Giáo dục giá trị văn hoá truyền thống cho học sinh trong dạy học môn lịch sử và địa lý ở trường tiểu học
PGS.TS. Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Tú Oanh
Tóm tắt: Giá trị văn hóa truyền thống là sự kết tinh những gì tốt đẹp nhất theo dòng chảy của lịch sử dân tộc, tạo nên bản sắc riêng, được bảo tồn và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Có thể nói, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc là nguồn nội lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh là vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách. Môn Lịch sử và Địa lý ở tiểu học có nhiều lợi thế trong việc giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh. Điều này xuất phát từ mục tiêu, đặc điểm của môn học và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học. Bài viết trình bày tầm quan trọng, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh thông qua dạy học môn Lịch sử và Địa lý ở trường tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Từ khóa: Truyền thống, giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống, Lịch sử và Địa lý, học sinh tiểu học.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay tạo nhiều cơ hội và thách thức đối với các quốc gia. Một mặt là tạo điều kiện cho các quốc gia trong đó có Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu, tận dụng những thành tựu về khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục… để phát triển. Bên cạnh đó toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt nam, nhất là trong việc bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống (VHTT) tốt đẹp của dân tộc, tránh “hòa tan” trong quá trình hội nhập. Thực tiễn cho thấy hiện nay một bộ phận học sinh (HS), sinh viên có những biểu hiện “lệch chuẩn”, cổ xuý, sùng bái văn hóa ngoại lai, thờ ơ, sao nhãng, thậm chí đi ngược lại những giá trị VHTT tốt đẹp của dân tộc. Nghị quyết số 33- NQ/TW, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã nhấn mạnh: “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc” (Đảng cộng sản Việt Nam, 2014). Lịch sử và địa lý (LS & ĐL) là một trong những môn học bắt buộc chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018. “Môn LS & ĐL ở cấp TH giúp HS khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh để bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước; ý thức bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam; tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia và dân tộc, từ đó góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình GDPT môn LS&ĐL cấp TH, 2018). Với mục tiêu và đặc điểm chương trình, môn LS&ĐL ở cấp TH có nhiều lợi thế trong GD giá VHTT cho HS. Vấn đề đặt ra là việc khai thác nội dung, sử dụng các phương pháp (PP), hình thức dạy học môn LS&ĐL như thế nào để nâng cao hiệu quả GD giá VHTT cho HSTH.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Một số khái niệm cơ bản
2.1.1. Truyền thống
Theo Từ điển giáo dục học, truyền thống được hiểu là “các yếu tố di sản văn hóa và xã hội được lưu truyền từ đời này sang đời khác và được lưu giữ trong từng xã hội, cộng đồng, khu vực và các nhóm xã hội trong một thời gian lâu dài. Truyền thống được thể hiện dưới dạng các định chế xã hội, các chuẩn mực hành động, các giá trị tư tưởng- văn hóa, các phong tục, tập quán, các nghi thức, các lễ hội dân gian và tôn giáo vv. Trong truyền thống có cái đã lỗi thời, không còn giá trị, có cái vẫn giữ nguyên giá trị và thúc đẩy xã hội tiến bộ lên mãi” (Hiển, & Giao và nnk., 2001, tr. 434). Tác giả Phan Huy Lê (1994) cho rằng, “Truyền thống là tập hợp những tư tưởng, tình cảm, những thói quen trong tư duy, lối sống và ứng xử của một cộng đồng nhất định, được hình thành trong lịch sử và trở nên ổn định, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác”. Như vậy, qua các khái niệm trên, có thể thấy truyền thống có cả tích cực, tiến bộ và cả truyền thống lỗi thời so với thời đại, trong đó các truyền thống tích cực tạo nên sức mạnh nội lực cho sự phát triển của xã hội.
