Bất cập trong việc dạy tích hợp môn học bậc THCS
Chất lượng khó đảm bảo
Sau một thời gian dạy môn tích hợp, nhiều thầy, cô giáo chia sẻ, đối với môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 và 7 kiến thức khá cơ bản, thuộc mức độ nhận biết về sự vật, hiện tượng. Thế nhưng, với lớp 8, bắt đầu thực hiện trong năm học 2023-2024 này nếu giáo viên không nắm vững kiến thức chuyên môn của môn học đó thì khó có thể dạy tốt được. Vì giáo viên trước đây không được đào tạo liên môn, chỉ học đơn môn nên dù hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng theo quy định nhưng nếu đảm nhiệm dạy cả 3 phân môn ngay trong một thời gian ngắn, khó có thể có sự chuyên sâu về kiến thức để giải đáp cho học sinh hiểu cặn kẽ, nhất là những câu hỏi chuyên sâu. Thực tế đã minh chứng, khi giáo viên chưa đảm bảo “biết 10 dạy 1” thì khó có thể tạo hứng thú, tích cực đối với học sinh. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu “hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng” đề ra đối với cấp THCS.
Rõ ràng, 2 môn học mới thường được gọi là “tích hợp” ở cấp THCS đang khiến cho nhiều trường học, giáo viên gặp khó khăn và lúng túng trong quá trình thực hiện ở 2 năm học vừa qua, cũng như năm học 2023-2024 này bởi nhiều giáo viên vẫn chưa được bồi dưỡng theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Mà nếu có được đi bồi dưỡng thì cũng khó đảm bảo yêu cầu đặt ra. Một giáo viên của Trường THCS Thành Thọ (Thạch Thành) tâm sự: “Muốn dạy tốt, phải “biết 10 dạy 1”, nếu không, dù có bồi dưỡng, có chứng chỉ tích hợp cũng không thể dạy tốt môn tích hợp”.
"Một khi các trường chưa có giáo viên tích hợp vẫn phải phân công một môn học mà có tới 2 - 3 thầy, cô đảm nhiệm, cùng với đó cơ sở vật chất gặp khó khăn, đội ngũ giáo viên thiếu thì chất lượng các môn học này sẽ là một thách thức. Chủ trương tích hợp mà giảng dạy vẫn phải chia ra từng phân môn thì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục sẽ là rất khó", Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương Mai Thị Hương cho biết.
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Trường THCS thị trấn Hà Trung, trong Chương trình GDPT năm 2018, môn Lịch sử và Địa lý lớp 7 có những kiến thức mới mà ở chương trình năm 2006 không có. Đáng chú ý là kiến thức về các chủ đề liên môn như: "Đô thị: Lịch sử và hiện tại, văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông. Riêng với lớp 6, không có nhiều nội dung mới so với chương trình năm 2006 và cũng không có chủ đề liên môn nên hiện nay giáo viên chưa gặp nhiều khó khăn trong truyền đạt nội dung kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên ở lớp 8 và 9 với nhiều phần mới và có thêm những chủ đề liên môn chắc chắn giáo viên sẽ gặp trở ngại. Điều này cũng đồng nghĩa chất lượng giáo dục sẽ khó đảm bảo, đồng thời làm tăng áp lực cho giáo viên, nhất là khi giáo viên chưa được tập huấn nghiệp vụ.
Ngoài môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, môn Giáo dục địa phương cũng được xem là thách thức với các nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Môn học này ít nhất cũng phải 2 giáo viên đảm nhận giảng dạy. Qua tìm hiểu tại các nhà trường được biết, hiện vẫn chưa có tài liệu phục vụ giảng dạy môn học này đối với lớp 7 và lớp 8. Năm học 2023-2024 đã diễn ra được hơn 1 tuần nhưng đến thời điểm này các trường mới chỉ biết tên các chủ đề được học trong năm.
Chọn lối nào?
