KHOA VẬT LÍ, NGÀNH VẬT LÝ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH CHẶNG ĐƯỜNG 61 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
1. Khoa Vật lí 61 năm xây dựng và trưởng thành
Tháng 10 năm 2022, Khoa Vật lý của Trường Đại học Vinh tròn 61 tuổi. Trong hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, từ những ngày trong bom đạn chiến tranh đến thời kỳ hòa bình đổi mới, Khoa luôn vượt qua những khó khăn, thử thách, góp phần vào thành công chung của Nhà trường. Dù ở trong hoàn cảnh nào cũng vậy, các thế hệ Thầy và Trò của Khoa vẫn luôn đoàn kết một lòng, bền bỉ phấn đấu và tận tâm cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục của nước nhà. Sau 61 năm xây dựng, thầy trò chúng ta cùng nhìn lại những chặng đường lịch sử hào hùng của khoa Vật lí, ngành Vật lý thân yêu.
1.1. Năm năm đầu khởi nghiệp: Xây dựng đội ngũ
Ngày 16 tháng 7 năm 1959 Trường ĐHSP Vinh được thành lập với hai khoa: Văn và Toán. Năm 1960 đã có những cán bộ Vật lí đầu tiên để giảng dạy phần kiến thức liên ngành cho sinh viên khoa Toán. Năm 1961, Bộ Giáo dục cho thành lập khoa Lí - Hóa - Sinh gồm 17 cán bộ được điều động từ trường ĐHSP và Đại học tổng hợp Hà Nội.
Mốc son năm 1961, khi Bộ Giáo dục cho thành lập khoa Lí - Hóa - Sinh tại trường ĐHSP Vinh, khi đó có 11 CBGD vật lí là các thầy: Nguyễn Công Nghênh, Đào Nguyên Hoài Ân, Lê Trọng Tường, Nguyễn Quyên, Võ Văn Thu, Vũ Toàn, Mạnh Lê, Nguyễn Đình Noãn, Lại Quốc Khánh, Bùi Đắc Ngọc, Trần Quốc Tuý cùng với thầy Lê Bền là phụ tá thí nghiệm. Đó là những người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng khoa Vật lí, trường Đại học Vinh.
Trong những ngày đầu mới thành lập, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, thiết bị thực hành, thí nghiệm nhưng với tinh thần tận tâm, tận lực cho sự nghiệp giáo dục, các thầy đã biên soạn 2 tập Bài tập Vật lí đại cương, đây là những tài liệu đầu tiên được sử dụng cho hệ đào tạo Đại học Sư phạm.
Năm 1962, với sự hỗ trợ của khoa Vật lí, trường ĐHSP Hà Nội (lúc đó GS Dương Trọng Bái là Chủ nhiệm khoa) nên số đầu sách, giáo trình, tài liệu Vật lí của trường ĐHSP Vinh cũng cơ bản đầy đủ như ở trường ĐHSP Hà Nội. Không những chi viện về giáo trình, tài liệu, khoa Vật lí trường ĐHSP Hà Nội còn tạo điều kiện để trường ĐHSP Vinh triển khai lắp đặt hệ thống phòng thí nghiệm Vật lí, đó là các phòng thí nghiệm Cơ - Nhiệt và Điện - Quang. Với sự chi viện và hỗ trợ đó, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng khóa tuyển sinh đầu tiên (năm học 1962 - 1963), ngành Vật lí có tới 80 SV nhưng đội ngũ CBGD và cơ sở vật chất cần thiết đều được đảm bảo. Đây là kết quả bước đầu, là niềm tin, là động lực quan trọng giúp thầy trò khoa Vật lí không ngừng vươn lên trong dạy học. Năm 1962, với sự viện trợ của nước bạn Hung - ga - ri, phòng thí nghiệm Vật lí phổ thông đầu tiên đã được trang bị tại trường ĐHSP Vinh.
Cũng năm 1962, thầy Hoàng Quý sau ba năm thực tập sinh ở Đại học tổng hợp Lomonoxop đã trở về, được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Lí - Hoá - Sinh, kiêm Bí thư Chi bộ; các thầy giáo Lê Đào, Nguyễn Cảnh Hoè tốt nghiệp Đại học tổng hợp Hà Nội được cử về làm CBGD tại khoa Vật lí.
Năm 1963, khoa Vật lí được tách thành một khoa độc lập với hai tổ bộ môn: Tổ Cơ Nhiệt - Thiên văn và tổ Điện Quang - Vật lý nguyên tử, thầy Hoàng Quý vẫn tiếp tục đảm nhiệm cương vị Trưởng khoa. Khi đó, đội ngũ CBGD được bổ sung thêm các thầy Trần Doãn Qưới từ ĐHSP Hà Nội, thầy Nguyễn Trọng Di, thầy Thái Quảng từ ĐH Lômônôxốp, thầy Nguyễn Việt Hải và thầy Nguyễn Quán Lân. Năm 1964, thầy Phan Bá Nhẫn hoàn thành thực tập sinh ở Liên Xô được cử về khoa. Năm 1965, thầy Trần Hữu Cát và Thầy Phạm Ngọc Liên - SV khoá đầu tiên của khoa được giữ lại làm CBGD của Khoa.
Như vậy, 5 năm đầu tiên kể từ khi thành lập, là 5 năm xây dựng đội ngũ, xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu. Năm năm đó khoa Vật lí vinh dự, tự hào có các cán bộ, sinh viên sau này là các nhà khoa học đầu ngành, nhà sư phạm uy tín, nhà quản lý giỏi của đất nước, là những sĩ quan quân đội anh hùng công tác trên mọi miền tổ quốc.
1.2. Những năm sơ tán trong chiến tranh chống Mỹ (1965 -1973)
Ngày 05 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ điên cuồng tiến hành chiến tranh đánh phá miền Bắc XHCN, thành phố Vinh là một trong những địa phương đầu tiên bị máy bay Mỹ ném bom phá hoại. Để duy trì và phát triển sự nghiệp đào tạo, chấp hành chủ trương của Đảng và Chính phủ, năm 1965, khoa đã cùng trường sơ tán với hàng chục tấn sách vở, thiết bị thí nghiệm về xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An rồi sau đó đến huyện Hà Trung, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, bắt đầu một giai đoạn mới: giai đoạn đào tạo trong chiến tranh.
