Nhà giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh tấm gương đạo đức sáng ngời cho các thế hệ nhà giáo học tập và noi theo
TÓM TẮT:
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, đồng thời là nhà giáo dục mẫu mực của Việt Nam. Trong hệ thống tư tưởng của Người, tư tưởng về giáo dục giữ một vị trí quan trọng. Sinh thời, Người đã có nhiều hoạt động và đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong vô vàn những cống hiến to lớn đó, phẩm chất đạo đức của một người thầy mẫu mực, trong sáng là tấm gương sáng cho mọi thế hệ thầy cô mai sau học tập và noi theo. Trên cơ sở việc nêu tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhà giáo, bài viết đề xuất một số nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ nhà giáo nhằm đạt chuẩn nghề giáo viên trong cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định tại Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn hiện nay.
1. Đặt vấn đề
Bàn về tấm gương đạo đức của thầy giáo Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, những tư tưởng của Người về giáo dục và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức nhà giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều công trình nghiên cứu.
Nhóm các công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục như: Hồ Chí Minh với việc xây dựng một nền giáo dục mới ở Việt Nam, Phan Ngọc Liên, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 11/2013, tr.17-20: tác giả đã khái quát một số điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền giáo dục của nước Việt Nam mới, trong đó có nêu lên quá trình Hồ Chí Minh là thầy giáo và những tư tưởng, chỉ đạo của Người với sự nghiệp giáo dục đào tạo; Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục – đào tạo, Lương Văn Tám, Tạp chí Khoa học chính trị, số 3 -2004, tr51 - 53: bài viết phân tích một cách hệ thống bản chất quan điểm của Hồ Chí Minh, đó là tư tưởng về một nền giáo dục hướng tới việc phát triển con người toàn diện; giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, cho dân và vì dân, có sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành; Hồ Chí Minh học, một số nội dung cơ bản, Bùi Đình Phong, NXB Lý luận chính trị, 2017: Cuốn sách gồm các chuyên đề chuyên sâu và bổ trợ về tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và chiến lược trồng người, về tư duy đổi mới giáo dục Việt Nam phù hợp với sự thay đổi của xã hội; Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vận dụng vào đào tạo đại học hiện nay, Hoàng Anh (chủ biên), NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2013: Cuốn sách bàn về những tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục, qua đó vận dụng vào đào tạo đại học hiện nay.
Nhóm các công trình nghiên cứu về đạo đức nhà giáo của Hồ Chí Minh và công tác giáo dục đạo đức nhà giáo như: Hồ Chí Minh với việc xây dựng đội ngũ người thầy trong nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Hoàng Diệu Thúy, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 11-2006, tr.26-28: phân tích những quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí và vai trò của người thầy, về những yêu cầu cần thiết về phẩm chất của người giáo viên trong nền giáo dục mới; Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo trong nhà trường hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Đức, Kỉ yếu hội thảo khoa học quốc gia, NXB Đại học Huế, 2019, tr.117: bài viết nêu nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo, yêu cầu chuẩn mực đạo đức nhà giáo, thực trạng đạo đức nhà giáo và những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo trong nhà trường hiện nay; Đạo đức nhà giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh - những vấn đề cần được quan tâm, Nguyễn Thị Luận, Tạp chí Giáo dục (số đặc biệt), tháng 7/2017: khái quát những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo như: phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống...và yêu cầu cần quán triệt sâu sắc những tư tưởng đó trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; Những chuyện kể về Bác Hồ với nghề giáo, Phan Tuyết – Bích Diệp (sưu tầm), NXB Lao động, 2013: cuốn sách là tập hợp những câu chuyện kể về những nét phẩm cách cao đẹp, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là những câu chuyện gắn với nghề giáo. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng, tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh đối với thế hệ các nhà giáo và những người làm giáo dục.
