Gia tăng việc tự chẩn đoán bệnh tâm thần qua Internet và mạng xã hội
Tự chẩn đoán là quá trình chẩn đoán hoặc xác định một tình trạng bệnh ở bản thân. Hầu hết, mọi người có xu hướng tự chẩn đoán các dấu hiệu bị bệnh tâm lý trước khi gặp các chuyên gia thực sự. Họ thường “Google” một triệu chứng, hoặc dấu hiệu của bệnh tâm thần mà “cảm thấy” bản thân mình đang có và cố gắng tìm hiểu xem mình có thực sự mắc bệnh hay không. Đây được coi là một cách tự chẩn đoán.
Thông tin trên Internet với nguồn cung cấp chính xác khoa học cho phép chúng ta hiểu các triệu chứng của mình để có thể liên hệ với chuyên gia và tiếp cận can thiệp sớm. Tuy nhiên, nhược điểm của việc này là chúng ta thường thấy các triệu chứng của mình được liệt kê dưới các dấu hiệu tâm thần của bệnh mà chúng ta có thể không mắc phải, và bắt đầu hoảng sợ hoặc tự điều trị, tự dùng thuốc. Đây có thể là lý do tại sao chúng ta thường hay tự cho rằng đau ngực sau khi ăn tối có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim, hoặc cảm giác thấp thỏm khi trở trời là trầm cảm.
Rủi ro của việc tự chẩn đoán
Internet đã thay đổi mọi thứ. Mạng xã hội cũng vậy. Thông thường, mọi người chỉ nhận được các thông tin chẩn đoán về rối loạn sức khỏe tâm thần từ các chuyên gia tâm lý/bác sĩ tâm thần nhưng giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng biết đến các thông tin liên quan đến sức khỏe như các dấu hiệu, triệu chứng, những thách thức và cả hậu quả. Điều đó giúp người bệnh được trang bị ít nhiều thông tin và hiểu hơn về quá trình điều trị trước khi tới gặp chuyên gia.
Nhưng, trong số rất nhiều các thông tin trên Internet, trên Facebook, Tiktok hay trên bất kỳ nền tảng nào, luôn có một số là đáng tin cậy và một số thì không. Ngay cả khi một trang web đưa thông tin chính xác về bệnh, với trình độ chuyên môn không được đào tạo về lĩnh vực tâm thần, bạn vẫn có rủi ro hiểu sai nó.
Vì lẽ đó, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần thường lo lắng về việc bạn tiếp nhận và sử dụng các thông tin trên mạng như thế nào? Thông tin từ Internet sẽ là tốt nhất nếu bạn sử dụng nó như một sự bổ sung trong các cuộc trò chuyện với chuyên gia, chứ không phải dùng nó để thay thế sự chẩn đoán của chuyên gia (tự chẩn đoán).
Dễ dàng thấy được các rủi ro phát sinh nếu dựa vào các thông tin trên Internet hay MXH để tự chẩn đoán hoặc điều trị (dù là các thông tin đó có chính xác hay không):
-
Bạn trở nên quá chắc chắn: Việc tự chẩn đoán có thể khiến bạn cảm thấy bị thuyết phục và gặp khó khăn khi tin vào một chẩn đoán khác của chuyên gia tâm lý dù bạn biết rằng họ có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực.
-
Tầm thường hóa căn bệnh: Những gì bạn nghĩ là trầm cảm có thể đi kèm với một vấn đề sức khỏe thể chất như suy giáp hoặc tiểu đường. Bạn có thể sẽ chỉ nghĩ rằng tâm trạng bản thân trùng xuống là bởi bạn đang lo lắng và căng thẳng về sức khỏe thể chất của mình, và vì vậy bạn không đến gặp các chuyên gia và tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết.
-
Các xét nghiệm không cần thiết: Bạn có thể lo lắng quá mức về một chẩn đoán cụ thể và nhấn mạnh vào các xét nghiệm mà chuyên gia/bác sĩ của bạn thông báo là không cần thiết. Điều này dẫn đến lãng phí thời gian và tiền bạc.
-
Hiểu lầm & dễ bị thao túng: Với sự khó kiểm soát các thông tin tràn lan trên Internet, bạn dễ bị thao túng tâm lý và tin vào những thông tin sai lệch. Thậm chí, nhiều người tin tưởng vào những “chuyên gia tự xưng” mà không xem xét đến những yếu tố chứng minh năng lực của họ như bằng cấp, học vị, kinh nghiệm,...
-
Phóng đại tính nghiêm trọng: Việc phóng đại tính nghiêm trọng của một căn bệnh tâm thần như OCD hoặc rối loạn lưỡng cực cũng có thể gây tổn thương cho những người đang mắc chúng, bởi vì bạn có thể cho rằng mình mắc bệnh trong khi thực sự không mắc bệnh.
-
Phương pháp điều trị nguy hiểm: Tự chẩn đoán có thể dẫn đến tự điều trị. Điều này mang tới những tác hại không lường không chỉ khiến tình trạng rối loạn tâm lý của bạn thêm nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng đến quá trình điều trị chính thức sau này.
