Hoàng tử, con quan xưa và áp lực học hành, thi cử
Để được tuyển chọn học trong Quốc Tử Giám
Về việc học hành của con em nhỏ tuổi trong tôn thất, vua Minh Mạng dụ rằng: “Đặt ra học hiệu để giáo dục nhân tài. Tuy thường dân mà tuấn tú trẫm còn muốn gây dựng huống chi là bọn ngươi. Bọn ngươi là dòng dõi nhà vua, trẫm đã cấp lương, lại cho áo mũ, ban ân đã hơn người rồi. Đều phải dùi mài cố gắng học cho thành tài để khi dùng đến, chớ phụ ý thiết tha của trẫm đối với họ hàng” [1]. Vua Thiệu Trị cũng từng ban dụ: “Từ xưa các bậc đế vương yêu quý con em tất cẩn trọng chọn bậc chính nhân quân tử làm thầy dạy cho con em mình, mới có đức nghiệp cai trị quốc gia lâu bền” [2]. Vua Thành Thái cho lập giảng đường mới, sửa đổi đường lối giảng dạy, cũng là ý mong muốn tột cùng cho ba hoàng đệ học tập chuyên cần, tiến kịp thời thế để đào tạo thành công [3].
“Việc thiết lập Quốc Tử Giám là để giáo dục bồi dưỡng nhân tài, mà việc học tập là học làm người” [4]. Vì vậy, để được vào học Quốc Tử Giám, các tôn sinh, ấm sinh cũng phải trải qua kỳ sát hạch, phân hạng. Năm Thiệu Trị 7 (1847), con trai của nguyên Phủ doãn Thừa Thiên Nguyễn Công Trứ là Nguyễn Công Tịch, con trai nguyên Lang trung Bộ Hình được truy tặng chức Bố chánh sứ tỉnh Bình Định cố Trần Ý là Trần Mẫn và Trần Thứ, con trai của nguyên Lang trung Bộ Binh sung làm Đốc công Vũ khố cố Phan Đăng Tuyên là Phan Đăng Dụng, con trai của nguyên Phó Đốc học Quốc Tử Giám cố Lê Lang là Lê Sĩ Cẩn và các con trai của nguyên Trưởng sử gia hàm Thị độc học sĩ cố Nguyễn Văn Bảng là Nguyễn Văn Doanh và Nguyễn Văn Bằng đều lần lượt làm đơn xin vào Quốc Tử Giám học tập. Bộ Lễ phụng xét Trưởng sử lúc này đã cải đổi trật chánh ngũ phẩm, nên xin chiếu lệ mới chỉ cho Nguyễn Văn Doanh vào Giám, còn Nguyễn Văn Bằng cần bàn xét. Năm người còn lại làm đơn xin đều hợp lệ. Vậy theo lệ giao Quốc Tử Giám sát hạch, phân hạng, rồi tập hợp tâu lên [5].
Năm Tự Đức 14 (1861), thứ trưởng tử của Tuy Lý Công Miên Trinh “tuổi đã trưởng thành, có chút hiểu biết về học nghiệp, tình nguyện vào Quốc Tử Giám”, chờ Hội đồng cử nhân giám sinh khảo hạch phân hạng. Hễ vào hạng ưu, mỗi tháng thưởng thêm 5 quan tiền, hạng bình 4 quan tiền, hạng thứ 3 quan tiền, dầu nước đều cấp 3 cân để biểu thị sự khuyến khích [6].
Áp lực học hành, thi cử
Trước khi vào học, hoàng tử và các giảng quan mặc mũ áo đại triều đến giữa giảng đường có đặt bàn thờ Khổng Tử làm lễ khai giảng. Tiếp đó, hoàng tử kính cẩn lễ lạy các thầy của mình bốn lạy và các thầy cũng lạy đáp lễ trở lại. Sau đó, tất cả thay thường phục để bắt đầu học tập.
Mỗi ngày các hoàng tử học từ sáng sớm đến khi mặt trời lặn. Ngày lẻ nghe giảng Ngũ Kinh, ngày chẵn nghe giảng Tứ Thư. Ngày 30, mùng một hàng tháng được nghỉ học.
Các hoàng tử cũng không tránh khỏi việc kiểm tra kiến thức thường xuyên. Bản tâu của Nội các năm Tự Đức 32 (1879) viết: Hôm nay hoàng tử Ưng Chân, công tử Ưng Cổ vào chầu. Chúng thần vâng đem các bài kinh, truyện đã giảng cho đọc thuộc, đều thuộc làu, theo lệ ra hai đề thơ cho làm ngay trên chiếu, đến 11 giờ thì xong. Chúng thần điểm duyệt đã xong, xin đem nguyên quyển dâng trình [7].