Mặc dù các công trình nghiên cứu trên đã chỉ ra những tư tưởng và tấm gương đạo đức nhà giáo của Hồ Chí Minh, những yêu cầu đối với đạo đức nhà giáo hiện nay nhưng hầu như chưa có công trình nào phân tích và chỉ ra cụ thể những nội dung học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo, đặc biệt là những nội dung phù hợp với Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông mới được ban hành vài năm trở lại đây. Do vậy, bài viết của tác giả sẽ tập trung đi sâu vào vấn đề này.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, một nhà giáo mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam
Xuyên suốt cuộc đời của mình, dù chủ yếu hoạt động cách mạng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, song đã có những thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp là nhà giáo. Từ tháng 9 năm 1910 đến trước tháng 2 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết. Sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trong những năm 1925 - 1927, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên, thiếu niên Việt Nam yêu nước; trực tiếp lãnh đạo và là giảng viên chính của các khóa học. Năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người luôn chăm lo việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho cách mạng; tổ chức và chỉ đạo từng bước xây dựng nền giáo dục cách mạng, nhằm thực hiện công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Dù giữ nhiều cương vị khác nhau, song trên phương diện là một nhà giáo dục, thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng ngời về đạo đức nhà giáo để mọi người học tập và noi theo.
2.1.1. Tấm gương dạy học bằng tình yêu thương
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học với những học trò đầu tiên tại trường Dục Thanh (Phan Thiết – Bình Thuận). Lúc đó, thầy là giáo viên đầu tiên phụ trách dạy chữ quốc ngữ. Hàng ngày, thầy dành thời gian để đọc sách, chấm bài, và trò chuyện với các thầy giáo, học trò cũng như bà con lao động xóm chài. Buổi sáng, thầy Thành dậy sớm, quét dọn nhà cửa, gánh nước, tưới cây. Những buổi lên lớp, thầy Thành giảng bài rất kĩ, gặp những chỗ khó, thầy giảng đi giảng lại cho học trò hiểu mới thôi. Thầy không bao giờ đánh mắng học trò. Giờ nghỉ học, thầy thường đưa học trò đi chơi, những lúc như vậy, thầy thường kể cho học trò nghe những câu chuyện thú vị về cuộc sống, thầy còn giảng về lịch sử dân tộc, về địa lí…. rất say sưa và hấp dẫn. Thầy dạy học bằng cả tình thương yêu, coi học trò như em ruột mình. Mặc dù dạy học ở đây không lâu, nhưng thầy Thành đã để lại những ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong học trò, giáo viên của trường.
Những năm 30 của thế kỉ XX, thầy Thành – với tên gọi lúc này là Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở nước ngoài nhưng luôn theo sát từng bước phát triển của cách mạng Việt Nam. Được sự nhất trí của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng. Bên cạnh đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 cũng đưa ra nhiệm vụ cấp bách: đoàn kết dân tộc, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ và đào tạo cán bộ. Vì vậy, thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chăm lo đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền mà còn tổ chức và chỉ đạo từng bước xây dựng nền giáo dục cách mạng, nhằm thực hiện công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Trong thời gian từ 1941 – 1945, ở khu căn cứ Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí đã dạy chữ cho những cán bộ cách mạng người dân tộc không biết đọc, biết viết. Với phương pháp dạy học dễ hiểu, phù hợp với trình độ người học của Nguyễn Ái Quốc, chỉ một thời gian ngắn, cán bộ ở cơ quan khu căn cứ địa đều đọc thông, viết thạo. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn để thực hiện lời dạy của Bác “học chữ để làm người cách mạng”. Người đã hết lòng dạy đỗ và luôn khuyến khích, động viên người học. Tình cảm ấy thể hiện qua từng cử chỉ, hành động, lời nói giản dị của Bác như việc Bác trao quà để khuyến khích, động viên tinh thần cho bà Nông Thị Trưng (nữ du kích đầu tiên của Đội du kích do Mặt trận Việt Minh thành lập).
“Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà” [1, tr.509].
