Giáo dục giá trị nhân văn cho sinh viên ở các trường đại học trong giai đoạn hiện nay
ThS. Dương Thị Linh, Ts. Chế Thị Hải Linh
Tóm tắt: Bảo tồn và phát huy các giá trị nhân văn của dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất, bằng con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị về vật chất, tinh thần, lối sống, văn hóa ứng xử… được lưu giữ, vận hành nối liền các thế hệ. Bài viết này tập trung làm rõ vị trí, tầm quan trọng của việc giáo dục giá trị nhân văn, nội dung và các con đường giáo dục giá trị nhân văn cho sinh viên ở các trường đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói chung và phát triển đội ngũ thế hệ trẻ “vừa hồng vừa chuyên” phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Từ khóa: Nhân văn, giá trị nhân văn, giáo dục giá trị nhân văn cho sinh viên.
1. MỞ ĐẦU
Trong bối cảnh trên thế giới cũng như trong nước đang chịu tác động của xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển của nền kinh tế tri thức, thanh niên (trong đó có sinh viên) là lớp người rất nhạy cảm trong việc tiếp thu những giá trị mới để thích nghi với cuộc sống. Đồng thời, sinh viên cũng là những trí thức trẻ sẽ đảm nhận vai trò chủ đạo trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã luôn đề cao vai trò của thanh niên và xác định “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau quan trọng và rất cần thiết”. Vì thế, việc giáo dục, định hướng giá trị nói chung, giá trị nhân văn nói riêng cho thanh niên, đặc biệt là sinh viên ở các trường đại học là yêu cầu cơ bản, lâu dài và cấp bách.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Một số khái niệm cơ bản
2.1.1. Nhân văn
Trong tiếng Anh, chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo đều được diễn tả bằng khái niệm humanism (với ý nghĩa là “thuộc về con người”). Trải qua các thời kỳ phát triển, ngày nay, khái niệm humanism được sử dụng với nhiều ngữ nghĩa. Theo ngôn ngữ Hán Việt, “nhân” là người, “văn” là văn hóa, văn minh, là vẻ đẹp. Nhân văn được hiểu là những nét đặc trưng thuộc bản chất của con người, kết hợp với nó là tri thức, văn hóa, văn minh. Nhân văn là những giá trị đẹp đẽ của con người, đặc biệt là những giá trị tinh thần như trí tuệ, tâm hồn, tình cảm, phẩm cách.
Như vậy, nhân văn có thể hiểu là các thuộc tính, phẩm chất tốt đẹp “thuộc về văn hóa của loài người” trong sự phân biệt với con vật hoặc đồ vật.
2.1.2. Giá trị nhân văn
J.H.Fichter quan niệm rằng: “Tất cả cái gì có ích lợi, đáng ham chuộng, đáng kính phục đối với cá nhân hoặc xã hội, đều có một giá trị” (Fichter, 1974) Phạm Lăng và các cộng sự cho rằng: “Giá trị là những cái được thừa nhận là có ý nghĩa tích cực đối với cuộc sống con người” (Lăng & nnk,1997). Giá trị nhân văn thể hiện được vẻ đẹp của con người qua những giá trị tinh thần như: vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp trí tuệ, tình cảm,… Nhân văn khẳng định tấm lòng, sự trăn trở của con người đối với cuộc sống. Đồng thời, kết nối những giá trị, những con người ở từng thời kỳ khác nhau. Giá trị nhân văn thể hiện qua mọi mặt đời sống, là giá trị đạo đức tốt đẹp của con người muôn đời hướng tới. Nó giúp con người hoàn thiện nhân cách bản thân và giúp phần người của con người hoàn thiện, luôn “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Như vậy, có thể hiểu giá trị nhân văn là những giá trị tốt đẹp được con người, xã hội thừa nhận và có ý nghĩa tích cực đối với cuộc sống con người.
2.1.3. Giáo dục giá trị nhân văn
Giáo dục giá trị nhân văn là quá trình giáo dục tri thức nhân văn, lấy con người làm trung tâm để đào tạo những cá nhân toàn diện, giàu văn hóa và đáp ứng với nhu cầu của đời sống hiện nay. Đề cao giáo dục giá trị nhân văn cũng là xu hướng cải cách giáo dục đại học trên thế giới hiện nay. Giáo dục giá trị nhân văn trong trường đại học hướng đến đào tạo người học thành những người tự do trong tư duy, cởi mở trong giao tiếp, tạo nên những công dân hiểu biết và đáng kính.
