Mỹ, Úc đa dạng mô hình sinh viên vay vốn để học đại học
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - Thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế Đại học Newcastle (Australia) đánh giá, trong bối cảnh khó khăn của ngành giáo dục thì việc có thêm các nguồn tín dụng đến từ các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ cho sinh viên là hết sức cần thiết, cần khuyến khích và nhân rộng.
"Mô hình hỗ trợ sinh viên vay vốn với lãi suất ưu đãi không chỉ tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giáo dục cho mọi thành phần xã hội mà quan trọng hơn nó góp phần trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó còn đảm bảo cho sự duy trì và phát triển ổn định của hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Có thể thấy, việc cựu sinh viên lập quỹ cho sinh viên vay với lãi suất 0% là một việc làm hết sức cao đẹp, nhân văn”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nhìn nhận.
Cũng theo vị này, các trường đại học Việt Nam đã và đang thực hiện tự chủ, việc phát triển mô hình tín dụng vay vốn sinh viên ở các trường đại học sẽ góp phần giúp thu hút người học. Do đó, cần có một chính sách quan tâm cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước đối với mô hình tín dụng sinh viên này, nếu không thì không dễ để nhân rộng mô hình này. Vì đây có thể được xem như một khoản đầu tư không hoàn lãi.
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cũng cho biết thêm, Chính phủ liên bang Australia và các trường đại học có những chính sách tín dụng dành cho sinh viên. Mô hình hỗ trợ này nhằm đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi người học được tiếp cận giáo dục đại học.
Chính sách vay giáo dục hỗ trợ tích cực cho sinh viên học tập
Đánh giá về tầm quan trọng các khoản vay ưu đãi cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên, nhà nghiên cứu giáo dục Lê Đình Hiếu - đang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đồng thời là chuyên gia cao cấp của tổ chức giáo dục quốc tế MAX Education, nhấn mạnh đến 3 tác động.
Thứ nhất, ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của người học. Các nghiên cứu thường xuyên cho thấy cách hỗ trợ tài chính sẽ ảnh hưởng trực tiếp lựa chọn chuyên ngành, quyết định tiếp tục đi học, hay bao nhiêu người trong một gia đình sẽ được đi học.
Thứ hai, tác động lên sức khỏe tâm thần và căng thẳng của các em. Việc được giảm áp lực tài chính tác động rất tốt cho tâm lý và sức khỏe tinh thần của sinh viên và gia đình, bao gồm việc giảm căng thẳng, lo âu và ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên gần đây cũng ghi nhận nhiều sinh viên bắt đầu bị tác dụng ngược lại khi quá lạm dụng vào việc vay, bao gồm cả vay giáo dục và các khoản vay cá nhân khác.
Thứ ba, về bản chất, khi chính sách vay giáo dục được triển khai tốt, chênh lệch giàu nghèo sẽ giảm đáng kể. Nhưng nếu cơ chế không minh bạch, việc tiếp cận thông tin không tốt, hay việc thực thi có nhiều trở ngại, chính sách vay vốn này có thể bị lợi dụng.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ vay vốn sinh viên cũng giúp tạo động lực học tập, cải thiện kết quả học tập, tăng tỷ lệ tốt nghiệp, phát triển trường đại học và góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Chuyên gia giáo dục nhìn nhận, học phí (cả trường đại học công lập và ngoài công lập) có xu hướng ngày càng tăng, tuy nhiên Việt Nam có ngân sách giáo dục còn hạn chế so với các nước phát triển, làm giảm khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính rộng rãi cho sinh viên.
Ngoài ra còn có một quan niệm tiêu cực về việc vay nợ trong văn hóa Việt Nam, điều này làm giảm sự chấp nhận của các chương trình vay sinh viên. “Trong giai đoạn gần 10 năm làm lãnh đạo hoặc cố vấn cho một số trường cao đẳng, đại học tại Việt Nam, tôi nhận thấy phụ huynh, học sinh còn rất ngần ngại trong việc vay tiền để đi học”, nhà nghiên cứu giáo dục Lê Đình Hiếu chia sẻ.