2.1.2. Tấm gương qua dạy học để khơi dậy lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc
Khi còn dạy ở Trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành không chỉ hết lòng truyền đạt tri thức, tư tưởng tiến bộ, chỉ ra tầm quan trọng đối với việc học mà còn đem hết lòng nhiệt tình truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những suy nghĩ về vận mệnh của đất nước, gieo vào tâm trí người học về nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng. Bài học Sử ký “Hùng Vương dựng nước, đời Hồng Bàng”, thời kỳ mở đầu của 18 đời vua Hùng dựng nước được thầy Thành truyền đạt đến học trò với giọng trầm ấm, âm vang, thể hiện niềm tự hào về giống nòi “Con Rồng cháu Tiên”, về nguồn cội, về lòng biết ơn đối với các vua Hùng đã công dựng nước. Thầy giải thích: Bọc trứng ấy chính là lòng mẹ, chung một mẹ - cùng một nòi giống. Vì vậy, dân ta luôn nhắc đến hai tiếng thiêng liêng, đó là “Đồng bào” - nghĩa là cùng bọc, cùng một dòng máu, huyết thống vì vậy phải thương yêu, đoàn kết lẫn nhau. Nước Việt Nam ta được như ngày nay, ta không quên công lao của bao thế hệ cha anh đã xây dựng và gìn giữ.
Sau khi tìm thấy ánh sáng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga và con đường cách mạng vô sản, tháng 6 năm 1925, Người thành lập hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Qua mỗi bài giảng và thảo luận ở lớp huấn luyện, thầy giáo Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản, phân tích, so sánh để học viên nhận thức sâu sắc tính chất triệt để, chân chính của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 so với các cuộc cách mạng tư sản Anh, Pháp, Mỹ… Từ đó, chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Những bài giảng của Người không chỉ đào tạo ra những học trò xuất sắc đầu tiên: Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Trần Phú, Lê Hồng Phong … cùng Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà còn được tập hợp lại thành tác phẩm “Đường cách mệnh” xuất bản năm 1927 - cuốn sách giáo khoa đầu tiên dùng để giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên và trở thành cuốn sách “gối đầu giường” đối với bao thế hệ người Việt Nam.
2.1.3. Tấm gương tự học và không ngừng sáng tạo
Ngoài những tri thức ban đầu học được ở các thầy giáo khi còn nhỏ ở quê và khi còn trên ghế nhà trường ở Huế, thì suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tri thức, kiến thức có được chủ yếu là do tự học và bản thân không ngừng tự học. Mục tiêu và động cơ học tập được Bác Hồ xác định rõ: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Do đó, Bác Hồ rất chủ động và tự giác trong học tập.
Tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, trải qua quá trình bôn ba qua nhiều nước, Người luôn thể hiện tinh thần khát khao học hỏi, rèn luyện sự tự học. Bác Hồ tự học ở sách báo, học ở bạn bè và những người cùng hoạt động, học ở trên tàu, học ở thực tiễn cách mạng của nhân dân lao động trên thế giới, học mọi nơi và mọi lúc,... Người đã khắc phục mọi khó khăn, tự lao động nuôi sống bản thân, hoạt động cách mạng và học tập, tìm lấy phương pháp tự học, tự nghiên cứu để học ngoại ngữ, văn hóa, chính trị, quân sự và các lĩnh vực mà Người quan tâm.
Nhờ đó, Người đã kế thừa và phát triển được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại; tiếp nhận, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, dẫn dắt cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
2.1.4. Luôn xem giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, đoàn kết mọi lực lượng trên mặt trận giáo dục
Với bộn bề công việc trên cương vị người đứng đầu của nhà nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay của chính quyền cách mạng, đó là “diệt giặc dốt” - mở lớp bình dân học vụ. Người kêu gọi toàn dân học chữ quốc ngữ, vì Người cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu; vì vậy “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ… Người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ chưa biết thì con bảo… Phụ nữ lại cần phải học” [2, tr.8].