2.1.2. Giá trị văn hóa truyền thống
Giá trị: Theo Đại từ điển Tiếng Việt, “giá trị là cái mà con người dùng làm cơ sở để xem xét một vật có lợi ích đến mức nào đối với con người; cái mà con người dựa vào dùng để xem xét một con người đáng quý đến mức nào về mặt đạo đức, trí tuệ, tài năng; những quan niệm thực tại về cái đẹp, sự thật, điều thiện của xã hội; tính chất quy ra được thành tiền của một vật trong buôn bán, đổi chác; độ lớn của một đại lượng, một lượng biến thiên” (Nguyễn Như Ý, 1999). Giá trị là một phạm trù lịch sử vì nó thay đổi theo thời gian, theo sự biến động của xã hội, phụ thuộc vào tính dân tộc, tôn giáo, cộng đồng. Văn hóa: Theo Đại từ điển tiếng Việt, “Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử” (Nguyễn Như Ý, 1999). Tác giả Trần Ngọc Thêm (2003) quan niệm: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”. Văn hóa được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, “văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Giá trị văn hóa truyền thống: Tác giả Trần Văn Giàu (2011, tr. 142) cho rằng: giá trị VHTT là: “Những nguyên lý đạo đức lớn mà con người trong nước thuộc các thời đại, các giai đoạn lịch sử dựa vào để phân biệt phải trái, nhận định nên chăng, nhằm xây dựng độc lập, tự do và tiến bộ của dân tộc đó.”
Như vậy, giá trị VHTT chính là sự kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc, làm nên bản sắc riêng, được truyền lại cho các thế hệ sau và theo thời gian được bổ sung các giá trị mới.
2.1.3. Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh
Có thể hiểu giáo dục giá trị VHTT cho HS nói chung, HSTH nói riêng là quá trình sư phạm được tổ chức một cách có mục đích, có kế hoạch, được tiến hành thông qua các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường nhằm định hình cho HS giá trị VHTT tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần phát triển nhân cách con người theo mục tiêu giáo dục. GD giá trị VHTT cho HS trong bối cảnh hội nhập có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển con người Việt Nam. GD giá trị VHTT trong nhà trường sẽ góp phần bồi đắp tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc cho HS, làm cho đời sống tinh thần của các em phong phú, lành mạnh, trên cơ sở đó hình thành nhân cách tốt đẹp cho mỗi HS. Đặc biệt, trong bối cảnh VHTT nói chung có nguy cơ bị VH hiện đại lấn át, nhiều giá trị VHTT tốt đẹp bị mai một thì việc GD giá trị VHTT cho HS càng trở nên cấp thiết.
2.2. Vấn đề giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh trong dạy học môn Lịch sử và Địa lý ở trường tiểu học
2.2.1. Lợi thế của môn Lịch sử và Địa lý trong giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh tiểu học
Trong CTGDPT 2018, LS & ĐL ở cấp TH là môn học bắt buộc, được dạy học ở lớp 4 và lớp 5. “Môn LS & ĐL ở cấp TH hình thành, phát triển ở HS năng lực LS & ĐL với các thành phần: nhận thức khoa học LS & ĐL; tìm hiểu LS & ĐL; vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học; đồng thời góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Môn LS & ĐL ở cấp TH giúp HS khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh để bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước; ý thức bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam; tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia và dân tộc, từ đó góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm”. “Chương trình môn LS & ĐL tích hợp nội dung GD lịch sử, địa lý và một số nội dung văn hóa, xã hội trong các kết nối về không gian và thời gian; tích hợp nội dung bảo vệ môi trường, GD giá trị nhân văn; gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung GD với thực tiễn nhằm hình thành, phát triển ở HS năng lực đặc thù của môn học và các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, CTGDPT môn LS & ĐL cấp TH, 2018).
Với mục tiêu và đặc điểm trên, môn LS & ĐL có nhiều lợi thế trong việc GD giá trị VHTT cho HS. Đa số các bài học môn LS & ĐL có thể GD các giá trị VHTT cho HS ở các mức độ khác nhau.
2.2.2. Những giá trị văn hóa truyền thống cần giáo dục cho học sinh trong dạy học môn Lịch sử và Địa lý ở trường tiểu học
Về các giá trị VHTT của dân tộc Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Tác giả Trần Văn Giàu (2011) cho rằng: “Giá trị văn hóa truyền thống bao gồm lòng yêu nước, đức tính cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Trong đó, lòng yêu nước đã làm nên cốt cách, con người Việt Nam.”
