Gỡ thể chế mở đường cho tự chủ đại học
Nêu ý kiến thảo luận, Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội Lê Quân cho biết so với 10 năm trước đây, các trường đại học đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng đang vướng rất nhiều về cơ chế, chính sách bất cập.
"Đồng phục thể chế" khiến các trường gặp khó
Ông Lê Quân bày tỏ việc Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù cho các ngành, các địa phương nhưng chưa có cơ chế nào đặc thù cho giáo dục nói chung và đặc biệt là giáo dục đại học. Nhất là với hai trường đại học quốc gia hiện nay đang có cơ chế quản lý, hoạt động không khác gì trường đại học nhỏ khác. "Đồng phục thể chế đang khiến các trường gặp khó và không phát huy hết năng lực" - ông Quân nói. Do đó theo ông Quân, rất cần có cơ chế và đầu tư để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tầm nhìn dài hạn, chú trọng đào tạo và nuôi dưỡng nhân tài ở những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của đất nước.
Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhắc đến vai trò quan trọng của hiệu trưởng trong thực hiện tự chủ các trường đại học. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận như với ĐHQG Hà Nội hiện nay, để tìm được một hiệu trưởng giỏi rất khó khăn. Trong 2-3 năm qua, theo thông tin từ ông Quân, đã có 2-3 cán bộ xin thôi làm hiệu trưởng để chuyển sang công tác khác. Theo ông, để các trường có nguồn lực đầu tư đủ lớn, Nhà nước cần xem xét đầu tư trực tiếp cho các trường đại học thông qua đấu thầu cạnh tranh. Các trường được đầu tư phải thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao cả về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Hình thức hỗ trợ này cho phép Nhà nước đầu tư hiệu quả với chi phí cạnh tranh. Còn về phía các trường đại học sẽ có được nguồn lực lớn để đầu tư cho các chương trình nghiên cứu trọng điểm, chương trình đào tạo cần trang thiết bị hiện đại.
GS.TS Vũ Văn Yêm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng tự chủ đại học không có nghĩa các trường phải tự lo tài chính. Việc không đồng bộ giữa chính sách pháp luật hiện nay khiến các cơ sở giáo dục đại học vướng rất nhiều trong việc tự chủ. Chẳng hạn về tổ chức bộ máy, cơ sở muốn thu hút cán bộ người nước ngoài rất khó triển khai. Vì thế theo ông Yêm, cần có cơ chế đặc biệt cho các trường đại học tốp đầu để một số cơ sở giáo dục đại học trở thành đầu tàu trong cả nước.
Phải trả lại ngân sách hàng trăm tỉ đồng
Nêu ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho biết nghị quyết 29 nêu rất rõ trọng điểm, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, với ĐHQG Hà Nội sau 30 năm, hiện trên Hòa Lạc là 1.000ha nhưng chỉ có khoảng 5.000 sinh viên theo học. Còn ĐHQG TP.HCM sau 28 năm hiện tại vẫn đang rất ngổn ngang.
Thực tế, từ năm 2020 đến năm 2023, một hệ thống lớn như ĐHQG TP.HCM đã có sáu trường tự chủ tài chính nhưng không khởi công bất kỳ một công trình nào. Năm 2023, ĐHQG TP.HCM dự kiến sẽ phải trả lại ngân sách hơn 671 tỉ đồng. Trước đó, năm 2022 ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã phải chuyển nguồn 545 tỉ đồng sang năm 2023...
"Nhiều khi chúng ta thấy ngân sách cấp cho các trường là rất lớn nhưng thực sự có thể "tiêu hóa" được ngân sách đó hay không cũng là một câu hỏi đặt ra. Hình ảnh đường vào ĐHQG TP.HCM, hay những khu chợ ruồi sau bao nhiêu năm vẫn như vậy" - ông Quân bày tỏ. Theo ông Quân, nếu không có những giải pháp kịp thời, giải pháp đồng bộ thì những "điểm nghẽn" sẽ tác động rất lớn đến các trường đại học. Trong đó sẽ ảnh hưởng đến quy mô đào tạo và chất lượng.
