Tổng quan các nghiên cứu phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành giáo dục tiểu học
ThS. Nguyễn Trung Kiền
1. Đặt vấn đề
Với sự phát triển của khoa học công nghệ cùng với sự phổ biến của các phương tiện, thiết bị số như hiện nay, việc phát triển kĩ năng và kiến thức của người học trong lĩnh vực này là điều hết sức cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tìm kiếm việc làm. Năng lực số được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp người học thành công trong quá trình học tập, có thể làm việc và phát triển nhanh chóng trong môi trường giáo dục mở và mang tính toàn cầu như hiện nay, là yếu tố hàng đầu cần phải có để sẵn sàng cho học tập số. Báo cáo về tám năng lực cốt lõi cho học tập suốt đời của Ủy ban Châu Âu (Council of the European Union, 2018) đã xác định năng lực số là một năng lực cơ bản, xuyên suốt cho phép đạt được các năng lực chính khác. Nó liên quan đến nhiều kĩ năng cần thiết trong thế kỉ XXI mà mọi công dân cần phải có được để đảm bảo sự tham gia tích cực của họ vào xã hội và nền kinh tế.
Đối với sinh viên đại học nói chung và sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học nói riêng, năng lực số đóng vai trò quan trọng đối với học tập và công việc giảng dạy tương lai. Năng lực số được xem là năng lực cơ bản của giáo viên trong thế kỉ XXI. Giáo viên trong tương lai sẽ đóng thêm nhiều vai trò hơn trong xã hội số vừa là người thiết kế, xây dựng tài nguyên vừa là người tổ chức và quản lí cộng đồng học tập mới (Szymkowiak et al., 2021). Do đó, các nhà giáo dục tương lai phải biết cách xác định và phân tích thông tin, tương tác trong môi trường số, tạo nội dung của riêng mình bằng các nguồn tài nguyên số, có khả năng áp dụng các biện pháp an ninh mạng để bảo vệ thông tin của họ, sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm và giải quyết các vấn đề kĩ thuật bằng cách sử dụng công nghệ một cách sáng tạo (Alférez-Pastor et al., 2023). Chính vì vậy, họ phải được đào tạo trở thành người thành thạo về năng lực số để phát triển quá trình giáo dục một cách liên tục và nâng cao năng lực số cho học sinh đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Trên thế giới, các nghiên cứu về năng lực số cũng chỉ mới bắt đầu từ những năm đầu thế kỉ XXI và tập trung nghiên cứu mạnh những năm gần đây đặc biệt ở các quốc gia có công nghệ và giáo dục phát triển. Bài viết tổng hợp một số nghiên cứu về các biện pháp phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học làm cơ sở để các nhà giáo dục có những định hướng trong việc rèn luyện, phát triển năng lực số cho người học trong các cơ sở đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời đại số.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu áp dụng phương pháp tổng quan hệ thống PRISMA để đánh giá tổng quan có hệ thống. Phương pháp PRISMA được xây dựng ba bước: 1) Tìm kiếm cơ sở dữ liệu, nguồn nghiên cứu với từ khóa xác định, loại bỏ các bài bị trùng lặp; 2) Tiến hành sàng lọc thông qua tiêu đề/tóm tắt của bài báo, loại bỏ các bài không có từ khóa, mục tiêu liên quan hoặc không thể truy xuất; 3) Đưa các bài báo còn lại vào bài đánh giá.
Nguồn thu thập thông tin: Chúng tôi đã sử dụng công cụ tìm kiếm dữ liệu trên Sciencedirect, Researchgate, Scopus, Web of Science, Google Scholar. Các cơ sở dữ liệu này được coi là các nguồn tài nguyên có liên quan và có uy tín để nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học giáo dục.
Từ khóa tìm kiếm: Chúng tôi sử dụng từ khóa gồm: “Năng lực số”, “Phát triển năng lực số”, “Sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học”, “Giáo dục tiểu học”. Kết quả thu được nhiều nghiên cứu liên quan đến vấn đề này.
Tiêu chí tìm kiếm: Chúng tôi lựa chọn các nghiên cứu theo tiêu chí: Liên quan đến vấn đề nghiên cứu; Xuất bản trong vòng 10 năm trở lại; Có nhiều chỉ số trích dẫn.
3. Kết quả nghiên cứu
Tổng quan nghiên cứu cho thấy, có nhiều phương thức để phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học. Trong nghiên cứu này, tác giả chia thành bốn phương thức chính như sau: Thông qua việc thiết kế các khóa học/mô đun/ học phần phát triển năng lực số trong chương trình đào tạo; Thông qua việc thiết kế các nhiệm vụ học tập tích hợp trong các học phần của chương trình đào tạo; Thông qua mô hình dạy học nội dung sư phạm công nghệ (TPACK), mô hình dạy học trực tuyến (MOOCs, Eleaning), mô hình dạy học kết hợp (Blended learning); Thông qua đào tạo kết hợp với thực tiễn tại trường phổ thông.
