Bạo lực học đường
Dựa trên các cuộc khảo sát quốc tế hiện có thu thập dữ liệu về bạo lực trong trường học, UNESCO ghi nhận các hình thức bạo lực học đường sau:
* Bạo lực thể chất: là bất kỳ hình thức gây hấn thể chất nào với mục đích gây tổn thương do bạn bè, giáo viên hoặc cán bộ nhân viên trong nhà trường thực hiện.
* Bạo lực tinh thần: là hành vi lạm dụng bằng lời nói và cảm xúc, bao gồm mọi hình thức như cô lập, từ chối, phớt lờ, lăng mạ, lan truyền tin đồn, bịa đặt, đặt biệt danh nhằm chế giễu, sỉ nhục và đe dọa cũng như trừng phạt tâm lý. Lạm dụng bằng lời nói bao gồm việc sử dụng các từ ngữ có tính lăng mạ và xúc phạm để gọi tên, bắt nạt, hạ thấp, đe dọa, hăm dọa hoặc kiểm soát người khác. Lạm dụng bằng lời nói có thể xảy ra một cách công khai như la hét, mắng mỏ hoặc chửi thề hoặc kín đáo hơn như đe dọa, nói xấu, uy hiếp. Những hành vi như vậy nhằm giành quyền lực với mục tiêu là kiểm soát và đe dọa khiến nạn nhân phải phục tùng. Tuy nhiên, bạo lực tinh thần cũng có thể tinh vi hơn. Nạn nhân của bạo lực tinh thần có thể không xác định được mình có đang bị bạo hành hay không, thường đặt câu hỏi liệu những gì họ đang trải qua có thực sự là lạm dụng bằng lời nói hay cảm xúc. Họ cũng tự hỏi liệu đó có phải là một vấn đề lớn hay chính họ đang nghiêm trọng hóa vấn đề.
* Bạo lực tình dục: là dạng bạo lực bao gồm nhiều cấp độ, từ những lời cợt nhả tục tĩu, đe dọa có tính chất tình dục, quấy rối tình dục, đụng chạm không mong muốn, ép buộc tình dục và cưỡng hiếp. Những hành vi này có thể được thực hiện bởi bất cứ ai trong trường học bao gồm giáo viên, nhân viên nhà trường, bạn cùng trường hoặc bạn cùng lớp.
* Bắt nạt: là một dạng hành vi chứ không phải là những sự việc riêng lẻ, có thể được định nghĩa là hành vi cố ý gây hấn xảy ra nhiều lần đối với nạn nhân. Nó có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm:
-
Bắt nạt về thể chất và phá hoại tài sản.
-
Bắt nạt tinh thần như trêu chọc, lăng mạ và đe dọa hoặc bắt nạt thông quan các mối quan hệ thông qua việc lan truyền tin đồn, cô lập và loại trừ nạn nhân khỏi một nhóm.
-
Bắt nạt tình dục, chẳng hạn như chế nhạo nạn nhân bằng những trò đùa thô tục, nhận xét khiếm nhã về cơ thể hoặc cố ý làm ra các cử chỉ tình dục với nạn nhân. Các hành vi này cũng có thể được định nghĩa là “quấy rối tình dục” ở một số quốc gia.
-
Bắt nạt qua mạng là một hình thức bắt nạt về tinh thần hoặc tình dục diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Các ví dụ về bắt nạt trên mạng bao gồm đăng bài hoặc gửi tin nhắn, hình ảnh/đoạn phim nhằm mục đích quấy rối, đe dọa hoặc nhắm vào đối tượng mục tiêu cụ thể thông qua nhiều phương tiện truyền thông và nền tảng mạng xã hội. Bắt nạt qua mạng cũng bao gồm việc lan truyền tin đồn, đăng thông tin sai lệch, tin nhắn gây tổn thương, nhận xét hoặc công khai các hình ảnh riêng tư cá nhân của nạn nhân. Ngoài ra, mạng xã hội cũng được sử dụng để cô lập hoặc loại trừ ai đó khỏi các kết nối trực tuyến hoặc các phương tiện liên lạc khác.