Trong những năm tháng cả nước chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964 - 1975), thầy và trò khoa Vật lí đã phải đồng thời thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, học tập, NCKH, bồi dưỡng cán bộ và sẵn sàng chiến đấu. Thời gian này, nhiều thầy giáo và SV khoa Vật lí đã lên đường chiến đấu với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho sự nghiệp giải phóng nước nhà. Thầy trò khoa Vật lí đã không quản gian khổ, sẵn sàng xả thân vì lý tưởng cao đẹp. Phát huy truyền thống tốt đẹp của khoa và trường, trong số hơn 68 liệt sĩ là cán bộ, công chức và sv của trường ĐHSP Vinh, khoa Vật lí có 15 người đã anh dũng hy sinh, đó là các liệt sĩ: Trần Đình Hoè, Trần Tử Bình, Nguyễn Bình, Nguyễn Đăng Dãn, Hồ Văn Huấn, Nguyễn Đình Minh, Phùng Ngọc Thạch, Hoàng Ngọc Tuấn, Lương Tỉnh, liệt sĩ Ấn, Trần Hồng Đạt, Bùi Cổng Lương, Hoàng Khắc Ninh, Lương Trình và Nguyễn Anh Tuấn. Chúng ta xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của các anh, với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc về sự ra đi của các anh cho tổ quốc Việt Nam tươi sáng. Trong khoảng thời gian ấy, thầy giáo Nguyễn Trọng Dụ đã viết nên khúc ca bất hủ, bài ca truyền thống của các thế hệ thầy trò khoa Yật lí, bài hát “Đường Khoa Lí” vẫn đang được cất cao với khí thế hào hùng. Những năm tháng chiến tranh, tại huyện miền núi Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, thầy và trò khoa Vật lí đã tự khai thác vật liệu làm lán, trại, lớp học sơ tán, làm phòng thí nghiệm. Mỗi phòng thí nghiệm được phân tán ở một địa điểm, hoặc là trong nhà dân, hoặc là trong lán trại tự tạo. Với các phòng thí nghiệm, muốn hoạt động được phải có một máy phát điện nhỏ, một lưới điện riêng. Chỉ riêng việc duy trì hoạt động của phòng thí nghiệm đã là một kỳ tích. Nhiều bài thí nghiệm được xây dựng trong thời gian này được sử dụng để đào tạo tại khoa Vật lí trong nhiều năm tiếp theo. Trong thời điểm ấy, các thầy giáo Thái Quảng, Nguyễn Đình Noãn, Trần Quốc Tuý đã trở thành những chiến sĩ dân quân tự vệ, cùng với quân và dân cả nước đánh trả quyết liệt máy bay kẻ thù.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, dưới ánh sáng đường lối chiến lược của Đảng ta về việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao cho thời kì sau chiến tranh, hoạt động bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ của khoa vẫn được duy trì liên tục. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều cán bộ được cử đi học, đi thực tập sinh, đi NCS ở nước ngoài, trong khi lực lượng cán bộ được bố sung là rất ít. Năm 1966, khi sơ tán ở Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, khoa Vật lí vui mừng chào đón thầy giáo Phạm Quý Tư sau khi thầy bảo vệ thành công luận án TS tại Liên Xô năm 1965, thầy là một nhà khoa học, nhà sư phạm mẫu mực. Khi mới về công tác tại khoa, thầy sinh hoạt ở bộ môn Vật lí lý thuyết, sau đó là Trưởng khoa nhiệm kỳ 1972 - 1976; từ năm 1977 thầy đảm nhận chức vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường, quyền Hiệu trưởng trường ĐHSP Vinh. Năm 1982 thầy chuyển về ĐHSP Hà Nội và đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng. Thầy đã trực tiếp giảng dạy nhiều môn vật lí lý thuyết, tuyển chọn và bồi dưỡng nhiều thế hệ SV giỏi của khoa trở thành CBGD. Đó là các thầy Lê Văn Phớt, Đỗ Công Vịnh, Chu Đức Trụ, Nguyễn Huy Hồ, Phạm Văn Trí, Phan Trung Thành, Trần Trung, Phạm Đình Lân; đó là các cô Võ Thị Hồng, Nguyễn Thị Chính và Nguyễn Thị Hường.
Năm 1967, thầy Nguyễn Quyên sau khi thực tập tại Liên Xô trở về khoa công tác, đội ngũ cán bộ được bổ sung thêm thầy Tôn Quang Lữ, thầy Phạm Đình Thuần, thầy Trần Xuân Thu. Sau đó, năm 1968 là các thầy Nguyễn Quang Lạc, Nguyễn Tất Thư, Nguyễn Xuân Thức, Lê Văn Triền, Nguyễn Văn Mưu, cô Trần Thị Nhật, Lê Thị Thiên Thanh. Cùng khoá này có thầy Nguyễn Cảnh Vạn, sau ngày xuất ngũ cũng trở về công tác tại khoa.
Ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc, sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Trong bối cảnh đó, Trường ĐHSP Vinh được lệnh trở về đồng bằng. Khoa Vật lí đang chuẩn bị chuyển về huyện Hoàng Hoá, tỉnh Thanh Hóa nhưng vào mùa hè năm 1969 trường được chuyển hẳn về huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nơi đây, ở miền núi huyện Quỳnh Lưu, thầy và trò khoa Vật lí lại lên rừng lấy vật liệu để làm lán học, phòng thí nghiệm, nhà kho, nhà bếp, nhà ở để đảm bảo giảng dạy và học tập trong điều kiện mới. Thời gian này khoa có thêm thầy Trần Doãn Qưới và thầy Nguyễn Đình Noãn bảo vệ TS từ Liên Xô và Ba Lan trở về.
Năm 1969 - 1970, khoa Vật lí đóng tại Quỳnh Vinh là năm học có số SV đông nhất, tới 700 người. Đây cũng là năm đầu tiên khoa Vật lí mở hệ đào tạo 4 năm, 24 SV tốt nghiệp năm 1969 được giữ lại học tiếp 1 năm chuyên sâu vật lí với 3 chuyên ngành: Vật lí lý thuyết, Vật lí chất rắn và Thiên văn học. Nhiều SV trong lóp sau này đã trở thành các nhà khoa học, các cán bộ chủ chốt. Đó là PGS.TS. NGƯT. Nguyễn Đình Huân, Uỷ viên Hội thiên văn quốc tế, nguyên Hiệu trường ĐHSP Vinh (nhiệm kỳ 1997 - 2001) và Hiệu trưởng trường Đại học Vinh (nhiệm kỳ 2001 - 2005); GS.TS. Đinh Xuân Khoa, phó chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, Hiệu Trưởng Trường Đại học Vinh từ năm 2010 đến nay; PGS.TS. Hà Văn Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Vinh (nhiệm kỳ 1999 - 2009); thầy Đỗ Văn Toán, nguyên Phó trưởng khoa Vật lí (nhiệm kỳ 2003 - 2008); thầy Nguyễn Viết Lan, nguyên Trưởng khoa Vật lí (nhiệm kỳ 2003 - 2008). Nhiều người trở thành Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng các trường THPT, có người chuyển sang lĩnh vực công tác khác như anh Nguyễn Văn Trung, thường vụ tỉnh uỷ - trưởng ban tuyên giáo tỉnh Quảng Ninh; anh Đào Duy Cát phó giám đốc sở GD, rồi lên giám đốc đài phát thanh truyền hình tỉnh Quảng Ninh…
Song song với việc mở các chuyên đề cho SV năm thứ 4 và chuyên đề bồi dưỡng CBGD trẻ, khoa đã từng bước đưa các môn kỹ thuật công nghệ vào chương trình đào tạo chính khoá. Trước tình hình đó, đội ngũ CBGD kỹ thuật đã được bổ sung. Năm 1969, thầy Nguyễn Hữu Dật về khoa công tác sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội; thầy Nguyễn Bản, cô Dương Hải Tuyết về khoa năm 1971. Năm 1973 thầy Nguyễn Viết Khương về khoa công tác sau khi tốt nghiệp Kỹ sư ở Trường Năng lượng Matxcơva.
Bắt đầu từ năm học 1970 - 1971, trong sự chuyển biến chung của các trường ĐHSP trong cả nước, trường ĐHSP Vinh, trong đó có khoa Vật lí đã chuyển sang thực hiện chương trình đào tạo hệ 4 năm. Cũng từ ngày đó, chương trình đào tạo theo niên chế đã hoàn thiện cơ bản, liên tục được cập nhật, bổ sung và áp dụng đào tạo trong nhiều năm tiếp theo.