Nói rộng hơn, giáo dục giá trị nhân văn tạo nên một nền giáo dục làm cho người học hạnh phúc hơn, có cuộc sống thú vị hơn. Nó giúp người học trở thành những người toàn diện, những người có khả năng tận hưởng các mối quan hệ xã hội và với thế giới xung quanh.
2.2. Tầm quan trọng của giáo dục giá trị nhân văn cho sinh viên ở trường đại học
Giáo dục giá trị nhân văn cho sinh viên (SV) là trang bị cho SV những giá trị cốt lõi đối với mỗi con người. Giáo dục giá trị nhân văn cho SV là làm cho SV nhận thức được giá trị bản thân, bắt đầu từ tính người, tình người, tổ hợp năng lực của từng người thể hiện ra hoạt động bằng trí tuệ, tay nghề, lương tâm nghề, với chí hướng tiến thủ, nhằm mục tiêu bảo đảm cuộc sống của chính mình cũng như gia đình, trên cơ sở đó làm phong phú cuộc sống vật chất và tinh thần, với ý thức gắn bó và có đóng góp với xã hội, có trách nhiệm với xã hội, trên tinh thần yêu nước, tinh thần cộng đồng, dân tộc..., đóng góp cho xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung đó cũng chính là định hướng cho việc giáo dục giá trị nhân văn trong giáo dục đại học hiện nay.
- Giáo dục giá trị nhân văn tốt sẽ tạo ra nền tảng để SV khẳng định năng lực bản thân, được tôn trọng và khích lệ phát huy trí sáng tạo và năng lực cá nhân.
Điều 5 của Luật Giáo dục đại học Việt Nam (2012) xác định mục tiêu chung của giáo dục đại học là: Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân. Như vậy, giáo dục nhân cách, tính nhân văn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các trường đại học hiện nay.
Đối với giáo dục đại học, đối tượng giáo dục là những SV đang tiếp thu những kiến thức, kỹ năng chuyên môn để chuẩn bị cho hoạt động nghề nghiệp sau khi ra trường cần có sự chủ động, linh hoạt, tự bồi dưỡng để phát triển. Nhờ có tự ý thức phát triển, SV có những hiểu biết, thái độ, có khả năng đánh giá bản thân để chủ động điều chỉnh sự phát triển bản thân theo hướng phù hợp với xu thế xã hội. Ở bậc đại học, SV đã bước đầu hình thành thế giới quan để nhìn nhận, đánh giá vấn đề, khát vọng thành đạt. Do đó, học tập ở đại học là cơ hội tốt để họ được trải nghiệm bản thân và khẳng định mình. Từ đó, SV được phát triển khả năng tự đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm sự thật; khả năng phân tích và phản biện về những vấn đề đương đại.
Giáo dục giá trị nhân văn trong trường đại học mở ra cơ hội cho sự tiếp cận và được công nhận của những giá trị mới, khuyến khích tư duy sáng tạo không ngừng nghỉ của người học. Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục đại học có sự thay đổi lớn trong mục tiêu và cách thức đào tạo, chuyển từ truyền thụ kiến thức cho số đông sang khai phóng tiềm năng, đồng thời trao quyền sáng tạo cho từng cá nhân. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội cũng như đặt ra yêu cầu tất yếu phải xây dựng nền giáo dục 4.0. Theo đó, các cơ sở giáo dục, nhà trường trở thành một hệ sinh thái tạo sản phẩm sáng tạo mang tính cá thể, với kiến thức và năng lực đổi mới, sáng tạo riêng của cá nhân.
- Giáo dục giá trị nhân văn tạo cơ hội để sinh viên phát triển toàn diện và tối đa tiềm năng của mình.
