Xây dựng mô hình Đại học số tại Việt Nam
Mô hình giáo dục đại học số được quy định chính thức trong Quyết định số 146 ngày 28/01/2022 của Thủ tướng về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “Hoàn thiện mô hình giáo dục đại học số và thí điểm triển khai mô hình tại một số cơ sở giáo dục đại học”.
Văn bản này không đưa ra một khái niệm cụ thể về Đại học số. Theo các chuyên gia, để hình thành đại học số, việc đầu tiên là đưa dữ liệu - bao gồm toàn bộ các bài giảng và hoạt động của một trường đại học cơ bản lên môi trường số. Đây là một hệ sinh thái số lấy sinh viên làm trung tâm, định danh số cho sinh viên, giảng viên, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giảng dạy… và sử dụng kết nối vạn vật IoT để truyền tải, trao đổi thông tin dữ liệu với nhau.
Thông qua smartphone và thiết bị thông minh, sinh viên có thể ngồi ở nhà, kết nối và tương tác với các đối tượng khác trong toàn bộ quá trình đào tạo, cũng như theo dõi số liệu để đánh giá và nâng cao hiệu quả học tập. Giảng viên và cán bộ quản lý có thể theo dõi quá trình đào tạo, quản lý sinh viên hoàn toàn trên môi trường số một cách thuận tiện và minh bạch.
Trả lời PV, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, đề án mô hình thí điểm đại học số không đơn thuần là chuyển đổi số cho 1 trường đại học, đổi mới quản trị hay dạy học trực tuyến. Đề án này nhằm mục tiêu xây dựng một mô hình mà các trường đại học chia sẻ với nhau về nguồn lực, về những khóa học, môn học tốt nhất của mình. Khi đó, với một môn học, không chỉ có sinh viên của 1 trường sử dụng mà sẽ được sinh viên của nhiều trường sử dụng. Sinh viên của 1 trường có thể học thầy cô của 1 trường, của nhiều trường.
“Nó vượt qua biên giới của một trường đại học, tiến tới toàn bộ hệ thống giáo dục đại học của chúng ta sử dụng những bài giảng, môn học có thể dùng chung” - Thứ trưởng nói.
Đề án mô hình thí điểm Đại học số đặt ra mục tiêu trong ba năm (2023-2025) sẽ có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học/lĩnh vực tham gia. Đồng thời xây dựng được 100 khóa học trực tuyến với dự kiến khoảng 10.000 sinh viên tham gia học tập trên hệ thống MOOCs dùng chung.
Tính đến hiện tại, đề án có sự tham gia của 5 cơ sở giáo dục Đại học, gồm: Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.
Trong đó, Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì (phối hợp các cơ sở giáo dục còn lại) để xây dựng đề án đào tạo nhân lực số. Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì thành lập tổ soạn thảo đề án và xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành máy tính và công nghệ thông tin.
Tại Hội thảo mới đây, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT cho hay đến năm 2028, hệ thống giáo dục Đại học số chia sẻ, dùng chung được phát triển tương đối hoàn chỉnh, có đủ năng lực tự vận hành hiệu quả. Hệ thống cung cấp ít nhất 50 khóa học trực tuyến mở trong khoảng 50-60 chương trình đào tạo cấp bằng trình độ đại học thuộc 2 - 3 lĩnh vực đào tạo. Có ít nhất 10 cơ sở giáo dục Đại học chủ trì cùng tham gia xây dựng học liệu số, cung cấp và sử dụng các khóa học trực tuyến mở trên hệ thống. Có khoảng 20.000 - 25.000 sinh viên tham gia học trên hệ thống.
Trước đó, vào tháng 11/2022, Trường Đại học CMC là đơn vị đầu tiên công bố theo mô hình đại học số. Giải thích về mô hình Đại học số, ban giám hiệu Trường Đại học CMC cho biết, Đại học số không phải là “Đại học ảo”. Trường vẫn tổ chức hoạt động dạy học trong không gian thực. Mối quan hệ tương tác giữa giảng viên và sinh viên, giữa các sinh viên là tương tác thực.