Năm 1972, đế quốc Mỹ lại điên cuồng ném bom miền Bắc. Trường ĐHSP Vinh, trong đó có khoa Vật lí lại thực hiện một đợt sơ tán mới. Khoa Vật lí từ xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu lại di chuyển về Mã Thành, huyện Yên thành, tỉnh Nghệ An. Mặc dù khoảng cách không xa nhưng do chiến sự ác liệt, không có phương tiện vận chuyển nên một phần cơ sở vật chất, trong đó phần lớn là các máy móc nặng nề phải để lại Hoàng Mai. Một bộ phận cán bộ, sv phải ở lại trực chiến để bảo vệ tài sản. Chính nơi đây, anh Hoàng Khắc Minh - sv năm thứ 2, khoá 11 đã anh dũng hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, anh đã được nhà nước công nhận là liệt sĩ chống Mỹ cứu nước.
Tại nơi sơ tán Yên Thành, thầy và trò khoa Vật lí lại một lần nữa dựng lán, trại để làm phòng học, phòng thí nghiệm, nhà kho, nhà bếp, nhà tập thể,... Bàn học, ghế ngồi đều tự tạo từ những thanh gỗ, thanh củi nhưng với tinh thần không quản ngại gian khổ, thầy và trò khoa Vật lí vẫn thi đua dạy tốt, học tốt. Trong thời gian này, đội ngũ cán bộ được tăng cường, nhiều thầy giáo sau khi được đào tạo sau đại học ở nước ngoài trở về khoa công tác như TS. Phan Bá Nhẫn từ Liên Xô, TS. Đào Nguyên Hoài Ân từ Tiệp Khắc, TS. Trần Quốc Tuý trở về từ Hung - ga - ri. Cũng tại đây, năm 1972 cán bộ và SV khoa Vật lí đã lưu luyến chia tay thầy Hoàng Quý (là Trưởng khoa Lí - Hóa - Sinh đầu tiên từ năm 1962, sinh hoạt ở bộ môn Vật lí lý thuyết) được Bộ Giáo dục điều động ra Hà Nội làm Phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, kiêm Phó giám đốc Trung tâm tu thư Bộ Giáo dục. Thầy Phạm Quý Tư được bổ nhiệm làm Trưởng khoa.
Năm 1973, hiệp định Pari được ký kết, đế quốc Mỹ buộc phải ngừng mọi hoạt động quân sự ở Việt Nam. Trong bối cảnh làng mạc, thành phố đều đổ nát, khó khăn thiếu thốn đủ bề, lãnh đạo nhà trường đã nhìn thấy sự phát triển tất yếu và quyết định đưa trường về thành phố Vinh. Và địa danh Trường Thi – Bến Thuỷ là điểm đến của trường. Khoá 10 tốt nghiệp, thầy Nguyễn Duy Duyệt và cô Lê Thị Thai được giữ lại và trở thành CBGD ở bộ môn Vật lí lý thuyết.
Có thể nói, những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trường ĐHSP Vinh, trong đó có khoa Vật lí là trường đại học sơ tán dài ngày nhất, di chuyển đến nhiều địa điểm nhất, chịu đựng gian khổ nhiều nhất trong số các trường đại học ở miền Bắc. Đây là thời kỳ đặc biệt trong lịch sử của trường, của khoa. Tập thể cán bộ, công chức và SV trường ĐHSP Vinh nói chung, khoa Vật lí nói riêng mặc dù Nhà nước đã ưu đãi nhiều trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm nhưng vẫn phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Với tinh thần “Ba sẵn sàng”, khoa Vật lí luôn hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu, phối hợp với dân quân địa phương đào hầm trú ẩn, tuần tra canh gác, làm đường giao thông, cứu chữa sơ tán hàng hóa, ... Đồng thời, với tinh thần hiếu học, với bầu nhiệt huyết tận tâm với nghề, các thế hệ thầy trò khoa Vật lí đã vượt lên gian khó, củng cố đội ngũ, hoàn thiện chương trình, quyết tâm dạy tốt, học tốt. Với chặng đường 8 năm sơ tán qua 7 huyện của 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, Trường ĐHSP Vinh, khoa Vật lí đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, hứng chịu bao bom đạn của kẻ thù nhưng quy mô đào tạo vẫn luôn được tăng lên, chất lượng đào tạo không hề giảm sút mà còn được nâng cao. Khoa gắn bó mật thiết với nhân dân, với chính quyền địa phương nơi sơ tán, gắn bó mật thiết với đời sống chính trị, xã hội, với hoạt động sản xuất và chiến đấu của địa phương. Những ngày tháng sơ tán là những ngày cán bộ, công chức và SV khoa Vật lí góp phần viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của Trường Đại học Vinh.
1.3. Những năm xây dựng trong hoà bình (1973 - 1986)
Tháng 9 năm 1973, trường ĐHSP Vinh bắt đầu năm học đầu tiên tại thành phố Vinh sau hơn 8 năm sơ tán. Trong bối cảnh mới, miền Bắc đã có hòa bình, miền Nam còn tiếp tục “đánh cho ngụy nhào”, Trường có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là sự giúp đỡ to lớn của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An. Bên cạnh đó, Trường cũng gặp không ít khó khăn như cơ sở cũ của trường tại thành phố Vinh đã bị giặc Mỹ ném bom làm hư hỏng nặng, không thể sử dụng được, phải làm lại từ đầu.
Tận dụng cơ sở cũ còn sót lại sau chiến tranh phá hoại ở Hưng Bình, khoa Vật lí được Nhà trường bố trí đặt các phòng thí nghiệm. Những ngày đầu mới trở về thành phố, lương thực, thực phẩm khan hiếm, gạo cũng không có mà chủ yếu là mỳ hạt, sắn, ngô, khoai. Trong hoàn cảnh đó, khoa Vật lí vẫn tự hào vì đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt, học tốt”. Đội ngũ của khoa vẫn tiếp tục được tăng cường, những thầy cô giáo trẻ được đào tạo ở Đông Âu, Liên Xô cũ như các thầy Phạm Văn Kháng, Đào Xuân Hợi, Võ Trường Kỳ, Võ Thanh Cương, Nguyễn Đình Thước, Nguyễn Viết Khương, Thái Xuân Nựu, Nguyễn Hoa Lư.
Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã tổng động viên lực lượng cho chiến trường miền Nam, nhiều Giảng viên các trường Đại học cũng xếp bút nghiên sẵn sàng chiến đấu; trong số đó khoa ta có các thầy Nguyễn Đình Thước, Nguyễn Tất Thư. Mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui chào đón ngày Bắc Nam sum họp, tuy còn gặp không ít khó khăn nhưng Nhà trường đã kịp thời cử các cán bộ thuộc nhiều bộ môn vào chi viện cho miền Nam ruột thịt, triển khai nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới. Khoa Vật lí lưu luyến chia tay thầy Võ Văn Thu vào làm Phó ban điều hành Đại học cần Thơ. Thầy là CBGD trường ĐHSP I Hà Nội từ năm 1957, làm trưởng ngành Vật lí, khoa Lí - Hóa - Sinh trường ĐHSP Vinh từ những ngày đầu mới thành lập; thầy Nguyễn Quyên - về công tác tại khoa từ năm 1961, sinh hoạt ở bộ môn VLĐC, nguyên trưởng bộ môn VLĐC, năm 1977 thầy vào làm Trưởng khoa Toán - Lí trường Đại học cần Thơ; thầy Nguyễn Trọng Di - về công tác tại khoa từ năm 1963, nguyên là Phó trưởng khoa, trưởng bộ môn PPGD Vật lí, năm 1978 thầy vào làm Phó trưởng khoa Vật lí, ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh .
Cũng thời điểm ấy, một số cán bộ trong khoa được điều động đảm nhiệm những chức vụ mới: Thầy Trần Doãn Quới, nguyên Phó trưởng khoa được cử làm Phó Tổng Giám đốc, rồi Tổng Giám đốc Công ty thiết bị trường học; thầy Phạm Quý Tư – Trưởng khoa được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trường rồi quyền Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh, sau đó thầy được điều động và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội. Một số cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài và thuyên chuyển công tác về Bộ Giáo dục: Thầy Phạm Ngọc Liên - về công tác ở khoa năm 1965, sinh hoạt ở bộ môn VLĐC; thầy Trần Trung và thầy Lê Văn Phớt về công tác ở khoa từ năm 1966, sinh hoạt ở môn VLTN và VLĐC, năm 1973 thầy đi NCS ở CHDC Đức; thầy Đỗ Công Vịnh - công tác ở khoa từ năm 1966 thuộc tổ bộ môn VLĐC đến năm 1976 đi NCS ở Tiệp Khắc.
Năm học 1975 - 1976, khoa tiếp tục nhận những cán bộ trẻ nguyên là những SV xuất sắc của khoa, đó là thầy Hoàng Quốc Khánh, thầy Vũ Ngọc Sáu. Một số cán bộ được đào tạo ở trong và ngoài nước tiếp tục được nhận về khoa như thầy Nguyễn Hoa Lư, Trần Minh Nam, Thái Xuân Nựu, Trần Nguyên Tường, Mạnh Tuấn Hùng, Nguyễn Hàm Chuyên. Một số CBGD đi đào tạo Sau đại học cũng trở về khoa công tác đó là thầy Tôn Quang Lữ, thầy Lê Văn Phớt và thầy Phạm Đình Thuần. Một số CBGD từ các trường khác cũng trở về công tác tại khoa: Thầy Phạm Văn Quý từ Đại học Lâm nghiệp; thầy Dương Kháng, thầy Nguyễn Huy Công từ Đại học Cơ điện Thái Nguyên, thầy Võ Đức Lương từ Đại học tổng hợp Hà Nội.
Cùng với sự tiếp nhận lực lượng cán bộ thì một số cán bộ chủ chốt của khoa cũng chuyển ra Hà Nội công tác, đó là thầy Đào Nguyên Hoài Ân, Lê Trọng Tường và thầy Thái Quảng. Sự thay đổi đội ngũ cán bộ trong giai đoạn này phản ánh vai trò to lớn của khoa Vật lí đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà: Khoa Vật lí là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức trong sáng trở thành những cán bộ chủ chốt, những cán bộ khoa học đầu ngành của nền giáo dục Việt Nam.
Năm học 1976 - 1977, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục, Trường Đại học SP Hà Nội và Trường Đại học SP Vinh đã tổ chức khóa đầu tiên đào tạo, bồi dưỡng sau đại học. Đây là tiền thân hệ đào tạo Cao học và NCS sau này. Việc mở các khóa bồi dưỡng sau đại học trước hết nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ CBGD của trường, đồng thời góp phần bồi dưỡng cán bộ cho các trường Sư phạm và giáo viên Gốt cán chuyên môn ở các trường phổ thông. Khoa Vật lí là một trong những khoa đầu tiên của nhà trường mở hệ đào tạo Cao học 2 năm, đây là một nhiệm vụ mới, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, chuẩn bị điều kiện để khoa nâng cao vị thế trong hoạt động đào tạo và NCKH. Đây cũng là bước chuyển biến về chất rất cơ bản trong đào tạo cán bộ cho khoa, cho trường và cho các địa phương. Nhiều CBGD của khoa đã tham gia học tập sau đại học như: Thầy Trần Toàn, thầy Tống Đức Thắng, cô Đỗ Thị Tính, thầy Đỗ Toàn, thầy Phạm Khắc Lưu. Tiếp tục sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trẻ, nhiều thầy giáo trong khoa đã được trưởng thành từ các hệ đào tạo sau đại học của khoa, đó là các thầy, cô: Nguyễn Huy Bình, Nguyễn Đức Sừu, Dương Ngọc Huyền, Phạm Thị Phú, Đinh Xuân Khoa...
Năm học 1979 - 1980, đó là năm học “Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trường ĐHSP Vinh”. Trong niềm vui Nhà trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, thầy giáo Phạm Quý Tư - khi đó là Phó Hiệu trưởng Nhà trường vinh dự là một trong ba cán bộ của trường ĐHSP Vinh được Nhà nước phong học hàm PGS, để sau đó - năm học 1980 - 1981 thầy được Thường vụ Đảng ủy và Ban Giám hiệu phân công giữ chức Quyền Hiệu trưởng. Cũng năm 1982, thầy Phạm Quý Tư được điều động ra Bộ Giáo dục và sau đó được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội. Khi đó, Thầy giáo Phó Hiệu trưởng Phan Bá Nhẫn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường ĐHSP Vinh. Có thể nói, khoa Vật lí tự hào là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng, là nơi tu luyện và trưởng thành của nhiều cán bộ cốt cán của nhà trường. Càng vinh dự, tự hào hơn khi năm 1984, khoa Vật lí có 3 trong tổng số 17 cán bộ của nhà trường được Nhà nước phong học hàm PGS, đó là các thầy Đào Nguyên Hoài Ân, thầy Nguyễn Đình Noãn và thầy Phan Bá Nhẫn.
Trong sự trưởng thành của Nhà trường, có sự phát triển và những dấu ấn tốt đẹp của khoa Vật lí. Nhưng trong bối cảnh chung của lịch sử, hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đã để lại hậu quả nặng nề. Hơn nữa, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp vẫn duy trì, nên bước vào thập kỷ thứ 8 của thế kỷ XX, đất nước lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Công nghiệp và nông nghiệp đều bị đình đốn. Vào giữa thập kỷ, những sai lầm trong chính sách giá, lương, tiền làm cho đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng, đời sống của nhân dân càng trở nên khốn đốn. Kinh tế giảm sút, sự nghiệp giáo dục cũng vì thế mà gặp không ít khó khăn dẫn đến nhu cầu giáo viên cấp 3 giảm đi nhanh chóng. Chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐHSP trong cả nước ở mức rất thấp. Những khó khăn trên đây kéo dài quá nửa thập kỷ cho đến Đại hội Đại biểu lần thứ VI của Đảng (1986) - bắt đầu cho thời kỳ đổi mới, và những khó khăn đó còn ảnh hưởng đến sự nghiệp giáo dục trong những năm tiếp theo. Trong hoàn cảnh ấy, tập thể cán bộ, công chức và sv toàn trường nói chung, khoa Vật lí nói riêng vẫn chung lưng đấu cật, đoàn kết một lòng, động viên nhau duy trì và phát triển, để lại những mốc son sáng ngời trong sự nghiệp giáo dục giai đoạn bắt đầu thời kỳ đổi mới đến nay.
1.4. Những năm xây dựng trong thời kỳ đổi mới (1986 - 2001)
Dưới ánh sáng của Đại hội Đại biểu lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc đổi mới được Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã tạo ra luồng sinh khi mới cho Trường ĐHSP Vinh nói chung và khoa Vật lí nói riêng. Sự nghiệp xây dựng và phát triển của Nhà trường, của Khoa có nhiều biến đổi sâu sắc, điều kiện xã hội có thêm nhiều thuận lợi.