Nhân ngày khai giảng năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam mới, Người đã viết thư căn dặn học sinh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Một “non sông tươi đẹp”, một “dân tộc bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”... đó không chỉ là bài học sâu sắc, khắc dạ, ghi tâm của tất cả học sinh trên mọi miền đất nước mỗi khi bước vào năm học mới mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ của nền giáo dục nước ta và tương lai, tiền đồ của dân tộc Việt Nam trên con đường khẳng định vị thế của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gửi thư động viên học sinh chăm ngoan, học giỏi mà còn gửi gắm nền giáo dục nước nhà tới các giáo viên. Tháng 9 - 1958, trong bài nói chuyện tại lớp học chính trị cho các giáo viên cấp 2, cấp 3 toàn miền Bắc, Người chỉ rõ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Mong mọi người phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ” [3, tr.222].
Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng Người căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”; “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Tất cả những điều đó thể hiện: Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người là tất cả và sự nghiệp trồng người là sự nghiệp cao cả nhất, đầy khó khăn, gian khổ và thách thức. Đó không chỉ là việc riêng của thầy và trò mà đó là việc chung của tất cả mọi người, của cả dân tộc, là sự nghiệp của toàn dân.
2.1.5. Tấm gương về đạo đức cho học trò
Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức và trách nhiệm phục vụ nhân dân trong các hoạt động giáo dục, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực trong giáo dục; Yêu nghề, yêu ngành, yên tâm công tác, mô phạm trong quan hệ với nhân dân, đồng nghiệp và người học, thương yêu học sinh và sinh viên; Ðoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thật thà phê bình, đấu tranh, ngăn chặn nhà giáo vi phạm pháp luật và quy định nghề nghiệp. Thầy giáo, cô giáo phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc", nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ.
Nhà giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh còn nêu tấm gương sáng ngời về tu dưỡng đạo đức suốt đời. Hằng ngày, Người chăm lo tu dưỡng bản thân, không chủ quan, tự mãn, thắng không kiêu, bại không nản. Bản thân Hồ Chí Minh là sự hội tụ và kết tinh các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trong suốt cuộc đời, dù ở bất cứ đâu, làm bất kì việc gì, ở bất kì cương vị nào, Người luôn thực hiện việc nói đi đôi với làm, thống nhất lí luận với thực tiễn. Trên lĩnh vực giáo dục, Bác Hồ đã khởi xướng phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" từ năm 1961 và trở thành truyền thống của nhà giáo, học sinh và sinh viên từ đó đến nay. Người luôn căn dặn, các thầy cô giáo phải luôn luôn là tấm gương tự học và sáng tạo, là tấm gương đạo đức để học trò noi theo. Vì vậy phải rèn cho mình đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khoan dung, độ lượng. Phải luôn giữ mình trong sạch để mãi là gương sáng đối với học trò.
2.2. Nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức nhà giáo của thầy giáo Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh
Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, các quốc gia rất quan tâm đến chất lượng của giáo dục – đào tạo. Do vậy, xã hội đặt ra những yêu cầu rất cao về năng lực và phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Tư tưởng và tấm gương đạo đức nhà giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận và thực tiễn đối với công tác giáo dục đạo đức nhà giáo của nước ta. Thấm nhuần quan điểm của Bác, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rõ về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo; về vai trò, năng lực và phẩm chất của người Thầy trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Luật Giáo dục nước ta khẳng định rõ: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” (Điều 9). Gần đây nhất, Thông tư số 20/2018/TT – BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó, tại Điều 4, quy định về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo giáo gồm: Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; có tinh thần tự học, tự rèn luyện và phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo; là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo.