Giáo dục đại học phát hiện ra năng lực, tài năng của người học và giúp họ phát triển tối đa tiềm năng của mình. Giáo dục đại học hướng tới việc phát triển toàn diện con người. Bên cạnh yếu tố năng lực, phẩm chất nghề nghiệp, giáo dục giá trị nhân văn ở trường đại học còn quan tâm đến việc rèn luyện sức khỏe, bồi dưỡng các mối quan tâm, các thái độ, các giá trị đạo đức cũng như giá trị tinh thần đúng đắn. Từ đó, tạo điều kiện để người học được phát triển toàn diện bản thân, không chỉ về mặt tri thức mà còn là trí tuệ, sức khỏe, thái độ, đạo đức trong cuộc sống.
Trong nền giáo dục đại học 4.0, phạm vi tương tác rất rộng lớn, khoảng cách về địa lý, không gian và thời gian dường như bị xóa nhòa. Môi trường giáo dục không chỉ diễn ra trong phạm vi nhà trường mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Người học có thể chủ động nghiên cứu tài liệu cũng như tương tác với giảng viên ở mọi thời điểm bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh. Sự phát triển của các hình thức học trực tuyến sẽ giúp người học tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.
Xu hướng “Uber hóa” trong giáo dục cho phép người học được học bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Họ sẽ lựa chọn học phần, giảng viên, phòng lab, thư viện của trường bạn trong hệ thống liên kết. Với cách thức này, SV thực sự trở thành trung tâm của quá trình đào tạo. Nó cũng thể hiện rõ nét tính nhân văn của nền giáo dục, nhà trường sẽ tiết kiệm được chi phí, không gian và thời gian, SV cũng có thể được giảm học phí nhờ các trường sử dụng chung nguồn lực.
- Giáo dục giá trị nhân văn nuôi dưỡng và khích lệ ở sinh viên những thái độ và giá trị cần thiết cho sự phát triển bền vững, tốt đẹp của cá nhân và xã hội.
Giáo dục đại học không chỉ mở rộng năng lực trí tuệ của từng cá nhân trong lĩnh vực chuyên môn của họ, mà còn giúp họ mở rộng tầm nhìn và hiểu biết đối với thế giới xung quanh. Giáo dục đại học đóng vai trò là “hệ thống nuôi dưỡng” của mọi lĩnh vực trong đời sống, cung cấp cho xã hội những con người được đào tạo trên mọi lĩnh vực. Do đó, việc kết hợp giữa “dạy chữ” và “dạy người” sẽ góp phần nuôi dưỡng và khích lệ ở cả giảng viên và SV những thái độ và giá trị cần thiết cho sự phát triển bền vững, tốt đẹp của cá nhân và xã hội, và từ đó nhân rộng những thái độ và giá trị này ra cho cả cộng đồng.
Để tận dụng hiệu quả cơ hội cũng như vượt qua thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục đại học cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0; về sự thay đổi của thị trường việc làm; về sứ mạng của trường đại học trong chuẩn bị nguồn nhân lực bậc cao và tham gia tái cơ cấu thị trường lao động. Trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực bậc cao cho xã hội, cũng phải thay đổi toàn diện cả về mô hình, nội dung chương trình và phương thức đào tạo. Bên cạnh đào tạo kiến thức và kỹ năng, tăng cường thực hành thực tập, công nghệ thông tin và ngoại ngữ, thì đào tạo với tư duy tầm nhìn, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững rất quan trọng. Các giá trị nhân văn, giá trị truyền thống và sự hài hòa phải là bệ đỡ và nền tảng cho sự phát triển của xã hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tóm lại, giá trị của giáo dục đại học không chỉ nằm trong các kiến thức nghề nghiệp, mà nó còn nằm trong các giá trị nhân văn tốt đẹp mà giáo dục đại học đem lại. Những giá trị đó sẽ giúp SV có những đóng góp hiệu quả hơn cho xã hội khi họ ra trường và trở thành những người chín chắn và trưởng thành thực sự. Ngày nay, SV tốt nghiệp đại học có nhiều cơ hội trở thành các nhà lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, các công ty tư nhân. Điều này giúp cho họ phát huy mức độ hiệu quả của những gì họ học được ở đại học và cho phép họ phục vụ cho quyền lợi của bản thân, của dân tộc, và rộng lớn hơn là cho cả thế giới.