Hơn thế nữa, theo chuyên gia, việc triển khai các chương trình vay vốn sinh viên có thể đối mặt với thách thức về cơ sở hạ tầng, quản lý rủi ro và thu hồi nợ. Chẳng hạn, tại Mỹ, hệ thống tài chính, ngân hàng liên kết rất chặt chẽ và hiệu quả, nên thu nhập khi đi làm sẽ được trích 1 khoản để trả nợ trực tiếp.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan: Sự hợp tác giữa chính phủ, các trường đại học, và các tổ chức tài chính là cần thiết để phát triển các chương trình hỗ trợ hiệu quả. Thậm chí vai trò của trường phổ thông, giáo viên chủ nhiệm từ trung học phổ thông cũng rất quan trọng để hỗ trợ phụ huynh, học sinh trong việc tiếp cận việc vay.
Khuyến khích phát triển đa dạng mô hình vay vốn sinh viên
Thạc sĩ Lê Đình Hiếu cũng đưa ra một số giải pháp nhằm giúp các trường đại học Việt Nam khuyến khích mô hình vay vốn sinh viên được phát triển, để nhiều em được vay, vay với định mức cao hơn.
Các trường cần có các chính sách hỗ trợ người học sau tốt nghiệp. Xây dựng chính sách linh hoạt trong việc trả nợ sau khi tốt nghiệp, dựa trên khả năng tài chính và thu nhập của người vay. Theo chuyên gia đây là việc quan trọng nhất, vì 100% người vay sẽ đặt câu hỏi rằng “tôi sẽ trả nợ khoản vay này như thế nào?”
Đồng thời, tổ chức các buổi hội thảo, thông tin về các chương trình vay và cách thức vay vốn để sinh viên hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia. Việc này nên diễn ra song song với quá trình hướng nghiệp, để các em có thể chọn lựa nghề nghiệp phù hợp nhất, không ảnh hưởng nhiều bởi rào cản tài chính giáo dục.
Trường đại học nên thiết lập quan hệ đối tác với các ngân hàng và tổ chức tài chính để cung cấp các gói vay vốn sinh viên với lãi suất hấp dẫn và điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, tìm kiếm sự hỗ trợ từ mọi nguồn lực xã hội và thậm chí các tổ chức phi chính phủ từ nước ngoài trong việc cung cấp quỹ vay và hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
Trường đại học cần phát triển các chương trình hỗ trợ tài chính phù hợp với nhu cầu và điều kiện khác nhau của sinh viên, bao gồm cả học bổng và hỗ trợ tài chính không hoàn lại.
Mô hình vay vốn sinh viên ở các nước được áp dụng thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền đề cập đến một số mô hình vay vốn, hỗ trợ sinh viên ở Australia.
Đầu tiên, chương trình vay vốn sinh viên ICL - vay học phí tín chấp bằng thu nhập tương lai. Đây là hình thức giúp sinh viên có thể trang trải các chi phí học tập và bắt đầu trả tiền lại cho Chính phủ khi đã hoàn thành chương trình học cơ bản. Số tiền này các em sẽ phải thanh toán theo tháng, đảm bảo sao cho khoản chi trả phù hợp với thu nhập thực tế của người vay.
Chương trình HELP (Higher Education Loan Programme) hỗ trợ sinh viên vay vốn để học tập hoặc được miễn học phí một số ngành. Có 5 năm chương trình cho vay giúp sinh viên Australia có thể dễ dàng chi trả các khoản phí khi học đại học.
Chương trình chính yếu là HECS-HELP. Theo chương trình này, sinh viên có quốc tịch Australia có thể mượn tiền chính chính phủ để theo học đại học. Trên thực tế tất cả mọi sinh viên cấp cử nhân ở các đại học Australia đều hội đủ điều kiện trợ giúp học phí theo chương trình HECS-HELP. Sinh viên bắt đầu trả nợ sau khi tốt nghiệp.