3.1. Phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành giáo dục tiểu học thông qua việc thiết kế các khóa học/ mô đun/học phần phát triển năng lực số trong chương trình đào tạo
Nghiên cứu của Juan Silva‑Quyroz và cộng sự (2022) cho thấy, sinh viên Sư phạm năm nhất, theo khuôn khổ DIG-COMP chưa phát triển năng lực số một cách đầy đủ. Theo tác giả, cần tích hợp năng lực số như một phần của chương trình giảng dạy của các chương trình đại học, đặc biệt là các chương trình sư phạm, để sinh viên sử dụng công nghệ cho sự phát triển học tập và cá nhân của họ. Theo Guzmán- Simón và cộng sự, việc giảng dạy tại trường đại học nên kết hợp năng lực số như một phần của chương trình đào tạo học thuật cho sinh viên, đặc biệt là đối với những sinh viên đang chuẩn bị trở thành giáo viên (Silva-Quyroz & Morales-Morgado, 2022). Nghiên cứu của Maria Domingo - Coscollola và cộng sự (2020) chỉ ra ba hành động ưu tiên cần được thúc đẩy để phát triển năng lực số trong xây dựng chương trình đào tạo giáo viên: 1) Thiết kế một mô đun đào tạo bắt buộc dành riêng phát triển năng lực số cho sinh viên Sư phạm gồm ít nhất sáu tín chỉ; 2) Tích hợp phát triển năng lực số trong các mô đun học tập của các môn học; 3) Thiết kế các chủ đề tùy chọn phát triển năng lực số trong chương trình đào tạo.
Trên cơ sở nghiên cứu về trình độ năng lực số của sinh viên ngành Giáo dục tiểu học Trường Đại học Paisii Hilendarski cũng như thái độ của họ đối với việc học các môn bắt buộc và tự chọn phát triển năng lực số trong chương trình đào tạo như: Tài nguyên số cho giáo dục; Công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục và làm việc trong môi trường số; Phương pháp dạy học mô hình hóa trên máy tính (môn bắt buộc); Phát triển bài giảng điện tử; năng lực số và sáng tạo số; Trẻ em và truyền thông (môn tự chọn), tác giả Angelova và cộng sự (2024) cho rằng, cần cung cấp đầy đủ và đa dạng các môn bắt buộc và tự chọn giúp sinh viên phát triển năng lực số để áp dụng thành công vào hoạt động giảng dạy trong tương lai của mình. Do đó, chương trình giảng dạy hiện tại cần cập nhật các khóa học phát triển năng lực số và thiết kế các khóa đào tạo mới phù hợp với nhu cầu của sinh viên để phát triển năng lực số của họ một cách toàn diện hơn.
Nghiên cứu của Luca Botturi (2019) đã thiết kế và triển khai một khóa học hai tín chỉ về giáo dục năng lực số dành cho sinh viên tiểu học và mầm non. sinh viên được khảo sát bốn tuần trước khi khóa học bắt đầu để lựa chọn một trong hai hướng: Tìm hiểu tổng quan về các vấn đề khác nhau hoặc khám phá sâu một hoặc hai vấn đề liên quan. Tất cả sinh viên trả lời đều cho biết, họ thích phương án trước hơn và đưa ra những chủ đề họ quan tâm. Chương trình khóa học sẽ được bổ sung và điều chỉnh trong quá trình triển khai ở từng lớp bằng cách: Vào cuối mỗi buổi học, học sinh được hỏi họ sẵn sàng dành thêm bao nhiêu thời gian cho chủ đề đang thảo luận và liệu họ có muốn đề xuất các chủ đề khác không. Điều này giúp chương trình giảng dạy trở nên linh hoạt hơn. Dưới đây là bảng liệt kê các chủ đề của khoá học và các thành phần năng lực số hướng tới:
Nghiên cứu của Jungho Park (2024) đề xuất khóa học về “Trí tuệ nhân tạo” (AI) mở rộng bao gồm: Giáo dục hiểu biết về AI (10 tuần); Phát triển chương trình giáo dục môn học liên kết AI (3 tuần) và Giảng dạy vi mô (2 tuần) được thiết kế để nâng cao tính chuyên nghiệp trong sử dụng AI của sinh viên năm cuối. Phần “Giáo dục hiểu biết về AI” bao gồm hiểu biết về AI, đạo đức AI và lập trình cơ bản. Sau đó, các sinh viên đã phân tích chương trình giảng dạy của lớp 5 và lớp 6 ở trường tiểu học và phát triển một chương trình giáo dục môn học có liên kết công cụ AI trong ba giai đoạn. Sử dụng chương trình đã phát triển, sinh viên tiến hành hoạt động giảng dạy vi mô qua hai giai đoạn.
3.2. Phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành giáo dục tiểu học thông qua việc thiết kế các nhiệm vụ, dự án học tập tích hợp trong các học phần của chương trình đào tạo
Nghiên cứu của Marais (2023) đề cập đến việc sử dụng các công cụ kĩ thuật số để thực hiện các nhiệm vụ học tập tích hợp phù hợp với yêu cầu của chương trình giảng dạy để phát triển năng lực số cho sinh viên. Các nhiệm vụ học tập bao gồm: Truy cập và sử dụng hệ thống LMS của nhà trường, trao đổi học tập qua lớp học oline (Google Meet, Zoom, Microsoft Teams), làm việc với các tài liệu trực tuyến (Google Suite, Microsoft 365), xây dựng bài giảng điện tử (ActivInspire), xây dựng bài trình chiếu (Smart Notebook, Powponit, Prezi), xây dựng bản đồ tư duy (FreeMind, Mindomo, Xmind), thiết kế bài đánh giá trực tuyến kiến thức của học sinh (Socrative).