Trong thập niên 80, hàng loạt CBGD của Khoa đã bảo vệ thành công luận án TS ở trong và ngoài nước trở về khoa công tác, đó là các thầy Đào Xuân Hợi, Võ Trường Kỳ, Nguyễn Quang Lạc, Nguyễn Đình Huân, Nguyễn Huy Công, Võ Đức Lương và thầy Hà Văn Hùng. Một số cán bộ chủ chốt của khoa lại được bổ nhiệm vào các chức vụ mới, như thầy Trần Hữu Cát giữ chức vụ Trưởng phòng Đào tạo, rồi được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh; thầy Nguyễn Đình Noãn đang là Trưởng khoa, được cử đi chuyên gia Đại học ở An-Giê-ri; thầy Lê Văn Phớt, Bí thư Đảng uỷ khoa, sau được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh, rồi làm nguyên Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An; thầy Nguyễn Đình Huân được bổ nhiệm làm Trưởng khoa, rồi Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng và Hiệu trưởng trường ĐHSP Vinh nhiệm kỳ 1997-2005; thầy Đào Xuân Hợi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Vật lí, Trưởng khoa đại cương, sau đó về làm Hiệu trưởng Trường CĐSP Hà Tỉnh và Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh. Nhiều sinh viên xuất sắc của khoa đã trưởng thành trên nhiều lĩnh vực và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giáo dục và phát triển của đất nước. Có thể kể đến như PGS. TS. NGƯT. Dương Như Xuyên, là sinh viên khoá I, nguyên là Giám đốc TTGDTX Nghệ An; Anh Đinh Xuân Việt sinh viên khoá 17 là Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Hà Tĩnh; GS. TS. Trần Công Phong, sinh viên khoá 18 là Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam, nay là Hiệu trưởng Trường Quản lý giáo dục; GS.TS. Đinh Xuân Khoa, sinh viên khóa 18 là Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh từ 2010 đến nay; PGS. TS, Thái Văn Thành, sinh viên khoá 27 hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh; ...
Năm 1990, với sự giúp đỡ của TSKH. Cao Long Vân, khoa Vật lí đã mở mã ngành đào tạo TS chuyên ngành Quang học, cùng với mã ngành đào tạo TS chuyên ngành Lí luận và PPDH bộ môn Vật lí, khoa Vật lí đã có 2 trong 7 mã ngành đào tạo TS đầu tiên của Nhà trường. Ngay khoá tuyển sinh đầu tiên (NCS khóa I), khoa đã cử 4 CBGD trẻ dự thi là thầy Vũ Ngọc Sáu, Nguyễn Đức Sửu, Đinh Xuân Khoa và thầy Nguyễn Quang Trung. Khoa Vật lí cũng là khoa đầu tiên có hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng sau đại học: Những năm đầu thập niên 90 hàng loạt cán bộ của khoa được cử đi thực tập, bồi dưỡng ở Cộng hòa Ba Lan, ở Đông Âu và Liên Xô cũ. Cũng trong thời gian này, thầy Phan Bá Nhẫn vinh dự là một trong ba cán bộ của Nhà trường được Nhà nước trao tặng danh hiệu NGƯT. Niềm vui được nhân lên khi tháng 11 năm 1991, Nhà nước phong học hàm PGS cho 7 cán bộ của trường, trong đó khoa Vật lí có 2 thầy là TS. Trần Hữu Cát và TS. Nguyễn Đình Huân.
Năm 1993, năm đánh dấu một bước ngoặt trong sự phát triển của khoa Vật lí. Với tinh thần đổi mới và mở cửa, dưới sự lãnh đạo của Trưởng khoa - thầy giáo Hà Văn Hùng, khoa Lí trở thành khoa tiên phong trong việc mở rộng hình thức đào tạo theo định hướng “Trường Sư phạm không chỉ đào tạo giáo viên và giáo viên không chỉ đào tạo trong trường Sư phạm”. Khoa Vật lí đã liên kết với trường ĐHBK Hà Nội mở hệ đào tạo Cử nhân Cao đẳng Kỹ thuật các ngành Điện, Điện tử - Tin học, Điện tử viễn thông và Quản trị kinh doanh.
Cũng trong thời gian này, nhiều SV xuất sắc của khoa được giữ lại làm CBGD, đó là các thầy, cô: Mai Văn Trinh, Thái Thị Lệ Hằng, Nguyễn Thị Quỳnh Lan, Đoàn Hoài Sơn, Nguyễn Hồng Quảng, Đinh Phan Khôi, Nguyễn Văn Phú, Lưu Tiến Hưng, Phạm Huy Thông và Nguyễn Thành Công.
Tháng 11 năm 1994, khoa Vật lí là khoa có 2 trong 3 cán bộ được Nhà nước phong tặng danh hiệu NGƯT, đó là thầy Trần Hữu Cát và thầy Tôn Quang Lữ.
Năm 1995, nhằm thực hiện tốt chủ trương đào tạo theo hai giai đoạn, Nhà trường đã thành lập khoa Đại học đại cương, TS. Đào Xuân Hợi – Trưởng khoa Vật lí được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Đại học Đại cương.
Năm học 1995 - 1996 được bắt đầu trong không khí hồ hởi, phân khởi trước những bước tiến mới của nhà trường. Không những liên kết với trường ĐHBK Hà Nội mở các hệ đào tạo Cử nhân Cao đẳng, khoa Vật lí đã liên kết với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội mở hệ đào tạo Kỹ sư xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, đó là tiền đề cho trường Đại học Vinh đa ngành như hôm nay. Năm 1996 khoa Vật lý có thêm 2 trong số 13 PGS được Nhà nước phong tặng trong năm, đó là các thầy Hà Văn Hùng và thầy Nguyễn Quang Lạc. Cũng trong năm này, thầy giáo Nguyễn Đình Noãn là 1 trong 2 cán bộ của trường được nhà nước trao tặng danh hiệu NGƯT.
Trong công tác đào tạo, năm 1996 đánh dấu một mốc mới trong sự nghiệp phát triển đào tạo sau đại học: hệ Cao học Thạc sỹ khoá I, chuyên ngành Lí luận và PPDH Vật lí tốt nghiệp; đó cũng là năm NGS khoá I của trường, của khoa bảo vệ thành công luận TS chuyên ngành Quang học lượng tử (thầy Đinh Xuân Khoa và thầy Vũ Ngọc Sáu). Như vậy, từ khi Khoa Vật lí được giao nhiệm vụ đào tạo Cao học và NCS (1990), sau 6 năm đã có 4 cán bộ giảng dạy của khoa bảo vệ thành công luận án TS, 10 đồng chí khác bảo vệ luận văn Thạc sỹ.
Tháng 10 năm 1997, PGS. TS. Nguyễn Đình Huân, nguyên Trưởng khoa Vật lí, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng được bầu giữ chức vụ Hiệu trưởng trường ĐHSP Vinh nhiệm kỳ 1997 - 2001 và Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh nhiệm kỳ 2001-2005.
Sự kiện quan trọng ghi dấu ấn trên con đường tiến tới đa ngành của Trường là việc Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép Trường được đào tạo hệ Cử nhân Khoa học, trong đó Vật lí là một trong 7 ngành được phép tuyển sinh trong năm 1999, nhờ đó số lượng sv đào tạo tập trung tại khoa tăng lên đến 1.300 người, quy mô đào tạo của khoa đã tăng lên cả về số lượng, ngành học và chất lượng. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn lao, là tiền đề vô cùng quan trọng của trường Đại học Vinh đa ngành sau này. Cũng trong năm 1999, PGS. TS. Hà Văn Hùng được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Nhà trường. Tháng 11 năm 1999, TS. Đinh Xuân Khoa được bổ nhiệm làm Trưởng khoa.