Bên cạnh khuyến khích bằng việc cấp lương ăn, thưởng thêm tiền, gạo, triều đình giảm lương đối với tôn sinh, ấm sinh hạng thứ để tỏ rõ “sự răn trừng”, nếu lười học, học kém cũng bị buộc thôi học.
Theo bản Tấu của Bộ Lễ, quan học chính Quốc Tử Giám lập danh sách tâu trình về việc phân loại học tập chuyên cần và lười biếng kỳ học cuối thu của con em tôn thất trong trường... Trong đó, hạng liệt 4 người truyền phạt bổng 3 tháng để răn. Ngoài ra 2 người bị xếp liệt nhiều lần, lại nhiều lần cáo ốm và 3 người cố tật truyền cho trả ngay về nhà [8].
Cũng theo Bộ Lễ, năm Tự Đức 8 (1855), ấm sinh ở Quốc Tử Giám là Nguyễn Trung Long, Cao Hữu Siêu, Phan Hữu Đễ vô cớ tự ý thiếu vắng tới hơn 3 - 4 tháng, đều là những người không chú ý học tập, giữ lại cũng vô ích. Bọn Nguyễn Trạch ấm sinh cũng trả về quê quán, để răn đe những kẻ lười biếng ham chơi [9].
Bên cạnh đó, nhà vua yêu cầu thầy dạy các hoàng tử cần phải nghiêm nghị. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), khi sai Hữu Tham tri Bộ Hình Ngô Đình Giới nghỉ việc ở bộ để chuyên tâm việc dạy bảo, vua dụ rằng: “Hoàng tử và hoàng đệ tuổi còn thơ ấu, đang mê chơi đùa. Bọn thuộc hạ trong phủ phần nhiều lại đón chiều thói xấu, ngươi phải nghiêm cấm, đừng để cho bọn chúng dỗ dành, ngõ hầu có thể thành tựu được” [10].
Trong một bản tâu của Nội Các năm Tự Đức 6 (1853), Phủ Tôn nhân trình bày việc các hoàng thân học tập lơ là, trong đó “4 tên trong bọn hoàng thân Miên Ngô lười nhác nghe giảng truyền, đều phạt 3 tháng tiền lương. Giáo đạo Hồ Văn Nghĩa và các viên giảng tập hàng ngày răn dạy không nghiêm khắc, cùng các viên quản gia của các hoàng thân ấy không biết đưa vào khuôn phép, đều giao cho bộ đó xét xử mức độ khác nhau” [11].
Văn bản trên cho thấy, khi học trò chểnh mảng hay thành tích kém, thầy cũng bị cho là dạy dỗ không nghiêm và phải chịu tội lây.
Bản tâu của Bộ Lễ năm Tự Đức 20 (1867) chép, các tôn sinh Tôn Thất Vinh, Tôn Thất Thiện, Tôn Thất Dụ, Tôn Thất Thành, Tôn Thất Đạo, Tôn Thất Hán có mưu toan trốn tránh. Bộ đã tâu xin bắt họ đều phải trở về để răn đe những kẻ kém cỏi kiêu ngạo. Quan toà giám cùng các giáo ty ngày thường dạy bảo không nghiêm, xin phân biệt xét xử để biểu thị sự răn trừng [12].
Có thể thấy, trong việc dạy, học, thi cử của hoàng tử, con quan..., ngoài việc khuyến khích, triều Nguyễn cũng quy định hết sức nghiêm ngặt và định rõ phép tắc để hoạt động dạy - học đạt hiệu quả tốt nhất.
Trích dẫn tài liệu:
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Bản dịch của Viện Sử học, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006.
[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị, tập 9, tờ 125.
[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thành Thái, tập 34, tờ 157.
[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 367, tờ 83.
[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị, tập 50, tờ 8.
[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 126, tờ 243.
[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 322, tờ 63.
[8] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mạng, tập 48, tờ 127.
[9] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 53, tờ 122.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Bản dịch của Viện Sử học, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006.
[11] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 43, tờ 172.
[12] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 166, tờ 175.
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Chẩn đoán ADHD đã thay đổi theo thời gianTin tức08/10/2024
- Khai giảng K65, trao QĐ công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đối với chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý giáo dụcTin tức30/09/2024
- Thông báo tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động năm 2024Tin tức26/09/2024
- Hiểu nhầm về chứng khó đọc khiến trẻ bị chẩn đoán saiTin tức08/09/2024
- Nghiên cứu quốc tế đã làm sáng tỏ lý do tại sao người tự kỷ tham gia vào các diễn đàn căm thùTin tức07/09/2024
- Thay vì tư vấn cặp đôi, chúng ta hãy dành ra một khoảng nghỉ trong 5 giâyTin tức05/09/2024
- Bạn đã sẵn sàng hợp tác với AI trong công việc chưa?Tin tức04/09/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024