Những nghiên cứu của Barber (2016), Smeda và cộng sự (Barber, 2016) chỉ ra hiệu quả của nhiệm vụ xây dựng câu chuyện số trong việc tạo ra một môi trường học tập đích thực để phát triển năng lực số cho sinh viên, là công cụ sư phạm thu hút người học vào quá trình học tập có ý nghĩa và sâu sắc. Các nghiên cứu của Banny và cộng sự (2017), Ermawati Zulikhatin Nuroh và cộng sự (2022) chỉ ra bốn bước xây dựng câu chuyện số (Giai đoạn tiền sản xuất, giai đoạn sản xuất, giai đoạn hậu kì, giai đoạn phân phối) với các hoạt động cụ thể bao gồm: Lựa chọn chủ đề, lên ý tưởng viết kịch bản, sử dụng máy ảnh, micro để quay phim, ghi âm giọng nói, chỉnh sửa, biên tập ảnh, video, âm nhạc bằng phần mềm với các kĩ thuật từ cơ bản đến nâng cao: cắt xen kẽ, điều chỉnh chuyển động nhanh/chậm, viết phụ đề truyền tải thông điệp, đặt câu hỏi kịch tính thu hút sự quan tâm khán giả và chia sẻ video, từ đó giúp sinh viên tạo động lực học tập, kích thích khả năng sáng tạo, được xem là cách tiếp cận thích hợp để phát triển năng lực số cho sinh viên.
Nghiên cứu của Del Moral và cộng sự (2015) nhằm phát triển năng lực số cho sinh viên Sư phạm tiểu học thông qua nhiệm vụ thiết kế câu chuyện số bằng cách tạo phim hoạt hình 3D với phần mềm Xtranormal-3D hoặc các phần mềm tương tự như: Go-animate for schools, Voki Classroom, Powtoon, ToonDoo. Đây là một hoạt động thực hành bắt buộc đối với các nhóm sinh viên trong môn “Công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục”. Kết quả nghiên cứu là 45 câu chuyện kĩ thuật số đề cập tới các vấn đề khác nhau đã được tạo ra với các chủ đề như: Giáo dục giá trị sống, câu chuyện đa văn hóa, giảng dạy ngôn ngữ, đấu tranh chống phân biệt đối xử, kể chuyện lịch sử, phản ánh các điểm nóng của xã hội, video ca nhạc, phim hoạt hình, chuyện cười ngắn. Huertas Abril (2018) phát triển năng lực số cho sinh viên sư phạm tiểu học với nhiệm vụ học tập là xây dựng các video hoạt hình 3D bằng tiếng Anh nhằm kết hợp các kĩ năng ngôn ngữ và kĩ thuật số trong quá trình học tập môn học “Ngoại ngữ dành cho giáo viên tiểu học”. Công cụ số được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ là Plotagon (https://www. plotagon.com/), một công cụ đồ họa tương tác thông qua giao diện web hoặc ứng dụng cài đặt cho thiết bị di động cho phép tạo các nhân vật và câu chuyện hoạt hình 3D. Cascales-Martínez et al. (2020) đề cập đến việc sử dụng WhatsApp như một tài nguyên giáo dục trong phát triển chương trình giảng dạy và là phương tiện giao tiếp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục tiểu học.
Trong nghiên cứu của mình, Gutiérrez Porlán và cộng sự (2016) đã thiết kế các nhiệm vụ nhằm phát triển năng lực số cho sinh viên Sư phạm tiểu học thông qua học phần “Nghiên cứu công nghệ thông tin trong giáo dục tiểu học”. Các nhiệm vụ này được thiết kế gắn với các chủ đề chính liên quan đến công nghệ thông tin mà giáo viên tiểu học ngày nay phải nắm vững, bao gồm: Xã hội tri thức, Web 2.0, Tích hợp ITC vào lớp học tiểu học, Mạng xã hội và Môi trường học tập cá nhân (PLE). Công việc được lên kế hoạch để thực hiện theo nhóm 3 hoặc 4 sinh viên. Các nhiệm vụ được giáo viên giới thiệu và giải thích trên lớp và học sinh có một tuần rưỡi để thực hiện mỗi nhiệm vụ. Các em đã tận dụng thời gian trên lớp và thời gian tự học như đã nêu trong tài liệu hướng dẫn giảng dạy. Mỗi nhóm phải duy trì một blog trong suốt khóa học, nơi họ định kì công bố kết quả của các nhiệm vụ họ đã thực hiện. Kết quả cho thấy, các nhiệm vụ được sử dụng trong trải nghiệm này được sinh viên đánh giá rất tích cực, tất cả các nhiệm vụ đều giúp nâng cao năng lực kĩ thuật số của họ ở mức độ lớn. Nhiệm vụ 2 và 4 (tương ứng trên web 2.0, mạng xã hội và nhận dạng kĩ thuật số) được sinh viên nhấn mạnh về sự cải thiện đáng kể trong năm lĩnh vực năng lực kĩ thuật số.
