ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH – NHÀ CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG
Sinh ra tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnhThừa Thiên - vùng đất kiên cường, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng, Nguyễn Chí Thanh sớm tham gia cách mạng trong phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 1937, Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lần lượt giữ các chức vụ chủ chốt của Đảng: Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tại Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (8-1945) Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, theo dõi và tổ chức giành chính quyền tại Trung Kỳ trong Cách mạng tháng 8. Từ năm 1948 đến 1950, ông làm Bí thư Liên khu ủy IV. Cuối năm 1950, Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2.1951), Nguyễn Chí Thanh được cử vào Bộ Chính trị, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng. Cuối năm 1960, ông được cử giữ chức Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương.
Giữa những năm 60 của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đứng trước thách thức nghiêm trọng: đế quốc Mỹ tiến hành chến lược chiến tranh cục bộ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công vào miền Nam, giữ trọng trách Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng.
Đó chính là thời điểm đế quốc Mỹ điên cuồng thực hiện chiến lược chiến tranh phản cách mạng mới ở Việt Nam – “Chiến tranh cục bộ”, công khai trực tiếp đưa quân vào tham chiến tại Việt Nam. Mục tiêu chủ yếu của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” là đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25-30 tháng (từ giữa năm 1965 đến cuối năm 1967), với kế hoạch ”3 giai đoạn”[1]. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” tuy là một sự thay đổi, một bước chuyển về chất so với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, song vẫn là một bộ phận trong “chiến lược toàn cầu” phản cách mạng của đế quốc Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Đin Ra-xcơ (Dean Rusk) nhấn mạnh: “Tôi tin rằng sẽ là thảm hoạ cho Mỹ và Thế giới tự do nếu để cho Đông Nam Á bị miền Bắc cộng sản tràn qua. Tôi cũng tin rằng cần phải làm mọi việc để có thể đẩy lùi cuộc xâm lăng của Hà Nội và Việt cộng, thậm chí dù có mạo hiểm tiến hành leo thang lớn”[2]. Đây là cố gắng quân sự lớn nhất, bước leo thang chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ ở miền Nam, cũng là lần đầu Mỹ đưa nhiều quân nhất đi xâm lược, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngay từ ngày 21-1-1965, L.Giônxơn đã ra lệnh đưa một đại đội máy bay chiến đấu F.105 của Mỹ vào Biên Hòa. Ngày 8-2-1965, Tiểu đoàn tên lửa “Hốc” của lính thủy đánh bộ Mỹ tới Đà Nẵng. Ngày 8-3-1965, dưới sự chỉ huy của Đô đốc Sáp, đại đội đầu tiên của Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 9 Mỹ đổ lên bãi biển Đà Nẵng với xe tăng, đại bác tự hành và nhiều trang bị nặng. Cùng ngày, Tiểu đoàn 2 của Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 9 được không vận từ căn cứ quân sự Ôkinaoa (Nhật Bản) đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Ngày 7-2-1965, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân Mỹ bắt đầu.
Ngày 8-3-1965, đơn vị quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng, “điều làm cho Đảng và nhân dân ta bị bất ngờ là quân Mỹ và quân các nước chư hầu Mỹ vào nhanh, ồ ạt” [[3]], trong 8 tháng, có gần 20 vạn quân viễn chinh Mỹ và các nước chư hầu đã có mặt ở miền Nam Việt Nam được trang bị đầy đủ vũ khí, kỹ thuật chiến tranh hiện đại.
Đây là một thách thức rất lớn đối với cách mạng Việt Nam lúc bây giờ, toàn dân tộc phải đương đầu với kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng hậu, trong khi bộ đội chưa có kinh nghiệm trực tiếp tác chiến với quân đội viễn chinh Mỹ. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra? làm thế nào đánh được Mỹ? làm thế nào để thắng Mỹ?... “… Một số nước anh em trong hệ thống XHCN lúc này khuyên Việt Nam không nên đối đầu với Mỹ - một siêu cường chưa từng bị thua trận” [[4]]. Cộng đồng quốc tế lo ngại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam lúc này là nguy cơ bùng nổ thế chiến thứ 3...