Một một chương trình cho vay khác là FEE-HELP - áp dụng cho những sinh viên phải trả học phí toàn phần, hầu hết dành cho các khóa học sau đại học, hay những khoá học do các cơ sở giáo dục tư thục đào tạo.
Chương trình SA-HELP nhằm giúp trả các lệ phí mà sinh viên phải đóng cho các dịch vụ không nằm trong lĩnh vực học vấn, khoảng 300 AUD (khoảng gần 5 triệu đồng).
Ngoài ra còn có chương trình OS-HELP nhằm trợ giúp cho các sinh viên muốn tham dự một khoá học nửa năm ở đại học nước ngoài.
Chương trình VET-FEE HELP giúp chi trả học phí đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, theo thầy Hiền, ở Australia còn có mô hình trợ cấp để sinh viên vay trang trải sinh hoạt phí. Chương trình này chủ yếu hỗ trợ cho sinh viên đang tham gia các khóa học toàn thời gian. Có 3 hình thức với mức tiền hỗ trợ khác nhau tùy theo mức thu nhập và tài sản của người xin trợ cấp và những người có liên quan trong gia đình như cha mẹ, vợ/chồng: Austudy là chương trình dành cho những người trên 25 tuổi; Youth Allowance dành cho những người từ 16-24 tuổi; Abstudy chỉ dành cho những người bản địa và không phân biệt tuổi tác.
Nhà nghiên cứu giáo dục Lê Đình Hiếu cũng chia sẻ thêm, ở các trường đại học Mỹ, sinh viên được hỗ trợ vay vốn chủ yếu thông qua hai loại hình là các khoản vay sinh viên liên bang và các khoản vay tư nhân.
Khoản vay sinh viên liên bang được quản lý bởi Bộ Giáo dục, trong đó, quan trọng nhất là khoản vay ưu đãi (Direct Subsidized Loans). Khoản vay này dành cho sinh viên đại học có nhu cầu tài chính, chính phủ trả lãi trong thời gian học. Dĩ nhiên, khoản vay này quy định đối tượng rất cụ thể: Chỉ dành cho sinh viên đại học đang theo học tại các cơ sở giáo dục đủ điều kiện và có nhu cầu tài chính được chứng minh. Khoản vay này có giai đoạn ân hạn (grace period) 6 tháng sau khi sinh viên tốt nghiệp, tức các em chỉ bắt đầu trả nợ khoản vay này sau giai đoạn ân hạn này.
Bên cạnh khoản vay ưu đãi nêu trên, chính quyền liên bang và tiểu bang tại Mỹ còn có rất nhiều khoản vay khác: vay không ưu đãi, vay với sự hỗ trợ của cha mẹ…
Ngoài ra, theo chuyên gia, điều thú vị tại Mỹ là họ có cả các tổ chức tài chính tư nhân tham gia cho sinh viên vay để đi học. Các tổ chức này thường là các ngân hàng hay các định chế tài chính lớn, ngoài ra, còn có cả các tổ chức tư nhân do cựu sinh viên cũ sáng lập và giúp đỡ ngược lại sinh viên mới.
“Đặc điểm chung của vay đi học tại Mỹ là được Chính phủ hỗ trợ lãi suất rất nhiều hoặc không phải trả lãi suất khi đi học, có thời gian trả nợ kéo dài lên tới 20-25 năm, lãi suất thậm chí thay đổi theo thu nhập. Chẳng hạn 2 năm đầu tiên mới ra trường lãi suất sẽ thấp, sau đó, khi thu nhập đã tăng, lãi suất sẽ tăng theo. Theo thông tin từ trang CNBC, năm 2021 có 45 triệu người Mỹ vẫn đang có những khoản vay nợ giáo dục này, với mức nợ trung bình là 30.000 USD/ người (khoảng hơn 737 triệu đồng). Và chính quyền cũng đã có những chính sách giảm nợ, giãn nợ khi nền kinh tế khó khăn cho những người đã và đang vay nợ giáo dục”, Thạc sĩ Lê Đình Hiếu chia sẻ.