Nghiên cứu của González Calatayud và cộng sự (2018) nhằm nâng cao năng lực kĩ thuật số của sinh viên Sư phạm năm thứ hai bằng cách thực hiện các nhiệm vụ tập trung vào từng lĩnh vực năng lực của DigcompEdu thông qua môn học “ICT trong giáo dục”. Sau khi làm bài kiểm tra trước và trong suốt học kì, các sinh viên đã hoàn thành 5 nhiệm vụ với thời lượng mỗi nhiệm vụ là 2 tuần. Mỗi nhiệm vụ được liên kết với một trong các khía cạnh của năng lực kĩ thuật số trong khung DigComp. Các nhiệm vụ bao gồm: 1) Nhiệm vụ 1: Quản lí nội dung. Lĩnh vực: Thông tin; 2) Nhiệm vụ 2: Sử dụng Internet an toàn. Lĩnh vực: An ninh; 3) Nhiệm vụ thứ 3: Thiết kế đồ họa thông tin. Lĩnh vực: Sáng tạo nội dung; 4) Nhiệm vụ thứ 4: Kế hoạch truyền thông mạng. Lĩnh vực: Truyền thông; 5) Nhiệm vụ thứ 5: Các trường hợp thực tế. Lĩnh vực: Giải quyết vấn đề. Năm nhiệm vụ này đã được phản ánh trên blog của từng nhóm kèm theo bằng chứng về từng bước đã thực hiện để phát triển đúng đắn.
Francisco Javier Robles Moral và cộng sự (2021) thực hiện nghiên cứu đánh giá kiến thức về phương tiện truyền thông xã hội trong việc phát triển năng lực số của sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học, từ đó đề xuất biện pháp can thiệp mang tính sư phạm dựa trên việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội đã được thiết kế để giải quyết các nội dung khoa học cụ thể như tính bền vững, phân loại sinh vật và chức năng của cơ thể con người. Những nội dung này là một phần cơ bản của chương trình giảng dạy chính thức của chuyên ngành Giáo dục tiểu học trong lĩnh vực kiến thức khoa học tại Đại học Murcia. Trong trường hợp này, hai mạng xã hội dựa trên việc sử dụng hình ảnh đã được sử dụng là: Pinterest và Instagram. Hoạt động được thiết kế cho sinh viên năm thứ hai liên quan đến việc tìm kiếm và/hoặc tạo hình ảnh liên quan đến chủ đề phân loại sinh vật sống và hệ thống của cơ thể con người với mạng xã hội Pinterest. Hoạt động thiết kế cho sinh viên năm thứ tư là tạo ra các ấn phẩm liên quan đến phát triển bền vững và các giải pháp khả thi với mạng xã hội Instagram.
3.3. Phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học thông qua mô hình giáo dục trực tuyến (MOOCs, Eleaning), mô hình dạy học kết hợp (Blended learning)
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mô hình đào tạo trực tuyến mở (MOOCs) có tiềm năng mạnh mẽ như một công cụ giáo dục và là nguồn tài nguyên cho việc học tập mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, rất hữu ích cho việc học tập thường xuyên và suốt đời (Benet Gil et al., 2018; Palacios Hidalgo et al., 2020). Các khóa học bao gồm văn bản, hình ảnh và video mà người tham gia được cung cấp để thực hiện nhiệm vụ. Những người tham gia được yêu cầu xem video, đọc, viết văn bản, làm bài kiểm tra, tham gia thảo luận, tương tác với những người tham gia khác và các nhà phát triển khóa học (Herranen et al., 2021).
Nghiên cứu của Qin Yang và cộng sự (2021) cho thấy việc sử dụng liên tục của MOOCs có ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập của sinh viên, từ đó đề xuất nên cải tiến và nâng cấp hệ thống cũng như cập nhật tài liệu khóa học để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn, bên cạnh đó nên phát triển các game hóa hấp dẫn và hữu ích khác để cải thiện ý thức sử dụng MOOCs liên tục và tăng hiệu suất khóa học của sinh viên. Dù tồn tại một số hạn chế nhất định nhưng MOOCs được xem là một chiến lược hiệu quả để đào tạo giáo viên về năng lực số ở tất cả các thành phần (Yelubay et al., 2022).
Các nghiên cứu của Ortega và cộng sự (2020) đã cho thấy tính hiệu quả của chương trình đào tạo trực tuyến (Elearning) đối với sự phát triển các thành phần năng lực số của sinh viên sư phạm tiểu học như: Năng lực truy cập thông tin; năng lực giao tiếp; Năng lực phát triển và sáng tạo nội dung số; Năng lực tương tác và quản lí danh tính số và bản quyền số; Năng lực bảo mật và giải quyết vấn đề.