Vấn đề quyết tâm đánh Mỹ, tìm ra cách đánh Mỹ và thắng Mỹ trở thành yêu cầu rất bức thiết đặt ra lúc này đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân …
Trong hoàn cảnh lịch sử đó, trên cương vị Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trả lời những câu hỏi mang tính lịch sử và thời đại ấy cho dân tộc Việt Nam khi đương đầu với đế quốc Mỹ, với những nhận xét và phát biểu chỉ đạo sắc bén về nghệ thuật quân sự của cách mạng Việt Nam.
Tại Hội nghị Tổng Quân ủy mở rộng bàn về sự thay đổi chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam, với tư duy chiến lược sắc sảo, toàn diện, biện chứng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đưa ra những nhận định, đánh giá khoa học về sức mạnh của quân đội viễn chinh Mỹ trên chiến trường Việt Nam: “Rõ ràng là Mỹ đang tăng quân ồ ạt, với mục tiêu ngăn chặn thế thua của quân đội Sài Gòn, quân Mỹ là lực lượng chủ yếu nhằm đánh “gẫy xương sống Việt cộng”, Mỹ đã chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phân tích: “Mỹ vào miền Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược; Mỹ có cả một kho vũ khí khổng lồ nhưng lại vấp phải một núi mâu thuẫn; Mỹ là tỷ phú về đô la, nhưng quân và dân ta lại là tỷ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng; ta có đường lối chiến tranh cách mạng, có chiến thuật đúng, ta sẽ bắt quân Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, nên ta nhất định thắng” [[5]].
Từ những phân tích, đánh giá cụ thể, toàn diện và biện chứng đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Mỹ giàu nhưng không mạnh”, “đế quốc Mỹ không phải là bất khả xâm phạm”[[6]]. “Những ý kiến của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Bộ Chính trị đồng ý” [[7]].
Trên tinh thần đó, tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 11 khóa III, (từ 25 đến 27-3-1965), ra Nghị quyết (đặc biệt) “Về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt”. Đây là nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nghị quyết đã đánh giá đúng thực trạng và dự báo chính xác xu hướng phát triển của tình hình, những âm mưu và thủ đoạn của Mỹ. Trong khi ta giành thắng lợi ngày càng to lớn thì Mỹ phải chịu những thất bại cơ bản: quân đội đánh thuê và chính quyền bù nhìn tay sai suy sụp, hệ thống ấp chiến lược “xương sống của chiến lược chiến tranh đặc biệt” phá sản, các đô thị không còn là hậu phương an toàn. Mỹ nhận thấy rõ ràng điều này và cũng nhận thấy sẽ thất bại hoàn toàn nếu không thay đổi chính sách, thay đổi chiến lược chiến tranh. Để cứu vãn tình hình, Mỹ từng bước đưa lực lượng chiến đấu của Mỹ và đồng minh của Mỹ vào miền Nam đồng thời mở rộng hoạt động không quân, ném bom, bắn phá miền Bắc, đẩy cuộc chiến tranh đặc biệt ở miền Nam tới mức độ cao, bao gồm một số yếu tố của chiến tranh cục bộ, đưa cuộc chiến tranh lan rộng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Từ những dự báo đó, Hội nghị Trung ương 11 nhấn mạnh: “Do những âm mưu và hành động mới của đế quốc Mỹ, vấn đề đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta ở cả hai miền là chiến thắng cho kỳ được cuộc chiến tranh đặc biệt ở mức độ cao nhất của địch ở miền Nam và tích cực chống lại và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại và phong toả bằng không quân và hải quân của địch ngày càng ác liệt hơn ở miền Bắc. Đồng thời, chúng ta phải hết sức cảnh giác và chuẩn bị sẵn sàng đối phó để có thể thắng địch nếu chúng biến chiến tranh ở miền Nam hiện nay thành chiến tranh cục bộ, hoặc chúng gây ra chiến tranh cục bộ ở cả hai miền Nam và Bắc chúng ta”[8] . Nghị quyết xác định nhiệm vụ chung cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc, trong đó, cách mạng miền Nam là: “Trước tình hình mới, nhiệm vụ cơ bản của ta là tích cực kiềm chế và thắng địch trong cuộc chiến tranh đặc biệt ở mức cao nhất ở miền Nam, ra sức tranh thủ thời cơ, tập trung lực lượng của cả nước giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam nếu địch gây ra....”[9].