Trên tinh thần đó, sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước ta trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo được đặc biệt chú trọng, không ngừng được củng cố và đổi mới. Nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy với nghề, say mê, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, luôn nâng cao trình độ chuyên môn và kĩ năng nghề nghiệp. Tài năng và phẩm giá của họ được lớp lớp các học sinh ca ngợi, xã hội trân trọng và ngưỡng mộ. Nhìn lại những gì đất nước ta đã đạt được sau bao năm đấu tranh, kiến thiết nước nhà, chúng ta càng quý trọng hơn sự đóng góp to lớn mà thầm lặng đó. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự vận động và phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đời sống tinh thần xã hội nói chung, đạo đức xã hội và đạo đức nhà giáo nói riêng cũng có sự vận động, phát triển, phản ánh thực tiễn đời sống kinh tế. Nhưng bởi tính chất đặc thù của đạo đức, không phải cứ mỗi bước tiến bộ của kinh tế thì kéo theo sự tiến bộ của đạo đức. Do đó, bên cạnh tác động tích cực, kinh tế thị trường cũng có những tác động tiêu cực đến đạo đức nhà giáo ở nước ta hiện nay. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà không ít nhà giáo suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, xem nhẹ lương tâm, danh dự của nhà giáo, làm suy giảm niềm tin của xã hội với nghề nghiệp cao quý. Thậm chí, không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Trước tình hình đó, việc không ngừng bồi dưỡng, giáo dục đạo đức nhà giáo, đặc biệt là học tập và làm theo tấm gương đạo đức nhà giáo của Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng, vừa là nhu cầu tự thân của mỗi nhà giáo, vừa là yêu cầu cấp bách của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.
Do vậy, tác giả đề xuất một số nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức nhà giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:
Thứ nhất, học trách nhiệm của một nhà giáo với tổ quốc, với nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, phẩm chất đầu tiên của nhà giáo là có trách nhiệm đối với Tổ quốc và nhân dân. Người cho rằng, có dân là có tất cả, mục đích của Đảng là phụng sự nhân dân, làm đầy tớ cho nhân dân trước khi làm thầy của nhân dân. Ngày 16 tháng 10 năm 1968, trong thư gửi cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh, nhân dịp bắt đầu năm học mới, Bác nhắc nhở nhiều vấn đề: “Thầy và trò luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ Quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kì nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng. Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt" [4;101-103]. Trước đó, trong thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa vào ngày 31 tháng 8 năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế. Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất” [4; 65-66]. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ rất nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang, đòi hỏi người giáo viên phải cải tạo tư tưởng bản thân mình và cần xây dựng tư tưởng dạy học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
Thứ hai, học cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là những phẩm chất không thể thiếu được của một nhà giáo. Biểu hiện rõ nhất của những phẩm chất này là đối với mỗi nhà giáo dù là khó khăn, gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt. Sự nghiệp “trồng người” không hề bằng phẳng mà phải trải qua khó khăn, gian khổ. Trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn và thách thức về mọi mặt, nhà giáo càng cần thể hiện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Trong bài viết đăng trên báo Cứu quốc, số 91, ngày 14 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi” [2;99]. Nhà giáo cần ra sức làm việc, cống hiến cho sự nghiệp, tiết kiệm sức lao động và thời gian, tiền của của bản thân, của nhân dân, luôn giữ mình trong sạch, không chạy theo vật chất mà đánh mất đi lương tâm, danh dự của người Thầy. Tất cả những điều đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng đến lời nói và hành động hàng ngày, từ những điều giản đơn nhất.
Thứ ba, yêu thương học trò và yêu nghề dạy học. Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cao đối với nghề dạy học. Người cho rằng, sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai vừa “hồng” vừa “chuyên”. Một người thợ tồi có thể làm hỏng một đôi giày, một bác sĩ tồi có thể làm chết một người, nhưng một giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ. Vì vậy theo Người: “Những người dạy học phải có trách nhiệm xã hội, phải yêu nghề, mến trẻ, người đi dạy học không chỉ vì đồng lương mà phải vì cái tâm với nghề, luôn sáng tạo, hoàn thiện mình để chung sức vì sự phát triển của toàn nghành” [5;499]. Yêu nghề, yêu người là cơ sở để các thầy cô giáo toàn tâm toàn ý với công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu thương học trò như con em mình, không thiên tư thiên vị. Những thầy cô giáo như vậy mới xứng đáng nhận được sự yêu mến, kính trọng của học trò, sự tôn vinh của xã hội.