Mùa Xuân năm 2001 chứng kiến một sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển là Trường ĐHSP Vinh được đổi tên thành “Trường Đại học Vinh”. Từ đây, trường đại học Vinh chính thức phát triển theo hướng đa ngành để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực thuộc nhiều lĩnh vực cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đây là nỗ lực không mệt mỏi của nhiều tập thể lãnh đạo và mọi thành viên trong toàn trường. Trong niềm vui ấy, năm 2001 khoa Vật lí vừa tròn 40 tuổi. Từ một tổ Vật lí ban đầu, thời điểm đó đã trở thành một khoa đào tạo đa ngành, đa hệ với hơn 1.400 SV; từ 12 cán bộ ban đầu, qua 40 năm xây dựng đã trở thành một khoa có 39 cán bộ trong đó có 4 PGS, 10 TS và 12ThS.
Có thể nói, giai đoạn 1986 - 2001 cùng với bước phát triển của Trường từ một trường Đại học đơn ngành trở thành Trường Đại học đa ngành, khoa Vật lí đã dần khẳng định vị thế của mình bằng quy mô và chất lượng đào tạo. Bên cạnh sự lớn mạnh của công tác đào tạo đại học, hòa chung với xu thế phát triển của toàn Trường, hoạt động đào tạo Sau đại học đã có những bước tiến vượt bậc, đó một thành công lớn, góp phần nâng cao vị thế của khoa. Chất lượng đào tạo, NCKH không ngừng được tăng lên; chất lượng cuộc sống của tập thể cán bộ, công chức không ngừng được cải thiện.
Trong 15 năm (1986 - 2001), cùng với sự phát triển đổi mới của toàn Trường, tập thế cán bộ, viên chức, học viên, SV khoa Vật lí đã không ngừng cố gắng vươn lên, vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sức nhiệm vụ. Những thành tựu đạt được trong 40 năm qua là nền tảng, là cơ sở cho khoa khi bước vào thiên niên kỷ mới với những hi vọng và niềm tin mới.
1.5. Giai đoạn 2001 -2011
Ngày 25 tháng 4 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường ĐHSP Vinh thành Trường Đại học Vinh. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu sự phát triển mới của Trường và Khoa. Trong khoảng thời gian một thập niên (2001 - 2010), nhiều cán bộ, giảng viên trẻ đã được bổ sung, đó là các thầy, cô: Mai Văn Lưu, Chu Văn Lanh, Nguyễn Thị Nhị, Nguyễn Huy Bằng; hiện tại các thầy Nguyễn Lê Thăng, Đỗ Mai Trang, Bùi Đình Thuận và Trịnh Ngọc Hoàng đang học chương trình đào tạo TS ở nước ngoài; thầy Nguyễn Tiến Dũng, Đoàn Thế Ngô Vinh và cô Đỗ Thị Thanh Thùy đã và đang chuẩn bị tiếp tục học tập để nâng cao trình độ; cô Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Thu Hiền, Lương Thị Yến Nga và thầy Dương Trung Nguyện đã được bổ sung vào đội ngũ giáo viên thực hành và KTV công tác tại khoa, thầy Thái Minh Phúc, Nguyễn Thành Dương và Hồ Việt Dũng, nguyên cựu SV khoa Vật lí, sau khi tốt nghiệp đã trở thành những cán bộ KTV của khoa, hiện đã chuyển công tác do yêu cầu của công việc.
Cũng trong thập niên này, trước sự phát triển của Nhà trường, đội ngũ cán bộ của khoa cũng không ngừng biến động. Nhiều cán bộ trưởng thành từ khoa được điều động chuyển đến vị trí công tác mới. Đó là thầy Vũ Ngọc Sáu, Trưởng khoa Xây dựng; thầy Nguyễn Hoa Lư, Phó Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông, thầy Mạnh Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng Giáo dục; Năm 2002, đội ngũ CBGD có học hàm PGS tiếp tục được bổ sung, trong số đó có thầy Nguyễn Huy Công (sau này thầy chuyển ra Trường Đại học Điện lực).
Tháng 4 năm 2003, Hội thảo Quốc gia về Đổi mới Phương pháp Giảng dạy và đào tạo giáo viên Vật lí lần đầu tiên được tổ chức tại Khoa Vật lí Trường Đại học Vinh. Hội thảo đã thành công tốt đẹp với hơn 45 báo cáo khoa học được trình bày, trong đó có nhiều báo cáo của các nhà khoa học đầu ngành. Cũng trong thời gian này, TS. Đinh Xuân Khoa, Trưởng khoa Vật lí được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Nhà trường, thầy Nguyễn Viết Lan được bổ nhiệm giữ chức Trưởng khoa Vật lí nhiệm kỳ 2003 -2008. Tháng 5 năm 2003, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép Trường Đại học Vinh mở hệ chuyên Lí thuộc Khối THPT Chuyên ĐH Vinh, đây là sự kiện đánh dấu vai trò của đội ngũ CBGD khoa Vật lí. Năm 2004, thầy Đinh Xuân Khoa, nguyên Trưởng khoa Vật lí được phong học hàm PGS.
Từ tháng 7 năm 2005, BGH nhà trường đã có hai thầy giáo trưởng thành từ khoa Vật lí, thầy Hà Văn Hùng và thầy Đinh Xuân Khoa với vai trò là Phó Hiệu trưởng; tháng 10 năm 2005, thầy Đinh Xuân Khoa được bầu làm Bí thư Đảng ủy nhà trường. Năm 2008, thầy Nguyễn Viết Lan đến tuổi nghỉ hưu, thầy Đoàn Hoài Sơn được bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa nhiệm kỳ 2008 - 2013, các thầy cô Phạm Thị Phú, Lưu Tiến Hưng và Nguyễn Huy Bằng là Phó trưởng khoa trong Nhiệm kỳ này.
Từ năm 2006 đến 2011 bằng sự nỗ lực của các cán bộ, chất lượng đội ngũ của khoa được tăng lên đáng kể: 5 thầy cô được phong học hàm PGS (thầy Nguyễn Hoa Lư, Mai Văn Trinh, Vũ Ngọc Sáu, Nguyễn Đình Thước và cô Phạm Thị Phú); 10 cán bộ được nhận học vị TS (thầy Đoàn Hoài Sơn, Nguyễn Văn Phú, Lưu Tiến Hưng, Đinh Phan Khôi, Nguyễn Hồng Quảng, Nguyễn Huy Bằng, Chu Văn Lanh, Mai Văn Lưu, Nguyễn Thành Công và cô Nguyễn Thị Nhị).
Công tác NCKH và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Giữ vững và phát triển mối quan hệ truyền thống với Viện hàn lâm khoa học Ba Lan, với vai trò nòng cốt của GS.TSKH. Cao Long Vân và PGS.TS. Đinh Xuân Khoa nhiều hoạt động khoa học được xúc tiến. Tháng 10/2009 với sự phối hợp giữa khoa Vật lí và Viện khoa học Công nghệ Việt nam, lần đầu tiên “Hội thảo Quốc tế về nguyên tử lạnh và Phổ học laser” được tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo có nhiều GS đầu ngành của Châu Âu (trong đó có GS. TSKH. M. Kolwas, Chủ tịch Hội Vật lý Châu Âu) đã về dự và đọc báo cáo khoa học tại Hội nghị. Bằng sự mở rộng hợp tác quốc tế, nhiều đề tài NCKH các cấp được triển khai. Hàng năm, đội ngũ cán bộ trong khoa đã công bố hàng chục công trình khoa học, trong đó có nhiều công trình được đăng tải trên các tạp chí quốc tế.