Julio Cabero-Almenara và cộng sự (Martínez- Pérez et al., 2022) thực hiện nghiên cứu nhằm tạo ra một môi trường đào tạo và đổi mới theo mô hình tMOOC nhằm phát triển năng lực số cho sinh viên Sư phạm tiểu học. Mục đích là để thúc đẩy việc tiếp thu năng lực kĩ thuật số trong đào tạo ban đầu cho sinh viên tại Đại học Seville. Với mục đích này, nền tảng được chọn để thiết kế và phát triển là tMOOC. Để truy cập tMOOC, mỗi người dùng được gán một mã định danh và một mật khẩu. Khi vào bên trong, sinh viên được giới thiệu với cấu trúc của khóa học. Đầu tiên là phần giới thiệu khóa học và khung DigCompEdu thông qua hai hình ảnh động: Một hình ảnh có hướng dẫn về cách tiến hành khóa học và hình ảnh còn lại có mô hình DigCompEdu với các lĩnh vực và năng lực khác nhau. Sau khi xem video, các khu vực khác nhau sẽ được hiển thị. Mỗi lĩnh vực năng lực được cấu thành bởi các năng lực tương ứng và mỗi năng lực chia theo các cấp độ (sơ cấp, trung cấp và cao cấp). Mỗi năng lực có phần trình bày tương ứng về quy trình, cấp độ, nhiệm vụ và diễn đàn với 66 mô-đun học tập, 230 nhiệm vụ được phân bổ trong các mô đun khác nhau; 24 đồ họa thông tin và 11 tài liệu đa phương tiện được tích hợp trong các mô đun học tập khác nhau. Các hoạt động điện tử được đề xuất có nhiều loại khác nhau: Lập bản đồ khái niệm, tham gia diễn đàn, xây dựng blog, tạo PLE bằng một số công cụ nhất định, tạo cộng đồng học tập,… Các tài nguyên được sử dụng trong các mô-đun học tập gồm: Hoạt ảnh giáo khoa, bản ghi polimedia, video, đồ họa thông tin, địa chỉ web và tài liệu bổ sung. Ngoài ra, một số diễn đàn đã được thiết kế gồm những vấn đề chung về cách thức hoạt động của tMOOC, những vấn đề về từng lĩnh vực năng lực và các diễn đàn cụ thể cho các hoạt động.
Yelubay và cộng sự (2022) đã xây dựng khóa học “Giới thiệu về MOOCs” được thiết kế trong 6 tuần cho sinh viên sư phạm tiểu học, sử dụng tài nguyên mở và phát triển bộ tài liệu gồm video, bài thuyết trình, văn bản, câu hỏi và chủ đề diễn đàn thảo luận. Diễn đàn thảo luận được cấu trúc trên nền tảng khóa học (Moodle) và các cuộc thảo luận trên mạng được tổ chức trên nền tảng Google và Twitter. Nội dung tóm tắt của MOOC về phát triển năng lực kĩ thuật số như sau: Tuần 1- Số hóa giáo dục (Các xu hướng mới trong giáo dục; Khái niệm năng lực số; Khung năng lực kĩ thuật số dành cho nhà giáo dục - DigCompEdu); Tuần 2- Tổng quan về MOOC như một công nghệ đào tạo từ xa; Tuần 3 - Phương pháp sư phạm MOOCs và các loại MOOC; Tuần 4 và 5 - Thiết kế MOOCs (Văn bản và phong cách ngôn ngữ của bài giảng video; Quay và chỉnh sửa video; Diễn đàn thảo luận; Hợp tác mạng; Câu đố; Giám sát và đánh giá); Tuần 6 - Quyền công dân kĩ thuật số và quy định về bản quyền. Diễn đàn thảo luận thông qua các chủ đề khóa học được gợi ý gồm: Xác định thông tin sai lệch/đáng tin cậy; Tạo, chia sẻ văn bản/blog/bài đăng; Tạo môi trường học tập mạng lưới hợp tác và thực hành tổ chức thảo luận trực tuyến diễn đàn (Google, Twitter); Tìm, chọn phần mềm ghi âm thanh, video miễn phí và tạo tài nguyên âm thanh,video; Tạo các câu hỏi và khảo sát trực tuyến; Tạo nhiều bài thuyết trình tương tác khác nhau; Chia sẻ tài nguyên số ở nhiều định dạng khác nhau và nhận xét, đánh giá người khác.
Các nghiên cứu của Morata-Garrido và cộng sự (2023), Sobchenko và cộng sự (2022) đã chỉ ra vai trò của mô hình dạy học kết hợp đến quá trình đào tạo phát triển năng lực số cho sinh viên Sư phạm. Nghiên cứu của Gladun và cộng sự (2018) nhấn mạnh vai trò của dạy học kết hợp và học tập cá nhân đối với việc phát triển năng lực số và quá trình học tập suốt đời của sinh viên sư phạm tiểu học.
3.4. Phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học thông qua đào tạo kết hợp với thực tiễn tại trường học
Kết quả nghiên cứu của Batane và cộng sự (2017) cho thấy, cần phải phát triển mối liên kết chặt chẽ giữa giáo dục đại học và những gì đang diễn ra trong trường học để giúp giáo viên chưa tốt nghiệp áp dụng hiệu quả những gì họ đã học vào thực tế. Điều này tạo ra những thay đổi như xem xét chương trình giảng dạy của trường và các phương pháp đánh giá để đảm bảo rằng, chúng hỗ trợ việc sử dụng công nghệ vào thực tiễn trường học.
Lázaro Cantabrana và Gisbert Cervera (2015) đã thực hiện nghiên cứu về đào tạo liên kết dựa trên sự hợp tác giữa đại học Rovira ibVirgili (URV) và trường phổ thông Serrallo để phát triển năng lực số cho sinh viên tiểu học và mầm non năm nhất thông qua hoạt động giảng dạy môn “Kĩ năng giao tiếp”, trong đó sinh viên được yêu cầu thiết kế và phát triển tài liệu giảng dạy số theo các chủ đề gắn với nhu cầu của trường phổ thông.
