đông Nam Á, Khảo cổ học, Dân tộc học... (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) từ lâu đã trở thành đối tác thường xuyên của Khoa trong nghiên cứu khoa học và đào tạo. Hầu hết cán bộ giảng dạy trong Khoa đều là hội viên của các tổ chức nghề nghiệp như Hội Sử học Việt Nam, Hội Giáo dục lịch sử và có đóng góp tích cực cho sự lớn mạnh của các tổ chức này.
54 năm – một chặng đường, khoa Lịch sử tiếp tục phấn đấu vươn lên tầm cao mới của sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học, đóng góp to lớn vào sự phát triển của Trường Đại học Vinh anh hùng. Kết quả hoạt động và thành tích của Khoa trong 53 năm được ghi nhận bằng các danh hiệu và phần thưởng cao quý: Huân Chương Lao động hạng 3; Bằng khen Bộ GD&ĐT nhiều năm; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An...
Bài viết: TC
- TẬP HUẤN "NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG VIỆC CỦA GIẢNG VIÊN SƯ PHẠM BẰNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) VÀ CÁC HỆ SINH THÁI SỐ"Tin tức - Sự kiện13/01/2025
- Trao đổi một số vấn đề về Chương trình phổ thông 2018Tin tức - Sự kiện10/01/2025
- [HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRƯỜNG SƯ PHẠM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH NĂM 2024]Tin tức - Sự kiện23/12/2024
- Chào mừng 42 năm ngày nhà giáo Việt NamHoạt động sinh viên20/11/2024
- Buổi đánh giá luận văn, đồ án Thạc sĩ khoá 30 (2022-2024) đợt 1 ngành Giáo dục học (Giáo dục Tiểu học) thành công tốt đẹpTin tức - Sự kiện01/11/2024
- Đại hội Lớp - Chi đoàn - Chi hộiTin tức - Sự kiện07/10/2024
- Tọa đàm: Sinh viên Sư phạm với chương trình Giáo dục phổ thông 2018Hoạt động sinh viên07/10/2024
- Gặp mặt tân sinh viên khóa 65 Giáo dục Tiểu họcTin tức - Sự kiện04/10/2024