Công tác NCKH của SV cũng không ngừng được đẩy mạnh, hợp tác trong đào tạo của khoa với các trường bạn được tăng cường. Tháng 4 năm 2009 lần đầu tiên cuộc thi Olympic Vật lí SV toàn quốc được tổ chức tại Trường Đại học Vinh, khoa Vật lí đóng vai trò đơn vị chủ trì, cuộc thi đã thành công rực rỡ, để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng các thành viên tham dự; đội tuyển Olympic của khoa đã dành giải Nhất toàn đoàn.
Năm 2010, PGS. TS. Đinh Xuân Khoa, nguyên Trưởng khoa Vật lí được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Nhà trường nhiệm kỳ 2010 - 2015. Như vậy, trải qua hơn 50 năm, Trường Đại học Vinh xây dựng và trưởng thành qua 8 thế hệ Hiệu trưởng, khoa Vật lí tự hào là cái nôi của 4 thế hệ Hiệu trưởng Nhà trường. Cũng trong năm này, tập thể khoa Vật lí vui mừng và tự hào khi 2 nhà giáo nguyên là cán bộ của khoa được phong tặng danh hiệu NGND (thầy Nguyễn Đình Noãn, thầy Lê Văn Phớt); thầy Đinh Xuân Khoa được phong tặng danh hiệu NGƯT. Cũng trong thời gian này nhiều cán bộ của khoa được bổ nhiệm trọng trách mới: ThS. Phạm Khắc Lưu, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học; PGS. TS. Mai Văn Trinh, Trưởng Phòng TCCB; TS. Đinh Phan Khôi, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế; TS. Lưu Tiến Hưng, Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông; TS. Nguyễn Hồng Quảng, Giám đốc Trung tâm Thực hành - Thí nghiệm.
Trong công tác đào tạo, thực hiện theo chủ trương chung của Bộ giáo dục& Đào tạo, Khoa đã chuyển hình thức đào tạo theo niên chế truyền thống sang hình thức học chế Tín chỉ. Nhiều tài liệu, giáo trình đã được biên soạn và không ngừng hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu dạy học. Ngoài đào tạo Cử nhân Sư phạm và Cử nhân khoa học, Khoa đã liên kết với trường Đại học Điện lực đào tạo hệ Cử nhân Cao đẳng ngành Hệ thống điện và Điện dân dụng & Công nghiệp. Đây là những bước đi khởi đầu nhưng đó là tiền đề có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển Khoa sau này.
1.6. Giai đoạn 2011 - nay: phát triển theo hướng đa ngành trong bối cảnh toàn cầu hóa
Năm 2011, khoa Vật lí trường Đại học Vinh tròn 50 tuổi, một mốc son trong sự nghiệp xây dựng và phát triển trong bối cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là năm mà Trường đại học Vinh được Thủ tướng chính phủ cho phép xây dựng thành “Trường đại học trọng điểm quốc quốc gia” với tầm nhìn là trở thành thành viên của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN). Thành tựu của Khoa trong nửa thế kỷ vừa qua là rất nhiều, đã tạo đà vững chắc để tự tin gia nhập với giáo dục đại học quốc tế trong thời đại kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo, viên chức, học viên, SV của Khoa đã nhìn nhận thấy những yêu cầu mới, những khó khăn và thách thức mới nên đã rất đồng lòng hoạch định đường lối phát triển với một quyết tâm phát huy truyền thống.
Năm 2013 Khoa đã được Bộ giáo dục & Đào tạo cho phép mở mã ngành đào tạo Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật Điện và bắt đầu tuyển sinh năm học 2013-2014. Mặc dù mới mở được 3 năm nhưng hiện đang có gần 400 SV theo học ngành này. Đây tuy là nhiệm vụ mới nhưng nhờ được kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ đi trước nên việc xây dựng chương trình và tổ chức hoạt động đào tạo cho ngành Kỹ sư công nghệ kỹ thuật Điện được triển khai một cách khoa học. Hệ thống các phòng thí nghiệm về kỹ thuật điện đã được Nhà trường đầu tư theo công nghệ Châu Âu vào loại hiện đại nhất trong khu vực Bắc Miền Trung. Để phù hợp với các nhiệm vụ mới về đào tạo các ngành kỹ sư, tháng 10 năm 2013 Khoa Vật lý đã được Nhà trường cho phép đổi tên thành “Khoa Vật lý và Công nghệ”. Đây là mốc đánh dấu thời điểm Khoa chính thức phát triển theo hướng đa ngành, phù hợp với xu thế phát triển của GD đại học hiện đại.
Để góp phần hiện thực hóa Nghị Quyết 29 của BCHTW Đảng khóa XI vào Trường Đại học Vinh về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Khoa đã được Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường được giao thí điểm xây dựng chương trình đào tạo ngành Cử nhân Sư phạm Vật lý theo các chuẩn mực của quốc tế dựa trên tiếp cận CDIO kết hợp sử dụng Giáo trình Vật lý bằng Tiếng Anh phục vụ dạy học từ năm 2014. Tuy đổi mới là xu thế tất yếu của GDĐH nước nhà nhưng việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện đồng thời nhiều mặt: chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, giáo trình, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, nguồn lực cán bộ và chất lượng đầu vào của sinh viên. Khoa phải tự nghiên cứu và phát triển cơ sở lý luận của CDIO (vốn được khởi xướng cho các ngành kỹ thuật) áp dụng cho đào tạo giáo viên nên công tác triển khai phải thí điểm ở từng khâu, từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thành công bước đầu của việc vận dụng CDIO là cán bộ được tiếp cận với cách thức làm chương trình và tổ chức hoạt động dạy học một cách khoa học, hiện đại; từ đó đã tạo chuyển biến về tư tưởng trong cán bộ, xem đổi mới là nhu cầu và động lực để phát triển.
Cùng với việc phát triển chương trình đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong 5 năm qua tiếp tục được đẩy lên một tầm cao mới. Có 5 đề tài cấp bộ và 5 đề tài cấp Nhà nước, Nghị định thư và Hợp tác quốc tế song phương đã được triển khai trên cả phương diện khoa học giáo dục và khoa học cơ bản. Đã đón 25 lượt nhà khoa học có uy tín của quốc tế (từ Ba Lan, Hoa Kì, Israel, Tây Ban Nha, Canada…) về giảng bài, tổ chức các hội thảo khoa học và hợp tác xây dựng các nhóm nghiên cứu mới ở Khoa. Phát huy truyền thống hợp tác quốc tế, ngoài việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học cơ bản thì hợp tác về đào tạo theo chương trình Erasmus Plus (nòng cốt là kết nối giữa GS. Đinh Xuân Khoa và GS. Cao Long Vân) đã được triển khai ở cả ba bậc ĐH, ThS và TS. Thông qua các chương trình hợp tác, nhiều lượt cán bộ, NCS, HVCH và SV đã được cử đi sang Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kì học tập và trao đổi khoa học.