Nghiên cứu của Yaroshenko và cộng sự (2020) đã tích hợp khóa học “Công nghệ thông tin và kĩ thuật số hiện đại trong quá trình giáo dục ở trường tiểu học” trong chương trình đào tạo nhằm giúp sinh viên Sư phạm tiểu học phát triển năng lực số thông qua các nền tảng số G Suite for Education, đồng thời triển khai thực nghiệm các nhiệm vụ liên quan đến khoá học trong quá trình giáo dục thực tiễn ở trường tiểu học.
Nghiên cứu của Pu và cộng sự (2021) hướng tới phát triển một mô đun đào tạo môn trí tuệ nhân tạo dựa trên học tập dịch vụ (SLBM-TAIS) và đánh giá tác động của SLBM-TAIS đối với kiến thức thực tế và động lực của sinh viên thực tập, cũng như thái độ của học sinh tiểu học đối với AI ở Trung Quốc. Nghiên cứu được thiết kế theo 3 giai đoạn: Sinh viên tham gia mô đun đào tạo phát triển AI; Sinh viên thực tập thực hành học tập và giảng dạy tại trường đại học; Sinh viên thực tập thực hành giảng dạy với học sinh tại trường tiểu học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, SLBM-TAIS có hiệu quả trong việc đào tạo các sinh viên thực tập dạy các môn AI cho học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, có một số nghiên cứu đưa ra những định hướng chung trong phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học.
Nghiên cứu của Galindo-Domínguez và cộng sự (2021) cho rằng, có thể dựa trên khung năng lực số chung Châu Âu để thực hiện một số giải pháp phát triển năng lực số cho sinh viên ngành Giáo dục tiểu học: 1) Giới thiệu một loạt các hoạt động liên quan đến việc tạo tài liệu, chẳng hạn như tạo blog (Blogger, Wix, Wordpress,…) hoặc các bài tập tương tác (Kahoot, Genially, Canva…); 2) Tận dụng tốt các hệ thống quản lí học tập (Moodle, BlackBoard…); 3) Phát triển các dự án giáo dục kĩ thuật số có sự tham gia của cộng đồng giáo dục; 4) Tìm hiểu các loại tài nguyên số khác nhau, các chương trình mã nguồn, sửa đổi blog, phần mềm nguồn mở,… Tất cả các đề xuất này đều liên quan đến việc điều chỉnh chương trình các môn học cụ thể về công nghệ trong các cấp độ giáo dục cũng như các môn học còn lại mà công nghệ nên được sử dụng theo cách xuyên suốt.
Nghiên cứu của Nazarova Nodira Isroilovna (Малеева & Темникова, 2023) trình bày một số chiến lược phát triển năng lực số cho giáo viên tiểu học tương lai gồm: 1) Tích hợp công nghệ vào các chương trình đào tạo giáo viên; 2) Phát triển chuyên môn liên tục cho giáo viên đang hành nghề và sinh viên sư phạm thông qua các hội thảo và khóa học trực tuyến để cập nhật các công nghệ mới nổi và phương pháp sư phạm; 3) Học tập hợp tác và hỗ trợ đồng đẳng; 4) Ghép đôi giáo viên tương lai với những người hướng dẫn giàu kinh nghiệm có năng lực số tốt có thể cung cấp những hướng dẫn, hỗ trợ tích hợp công nghệ số hiệu quả; 5) Đảm bảo tiếp cận công nghệ và tài nguyên bình đẳng.
4. Kết luận
Có rất nhiều nghiên cứu về phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học, trong đó xem xét vấn đề này trên nhiều khía cạnh khác nhau tạo trên một cái nhìn bao quát, đầy đủ về các biện pháp tác động nhằm phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học. Nghiên cứu đã chỉ ra bốn phương thức chính để phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học: 1) Thiết kế các khóa học/mô đun/học phần trong chương trình đào tạo; 2) Thiết kế các nhiệm vụ học tập tích hợp trong các học phần của chương trình đào tạo; 3) Sử dụng mô hình dạy học: Nội dung sư phạm công nghệ (TPACK), dạy học trực tuyến (MOOCs, Eleaning), dạy học kết hợp (Blended learning); 4) Đào tạo kết hợp với thực tiễn tại trường phổ thông. Tuy nhiên, kết quả trên chỉ mới thực hiện ở một phạm vi hẹp chưa mang tính bao quát toàn bộ. Trong các nghiên cứu tiếp theo, tác giả sẽ mở rộng phạm vi tìm hiểu đồng thời đề xuất các biện pháp mang tính hệ thống nhằm phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay trong kỉ nguyên số.