Quán triệt tinh thần Nghị quyết 11 của BCH Trung ương, tại chiến trường miền Nam, để xác định được phương pháp phù hợp, tìm ra phương châm đánh Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chủ trương “Chúng ta đã đánh Mỹ bao giờ mà có phương châm? Phương châm là Mỹ nó đến thì lập tức đánh ngay và nhờ đánh thế rồi mới có phương châm được”[[10]].
Đó là định hướng quan trọng để quân dân miền Nam chủ động, liên tục tiến công quân Mỹ. Từ kinh nghiệm thực tế của các trận đánh “phủ đầu” quân Mỹ ở Núi Thành, Vạn Tường, Bàu Bàng, Đất Cuốc, Plây-me, Ia-Đrăng... với khả năng nắm bắt tình huống nhạy bén cùng tư duy quân sự độc đáo, Đại tướng đã cùng với quân dân miền Nam tổng kết, tìm ra phương châm tác chiến “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, khẩu hiệu đó đã biểu hiện tư tưởng cách mạng tiến công trên toàn chiến trường miền Nam và thực tế đã được phát triển thành phương châm chủ đạo trong tác chiến, tổ chức chiến dịch và thực hành chiến thuật trên chiến trường để đánh thắng Mỹ, là điểm khởi đầu để loại bỏ tâm lý thiếu tự tin của quân dân ta trước sức mạnh của quân đội Mỹ, từ đó dấy lên các phong trào đánh Mỹ sôi nổi: “bắt Mỹ phải đánh theo cách của ta”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm nguỵ mà diệt”, “Vành đai diệt Mỹ”, “Ai cũng đánh được Mỹ”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”… Đây là chiến thuật hết sức vĩ đại, được đúc kết từ chiến tranh nhân dân bằng tư duy sắc sảo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Từ ngày 2 - 6/5/1965, tại Lò Gò (phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh) đã diễn ra Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất. Với tư duy của một nhà chiến lược quân sự tài năng, quyết đoán, giàu kinh nghiệm, tại Đại hội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: “đánh lại một kẻ thù là đế quốc Mỹ không phải dễ dàng, không phải chỉ đem gan góc ra, mà phải có đường lối chiến lược, chiến thuật giỏi… chỉ có đánh, dù 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa cũng đánh, quyết đánh, quyết chiến với giặc Mỹ, quyết thắng giặc Mỹ” [[11]]. Muốn đánh thắng Mỹ vấn đề cốt yếu là chúng ta phải tạo ra được những “quả đấm chủ lực” mạnh, từ đó đánh gục ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, buộc quân đội Mỹ và quan chư hầu của chúng phải rút khỏi Việt Nam. Chiến thắng Núi Thành (Quảng Nam, 5-1965), Vạn Tường (Quảng Ngãi, 8-1965) đã chứng minh tư tưởng của Nguyễn Chí Thanh là biểu thị ý chí, quyết tâm của quân, dân ta cùng nhau tìm cách đánh thắng giặc Mỹ, rằng: Quân và dân Việt Nam không chỉ dám đánh, biết đánh mà còn đánh thắng Mỹ.
Sau chiến thắng Pleime-Ia Đrăng (từ 19-10 đến 26-11-1965), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rút ra kết luận: “Ta đã giữ được thế chủ động và đã sáng tạo ra cách đánh thích hợp, theo ý muốn của ta… Đứng về quân sự mà nói, ta đã bắt Mỹ phải đánh theo cách của ta, không cho chúng đánh theo lối của chúng”[[12]]. Với tư duy của một nhà chiến lược quân sự tài năng, quyết đoán, giàu kinh nghiệm, bằng những đánh giá, nhận định về thế và lực, phương hướng phát triển chung của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã góp phần nâng cao lòng tin của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ xâm lược.
Những thắng lợi trên mặt trân quân sự ở chiến trường miền Nam trong giai đoạn này có thể nói vai trò quan trọng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đây chính là cơ sở thực tiễn quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương Đảng hình thành Nghị quyết BCH Trung ương lần thứ 12 khóa III (12-1965) Về tình hình và nhiệm vụ mới khẳng định quyết tâm, đường lối đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hội nghị đã tập trung xem xét và đánh giá toàn bộ tình hình, đề ra chủ trương, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiến lên, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Phân tích những thắng lợi của cách mạng miền Nam, những thất bại nặng nề liên tiếp của địch và chỉ rõ đặc điểm chủ yếu của tình hình lúc này. Vấn đề đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân lúc này là đánh giá đúng lực lượng, khả năng mới của kẻ địch và của nhân dân hai miền Nam - Bắc, nhận rõ tiền đồ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ đó nêu cao hơn nữa quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào.