Nhà nghiên cứu giáo dục cũng thông tin thêm một số thống kê về hỗ trợ tài chính tại một số trường đại học công lập tại Mỹ như:
Đại học California: 77% sinh viên nhận được hỗ trợ tài chính, với mức hỗ trợ trung bình là 18.500 USD (khoảng 455 triệu đồng). Và trường có hơn 2.000 học bổng dựa trên thành tích, với tổng giá trị lên tới 100 triệu USD (khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng).
Đại học Michigan: 78% sinh viên nhận được hỗ trợ tài chính, với mức hỗ trợ trung bình là 20.000 USD (khoảng 492 triệu đồng). Tương tự, trường có 1.000 học bổng dựa trên thành tích, với tổng giá trị lên tới 75 triệu USD (khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng).
Đại học Virginia: 76% sinh viên nhận được hỗ trợ tài chính, với mức hỗ trợ trung bình là 19.000 USD (khoảng 467 triệu đồng). Đại học Virginia có hơn 900 học bổng dựa trên thành tích, với tổng giá trị lên tới 60 triệu USD (khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng).
“Theo một báo cáo của tổ chức College Board, trong năm học 2022-2023, trung bình 68% sinh viên đại học công lập tại Mỹ nhận được hỗ trợ tài chính (với nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả vay ưu đãi) dựa trên nhu cầu. Trong số đó, 40% nhận được hỗ trợ tài chính không cần hoàn trả, 22% nhận được hỗ trợ tài chính cần hoàn trả, và 6% nhận được hỗ trợ tài chính kết hợp”, Thạc sĩ Lê Đình Hiếu thông tin.
Còn ông Lê Minh Phúc - Giám đốc Vận hành Doanh nghiệp xã hội Hear Us Now chia sẻ về mô hình hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên tại Canada. Theo ông Phúc, Canada có các chương trình giúp những người vay gặp khó khăn trong việc trả nợ, bao gồm việc giảm số tiền phải trả hoặc hoãn thời gian trả nợ. Nhiều trường đại học và chính phủ Canada cung cấp các chương trình hỗ trợ việc làm cho sinh viên, giúp họ có thu nhập trong quá trình học và giảm nhu cầu vay vốn.
Ngoài ra, Giám đốc Vận hành Doanh nghiệp xã hội Hear Us Now cũng nhấn mạnh, cần hiểu rằng hình thức vay vốn chỉ là 1 trong những chính sách tài chính cần được thiết lập tại trường đại học để hỗ trợ cho sinh viên. Ngoài ra, có rất nhiều các chính sách tài chính khác như: Học bổng dựa trên thành tích (Merit-based scholarship), hỗ trợ tài chính dựa trên nhu cầu (Need-based financial aid), thù lao làm việc ở trường (Work-study).
- Khoa Tâm lý-Giáo dục chào đón tân sinh viên K65Sinh viên03/10/2024
- Khoa Tâm lý-Giáo dục rộn ràng chào đón tân sinh viên K65Sinh viên30/09/2024
- Đại hội Chi đoàn các lớp chuyên ngành Quản lý giáo dụcSinh viên27/09/2024
- Giới trẻ Australia bi quan về tương lai của mìnhSinh viên10/09/2024
- Hà Lan cấm học sinh sử dụng điện thoại di động tại trường họcSinh viên03/09/2024
- Dành cả thanh xuân học ngành tâm lý học, ra trường mình làm gì?Sinh viên26/08/2024
- Tham vấn tâm lý cho sinh viên: Cách tiếp cận từ các trường đại họcSinh viên26/07/2024
- Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản lý giáo dụcSinh viên16/05/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024