2.3. Các giá trị nhân văn cần giáo dục cho sinh viên ở trường đại học trong bối cảnh hiện nay
Nhân văn là một giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Truyền thống lịch sử dân tộc cho thấy, nhân văn là sợi dây kết nối các giá trị, thế hệ khác nhau, là một trong những cội nguồn sức mạnh Việt Nam. Bản chất nhân văn Việt Nam nổi bật ở lòng nhân ái; tình yêu quê hương, đất nước; tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm; khát vọng vươn lên vì hạnh phúc của nhân dân, phồn vinh của đất nước… Giáo dục giá trị nhân văn cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết để sinh viên hình thành được thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, hình thành những phẩm chất cao đẹp, trở thành những con người ưu tú có lý tưởng, có đạo đức, có kỷ luật, có văn hóa đáp ứng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Chủ trương khơi dậy và phát huy hệ giá trị nhân văn, lấy các giá trị văn hóa, phát triển con người toàn diện làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo phát triển bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ này lại có những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau. Trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung giáo dục cho sinh viên những giá trị nhân văn cơ bản sau đây:
- Giáo dục lý tưởng và niềm tin cho SV về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào thực tiễn cách mạng ngày càng tốt đẹp của dân tộc. Chỉ khi nào sinh viên có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng thì họ mới xác định được mục đích của cuộc sống, tạo ra động cơ đúng đắn cho họ ngày càng hăng say học tập, nghiên cứu và hoạt động. Từ đó biến niềm tin thành sức mạnh cá nhân và hành động cụ thể để cống hiến cho xã hội và đất nước.
- Giáo dục tinh thần yêu nước, yêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trung với Đảng, hiếu với dân. Từ đó, họ sẽ tránh bị rơi vào cạm bẫy của kẻ thù, quay lưng lại với giá trị tốt đẹp của dân tộc. Khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo nội lực quan trọng cho sinh viên để họ có ý chí tự lực, tự cường, say mê trong học tập để góp sức mình dựng xây đất nước.
- Giáo dục tinh thần đoàn kết, cộng đồng, tương thân, tương ái cho sinh viên. Kinh tế thị trường kích thích tính năng động, sáng tạo của cá nhân nhưng lại nuôi dưỡng chủ nghĩa cá nhân cùng các căn bệnh của nó. Để khắc phục mặt tiêu cực này cần phải đẩy mạnh giáo dục ý thức cộng đồng, giáo dục để SV hiểu rằng cộng đồng là nơi sinh ra và nuôi dưỡng mình trưởng thành, cộng đồng cũng là môi trường để con người khẳng định mình, phải nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của sinh viên với cộng đồng thông qua học tập và các hoạt động của Đoàn và của các tổ chức đoàn thể khác. Những phẩm chất này hình thành chủ yếu qua thực tế trải nghiệm trong cộng đồng, do đó nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn cần thiết hơn bao giờ hết và phương pháp cơ bản chúng ta có thể thực hiện ở đây là phương pháp trải nghiệm, ngoại khóa tạo những điều kiện thực tế để sinh viên được trải nghiệm, được trực tiếp chứng kiến, tham gia các hoạt động cộng đồng, lịch sử. Từ những tình cảm, sự xúc động, sự cảm phục sẽ bồi đắp cho các em tình yêu thương con người, tình yêu quê hương, đất nước và ý thức bảo vệ đất nước.
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên để sinh viên phấn đấu học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học chuẩn bị những hành trang tri thức cần thiết, quan trọng hơn họ thấy rõ mối quan hệ giữa quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân mình khi ra trường cần phải biết lao động, cống hiến và được nhận những giá trị từ kết quả lao động của mình.
- Phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho sinh viên. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, vi phạm pháp luật của sinh viên đang có xu hướng gia tăng và khó kiểm soát. Vì vậy, chúng ta cần phải tăng cường công tác phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên để nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, giảm tình trạng vi phạm pháp luật trong một bộ phận sinh viên hiện nay. Và việc nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên cũng góp phần vào việc xây dựng một lý tưởng sống cao đẹp cho sinh viên Việt Nam trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
2.4. Các hình thức giáo dục giá trị nhân văn cho sinh viên ở trường đại học
Hiện nay, ở các trường đại học có thể triển khai các hình thức giáo dục giá trị nhân văn sau đây:
- Giáo dục giá trị nhân văn thông qua giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Giá trị nhân văn là một khía cạnh trong nội dung các học phần ở trường đại học. Tuy nhiên điều này không được quy định rõ ràng trong đề cương chi tiết hay nội dung học phần. Do đó, giảng viên (GV) cần tích hợp các nội dung giáo dục giá trị nhân văn trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động dạy học thông qua việc giảng dạy trực tiếp trên lớp, hoặc thông qua các bài giảng e-learning, các bài tập nhóm, bài tập tự học… Với hình thức giảng dạy trực tiếp trên lớp, GV có thể truyền đạt thông qua phương pháp thuyết trình, nhấn mạnh vào các giá trị nhân văn cần truyền tải cho SV hoặc đặt vấn đề về các giá trị nhân văn có liên quan đến học phần để SV trao đổi, thảo luận. Đối với hình thức học e-learning, GV có thể cho SV thảo luận, hoặc thực hành, chuẩn bị các bài tập bằng cách thiết kế các chủ đề, video về các giá trị nhân văn có liên quan đến nội dung bài học. Bên cạnh đó, các khoa, bộ môn cũng có thể triển khai các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học với các chủ đề về giáo dục giá trị nhân văn cho sinh viên với mục đích vừa nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, vừa nâng cao nhận thức và định hướng giá trị rộng rãi trong cộng đồng sinh viên. Mục tiêu cuối cùng của các hoạt động này là truyền tải cho SV hiểu và có thái độ đúng đắn với những giá trị nhân văn cần hình thành và phát triển thông qua học phần được đảm nhiệm.
- Giáo dục giá trị nhân văn thông qua tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm xã hội. Ngoài việc giáo dục giá trị nhân văn thông qua dạy học thì việc giáo dục giá trị nhân văn gắn với các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cũng thể hiện ưu điểm vượt trội. Trước hết, là vì các giá trị nhân văn không chỉ là kiến thức lý thuyết đơn thuần mà cần được cụ thể hóa thành biểu hiện, hành động trong thực tiễn của SV. Chính những hành động thực tế sẽ giúp SV nắm bắt và thấu hiểu được nhiều hơn, lan toả nhiều hơn về các giá trị nhân văn trong tập thể lớp, cộng đồng SV và cộng đồng xã hội. Để làm được điều đó, các trường đại học đặc biệt là Đoàn thanh niên, Hội SV có thể tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; các hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu di tích lịch sử, trải nghiệm sáng tạo tại nhà trường, tại địa phương. Các hoạt động này không những giúp SV có cơ hội tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn phát triển năng lực giao tiếp, hợp tác giúp SV có thể hoàn thiện hơn các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho SV như: các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể thao…đây chính là một kênh giáo dục lý tưởng, lối sống, hành động đúng đắn, lành mạnh cho sinh viên và có thể giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội.
- Tổ chức các buổi toạ đàm, trò chuyện, các cuộc thi tìm hiểu về giá trị văn hóa xã hội.
Trong xã hội nước ta hiện nay, hệ thống giá trị nhân văn thường được chia thành hai nhóm chính. Bao gồm: Hệ thống giá trị truyền thống như lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nhân ái, tình nghĩa thuỷ chung, vị tha, đoàn kết, biết ơn tổ tiên…; và hệ thống giá trị hiện đại như hòa bình, tự do, dân chủ, năng động, sáng tạo, tinh thần hợp tác - hữu nghị… Như vậy, hệ thống giá trị truyền thống đến hiện đại của nước ta có nhiều điểm chung gặp gỡ nhau. Chúng ta có thể căn cứ vào đó để định hướng tăng cường giáo dục giá trị nhân văn cho thế hệ trẻ nói chung và sinh viên nói riêng. Vì thế, các trường đại học có thể tổ chức các buổi toạ đàm, nói chuyện về các truyền thống lịch sử của đất nước thông qua các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương như Mặt trận tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân… Đồng thời, tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các giá trị truyền thống như “tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam”, “Tìm hiểu về biển đảo Việt Nam”…; Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các giá trị hiện đại như “Đổi mới”, “Sáng tạo”, “Khởi nghiệp”… Các cuộc thi sẽ khẳng định thêm nét đặc sắc các giá trị nhân văn của dân tộc, đồng thời đề cao trách nhiệm của SV trong tuyên truyền, làm lan toả các giá trị nhân văn truyền thống và hiện đại, góp phần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân”.