Sau khi đánh giá tình hình, so sánh lực lượng trên cả hai miền, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 12 nhận định: “Do những thất bại nặng nề của địch, do những thắng lợ to lớn của ta, ngày nay, mặc dù đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân đội viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn. Tuy cuộc chiến tranh ngày càng trở nên gay go, ác liệt, nhưng nhân dân ta đã có cơ sở chắc chắn để giữ vững và tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường, có lực lượng và điều kiện để đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của địch”[13], “... quân và dân miền Nam hoàn toàn có khả năng tiêu diệt những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội viễn chinh Mỹ, tiêu diệt những đơn vị ngày càng lớn của quân chủ lực ngụy, trong tình hình mới vẫn kiên quyết tiến lên, càng đánh càng mạnh và cuối cùng nhất định đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ”[14].
Nghị quyết nêu nhiệm vụ chung: “Chúng ta phải động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần cố gắng vượt bậc, tập trung lực lượng của cả nước, kiên quyết đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trên chiến trường chính là miền Nam”[15].
Trong khi hạ quyết tâm chiến lược, Nghị quyết chỉ rõ: “Phương châm chiến lược chung của chúng ta trong cuộc chiến tranh giải phóng chống Mỹ cứu nước là đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính”. “Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh vô địch của toàn dân nhưng về lực lượng vật chất thì ở trong điều kiện lấy yếu đánh mạnh, phải trải qua quá trình chiến đấu lâu dài mới đủ sức để chiến thắng địch hoàn toàn”[16]. Tuy vậy, Nghị quyết cũng xác định: Trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, trên cơ sở tiếp tục quán triệt và vận dụng phương châm đánh lâu dài, chúng ta cần phải cố gắng cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam[17]. Để đạt được mục tiêu giành thắng lợi quyết định, cần tiếp tục kiên trì phương châm đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, triệt để vận dụng ba mũi giáp công (đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận); đẩy mạnh đấu tranh chính trị và ngoại giao, tranh thủ cao độ sự đồng tình và ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, các dân tộc Á, Phi, Mỹ latinh và của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ.
Trước thử thách nghiêm trọng đối với vận mệnh của Tổ quốc, của chế độ xã hội chủ nghĩa, để củng cố niềm tin vào thắng lợi, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bước vào cuộc chiến đấu mới, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ kêu gọi: “Phải có tinh thần chiến đấu cao, dũng cảm phi thường, phải có chí khí anh hùng và quyết tâm dời non lấp biển, đạp bằng bất cứ trở ngại nào, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, đánh bại bất cứ kẻ thù nào”[18].
Trong khoảng thời gian ngắn (từ năm 1965 đến năm 1967), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng với tập thể Trung ương Cục, Quân ủy Miền Nam chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam bước qua giai đoạn cam go, thử thách, với tinh thần dám đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, quân và dân miền Nam đã tạo nên một sức mạnh vượt lên trên sức mạnh vũ khí kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ, là cơ sở để Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “ Việt Nam nhất định thắng Mỹ”.
Luôn gắn liền lý luận với thực tiễn, bám sát thực tiễn đó đã giúp cho Đại tướng tìm ra được phương châm hành động cho cách mạng Việt Nam và được thể hiện rõ nhất trong thời điểm cam go, thách thức nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại tướng đã xác định tư tưởng chiến lược tiến công, quyết tâm đánh Mỹ, tìm cách thắng Mỹ; rút ra những vấn đề có tính lý luận và phương pháp, kịp thời chỉ đạo quân và dân trên toàn chiến trường giành lấy những thắng lợi quan trọng.
Quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trở thành biểu tượng về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần sáng tạo trong chiến đấu với kẻ thù của dân tộc, biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, và nhân dân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mãi mãi xứng đáng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Bài viết: TS. Trần Cao Nguyên (đã được đăng tạp chí thông tin LLCT)
[1] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.58.