Tham khảo:
[1] Alférez-Pastor, M., Collado-Soler, R., LéridaAyala, V., Manzano-León, A., Aguilar-Parra, J. M., & Trigueros, R. (2023). Training Digital Competencies in Future Primary School Teachers: A Systematic Review. Education Sciences, 13(5), 461-479. https://doi.org/10.3390/educsci13050461
[2] Angelova, V., & Nikolova, A. (2024). The Digital Competence of Students Preparing to become Primary School Teachers - Perspectives for Development. TEM Journal, 13(1), 377–385. https:// doi.org/10.18421/tem131-39
[3] Barber, J. F. (2016). Digital storytelling: New opportunities for humanities scholarship and pedagogy. Cogent Arts and Humanities, 3(1), 1-14. https://doi.org/10.1080/23311983.2016.1181037
[4] Batane, T., & Ngwako, A. (2017). Technology use by pre-service teachers during teaching practice: Are new te…: EBSCOhost. Australasian Journal of Educational Technology, 33(1), 48–62. https://doi. org/10.14742/ajet.2299
[5] Benet Gil, A., Sanahuja Ribés, A., García Molina, I., Nieto Garoz, R., Benet Gil, A., Sanahuja Ribés, A., García Molina, I., & Nieto Garoz, R. (2018). Nuevos horizontes formativos: una experiencia del MOOC como recurso en la formación continua. Apertura (Guadalajara, Jal.), 10(1), 88–103. https:// doi.org/10.32870/ap.v10n1.1151
[6] Botturi, L. (2019). Digital and media literacy in preservice teacher education. Nordic Journal of Digital Literacy, 14(3–4), 147–163. https://doi.org/10.18261/ ISSN.1891-943X-2019-03-04-05
[7] Cascales-Martínez, A., Ángeles Gomariz Vicente, M., & Simón, A. P. (2020). WhatsApp as an educational tool in Primary Education: Students, teachers and families. Pixel-Bit, Revista de Medios y Educacion, 58(April), 71–89. https://doi.org/10.12795/ pixelbit.74213
[8] Chan, B. S. K., Churchill, D., & Chiu, T. K. F. (2017). Digital Literacy Learning In Higher Education Through Digital Storytelling Approach. Journal of International Education Research (JIER), 13(1), 1–16. https://doi.org/10.19030/jier.v13i1.9907
[9] Council of the European Union. (2018). Recommendation on key competences for lifelong learning. Official Journal of the European Union. https://cutt.ly/MKKtVUN
[10] Domingo-Coscollola, M., Bosco, A., Segovia, S. C., & Valero, J. A. S. (2020). Fostering teacher’s digital competence at university: The perception of students and teachers. Revista de Investigacion Educativa, 38(1), 167–182. https://doi.org/10.6018/ rie.340551
[11] Galindo-Domínguez, H., & Bezanilla, M. J. (2021). Digital competence in the training of pre-service teachers: Perceptions of students in the degrees of early childhood education and primary education. Journal of Digital Learning in Teacher Education, 37(4), 262–278. https://doi.org/10.1080/21532974.2021.1934757
[12] Gladun, M., Nastas, D., & Spivak, S. (2018). Formation of digital competence of future teachers of elementary school using blended learning and personal learning environment. Open Educational E-Environment of Modern University, 5(5), 58–65. https://doi.org/10.28925/2414-0325.2018.5.5865
[13] González Calatayud, V., Román García, M., & Prendes Espinosa, M. P. (2018). Formación en competencias digitales para estudiantes universitarios basada en el modelo DigComp. Edutec. Revista Electrónica de Tecnología Educativa, 65. https://doi.org/10.21556/ edutec.2018.65.1119
[14] Gutiérrez Porlán, I., & Serrano Sánchez, J. L. (2016). Evaluación y desarrollo de la competencia digital de futuros maestros en la Universidad de Murcia. Journal of New Approaches in Educational Research, 6(1), 51–56. https://doi.org/10.7821/naer.2016.1.152
[15] Herranen, J. K., Aksela, M. K., Kaul, M., & Lehto, S. (2021). Teachers’ expectations and perceptions of the relevance of professional development moocs. Education Sciences, 11(5). https://doi.org/10.3390/educsci11050240
[16] Huertas Abril, C. A. (2018). Creación de vídeos en animación 3D mediante aprendizaje cooperativo en el aula de inglés: innovación docente para la formación de profesorado de Educación Primaria. El Guiniguada. Revista de Investigaciones y Experiencias En Ciencias de La Educación, 27, 13–21. https://doi.org/10.20420/elguiniguada.2018.202
[17] Lázaro Cantabrana, J. L., & Gisbert Cervera, M. (2015). El desarrollo de la competencia digital docente a partir de una experiencia piloto de formación en alternancia en el Grado de Educación. Educar, 51(2), 321–348. https://doi.org/10.5565/rev/ educar.725
[18] Marais, E. (2023). The Development of Digital Competencies in Pre-Service Teachers. Research in Social Sciences and Technology, 8(3), 134–154. https://doi.org/10.46303/ressat.2023.28
[19] Martínez-Pérez, S., Cabero-Almenara, J., BarrosoOsuna, J., & Palacios-Rodríguez, A. (2022). T-MOOC for Initial Teacher Training in Digital Competences: Technology and Educational Innovation. Frontiers in Education, 7(June), 1–14. https://doi.org/10.3389/feduc.2022.846998
[20] Малеева, Е. В., & Темникова, Е. Ю. (2023). Development of digital competence of future primary school teachers. Management of Education, 1(2(60)), 147–152. https://doi.org/10.25726/q4133- 3361-5369-q
[21] Moral, M. E. del, Villalustre, L., & Neira, M. del R. (2015). Digital Storytelling: Activating Communicative, Narrative and Digital Competences in Initial Teacher Training. Ocnos: Revista de Estudios Sobre Lectura, 15(13), 22–41. https://doi.org/10.18239/ ocnos