Dấu hiệu của bạo lực học đường
Đối với các hành vi bạo lực dễ nhận biết như tác động trực tiếp lên thể chất, nạn nhân có thể khẳng định bản thân đang bị bạo lực học đường khi kẻ bắt nạt có những hành vi hay tác động vật lý lên cơ thể mình như đánh đập, ném đồ vật, sàm sỡ và đụng chạm. Nhìn chung, bất cứ hành vi xâm phạm thân thể gây tổn thương đến tinh thần và thể chất, cho dù đến từ bất cứ ai trong nhà trường dưới bất kỳ lý do gì đều được coi là biểu hiện của bạo lực học đường. Chẳng hạn như việc giáo viên dùng thước đánh học sinh, tát học sinh với lý do “dạy bảo” hay bạn bè cố tình ném đồ vật vào người khác khi đối phương đã yêu cầu dừng lại.
Trong khi đó, bạo lực tinh thần thông qua hành vi lạm dụng bằng ngôn từ và cảm xúc thường khó nhận biết hơn bởi nạn nhân thường bị kẻ bắt nạt thao túng và đổ lỗi rằng họ đang nghiêm trọng hóa vấn đề, “mọi thứ chỉ là trò đùa thông thường”. Tuy vậy, nạn nhân cần phải tự hỏi chính bản thân rằng “mình có thoải mái trước những hành vi mà đối phương cho rằng đó chỉ là một trò đùa vui vẻ không?”, “mình có muốn mọi thứ dừng lại không?”. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bị bạo hành tinh thần và lạm dụng bằng lời nói bao gồm:
-
Bạn sợ hãi kẻ một ai đó và những hành vi mà người đó nhắm vào mình.
-
Bạn cảm thấy bị đe dọa, uy hiếp, không có quyền tự do.
-
Bạn cảm thấy mình không được phép thể hiện điều gì, luôn phải “đi trên một lớp băng mỏng” trước mặt người khác vì nếu làm sai thì những người đó sẽ “phán xét”, “cô lập” và “trừng phạt” bạn.
-
Bạn cảm thấy không thể chia sẻ những điều về bản thân với một nhóm người vì sợ họ sẽ nhạo báng hoặc chế giễu bạn.
-
Bạn ngại đi đến những nơi công cộng hay tiếp xúc với các mối quan hệ bên ngoài – đặc biệt là các mối quan hệ liên quan đến người đó/ nhóm người đó vì những gì họ sẽ nói về bạn trước mặt người khác có thể làm bạn bẽ bàng và xấu hổ.
-
Bạn cảm thấy bị cô lập hoặc bị “đối xử đặc biệt”.
-
Bạn cảm thấy bản thân liên tục bị coi thường về cách nhìn, suy nghĩ, hành động, cách ăn mặc hoặc cách nói chuyện của mình.
-
Bạn cảm thấy thấp kém hoặc xấu hổ về con người mình.
-
Bạn thấy rõ ràng nhóm người này đối xử với bạn khác khi bạn chỉ có một mình, trong khi đó che giấu hành vi bạo hành, bắt nạt, lạm dụng ở những chỗ đông người.
Đặc biệt, những kẻ bắt nạt hay bạo lực học đường thường thao túng nạn nhân bằng các hành vi như: la mắng, chế giễu nạn nhân nhưng sau đó cho rằng họ quá nhạy cảm hoặc không có khiếu hài hước. Những kẻ này thường phản ứng thái quá với những vấn đề nhỏ và sau đó đổ lỗi cho nạn nhân về kết quả tranh cãi. Những kẻ này thậm chí còn chỉ trích ngược lại nạn nhân, cho rằng người bị bạo hành đang cố đóng vai nạn nhân và cố gắng khiến người bị bắt nạt cảm thấy tội lỗi về điều mà những kẻ này buộc tội họ.
Ngoài ra, các đối tượng bị bạo lực cũng cần để ý tới các hành vi không tác động trực tiếp lên bản thân mình nhưng lại gây ra căng thẳng sợ hãi như giấu đồ, đưa thư nặc danh đe dọa, ám chỉ, v.v.