Thời gian vừa qua quy mô đào tạo đại học tăng nhưng số lượng GS, PGS hầu như không tăng mà còn có xu hướng thay đổi theo từng năm, không theo một quy luật nào. Chất lượng giáo dục đại học về cơ bản được đo bằng các người thầy giỏi, khi tỉ lệ GS, PGS tăng mà sinh viên không tăng sẽ không đảm bảo được chất lượng đào tạo. Đồng thời việc này cũng sẽ kéo tỉ lệ đào tạo tiến sĩ đi xuống, vì đào tạo tiến sĩ phụ thuộc vào quy mô, số lượng GS, PGS, gây thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành, mất cân đối trong đào tạo. Bên cạnh đó, điểm nghẽn thể chế sẽ tác động đến nguồn thu chủ yếu là học phí và học phí liên tục tăng, tỉ lệ phụ thuộc vào học phí lên tới hơn 70%. Một trường đại học không thể trở thành đại học đẳng cấp thế giới, xếp hạng thế giới nếu chỉ dựa vào học phí.
Chưa thấy có bứt phá
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay tốc độ phát triển của giáo dục đại học có thể xem là "có nhưng chậm và không có bứt phá". Ông bày tỏ việc có cảm giác câu chuyện bàn tại hội thảo cho thấy vẫn đang loay hoay trong khung cảnh làm thế nào để các trường đại học tồn tại được, đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo chứ chưa nhìn thấy nhiều con đường bứt phá.
"Chỉ có phát triển mới đem lại chất lượng, còn cứ loay hoay ứng phó với tồn tại thì câu chuyện chất lượng sẽ vô cùng khó" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ. Theo ông Sơn, với các đại học công dứt khoát muốn có cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động xã hội, doanh nghiệp một cách mạnh mẽ nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, đột biến.
Ông thẳng thắn chỉ ra thể chế thực sự có một số điểm vướng. Trong đó, những quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ giáo dục đại học lại chưa có được sự đồng bộ, chia sẻ với hệ thống giáo dục và hệ thống pháp luật khác.
Xây dựng phương án cụ thể tăng đầu tư
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết từ các kiến nghị của các đại biểu chỉ ra yêu cầu đổi mới và các vấn đề đặt ra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ tiếp thu tối đa và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Theo ông Vinh, việc khó nhất hiện tại là tăng đầu tư cho giáo dục đại học nhưng tăng vào cái gì và tăng như thế nào vẫn là một bài toán khó. Ông Vinh đề nghị Bộ GD-ĐT chủ trì, làm việc với các trường đại học để cân nhắc xây dựng phương án cụ thể.
Yếu chuyên môn, thiếu kỹ năng mềm
Đại tá Dương Xuân Phượng, phó giám đốc Học viện Viettel, cho biết đã khảo sát nhanh hơn 100 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đang tham gia chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent (những người được lựa chọn từ gần 2.000 hồ sơ). Kết quả cho thấy 3/4 trong số này tự nhận xét những gì mình được học chỉ đáp ứng được dưới 75% yêu cầu công việc, chỉ 2% cho rằng với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu.
Tỉ lệ này là khá tương đồng với nhận định của các cán bộ Viettel được giao hướng dẫn, kèm cặp. Kết quả này phản ánh thực trạng thiếu và yếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm (đây là những kỹ năng mà trường đại học ít đào tạo, doanh nghiệp mất trung bình 4-6 tháng để đào tạo bổ sung). Bên cạnh đó, ban tổ chức cuộc tuyển chọn sinh viên tham gia chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent nhận được 2.000 hồ sơ, gồm những em tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Nhưng qua kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp thì chỉ có 100 em đạt yêu cầu. Do đó, ông Phượng đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải có cách thức nào đó để kiểm soát tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc đúng thực chất.
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Chẩn đoán ADHD đã thay đổi theo thời gianTin tức08/10/2024
- Khai giảng K65, trao QĐ công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đối với chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý giáo dụcTin tức30/09/2024
- Thông báo tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động năm 2024Tin tức26/09/2024
- Hiểu nhầm về chứng khó đọc khiến trẻ bị chẩn đoán saiTin tức08/09/2024
- Nghiên cứu quốc tế đã làm sáng tỏ lý do tại sao người tự kỷ tham gia vào các diễn đàn căm thùTin tức07/09/2024
- Thay vì tư vấn cặp đôi, chúng ta hãy dành ra một khoảng nghỉ trong 5 giâyTin tức05/09/2024
- Bạn đã sẵn sàng hợp tác với AI trong công việc chưa?Tin tức04/09/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024