Tuy nhiên, nhà trường sẽ khai thác thế mạnh của việc sử dụng chung tài nguyên thông tin bằng cách xây dựng tích hợp dữ liệu thống nhất, các nguồn tài nguyên dùng chung, phát triển kho học liệu số, học liệu mở dùng chung; các nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu, các hệ thống phòng thí nghiệm dùng chung.
Đồng thời, ứng dụng hệ thống điều hành trung tâm, hệ thống giám sát lớp học, hệ thống giám sát an ninh, lớp học thông minh, ứng dụng kết nối cho giảng viên, sinh viên qua smartphone. Tất cả các quy trình thủ tục, thi cử, đánh giá, học liệu, thư viện điện tử… đều được chuyển đổi số để đảm bảo tiêu chí: “paperless - không giấy tờ, cashless - không tiền mặt, touchless - không chạm”.
Theo các chuyên gia, những rào cản trong quá trình xây dựng đại học số là khoảng cách công nghệ giữa các thế hệ, sự sẵn sàng của lực lượng giảng viên. Quyết định số 146 cũng đặt mục tiêu tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục là nâng cao nhận thức. Không phải công nghệ, mà quy trình và con người mới là thách thức. Thực tế hiện nay, các nơi đang áp dụng chương trình đào tạo truyền thống và đưa lên nền tảng số hóa mà không có sự tùy chỉnh, gây áp lực cho cả giảng viên, phụ huynh, và học sinh sinh viên.
Một rào cản khác là vấn đề công nhận tín chỉ. Hiện nay, việc công nhận tín chỉ của các trường rất hạn chế khiến cho khóa học trực tuyến mở chỉ là một kênh tham khảo. Trong khi đó, vấn đề tài chính, bản quyền cũng cần phải được đánh giá đúng mức.
Để triển khai đề án, Vụ Giáo dục Đại học đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển Mô hình giáo dục Đại học số chia sẻ, dùng chung mà cụ thể là áp dụng cơ chế đặc thù cho các cơ sở giáo dục đại học tham gia thí điểm, tăng tỉ trọng đào tạo trực tuyến; tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Xây dựng và ban hành văn bản để vận hành hệ thống (tài chính, quy trình kỹ thuật, quy định đào tạo trực tuyến/ứng dụng CNTT, tiêu chuẩn chuyên môn/công nhận tín chỉ…).
Thứ hai, chú trọng xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục Đại học; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật; xây dựng cơ chế đánh giá, khuyến khích các cơ sở giáo dục Đại học tham gia phát triển giáo dục Đại học số…
Có thể khẳng định rằng mô hình giáo dục đại học số giúp nhiều người học tiếp cận lượng thông tin lớn hơn và không bị giới hạn về không gian, thời gian. Bởi vậy, trong bối cảnh con người không ngừng mong muốn và cần phải nâng cao năng lực, việc xây dựng mô hình giáo dục đại học số là xu thế tất yếu. Đồng thời, mô hình này cũng chính là điểm cộng để tăng sức cạnh tranh của mỗi trường đại học, nâng cao thứ hạng của nhà trường trong các bảng xếp hạng.
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Chẩn đoán ADHD đã thay đổi theo thời gianTin tức08/10/2024
- Khai giảng K65, trao QĐ công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đối với chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý giáo dụcTin tức30/09/2024
- Thông báo tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động năm 2024Tin tức26/09/2024
- Hiểu nhầm về chứng khó đọc khiến trẻ bị chẩn đoán saiTin tức08/09/2024
- Nghiên cứu quốc tế đã làm sáng tỏ lý do tại sao người tự kỷ tham gia vào các diễn đàn căm thùTin tức07/09/2024
- Thay vì tư vấn cặp đôi, chúng ta hãy dành ra một khoảng nghỉ trong 5 giâyTin tức05/09/2024
- Bạn đã sẵn sàng hợp tác với AI trong công việc chưa?Tin tức04/09/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024