Nguyên nhân gây ra bạo lực học đường
Những kẻ bạo hành thường bắt nạt những đứa trẻ bị cho là “khác biệt”, “dị biệt” so với chúng hoặc so với nhóm của chúng. Những trẻ mang khác biệt về mọi mặt đều có nguy cơ bị bắt nạt cao hơn. Các yếu tố chính bao gồm ngoại hình, dân tộc, ngôn ngữ hoặc văn hóa, giới tính (bao gồm cả việc không tuân theo các chuẩn mực và định kiến về giới), địa vị xã hội và khuyết tật.
Thù ghét cá nhân
Những kẻ bắt nạt có thể có mối căm thù hoặc sự tức giận đặc biệt với nạn nhân, hoặc những người liên quan đến nạn nhân nhưng không có đủ khả năng nhắm vào những người này, nên kẻ đó mang nạn nhân ra làm mục tiêu. Vì sự thù ghét cá nhân này mà kẻ bạo hành tìm cách hành hạ nạn nhân hay thậm chí lôi kéo người khác cùng tham gia.
Bị ép buộc
Trong những môi trường chia phe phái, nhiều người chỉ chứng kiến nhưng lại bị ép buộc trở thành kẻ bắt nạt, kẻ bạo hành nếu không muốn trở thành nạn nhân.
Thêm vào đó, cũng tồn tại các yếu tố nguy cơ có thể khiến một môi trường dễ xảy ra bạo lực học đường hơn:
-
Bạo lực học đường có thể xuất hiện nhiều hơn ở những nơi có trình độ học vấn không cao, nghèo đói hoặc tỷ lệ tội phạm cao trong cộng đồng.
-
Có tiền sử bị bạo lực, từng chứng kiến hoặc là nạn nhân của các hình thức bạo lực như bạo lực gia đình hoặc bị lạm dụng. Trẻ em từng là nạn nhân của bạo lực hoặc phơi nhiễm bạo lực ở một mức độ nào đó đôi khi tin rằng bạo lực là cách duy nhất để chúng được an toàn.
-
Có tính cách hung hãn hoặc bốc đồng
-
Do gặp phải một số tình trạng sức khỏe tâm thần không ổn định.
-
Lạm dụng chất kích thích, sử dụng rượu, ma túy hoặc thuốc lá.
-
Tiếp cận với các vũ khí hay các văn hóa phẩm bạo lực
-
Bị rủ rê, lôi kéo trở thành đồng phạm vì có mối quan hệ thân thiết với kẻ bạo lực hoặc không muốn trở thành nạn nhân.
Thương tổn tâm lý khi là nạn nhân của bạo lực học đường
Tác động đến trẻ em
Nạn nhân của bạo lực học đường có thể gặp phải thương tích về thể chất như trầy xước, vết bầm tím, gãy xương, chấn động, khuyết tật thể chất hoặc thậm chí là những hậu quả nghiêm trọng hơn về thể chất. Kết quả học tập của các em có thể bị ảnh hưởng bởi khi là nạn nhân của bạo lực học đường. Tất cả những gì các em có thể nghĩ đến là làm thế nào để tránh bị tổn thương lần nữa.
Về mặt cảm xúc, đứa trẻ có thể rơi vào cảm giác xấu hổ, tội lỗi và tuyệt vọng, lo âu hoặc tức giận. Bạo lực học đường còn gây ra những chấn thương tâm lý và để lại hậu quả lâu dài. Các rối loạn tâm lý trẻ có thể gặp phải như căng thẳng, lo âu, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), nghiện chất kích thích, nghiện game, v.v. Khi một đứa trẻ với bộ não chưa phát triển đầy đủ gặp phải chấn thương, đặc biệt nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, não của các em có thể chuyển sang chế độ sinh tồn, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng chú ý, tập trung, kiểm soát cảm xúc và sức khỏe lâu dài của họ. Và tất nhiên, một người càng có nhiều trải nghiệm bất lợi thuở ấu thơ thì họ càng có nhiều nguy cơ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần khi trưởng thành.