[22] Moral, F. J. R., & Díaz, M. F. (2021). Future primary school teachers’ digital competence in teaching science through the use of social media. Sustainability (Switzerland), 13(5), 1–13. https://doi. org/10.3390/su13052816
[23] Morata-Garrido, N., Luis, O. M. J., & González-Valero, G. (2023). Development of EFL Teachers’ Digital Competence in the Adoption of Blended Learning. Language Related Research, 14(5), 1–25. https://doi. org/10.29252/LRR.14.5.1
[24] Nuroh, E. Z., Kusumawardana, M. D., & Destiana, E. (2022). Developing Digital Literacy Skill for Initial Teacher Education through Digital Storytelling. KnE Social Sciences, 2022, 475–496. https://doi. org/10.18502/kss.v7i10.11250
[25] Ortega Carrillo, J. A., Rendón López, L. M., Fuentes Esparrell, J. A., & Ortega Maldonado, Á. (2020). Eficacia de un programa de formación en competencias digitales aplicado a estudiantes del grado de magisterio en educación primaria basado en el modelo Affective elearning+. Educatio Siglo XXI, 38(3 Nov-Feb), 81–104. https://doi. org/10.6018/educatio.432421
[26] Palacios Hidalgo, F. J., Huertas Abril, C. A., & Gómez Parra, M. a . E. (2020). MOOCs: Origins, Concept and Didactic Applications: A Systematic Review of the Literature (2012–2019). Technology, Knowledge and Learning, 25(4), 853–879. https://doi. org/10.1007/s10758-019-09433-6
[27] Park, J. (2024). A Case Study on Enhancing the Expertise of Artificial Intelligence Education for Pre-service Teachers. Journal of the Korea Institute of Information and Communication Engineering, 28(1), 54–62. https://doi.org/10.6109/jkiice.2024.28.1.54
[28] Pu, S., Ahmad, N. A., Khambari, M. N. M., Yap, N. K., & Ahrari, S. (2021). Improvement of PreService Teachers’ Practical Knowledge and Motivation about Artificial Intelligence through a Servicelearning-based Module in Guizhou, China: A QuasiExperimental Study. Asian Journal of University Education, 17(3), 203–219. https://doi. org/10.24191/ajue.v17i3.14499
[29] Silva-Quyroz, J., & Morales-Morgado, E. M. (2022). Assessing digital competence and its relationship with the socioeconomic level of Chilean university students. International Journal of Educational Technology in Higher Education, 19(1). https://doi. org/10.1186/s41239-022-00346-6
[30] Sobchenko, T., & Vorozhbit-Horbatiuk, V. (2022). Results of Digital Competence Development for Philology Students within Blended Learning. Challenges Educational, 27(2), 185–198. https://doi. org/10.34142/2709-7986.2022.27.2.13
[31] Szymkowiak, A., Melović, B., Dabić, M., Jeganathan, K., & Kundi, G. S. (2021). Information technology and Gen Z: The role of teachers, the internet, and technology in the education of young people. Technology in Society, 65, 101565. https://doi. org/10.1016/J.TECHSOC.2021.101565
[32] Yang, Q., & Lee, Y. C. (2021). The critical factors of student performance in MOOCs for sustainable education: A case of chinese universities. Sustainability (Switzerland), 13(14). https://doi. org/10.3390/su13148089
[33] Yaroshenko, O. G., Samborska, O. D., & Kiv, A. E. (2020). An integrated approach to digital training of prospective primary school teachers. CEUR Workshop Proceedings, 2643, 94–105. https://doi. org/10.55056/cte.314
[34] Yelubay, Y., Dzhussubaliyeva, D., Moldagali, B., Suleimenova, A., & Akimbekova, S. (2022). Developing future teachers’ digital competence via massive open online courses (MOOCs). Journal of Social Studies Education Research, 13(2), 170–195.
- Xây dựng và sử dụng khung năng lực trong phát triển đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường ở trường tiểu họcNghiên cứu07/04/2025
- Bản đồ cơ thể đầu tiên về ảo giácNghiên cứu01/04/2025
- THÔNG BÁO SỐ 1 VỀ VIỆC TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ:"TÂM LÝ HỌC VÀ GIÁO DỤC HỌC TRONG KỶ NGUYÊN SỐ"Nghiên cứu20/01/2025
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Đặc trưng chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu07/10/2024
- XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CỦA GIÁO VIÊN VÀ SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH 2018Nghiên cứu04/10/2024
- Trẻ em có thể dạy cho chúng ta điều gì về khoa học thần kinh ẩn sau sự tò mòNghiên cứu06/09/2024
- Các nhà tâm lý học phát hiện ra hiện tượng sởn gai ốc diễn ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩNghiên cứu21/06/2024
- Hướng tiếp cận mới nhằm hỗ trợ giáo viên tích hợp nội dung "Học tập vì sự phát triển bền vững" ngay từ những ngày đầu sự nghiệpTin tức08/05/2025
- Thông tin tuyển sinh Đại học năm 2025 của Khoa Sinh học, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh.Tin tức07/05/2025
- Competence Assessment of Team of Specialists under the Organization and Personnel Department at Public Universities in VietnamĐào tạo07/05/2025
- ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAYNghiên cứu06/05/2025
- 🔥🔥THÔNG TIN TUYỂN SINH KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ NĂM 2025 🔥Tin tức05/05/2025
- Hành trình của sinh viên Khoa Hóa học tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường Sư phạm năm học 2024 - 2025Giới thiệu28/04/2025
- Sôi nổi hội thi rèn nghề ngành Quản lý giáo dục và Tâm lý học giáo dụcTin tức28/04/2025
- Thông tin tuyển sinh ngành Sư phạm Tin học năm 2025Tin tức24/04/2025