Đến năm 2030, cả nước cần bổ sung thêm 358.579 giáo viên
Vừa qua, tại Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất, những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì chỉ tuyển giáo viên trình độ đại học như quy định của Luật Giáo dục 2019, việc này sẽ áp dụng với một số môn học cho đến năm 2028.
Lý do Bộ đề xuất hạ chuẩn trong tuyển dụng giáo viên là do số lượng giáo viên chưa đáp ứng định mức; tình trạng thừa, thiếu cục bộ diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.
Bức tranh đội ngũ nhà giáo có những thay đổi ra sao?
Năm 2022, Bộ Chính trị đã có quyết định giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026. Riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập; năm học 2023 - 2024 giao bổ sung 27.860 biên chế giáo viên.
Mặc dù vậy, tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và thiếu giáo viên đang diễn ra ở các cấp học.
Theo Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022.
Còn theo thông tin từ Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê cho thấy, năm 2023, số lượng giáo viên của cả nước là 1.123.336; số lượng giáo viên còn thiếu so với định mức là 113.101 người, trong đó mầm non thiếu 51.950; tiểu học thiếu 31.579; trung học cơ sở thiếu 16.085; trung học phổ thông thiếu 13.487.
Trên cơ sở dự báo dân số đến 2045 của Tổng cục Thống kê, căn cứ định mức học sinh trên lớp và giáo viên trên lớp hiện đang quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự báo đến năm 2030, cả nước cần bổ sung thêm 358.579 giáo viên.
Tính đến hết năm học 2022 - 2023, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021- 2022, trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%); và có 100.135 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (công lập chiếm 90,4%, ngoài công lập chiếm 9,6%).
Nhìn chung, số lượng giáo viên các cấp học trong năm học 2022 - 2023 đã tăng so với năm học trước. Dù vậy, tình trạng thiếu giáo viên vẫn tiếp diễn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% đã làm tình trạng thiếu giáo viên chậm được khắc phục.
Cùng với vấn đề thiếu giáo viên, thì tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) cũng đang còn thấp hơn so với quy định.
Năm học 2022-2023, tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định. Bậc giáo dục mầm non có mức chênh lệch giữa định mức và thực tế lớn nhất là 0,43.
Mặt khác, cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên này diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng còn chậm khắc phục để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu cao hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).
Cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên); Cấp trung học cơ sở tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).
Ngoài ra, năm học 2022 - 2023 toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc).
Bên cạnh đó, do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật; Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định Tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, bắt buộc thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển (theo quy định chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục 2019);...
Thiếu giáo viên nhưng chỉ tiêu nhóm ngành sư phạm giảm
Trong khi nhiều địa phương trên cả nước đang thiếu giáo viên trầm trọng, không đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, thì chỉ tiêu ngành sư phạm và số sinh viên nhập học lại giảm mạnh trong những năm gần đây.
Theo thống kê cho thấy, trong hai năm 2022 và 2023, số thí sinh nhập học nhóm ngành sư phạm luôn thấp hơn số chỉ tiêu được giao.
Năm 2022, chỉ có 38.915 sinh viên sư phạm nhập học trên 48.545 chỉ tiêu được giao (tỷ lệ 80,6%), năm 2023 chỉ có 32.500 sinh viên sư phạm nhập học trên tổng số 36.461 chỉ tiêu (89,14%).
Đáng nói, chỉ tiêu ngành sư phạm cũng giảm mạnh qua 2 năm, từ năm 2022 đến năm 2023, ngành sư phạm giảm hơn 12.000 chỉ tiêu. Cũng trong 2 năm này, số sinh viên sư phạm nhập học giảm hơn 6000 em. Cụ thể về trình độ đào tạo, năm 2022, số chỉ tiêu các ngành sư phạm trình độ cao đẳng là 9.349, số sinh viên nhập học là 6.650. Đối với trình độ đại học, chỉ tiêu là 39.196 và số nhập học là 32.265.
Còn trong năm 2023, số chỉ tiêu của trình độ cao đẳng là 7.609 (giảm hơn 1700 chỉ tiêu so với năm 2022), số thí sinh nhập học là 6.831. Đối với trình độ đại học, chỉ tiêu là 28.852 (giảm hơn 10.300 chỉ tiêu so với năm 2022) và số nhập học là 25.669.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù thực tế nhiều địa phương đang thiếu giáo viên và khó khăn với bài toán đội ngũ cho ngành giáo dục, thế nhưng chỉ tiêu và số sinh viên sư phạm nhập học lại giảm đáng kể trong 2 năm qua. Cùng với đó, số sinh viên nhóm ngành đào tạo giáo viên cũng có xu hướng giảm. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020 - 2021, có 17.440 sinh viên các ngành đào tạo giáo viên tốt nghiệp, nhưng sang năm học 2021 - 2022 thì con số này giảm còn 14.082 (giảm hơn 3000 sinh viên).
Bài: Lưu Diễm
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Chẩn đoán ADHD đã thay đổi theo thời gianTin tức08/10/2024
- Khai giảng K65, trao QĐ công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đối với chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý giáo dụcTin tức30/09/2024
- Thông báo tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động năm 2024Tin tức26/09/2024
- Hiểu nhầm về chứng khó đọc khiến trẻ bị chẩn đoán saiTin tức08/09/2024
- Nghiên cứu quốc tế đã làm sáng tỏ lý do tại sao người tự kỷ tham gia vào các diễn đàn căm thùTin tức07/09/2024
- Thay vì tư vấn cặp đôi, chúng ta hãy dành ra một khoảng nghỉ trong 5 giâyTin tức05/09/2024
- Bạn đã sẵn sàng hợp tác với AI trong công việc chưa?Tin tức04/09/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024