Như vậy, các hình thức giáo dục giá trị nhân văn cho sinh viên đại học rất đa dạng, phong phú. Do đó, khi triển khai thực hiện cần vận dụng linh hoạt các hình thức này để nâng cao hiệu quả giáo dục nhân văn cho SV ở các trường đại học trong bối cảnh mới.
3. KẾT LUẬN
Thực hiện tốt một số nội dung giáo dục nhân văn cho sinh viên trong thời kỳ công nghiện hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế là góp phần đào tạo, giáo dục thế hệ thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đồng thời bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên. Có như vậy mới đào tạo được thế hệ thanh niên, sinh viên có sức khỏe, có kiến thức, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trở thành những người công dân tốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Fichter, J.H. (1974). Xã hội học, NXB Hiện đại (Trần Văn Dĩnh dịch).
Hạc, P.M. (2012). Giá trị học. NXB Dân trí.
Minh, H.C. (2000). Toàn tập, t.5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.GIÁO DỤC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP | 407
Lăng, P., Thuỷ, L.T., Hoạt, Đ.V., Cơ, B.T., & Tuyên, T.Đ. (1997). Giáo dục một số giá trị nhân văn cốt lõi cho học sinh phổ thông qua môn đạo đức và môn giáo dục công dân, Đề tài nghiên cứu khoa học, Mã số: B96-49-19, Viện Khoa học giáo dục, Hà Nội.
Quý, H.S. (2006). Về giá trị và giá trị Châu Á, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Vượng, P.V. (2010). Giáo trình Giáo dục học, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
EDUCATING HUMAN VALUES FOR STUDENTS IN UNIVERSITIES IN THE CURRENT PERIOD
Abstract: Preserving and promoting the human values of the nation is a strategy for the sustainable development of the country, a common task of the entire society in which education plays the most important role. Through education and by means of education, values related to material, spiritual, lifestyle, cultural behaviors, etc., are preserved and passed down through generations. This article focuses on clarifying the position and significance of human values education, its content, and the pathways for educating human values for students in universities, contributing to enhancing the overall quality of higher education and developing a generation of young individuals who are both patriotic and skilled, serving the cause of building and protecting the homeland.
Keywords: Humanity, human values, human values education for students.
L’ENCADREMENT PORTANT SUR LES VALEURS HUMANISTES AU BÉNÉFICE DES ÉTUDIANTS DES UNIVERSITÉS VIETNAMIENNES À L’HEURE ACTUELLE
Résumé: La préservation et la valorisation des valeurs humanistes de la nation étant une stratégie nationale de développement durable, la tâche commune de toute la nation, au sein de laquelle l’éducation joue un rôle primordial : de par l’éducation et grâce à celle-ci, les valeurs en tous aspects, matériel, moral, style de vie, savoir-être communautaire, se préservent et se diffusent pour la continuité des liens entre les générations. La présente communication vise à souligner la position et l’importance de l’enseignement des valeurs humanistes, les contenus et le processus d’enseignement de telles valeurs au profit des étudiants dans l’encadrement universitaire, et ce pour contribuer à la promotion de la qualité éducative universitaire de manière générale, de même pour l’essor d’une jeunesse dotée d’une compétence « à double niveau », sur le plan professionnel et à confiance idéologique, en fin de compte pour l’édification et la défense de la nation vietnamienne.
Mots clés: Humanisme, valeurs hummanistes, enseignement des valeurs humanistes au profit des étudiants.
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Đặc trưng chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu07/10/2024
- XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CỦA GIÁO VIÊN VÀ SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH 2018Nghiên cứu04/10/2024
- Trẻ em có thể dạy cho chúng ta điều gì về khoa học thần kinh ẩn sau sự tò mòNghiên cứu06/09/2024
- Các nhà tâm lý học phát hiện ra hiện tượng sởn gai ốc diễn ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩNghiên cứu21/06/2024
- A Systematic Review of Problem-Solving Skill Development for Students in STEM EducationNghiên cứu06/06/2024
- Proposing and Experimenting with a Public University Governance Model and MechanismsNghiên cứu03/06/2024
- Internal Quality Assurance of Initial Teacher Education Programs in Vietnam: A Descriptive StudyNghiên cứu03/06/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024