Nếu tiếp tục dạy các môn học theo chủ trương tích hợp thì đến bao giờ đội ngũ giáo viên sẽ được bồi dưỡng xong theo Quyết định số 2454 và Quyết định số 2455 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để giảng dạy 2 môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS? Đây là câu hỏi được nhiều lãnh đạo nhà trường và giáo viên đặt ra. Tuy nhiên, nếu quay về như cũ thành các đơn môn thì Bộ GD&ĐT sẽ định hướng và có giải pháp như thế nào đối chủ trương các trường đại học đã và đang đào tạo chuyên ngành sư phạm tích hợp? Rõ ràng, trong hoàn cảnh hiện tại, dù quay về như cũ thành các đơn môn hoặc vẫn kiên trì đổi mới, thì các môn học mới ở cấp THCS vẫn gây ra những xáo trộn và lãng phí không hề nhỏ.
Nhiều cán bộ, giáo viên cho rằng, nếu tiếp tục duy trì các môn tích hợp, Bộ GD&ĐT phải đưa ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn và nhanh chóng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy các môn học này một cách khoa học, hiệu quả và có sự động viên, sẻ chia với đội ngũ nhà giáo. Cũng theo nhiều giáo viên, đúng ra Bộ GD&ĐT cần có lộ trình đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên để thực hiện giảng dạy trước khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.
Bàn về “số phận” môn tích hợp, tại một diễn đàn lớn của ngành giáo dục diễn ra đầu năm học 2023-2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ: Việc triển khai môn tích hợp đang là một thách thức lớn đặt ra. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã nhìn ra những khó khăn ở cơ sở. Tuy nhiên, dừng lại hay tiếp tục trong lúc này đối với các môn học tích hợp ở cấp THCS là một thách thức không hề nhỏ đối với toàn ngành.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh nội dung môn tích hợp trong thời gian sắp tới, nhưng điều chỉnh như thế nào để không gây ra những xáo trộn tiếp theo cũng như ảnh hưởng đến việc sử dụng đội ngũ giáo viên, năng lực của giáo viên đã được chuẩn bị trong thời gian vừa qua.
Thực tế cho thấy, không phải cái gì mới cũng là cái tốt, cái tiên tiến, hiện đại. Ngược lại, cũng không phải mọi cái cũ đều lạc hậu. Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT là để có một nền giáo dục không lạc hậu, không gây cản trở cho sự phát triển. Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là triển khai đột ngột, gây khó khăn cho giáo viên, học sinh, gây căng thẳng cho xã hội, mà phải được thay đổi căn bản, từng bước, có lộ trình và luôn đảm bảo quyền lợi của người học. Có thể nói, trong những năm đổi mới giáo dục, mọi nhiệm vụ của ngành luôn được xã hội đặc biệt quan tâm. Điều đó cho thấy, đổi mới giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến mọi nhà, mọi người trong xã hội. Và, điều ai cũng mong muốn đó là đổi mới cách nào, đổi mới ở phương diện nào thì vẫn phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi của người học – những đối tượng chính của ngành giáo dục.
Dẫu còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng chúng ta có thể kỳ vọng vào quyết tâm của ngành GD&ĐT cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng trong việc đảm đương sứ mệnh đào tạo ra những con người có năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của quê hương, đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Chẩn đoán ADHD đã thay đổi theo thời gianTin tức08/10/2024
- Khai giảng K65, trao QĐ công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đối với chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý giáo dụcTin tức30/09/2024
- Thông báo tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động năm 2024Tin tức26/09/2024
- Hiểu nhầm về chứng khó đọc khiến trẻ bị chẩn đoán saiTin tức08/09/2024
- Nghiên cứu quốc tế đã làm sáng tỏ lý do tại sao người tự kỷ tham gia vào các diễn đàn căm thùTin tức07/09/2024
- Thay vì tư vấn cặp đôi, chúng ta hãy dành ra một khoảng nghỉ trong 5 giâyTin tức05/09/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024
- CHÚC MỪNG CÔ THÁI THỊ ĐÀO ĐÃ BẢO VỆ THÀNH CÔNG LUẬN ÁN TIẾN SỸTin tức10/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Seminar: Sự trỗi dậy của New York như là một kinh đô nghệ thuật mớiNghiên cứu22/11/2024