Trong năm 5 qua, các cán bộ của Khoa đã công bố được 58 bài báo khoa học trên các tạp chí nước ngoài (trong đó có 32 bài trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI của Thompson, Hoa Kì) và có 1 bằng sáng chế đã được công nhận. Phòng thí nghiệm về Phổ học laser đã được xây dựng vào loại hiện đại của khu vực Đông Nam Á đáp ứng cho nghiên cứu và đào tạo về một số vấn đề chuyên sâu trong Quang học, Quang phổ. Nhờ đẩy mạnh các hoạt động gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo nên đã có sinh viên, học viên và NCS gửi bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Đặc biệt, chất lượng luận án của các tiến sỹ của các NCS đã được nâng lên đáng kể. Theo đó, nội dung chính của các luận án tiến sỹ của hai chuyên ngành đào tạo (Quang học, Lí luận và PP dạy học bộ môn Vật lý) đều được đăng tải trên các tạp chí nước ngoài, trong đó mỗi luận án TS của chuyên ngành Quang học được công bố tối thiểu 1 bài trên tạp chí Quốc tế thuộc danh mục ISI. Điều này đã từng bước hình thành “văn hóa công bố quốc tế” trong đào tạo tiến sỹ ở Khoa Vật lý và Công nghệ.
Nhờ hoạt động quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường và của Khoa, cộng với nỗ lực phấn đấu của mỗi cán bộ nên số người được phong học hàm và công nhận học vị tiến sỹ trong giai đoạn này được tăng cường đáng kể. Cụ thể, thầy Đinh Xuân Khoa được phong học hàm GS, 6 nhà giáo khác được phong học hàm PGS (thầy Nguyễn Hồng Quảng, Nguyễn Văn Phú, Lưu Tiến Hưng, Nguyễn Huy Bằng, cô Nguyễn Thị Nhị, thầy Chu Văn Lanh và thầy Mai Văn Lưu), và có 5 thầy giáo đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ (thầy Bùi Đình Thuận, Trịnh Ngọc Hoàng, Đỗ Mai Trang, Nguyễn Tiến Dũng và thầy Lê Văn Đoài).
Song song với bồi dưỡng chuyên môn, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý cũng luôn được quan tâm đúng mức để phục vụ không chỉ cho sự phát triển của Khoa và Nhà trường mà còn phục vụ cho sự phát triển của Ngành và các địa phương lân cận. Năm 2013, thầy Đoàn Hoài Sơn (Trưởng khoa) được điều động và bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh; thầy Nguyễn Huy Bằng được bổ nhiệm làm Trưởng khoa, các thầy Chu Văn Lanh và Mai Văn Lưu làm Phó trưởng khoa. Cũng trong năm 2013, thầy Mai Văn Trinh (nguyên là cán bộ của khoa, sau đó làm Trưởng phòng TCCB) được điều động và bổ nhiệm làm Cục trưởng cục khảo thí của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2016, thầy Lưu Tiến Hưng (nguyên là Phó Trưởng khoa Vật lý, sau đó là trưởng khoa Điện tử-Viễn thông) được điều động và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường CĐSP Nghệ An.
Có thể nói, giai đoạn 2011-2016 tuy là khoảng thời gian ngắn trong lịch sử phát triển của Khoa, nhưng tập thể cán bộ, viên chức, học viên và sinh viên đã nỗ lực phấn đấu, đồng lòng chung sức để cùng tô thắm “Truyền thống 55 năm của Khoa Vật lý ”, góp phần đưa Nhà trường hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong từng thời kỳ phát triển.
2. Những định hướng phát triển trong tương lai
Khoa Vật lí là một đơn vị giàu truyền thống về xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, về đào tạo và NCKH của Trường Đại học Vinh. Đội ngũ giảng viên của khoa hiện nay được đào tạo cơ bản và toàn diện, với sức trẻ, năng lực và tâm huyết với nghề. Sang thời kỳ mới, với vai trò to lớn và nhiệm vụ cao cả, tập thể Khoa Vật lý hết sức đồng lòng cùng chung sức với các đơn vị để xây dựng Trường đại học Vinh thành trường đại học trọng điểm quốc gia, là thành viên của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á vào năm 2023. Vì vậy, Đại hội Đảng bộ Bộ phận khoa đã đề ra phương hướng chung là “Phát triển khoa Vật lý trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam”. Để thực hiện được điều này, Khoa đã hoạch định đường lối phát triển với những nội dung căn bản như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh phát triển Khoa Vật lý theo hướng đa ngành. Theo đó, Khoa sẽ tiếp tục tái cấu trúc để phù hợp với môi trường quản trị mới của Nhà trường, lấy hiệu quả quản trị các nguồn lực và nhu cầu xã hội làm nền tảng. Tiếp tục phát triển các nguồn lực để mở các ngành đào tạo về công nghệ và kỹ thuật nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước;
Thứ hai, không ngừng đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dạy học, liên tục rà soát và điều chỉnh kịp thời chương trình đào tạo để thích ứng nhanh với những thay đổi của thế giới việc làm. Trước mắt là tập trung các nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng các chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO cho các ngành được giao quản lý, phấn đấu đến năm 2023 thì Chương trình đào tạo ngành Cử nhân Sư phạm Vật lý đạt các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN QA).
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo và giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội (chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kỹ thuật, nghiên cứu giải quyết các vấn đề về môi trường và công nghệ mới về Quang tử). Phấn đấu đến năm 2023, các cán bộ giảng dạy ngành Vật lý có công bố quốc tế ISI với bình quân 1bài/người/năm. Các luận án tiến sỹ của hai chuyên ngành đào tạo đều gắn với công bố quốc tế trước khi bảo vệ;
Thứ tư, phát huy hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác truyền thống và tiếp tục tìm kiếm mở rộng hợp tác với các trường, viện nghiên cứu trên thế giới để tăng cường các nguồn lực cho Khoa và Nhà trường, tạo môi trường học tập hiện đại cho sinh viên và học viên;
Thứ năm, phát triển các nguồn lực phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Vật lý THPT theo yêu cầu phát triển của Ngành.
3. Kết luận
Với truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường; sự giúp đỡ từ những thuở ban đầu của khoa Vật lí, trường ĐHSP Hà Nội, của Viện Vật lí Việt Nam, của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, của các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước; của các đơn vị, phòng, ban chức năng trong toàn trường; tập thể các thế hệ Thầy và Trò khoa Vật lí và Công nghệ đã không ngừng cố gắng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xứng đáng là một khoa có vị thế trong Nhà trường. Những thành tích đó được thể hiện qua những con số đáng tự hào, được đánh giá và ghi nhận bởi nhiều đanh hiệu, phần thưởng cao quý.
Trong 61 năm qua, Khoa đã đào tạo gần 5000 giáo viên Vật lý THPT, 1200 Thạc sỹ, 36 Tiến sỹ, 900 Kỹ sư Xây dựng, 2.300 Cao đẳng ngành Điện, Điện tử viễn thông và Điện dân dụng. Đã có 3 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND; 10 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGƯT; 2 nhà giáo được phong học hàm GS; 40 nhà giáo được phong học hàm PGS; hơn 58 cán bộ đã bảo vệ thành công luận án TS, TSKH ở trong và ngoài nước. Những thành tựu đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tập thể và nhiều cá nhân của khoa Vật lí đã được Nhà nước trao tặng 3 Huân chương Lao động hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Hai; được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng nhiều bằng khen.
Thành tựu 61 năm qua là rất đáng tự hào, tạo một niềm tin và động lực mạnh mẽ cho Thầy và Trò vững vàng tiếp bước theo “Đường khoa Lí”, hướng tới tương lai mới với nhiều thuận lợi và thách thức mới, góp sức đưa Trường Đại học học Vinh thành đại học trọng điểm quốc gia, nâng cao vị thế trong cộng đồng các trường đại học quốc tế, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Nghệ An, tháng 11 năm 2022.
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024