Theo tác giả Hoàng Chí Bảo (2009, tr.175): “Yêu nước và tình cảm yêu nước, thương người phát triển thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, đó không chỉ là một nét đẹp đạo đức, một nét văn hóa mà còn kết tinh thành giá trị bền vững của văn hóa truyền thống Việt Nam.” Các tác giả Phạm Minh Hạc và Nguyễn Khoa Điềm (2003, tr.262) cho rằng: “Đặc điểm bền vững của nếp sống, đạo đức và giá trị truyền thống thể hiện ở các đức tính của con người Việt Nam như: Yêu nước nồng nàn, ý thức tự cường dân tộc, tinh thần cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, tính thực tiễn, cần cù và sáng tạo trong lao động …” Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện GD – ĐT, CTGDPT 2018 được xây dựng “phù hợp với đặc điểm con người, văn hóa Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại…” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, CTGDPT tổng thể, 2018). Ngoài các năng lực chung và năng lực đặc thù, những phẩm chất cần hình thành và phát triển cho HS thông qua CTGDPT 2018 gồm: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Thực chất những phẩm chất này là những giá trị VHTT tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và của nhân loại cần GD cho HS qua các môn học, hoạt động GD ở các cấp học, trong đó có môn LS & ĐL ở cấp TH. Những giá trị VHTT cần GD cho HS trong nội dung CTGDPT môn LS & ĐL năm 2018 ở TH: Chương trình môn LS & ĐL lớp 4 bao gồm những mạch nội dung về LS, ĐL địa phương; thiên nhiên, dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa, các di tích LS, VH, các danh nhân, các thành phố tiêu biểu của các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt nam như: Trung du và miền núi Bắc bộ; Đồng bằng Bắc Bộ; duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Nam Bộ. Qua các mạch nội dung này giáo dục cho HS các giá trị VHTT như truyền thống yêu nước, yêu quê hương, yêu con người, lòng tự hào với truyền thống của dân tộc qua tìm hiểu về các đặc điểm tự nhiên, con người, các di tích LS, VH, các danh nhân, các anh hùng dân tộc ở các vùng miền. Đồng thời GD HS đức tính cần cù, chăm chỉ, hiếu học, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường xung quanh và trong việc phòng tránh thiên tai, ý thức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử và văn hóa ở các vùng miền đất nước.
Chương trình môn LS & ĐL lớp 5 bao gồm các mạch nội dung về Đất nước và con người Việt Nam (Vị trí địa lý, lãnh thổ, đơn vị hành chính, Quốc kì, Quốc huy, Quốc ca, thiên nhiên, Biển, đảo Việt Nam; Dân cư và dân tộc ở Việt Nam); Những quốc gia đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam (Văn Lang, Âu Lạc, Phù Nam, Champa); Xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam (Đấu tranh giành độc lập thời kì Bắc thuộc; Triều Lý và việc định đô ở Thăng Long; Triều Trần và kháng chiến chống Mông – Nguyên; Khởi nghĩa Lam Sơn và triều Hậu Lê; Triều Nguyễn, Cách mạng tháng Tám năm 1945; Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975; Đất nước Đổi mới). Những nội dung này có vai trò hết sức to lớn trong việc GD cho HS lòng yêu nước, thương nòi, lòng tự hào với truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, công ơn của các anh hùng dân tộc, các danh nhân trong việc xây dựng đất nước và chống giặc ngoại xâm, hiểu rõ công cuộc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông trong lịch sử và hiện nay. Đồng thời, GD cho HS tình yêu thương con người, thái độ tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Việt Nam, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ các di sản văn hóa của dân tộc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai, phát huy truyền thống cần cù chăm chỉ của con người Việt Nam trong lao động xây dựng đất nước.
Về cơ bản các nội dung trong chương trình GDPT môn LS & ĐL ở cấp TH đều chưa đựng các giá trị VHTT cần GD cho HS, tuy nhiên mỗi bài học lại có những ưu thế riêng trong việc GD giá trị VHTT. Vì vậy, trong quá trình dạy học (DH) môn học này, trên cơ sở yêu cầu cần đạt của từng mạch nội dung mà giáo viên (GV) khai thác các nội dung, vận dụng các phương pháp (PP) và hình thức tổ chức DH một cách phù hợp để GD giá trị VHTT cho HS.