Tác động đến trẻ em chứng kiến bạo lực học đường
Trẻ em chứng kiến bạo lực học đường có thể cảm thấy tội lỗi khi nhìn thấy và quá sợ hãi để ngăn chặn những hành vi này. Các em cũng có thể cảm thấy bị đe dọa và não của các em có thể phản ứng theo cách tương tự như một đứa trẻ phải đối mặt với bạo lực học đường. Ngoài ra, khi trẻ trải qua hoặc chứng kiến các sự kiện sang chấn, niềm tin của trẻ về cuộc sống và con người thường thay đổi. Trẻ có thể không còn tin rằng thế giới an toàn và điều này có thể gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
Gia đình, nhà trường và xã hội – chung tay ngăn chặn bạo lực học đường
Cha mẹ cần luôn nâng cao cảnh giác với những dấu hiệu của bạo lực học đường. Khi nghe lời kể của con hoặc quan sát thấy những dấu hiệu trên cơ thể con có liên quan đến bạo lực hay bắt nạt, cha mẹ sẽ cần có những biện pháp can thiệp kịp thời để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, giáo dục cho trẻ để phòng ngừa những tình huống bạo lực học đường sẽ tốt hơn nhiều việc can thiệp, khi sự việc đã xảy ra và đã có nạn nhân. Cha mẹ cũng không nên cổ xúy con giải quyết vấn đề bằng bạo lực, mà nên dạy con cách bình tĩnh khi có những xung đột và bất đồng, thiết lập và tạo dựng mối quan hệ lành mạnh xung quanh con, không để con chứng kiến bạo lực gia đình hay các văn hóa phẩm bạo lực, hướng dẫn con cách tự vệ và xử trí khi đối mặt với bạo lực học đường.
Các giáo viên là những người tiếp xúc nhiều nhất với trẻ, họ cần có sự quan tâm sát sao đến đời sống học đường thay vì chỉ tập trung vào việc giảng dạy và phớt lờ các vấn đề xung quanh. Khi nhận được lời phàn nàn về một đứa trẻ cụ thể từ nhiều học sinh khác, họ cần phải giải quyết vấn đề tận gốc, sử dụng nghiệp vụ sư phạm giúp các em thông cảm và yêu thương nhau để tránh bạo lực xảy ra theo những cách khác nhau.
Nhà trường cũng cần thường xuyên theo dõi và ghi nhận bất kỳ dấu hiệu nào về hành vi bạo lực. Tổ chức các buổi nói chuyện, các khóa học kĩ năng cũng giúp ích rất nhiều trong việc phòng chống bạo lực học đường. Nhiều trường học cho phép học sinh thông báo về các hành vi bạo lực ẩn danh qua nhiều kênh khác nhau để đảm bảo an toàn cho các em.
Cộng đồng và các trung tâm, các viện tâm lý cũng cần hỗ trợ khi các em học sinh cần can thiệp và giúp đỡ về mặt tâm lý. Tất cả cùng chung tay tạo nên một môi trường học đường an toàn và lành mạnh cho các em.
Nguồn: How to Identify and Prevent School Violence - VerywellMind
- Khoa Tâm lý-Giáo dục chào đón tân sinh viên K65Sinh viên03/10/2024
- Khoa Tâm lý-Giáo dục rộn ràng chào đón tân sinh viên K65Sinh viên30/09/2024
- Đại hội Chi đoàn các lớp chuyên ngành Quản lý giáo dụcSinh viên27/09/2024
- Giới trẻ Australia bi quan về tương lai của mìnhSinh viên10/09/2024
- Hà Lan cấm học sinh sử dụng điện thoại di động tại trường họcSinh viên03/09/2024
- Dành cả thanh xuân học ngành tâm lý học, ra trường mình làm gì?Sinh viên26/08/2024
- Tham vấn tâm lý cho sinh viên: Cách tiếp cận từ các trường đại họcSinh viên26/07/2024
- Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản lý giáo dụcSinh viên16/05/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024