Theo Hannah Guy, MSW, chuyên gia về chấn thương tâm lý lâm sàng, việc tự chẩn đoán có thể dẫn đến việc nhận được phương pháp điều trị và can thiệp sai. Theo đó, nếu bạn gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần sau khi tự chẩn đoán, mặc dù họ có thể điều chỉnh chẩn đoán nhưng sẽ rất phức tạp bởi sức khỏe tâm thần không giống sức khỏe thể chất. Sức khỏe tâm thần được chẩn đoán bệnh sử (patient history).
Tiến sĩ Billie Katz, một nhà tâm lý học lâm sàng và là trợ lý giáo sư tâm thần học tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai nhận thấy sự gia tăng số lượng bệnh nhân tự chẩn đoán, trong phiên đầu tiên của quá trình chẩn đoán & trị liệu tâm lý, họ luôn hỏi xem liệu họ có mắc một bệnh nào đó hay không dựa trên một video TikTok gần đây mà họ đã thấy. Với sự gia tăng đáng báo động này, Katz khuyến nghị rằng bất kỳ ai thắc mắc liệu họ có thực sự mắc các rối loạn tâm thần hay không nên liên hệ ngay với chuyên gia về sức khỏe tâm thần để có chẩn đoán cụ thể và chính xác.
Vì sao không nên tự chẩn đoán?
Các triệu chứng của bệnh tâm thần thường không có tính rõ ràng như các triệu chứng của bệnh cúm. Chúng xảy ra theo cụm và có những điểm tinh vi mà chỉ một chuyên gia sức khỏe tâm thần được đào tạo mới có thể xác định và chẩn đoán. Ví dụ: một người chỉ được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm sau khi được các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần thực hiện các xét nghiệm lâm sàng, cùng với việc kiểm tra kỹ lưỡng dựa trên các hướng dẫn được quy định trong DSM-V (Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản) và ICD-10 (Phân loại Bệnh tật Quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới ban hành).
Tự dùng thuốc là một vấn đề lớn khác khi ai đó tự chẩn đoán bệnh tâm thần của họ. Không giống như cơn đau đầu có thể được điều trị bằng thuốc thành phẩm bán tại các cửa hàng thuốc bán lẻ, điều trị các rối loạn tâm thần sẽ cần sử dụng các loại thuốc có tác dụng phụ và được kê đơn cẩn thận dựa trên từng trường hợp cụ thể.
Hiện tượng tự chẩn đoán bệnh tâm thần qua tiktok
Gần đây, một xu hướng mới trên mạng xã hội Tiktok xuất hiện với nhiều các video có các thông tin về sức khỏe tâm thần và chăm sóc sức khỏe tâm thần. Một bài báo gần đây trên USA Today giải thích rằng các nhà trị liệu đang sử dụng TikTok như một nền tảng để giáo dục công chúng về sức khỏe tâm thần, giảm bớt các kỳ thị liên quan đến việc điều trị. Không ai có thể phủ nhận rằng những khía cạnh này của trend này mang lại một lợi ích to lớn cho cộng đồng.
Nhưng, có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Như đã nói ở trên, các thông tin trên Tiktok thường không được kiểm chứng, đặc biệt với những “chuyên gia tự xưng”. Trong khi đó, mọi người có xu hướng lấy thông tin từ những video này và sử dụng nó để tự chẩn đoán. Điều quan trọng là với việc không có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực tâm thần, việc nắm bắt và hiểu đúng các thông tin được cung cấp chính xác đã là một thử thách, chứ chưa nói đến việc nhận thức đâu là những thông tin sai lệch, gây nguy cơ và rủi ro về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Ngay cả các chuyên gia tâm lý được cấp phép hành nghề, với độ uy tín và có nhiều năm kinh nghiệm trên các nền tảng MXH cũng sẽ không thể đưa ra các chẩn đoán cụ thể về tình huống đặc biệt của bạn chỉ dựa vào các thông tin chung nhất mà họ chia sẻ. Thực tế, sự chia sẻ này không mang tính chẩn đoán, mà được sử dụng nhằm mục đích giáo dục nhận thức.
Video trên TikTok có thể cung cấp cho bạn một số kiến thức cơ bản giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh tâm thần, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng đảm bảo tính chính xác. Bạn cần theo dõi và tìm hiểu về nguồn của các thông tin trên Tiktok cũng như đối với những chuyên gia có chia sẻ về các thông tin trên nền tảng này.
Điều đặc biệt là ngay cả các chuyên gia tâm lý, nhà trị liệu có tài khoản TikTok của riêng họ cũng cảnh báo rằng bạn không nên sử dụng các thông tin trên MXH này để thay thế cho việc chẩn đoán chính thức.
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Chẩn đoán ADHD đã thay đổi theo thời gianTin tức08/10/2024
- Khai giảng K65, trao QĐ công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đối với chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý giáo dụcTin tức30/09/2024
- Thông báo tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động năm 2024Tin tức26/09/2024
- Hiểu nhầm về chứng khó đọc khiến trẻ bị chẩn đoán saiTin tức08/09/2024
- Nghiên cứu quốc tế đã làm sáng tỏ lý do tại sao người tự kỷ tham gia vào các diễn đàn căm thùTin tức07/09/2024
- Thay vì tư vấn cặp đôi, chúng ta hãy dành ra một khoảng nghỉ trong 5 giâyTin tức05/09/2024
- Bạn đã sẵn sàng hợp tác với AI trong công việc chưa?Tin tức04/09/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024