2.2.3. Các phương pháp và hình thức giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh trong dạy học môn Lịch sử và Địa lý ở tiểu học
Để GD giá trị VHTT cho HS trong DH môn LS & ĐL ở TH, GV có thể sử dụng các PP và hình thức khác nhau. Sau đây là một số PP và hình thức GD cơ bản:
- Sử dụng PP kể chuyện: Kể chuyện là PPDH đặc trưng của môn LS & ĐL, nhất là với kiến thức về lịch sử. Phương pháp này rất phù hợp với đặc điểm tâm lý của HSTH, giúp HS lĩnh hội kiến thức lịch sử văn hóa một cách sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn. Kể chuyện tạo nên bức tranh sinh động về quá khứ, về các nhân vật, các sự kiện lịch sử, qua đó GD cho HS lòng yêu nước, tự hào với truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước và chống giặc ngoại xâm. Để sử dụng PP kể chuyện có hiệu quả, có tác dụng GD các giá trị VHTT cho HS, GV cần lưu ý một số yêu cầu như: lựa chọn những câu chuyện phù hợp với yêu cầu cần đạt và nội dung bài daỵ và đặc điểm nhận thức của HSTH. Lời kể của GV (hoặc HS) phải sinh động, hấp dẫn, kết hợp lời nói với cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, kết hợp kể chuyện với các phương pháp dạy học khác như thảo luận nhóm, kết hợp sử dụng các phương tiện trực quan như bản đồ, lược đồ, tranh ảnh, hiện vật lịch sử… Có như vậy mới tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của HS, hình thành ở các em biểu tượng sinh động về các sự kiện, nhân vật lịch sử,khơi dậy ở các em lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Chẳng hạn khi dạy nội dung “Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975” (Bộ GD
– ĐT, Chương trình GDPT môn LS & ĐL cấp TH), GV có thể sử dụng PP kể chuyện để GD giá trị VHTT cho HS theo các bước như: chia HS thành các nhóm, giao nhiệm vụ cho các nhóm tìm hiểu diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, sau đó GV mời đại diện các nhóm kể lạị diễn biến chính của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, kết hợp sử dụng lược đồ, tư liệu LS (tranh ảnh, video…). Đồng thời giao nhiệm vụ cho các nhóm HS sưu tầm, kể lại được một số câu chuyện về chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
- Sử dụng PP trực quan: PP trực quan góp phần quan trọng tạo biểu tượng LS và ĐL cho HS một cách đầy đủ, chính xác sinh động, giúp HS nhớ kỹ, hiểu sâu kiến thức. Các phương tiện trực quan (lược đồ, bản đồ, sơ đồ, tranh ảnh tư liệu lịch sử, địa lý, video… có tác dụng to lớn trong GD tư tưởng, tình cảm cho HS, giúp HS thêm yêu quê hương, đất nước, tự hào với truyền thống dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa mà cha ông đã tạo dựng. Ví dụ: Khi dạy bài “Thăng Long – Hà Nội” (Vũ Minh Giang, Nghiêm Đình Vỳ và nnk, 2023), GV sử dụng các phương tiện trực quan như lược đồ thành phố Hà Nội để giúp HS xác định được vị trí của Thăng Long – Hà Nội, hướng dẫn HS khai thác, sử dụng tranh ảnh tư liệu lịch sử văn hóa để giúp các em thấy được lịch sử của Thăng long – Hà nội. Đồng thời sử dụng các hình ảnh, video… về để giúp HS hiểu được thủ đô Hà nội hiện nay là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước, được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Qua bài học GD cho HS: Hà nội là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nhiều nhất cả nước và là nơi lưu giữ nhiều giá trị VHTT của dân tộc. Để giáo dục ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của Thăng Long – Hà Nộị cho HS, GV có thể tổ chức cho các nhóm HS thiết kế áp phích tuyên truyền về việc bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các giá trị VHTT của Hà nội.