Giai đoạn 1 (từ tháng 7 đến tháng 12-1965) đưa nhanh quân Mỹ và đồng minh vào miền Nam Việt Nam, hoàn thành việc triển khai lực lượng chuẩn bị tiến hành phản công chiến lược. Giai đoạn 2 (từ tháng 1 đến tháng 6-1966) mở các cuộc tiến công “tìm diệt” chủ lực Quân giải phóng, phá chiến tranh du kích, giành quyền chủ động chiến trường, hỗ trợ cho chương trình “bình định”. Giai đoạn 3 (từ tháng 7-1966 đến cuối năm 1967), mở các cuộc hành quân tiến công tiêu diệt những đơn vị còn lại của Quân giải phóng và những căn cứ du kích, tiêu diệt cơ quan lãnh đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam, hoàn tất chương trình “bình định”.
[2] Đin Ra-xcơ gửi Tổng thống, 23-2-1965. Mc Namara: Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, sđd, tr. 176 - 177.
[3] Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập IV-cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb CTQG-ST, H, 2013, tr.34.
[4] Dẫn theo Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập IV-cuộc đụng đầu lịch sử, Sđd, tr.35-36.
[5] Dẫn theo Đại tướng Lê Đức Anh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, “Anh Bộ đội Cụ Hồ” tiêu biểu, bài in trong sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-Người Cộng sản kiên trung mẫu mực nhà lãnh đạo tài năng, Sđd, tr.27.
[6] Bài viết “Ai sẽ thắng ai ở miền Nam”, Tạp chí Học tập, tháng 7 - 1963, tr. 126.
[7] Dẫn theo Trung tướng, PGS Nguyễn Đình Ước, Những ấn tượng sâu sắc về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bài in trong sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-Người Cộng sản kiên trung mẫu mực nhà lãnh đạo tài năng, Sđd, tr.521.
[8] Sđd, Tập 26, tr. 105
[9] Sđd, Tập 26, tr.109
[10] Dẫn theo Hồng Hải (lược thuật), Người “nổ súng” chống chủ nghĩa cá nhân, Báo Quân đội nhân dân online, ngày 21-12-2012.
[11] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tăng cường công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam (Tuyển chọn những bài nói và viết), Nxb QĐND, H, 2013, tr.331-343.
[12] Dẫn theo Bộ Quốc phòng-Quân khu 7, Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền (1961-1976), Nxb CTQG, H, 2004, tr. 235.
[13] Sđd, Tập 26, tr.633
[14] Sđd, tập 26, tr.634.
[15] Sđd, tập 26, tr.634-635.
[16] Sđd, tập 26, tr.637
[17] Sđd, tập 26, tr.637-638.
[18] Sđd, tập 26, tr.650.
- TỔ CHỨC PHỐI HỢP, HIỆP ĐỒNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG GIẢI PHÓNG TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAMNghiên cứu29/09/2024
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XXNghiên cứu30/08/2024
- ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG (2013 – 2023)Nghiên cứu29/08/2024
- Thực trạng và những vẫn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0Nghiên cứu06/04/2024
- Bộ Giáo dục: Học Sư phạm ra, khả năng có việc làm là rất caoNghiên cứu20/03/2024
- SEMINAR KHOA HỌC CỦA KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ - TRƯỜNG SƯ PHẠM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH (Tháng 1- năm 2024)Nghiên cứu24/01/2024
- TRAO ĐỔI VỀ VẤN ĐỀ TỰ HỌC TRONG SINH VIÊN HIỆN NAYNghiên cứu10/01/2024
- Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng và sự vận dụng của Đảng ta trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu04/01/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Seminar: Sự trỗi dậy của New York như là một kinh đô nghệ thuật mớiNghiên cứu22/11/2024
- Đội Thể thao số 1 của Công đoàn Trường Sư Phạm đạt vị trí Nhất toàn đoàn trong giải Thể thao Công đoàn Trường Đại Học Vinh năm 2024Công đoàn22/11/2024
- CHÀO MỪNG THẦY GIÁO TRẦN ĐÌNH QUANG TRỞ VỀ KHOA CÔNG TÁCTin tức20/11/2024
- TOẠ ĐÀM KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 – 20/11/2024)Tin tức18/11/2024