Thứ tư: Nêu cao tinh thần tự học, tự sáng tạo. Ngày nay, sự tự học của nhà giáo vừa là quá trình để tự hoàn thiện mình vừa là tấm gương cho học trò. Học tập để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ và nghiệp vụ để phục vụ công tác và hoạt động giáo dục. Rèn luyện và sáng tạo nên phương pháp tự học, năng lực tự học, tự nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức khoa học, công nghệ và nghệ thuật sư phạm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cho chúng ta tấm gương sáng ngời về sự tự học và sáng tạo. Sáng tạo về phương pháp tự học, sáng tạo về phương pháp lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng, sáng tạo trong các hoạt động thực tiễn hằng ngày. Ngày nay, sáng tạo của nhà giáo là sự đổi mới, là tạo ra cái mới trong hoạt động giáo dục và quản lí giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Các nhà giáo chân chính đều sáng tạo không ngừng trong các hoạt động của mình. Sáng tạo trong vận dụng tri thức và công nghệ mới vào quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Chế tạo đồ dùng dạy học mới, hoặc cải tiến đồ dùng dạy học đã có phù hợp với điều kiện cụ thể của bài dạy, lớp học và người học.
Ðổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, tránh lối truyền thụ một chiều, thầy đọc trò chép, ghi nhớ lời căn dặn của Bác: “Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động, lao động thật thà, dũng cảm, sẵn sàng thi đua lao động và bảo vệ Tổ quốc…Phải tránh lối dạy nhồi sọ, chương trình dạy học hiện nay còn có chỗ quá nhiều, quá nặng” [6]. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện và xử lí tốt các tình huống sư phạm. Biết phát hiện và bồi dưỡng những người học có năng khiếu, học giỏi, đồng thời biết bồi dưỡng và phụ đạo những người học yếu kém. Ðổi mới, cải tiến phương pháp quản lí nhà trường, quản lí học sinh, sinh viên và người học, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo.
Mỗi nhà giáo thường xuyên rèn luyện đạo đức, năng lực tự học và sáng tạo theo gương nhà giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh sẽ là bước đột phá, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục trong sạch và vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Vì lợi ích trăm năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.
Thứ năm, có tinh thần đoàn kết, dân chủ, hỗ trợ đồng nghiệp trong công tác, gắn giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và toàn xã hội.
Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam bao đời nay, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Trong môi trường sư phạm, Người hiểu rõ giá trị của sự đoàn kết và luôn giáo dục tinh thần đoàn kết trong đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Đoàn kết sẽ tạo ra bầu không khí vui vẻ, thoải mái, kích thích sự khám phá, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu; đồng thời sẽ tạo ra môi trường thi đua lành mạnh, phát huy được khả năng của cá nhân và sức mạnh của tập thể, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Trong nghề, người đi trước chỉ dạy, hỗ trợ, giúp đỡ, truyền dạy kinh nghiệm cho người đi sau, tạo ra môi trường học tập lẫn nhau hiệu quả. Thể hiện tình cảm nhân ái giữa đồng nghiệp vói nhau. Trong bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, tinh thần đoàn kết không phải chỉ là biết hô khẩu hiệu mà đó phải là những việc làm thiết thực. Người viết: “Đoàn kết thực sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thực sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng” [7, tr.333]. Trong nhà trường, đội ngũ nhà giáo đoàn kết sẽ tạo nên hiệu ứng lan tỏa tốt đối với học sinh, đối với toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các thầy cô giáo phải gắn giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội. Thực hiện tốt phong trào xã hội hóa giáo dục để vận động gia đình học sinh và toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, nhằm phát huy truyền thống hiếu học và tiềm năng con người trong quá trình xây dựng nền giáo dục hiện đại dưới sự quản lí của Nhà nước để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để tất cả mọi người ý thức được giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, phải cùng hỗ trợ nhau để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ.