- Sử dụng PP đóng vai: Đóng vai là phương pháp được sử dụng phổ biến trong dạy học môn LS & ĐL ở TH. Qua đóng vai HS thể hiện được hiểu biết, tình cảm, thái độ của mình về các sự kiện, các nhân vật LS, hiện tượng ĐL, vì vậy đây là PP có nhiều lợi thế trong việc GD giá trị VHTT cho HS. Ví dụ: Khi dạy bài “Văn Miếu – Quốc Tử Giám” (Vũ Minh Giang, Nghiêm Đình Vỳ và nnk, 2023), ở hoạt động vận dụng GV có thể tổ chức cho HS đóng vai hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, qua đó giúp HS chia sẻ cảm nghĩ về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam và đề xuất được ở mức độ đơn giản một số biện pháp để giữ gìn, phát huy giá trị di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
- Sử dụng PP dự án: Đây là PPDH tích cực, có tác dụng gắn lý thuyết với thực hành, giúp HS hiểu rõ hơn về lịch sử, địa lý, qua đó GD ở HS tình yêu quê hương, đất nước, lòng nhân ái, tính chăm chỉ, trách nhiệm. Ví dụ: Khi dạy bài “Thiên nhiên và con người địa phương” (Vũ Minh Giang, Nghiêm Đình Vỳ và nnk 2023), GV cùng HS lập kế hoạch thực hiện dự án tìm hiểu vể hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ sau đó GV phân công nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm HS, hướng dẫn HS thực hiện dự án qua việc thu thập tài liệu, xử lý thông tin và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau đó các nhóm báo cáo sản phẩm dự án trước lớp, GV giúp HS hoàn thiện sản phẩm. Qua đó GD cho HS tính yêu quê hương, ý thức trách nhiệm với quê hương và sẵn sàng hành động bảo vệ môi trường ở địa phượng
Ngoài các PP trên, GV có thể sử dụng các PP khác để GD giá trị VHTT cho HS TH trong dạy học môn LS & ĐL như: sưu tầm tư liệu lịch sử, sử dụng đường thời gian, thảo luận nhóm, trò chơi… Có thể GD giá trị VHTT cho HS TH trong dạy học môn LS & ĐL qua các hình thức tổ chức dạy học như tham quan, trải nghiệm các di tích, lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh ở địa phương, học ngoài hiện trường, mời các nhân chứng lịch sử về nói chuyện, tổ chức các hội thi tìm hiểu về lịch sử, địa lý, qua đó GD các giá trị VHTT cho HS. Chẳng hạn khi dạy bài “Lịch sử và văn hóa truyền thống địa phương” (Vũ Minh Giang, Nghiêm Đình Vỳ và nnk 2023) GV có thể hướng dẫn HS lập kế hoạch cho buổi tham quan tìm hiểu về một di tích lịch sử - văn hóa của địa phươngtheo gợi ý: Tên di tích, mục đích tham quan, thời gian dự kiến, chuẩn bị cách thức thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch đã được xây dựng, GV tổ chức cho HS tham quan di tích lịch sử - văn hóa đã lựa chọn, kết thúc tham quan, GV có thể cho HS viết hoặc nêu cảm nghĩ của minh về di tích lịch sử - văn hóa, trách nhiệm giữ gìn di tích đó. Qua tham quan giúp HS hiểu rõ về giá trị VHTT của địa phương, tự hào và có ý thức giữ gìn, bảo tồn các giá trị lịch sử, VHTT của địa phương.
Như vậy, các PP, hình thức GD giá trị VHTT cho HS trong DH môn LS & ĐL ở tiểu học rất phong phú và đa dạng. Mỗi PP, hình thức tổ chức dạy học đều có những ưu thế riêng trong việc GD giá trị VHTT cho HS. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả GD giá trị VHTT cho HS nói riêng, hiệu quả DH môn LS & ĐL nói chung, GV cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các PP và hình thức DH khác nhau tuỳ thuộc vào yêu cầu cần đạt, nội dung của từng bài học và đặc điểm nhận thức của HS cũng như điều kiện cụ thể của từng nhà trường, từng địa phương.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một ví dụ minh họa về GD giá trị VHTT cho học sinh qua Bài 18 “Cố đô Huế” (Vũ Minh Giang, Nghiêm Đình Vỳ và nnk 2023).
Yêu cầu cần đạt của mạch nội dung này là: Xác định được vị trí địa lý của cố đô Huế trên bản đồ hoặc lược đồ; Mô tả được vẻ đẹp của cố đô Huế qua hình ảnh sông Hương, núi Ngự và một số côngtrình tiêu biểu như Kinh thành Huế, Chùa Thiên Mụ, các lăng của vua Nguyễn,...; Kể lại được một số câu chuyện lịch sử liên quan đến cố đô Huế; Đề xuất được một số biện pháp để bảo tồn và gìn giữ giá trị của cố đô Huế (Bộ Giáo dục và Đào tạo, CTGDPT môn LS & ĐL cấp TH, 2018). Yêu cầu cần đạt về GD giá trị VHTT qua mạch nội dung này là: GD cho HS lòng yêu nước, tự hào về cố đô Huế, đề xuất được một số biện pháp để bảo tồn và gìn giữ giá trị của cố đô Huế.
Trên cơ sở kế hoạch bài dạy, GV chuẩn bị các đồ dùng DH cần thiết như bản đồ hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, hình ảnh sông Hương, núi Ngự và một số công trình tiêu biểu như Kinh thành Huế, Chùa Thiên Mụ, các lăng của vua Nguyễn… Ở hoạt động khám phá GV tổ chức cho HS quan sát bản đồ hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế để xác định vị trì của Cố đô Huế, quan sát sông Hương, núi Ngự, Chùa Thiên mụ, Kinh thành Huế, các lăng của vua Nguyễn qua ảnh (hoặc băng hình) để cảm nhận vẻ đẹp của Cố đô Huế. Tiếp đến GV giúp HS tìm hiểu về thời gian xây dựng Kinh thành Huế, tổ chức cho HS kể một số câu chuyện lịch sử có liên quan đến Cố đô Huế mà các em yêu thích và sưu tầm được (chẳng hạn như cuộc phản công quân Pháp ở Kinh thành Huế, Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Huế…).
Ở hoạt động luyện tập và vận dụng GV có thể tổ chức cho HS thảo luận: cần làm gì để bảo tồn và giữ gìn các giá trị của Cố đô Huế. Tiếp đến GV có thể tổ chức cho HS chơi trò chơi đóng vai “Hướng dẫn viên du lịch”. Cách chơi như sau: GV chia HS thành các nhóm, mỗi nhóm cử một HS đóng vai hướng dẫn viên du lịch, các thành viên khác trong nhóm đóng vai khách tham quan.
Kết thúc thời gian chuẩn bị đại diện các nhóm lên thực hiện trò chơi đóng vai của mình. Các thành viên đóng vai khách tham quan đặt câu hỏi về Cố đô Huế cho HS đóng vai người hướng dẫn viên du lịch. Kết thúc trò chơi GV cho HS nhận xét về cách thể hiện của các nhóm. Nhóm nào thể hiện tốt, sinh động, chính xác về Cố đô Huế thì nhóm đó sẽ thắng cuộc, đồng thời biểu dương, khen ngợi HS.
Kết thúc bài học GV giúp khái quát lại kiến thức về Cố đô Huế, qua đó giáo dục cho HS lòng tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và giữ gìn các giá trị của Cố đô Huế.
3. KẾT LUẬN
GD giá trị VHTT cho HS nói chung, HSTH nói riêng là nội dung GD hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Nội dung GD này được thể hiện rõ nét trong CTGDPT 2018 ở các môn học/hoạt động GD của các cấp học, trong đó có cấp TH. Với đặc trưng của môn học và đặc điểm tâm lý của HSTH, môn LS & ĐL có nhiều lợi thế trong việc GD giá trị VHTT cho HS. Trên cơ sở yêu cầu cần đạt, nội dung của từng bài học trong chương trình GDPT môn LS & ĐL, đặc điểm của HSTH, điều kiện cụ thể của địa phương, của nhà trường mà GV lựa chọn, vận dụng các PP, phương tiện, các hình thức phù hợp để GD giá trị VHTT cho HS, qua đó phát triển ở HS các năng lực, các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm theo mục tiêu của CTGDPT 2018.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Chương trình Giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể, Ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26 tháng 12 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Chương trình giáo dục phổ thông Môn Lịch sử và Địa lý (cấp tiểu học), Ban hành kèm theo thông tư số 32/2018/TT-BGDDT ngày 26 tháng 12, 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đảng cộng sản Việt Nam (2014). Nghị quyết số 33-NQ TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Hoàng Chí Bảo (2009). Hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Tạp chí Cộng sản, số 7.
Trần Văn Giàu (2011). Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, (Tái bản).
Vũ Minh Giang, Nghiêm Đình Vỳ và các tác giả khác (2023). Lịch sử và Địa lý 4, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục Việt Nam.