Sáu là, nêu gương về đạo đức nhà giáo. Nhà giáo dục học Usinxki nói: “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được”. Như vây, một thầy giáo tốt chính là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Hồ Chí Minh cho rằng, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Tấm gương đạo đức nhà giáo có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn, được thầy giáo tốt là được cả một thế hệ. Một tấm gương sáng của người Thầy có sức lan tỏa rất lớn đến cả một lớp người, một hành vi thiếu chuẩn mực của người thầy có thể làm mất đi niềm tin của cả một thế hệ.
3. Kết luận
Giáo dục - đào tạo nước ta những năm qua đã có những bước đột phá, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Có được điều đó là do thành quả phấn đấu lâu dài, gian khổ của cả dân tộc, đặc biệt là thế hệ các thầy cô giáo, học sinh và cán bộ công tác trong lĩnh vực giáo dục, trong đó những giá trị từ tư tưởng, tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Phấn đấu học tập và noi theo tấm gương đạo đức nhà giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chỉ đạo của Người về công tác giáo dục để sự nghiệp giáo dục nước ta sẽ còn đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, để có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như điều Bác Hồ từng mong muốn.
Tài liệu tham khảo
[1] Hồ Chí Minh, (2000), Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[2] Hồ Chí Minh, (2000), Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[3] Hồ Chí Minh, (2000), Toàn tập, tập 9, NXb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[4] Hồ Chí Minh, (1972), Bàn về công tác giáo dục, NXB Sự thật, Hà Nội.
[5] Hồ Chí Minh, (2000), Toàn tập, Tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[6] Vũ Kỳ, (2005), Thư ký Bác Hồ kể chuyện, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[7] Hồ Chí Minh, (2000), Toàn tập, Tập 11, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[8] Phan Ngọc Liên, (2013), Hồ Chí Minh với việc xây dựng một nền giáo dục mới ở Việt Nam, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 11, tr.17-20.
[9] Lương Văn Tám, (2004), Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục – đào tạo, Tạp chí Khoa học chính trị, số 3, tr.51 - 53.
[10] Bùi Đình Phong, (2017), Hồ Chí Minh học, một số nội dung cơ bản, NXB Lí luận chính trị.
[11] Hoàng Anh (chủ biên), (2013), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vận dụng vào đào tạo đại học hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[12] Hoàng Diệu Thúy, (2006), Hồ Chí Minh với việc xây dựng đội ngũ người thầy trong nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 11, tr.26-28.
[13] Nguyễn Văn Đức, (2019), Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo trong nhà trường hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Kỉ yếu hội thảo khoa học quốc gia, NXB Đại học Huế, tr.117.
[14] Phan Tuyết – Bích Diệp (sưu tầm), (2013), Những chuyện kể về Bác Hồ với nghề giáo, NXB Lao động.
Bài viết: Ths. Nguyễn Thị Kim Thi
Duyệt đăng: TS. Trần Cao Nguyên
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- TOẠ ĐÀM KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 – 20/11/2024)Tin tức18/11/2024
- Lịch sử và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam - 20/10Tin tức16/10/2024
- ĐẠI HỘI LỚP - CHI ĐOÀN – CHI HỘI CÁC LỚP 62A, 63A, 64A KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ NĂM HỌC 2024 – 2025 THÀNH CÔNG TỐT ĐẸPTin tức28/09/2024
- KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TỔ CHỨC BUỔI CHÀO ĐÓN SINH VIÊN KHÓA 65 NỒNG ẤM, ĐOÀN KẾT VÀ GỬI GẮM NHIỀU KỲ VỌNG TỚI SINH VIÊN TOÀN KHOATin tức26/09/2024
- SINH VIÊN KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TÍCH CỰC THAM GIA HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2023-2024Tin tức30/06/2024
- ĐOÀN GIẢNG VIÊN GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH THỰC TẾ CHUYÊN MÔN TẠI CÁC TỈNH TÂY BẮCTin tức18/06/2024
- THÔNG TIN TUYỂN SINH KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TRƯỜNG SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC VINH NĂM HỌC 2024Tin tức11/04/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024