Phạm Minh Hạc, Nguyễn Khoa Điềm (2003). Về phát triển văn hóa và xây dựng con người thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Bùi Hiển (chủ biên) (2001). Từ điển Giáo dục học, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (1994). Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, Chương trình Khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX.07, đề tài KX07-02, tập I, Hà Nội.
Trần Ngọc Thêm (2003). Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tái bản lần 3.
Nguyễn Như Ý (1999). Đại Từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa thông tin.
EDUCATING TRADITIONAL CULTURAL VALUES TO PUPILS THOUGH HISTORY AND GEOGRAPHY SUBJECTS IN PRIMARY SCHOOLS
Abstract: Traditional cultural values represent the best parts of a nation's history. These values form a unique national identity that is preserved and passed down across generations. A nation's positive traditional cultural values can be considered an important internal asset that helps advance the country's development. Inan increasingly globalized and integrated world, educating students about traditional cultural values is a very important and pressing issue. The subjects of History and Geography in primary school have many advantages in educating students about traditional values. This stems from the objectives, characteristics of the subjects, and the psychological characteristics of primary school students. The paper discusses the significance, substance, and methods of teaching primary school students about traditional cultural values through history and geography lessons, in alignment with the 2018 General Education Program.
Keywords: Tradition, traditional cultural values, education of traditional cultural values, History and Geography, primary school students.
L’ENSEIGNEMENT DES VALEURS CULTURELLES TRADITIONNELLES ET LEUR INTÉGRATION AUX COURS D’HISTOIRE ET DE GÉOGRAPHIE AU BÉNÉFICE DES ÉLÈVES DU PRIMAIRE
Résumé: Les valeurs culturelles traditionnelles étant une « cristallisation » de ce qu’il y a de meilleur d’une nation au fur et à mesure de l’évolution historique, ce qui donne ainsi à la naissance de l’identité spécifique d’une communauté humaine : l’identité est préservée et transmise de génération en génération. Il va de soi que ces admirables valeurs culturelles traditionnelles nationales constituent une force endogène inestimable en faveur de l’essor d’un pays. Dans le contexte actuel de globalisation et d’intégration internationale croissante, et à tous les niveaux, l’enseignement des valeurs culturelles traditionnelles au profit des élèves vietnamiens représente un problème majeur et urgent. Les matières Histoire et Géographie au niveau des classes du primaire quant à elles présentent d’ailleurs des avantages pour s’en occuper en ce qui concerne l’enseignement des valeurs culturelles traditionnelles comme nous l’avons souhaité. Et ce vœu part en effet des objectifs, des caractéristiques propres aux matières concernées et aux spécificités physio-psychologiques des élèves du primaire. Notre étude porte ainsi sur l’importance, le contenu, la méthodologie et le modèle didactique concernant l’enseignement des valeurs traditionnelles nationales au bénéfice des élèves du primaire, notamment par le truchement des matières Histoire et Géographie dans le cadre d’application du Programme éducatif général de 2018.
Mots clés: Tradition, valeurs culturelles traditionnelles, enseignement des valeurs culturelles traditionnelles, Histoire, Géographie, élève du primaire.
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Đặc trưng chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu07/10/2024
- XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CỦA GIÁO VIÊN VÀ SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH 2018Nghiên cứu04/10/2024
- Trẻ em có thể dạy cho chúng ta điều gì về khoa học thần kinh ẩn sau sự tò mòNghiên cứu06/09/2024
- Các nhà tâm lý học phát hiện ra hiện tượng sởn gai ốc diễn ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩNghiên cứu21/06/2024
- A Systematic Review of Problem-Solving Skill Development for Students in STEM EducationNghiên cứu06/06/2024
- Proposing and Experimenting with a Public University Governance Model and MechanismsNghiên cứu03/06/2024
- Internal Quality Assurance of Initial Teacher Education Programs in Vietnam: A Descriptive StudyNghiên cứu03/06/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Seminar: Sự trỗi dậy của New York như là một kinh đô nghệ thuật mớiNghiên cứu22/11/2024
- Đội Thể thao số 1 của Công đoàn Trường Sư Phạm đạt vị trí Nhất toàn đoàn trong giải Thể thao Công đoàn Trường Đại Học Vinh năm 2024Công đoàn22/11/2024