Sáu tư duy giải quyết vấn đề trong thời kỳ đầy biến động
Có sáu bí quyết tạo nên sự thành công của những người lãnh đạo tài ba: (1) Luôn tò mò về mọi yếu tố của một vấn đề; (2) Là những người theo chủ nghĩa không hoàn hảo, dám đối mặt với sự mơ hồ; (3) Có tầm nhìn "mắt chuồn chuồn", đa chiều về thế giới; (4) Tập trung vào thực tại và không ngừng thử nghiệm những phương thức mới; (5) Tận dụng trí tuệ tập thể và của đám đông; và (6) học cách dùng “câu chuyện” để thúc đẩy hành động.
1. Luôn tò mò
Khi ba, bốn tuổi, chúng ta luôn không ngừng tò mò và đặt câu hỏi về những thứ xung quanh mình. Bởi vì ở thời điểm đó, đối với chúng ta, mọi thứ đều mới lạ và thú vị. Thế nhưng đáng tiếc thay, khi càng lớn, ta càng ít đặt câu hỏi hơn và có xu hướng sử dụng những thứ có sẵn hoặc áp dụng những giải pháp đã hiệu quả trước đó. Thói quen này thường khiến chúng ta giới hạn phạm vi giải pháp và bỏ lỡ các giải pháp tiềm năng tốt hơn, sáng tạo hơn.
Sự tò mò là động cơ sáng tạo. Để kích thích sự tò mò trong việc giải quyết vấn đề nhóm, tác giả kiêm nhà kinh tế học Caroline Webb đã đề xuất đặt câu hỏi và phản biện các giả thuyết ban đầu hoặc câu trả lời đầu tiên. “Tại sao giải pháp này tốt hơn? Tại sao không phải cái khác?” Hành động này tuy nhỏ nhưng lại có sức mạnh đáng kinh ngạc, giúp tạo ra nhiều giải pháp trọng tâm một cách chính xác.
2. Khiêm nhường - dám đối mặt với sự mơ hồ
Khi nói về người giỏi giải quyết vấn đề, ắt hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ hình dung về một người đĩnh đạc, xuất sắc, luôn hiểu mình đang làm gì và tiếp cận vấn đề một cách có mục đích. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người giỏi giải quyết vấn đề đều phải thử nghiệm nhiều và mắc sai lầm.
Thế giới thực là sản phẩm phức tạp của các sự kiện ngẫu nhiên và phản ứng của con người. Tác động của COVID-19 là một ví dụ cụ thể: chúng ta phải giải quyết các tác động phức tạp của căn bệnh này lên nền kinh tế và sức khỏe mà hầu như không có kiến thức trước. Chúng ta phải làm quen với việc ước tính xác suất để đưa ra quyết định đúng đắn, ngay cả khi những phỏng đoán này không hoàn hảo hoặc thậm chí là sai lầm. Như Erik Angner từng nhận định “kiến thức của chúng ta luôn mang tính tạm thời và chưa đầy đủ - và nó có thể thay đổi dựa trên các sự kiện mới."
Để có thể khiêm nhường chấp nhận sự không hoàn hảo, điều đầu tiên cần làm chính là nghi hoặc những giải pháp mà ta cho là chắc chắn. Hãy đặt ra những câu hỏi như: “Điều gì khiến ta phải tin giải pháp này là chính xác?”. Bằng cách này, những giả định ngầm có thể xuất hiện và giúp chúng ta đánh giá, đưa ra các giải pháp thay thế dễ dàng hơn, từ đó giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Đây cũng có thể được xem như là việc làm bắt buộc trong các tình huống có độ mơ hồ cao, chẳng hạn như khi vừa bắt tay vào quá trình giải quyết một vấn đề nào đó hoặc trong những tình huống khẩn cấp.
3. Tầm nhìn "mắt chuồn chuồn"
Chuồn chuồn là loài côn trùng có đôi mắt kép, lớn, với hàng nghìn thấu kính và cơ quan thụ cảm nhạy cảm với các bước sóng ánh sáng khác nhau. Mặc dù chúng ta không biết chính xác não bộ của loài côn trùng này xử lý tất cả thông tin hình ảnh thế nào, nhưng có một điều chắc chắn, chúng có thể nhìn thấy sự vật ở nhiều góc nhìn hơn con người chúng ta. Hãy tiếp cận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau để nhìn xa hơn và vượt ra khỏi các khuôn mẫu.
Ashok Alexander, giám đốc Sáng kiến Hỗ trợ Ấn Độ Quỹ Bill & Melinda Gates, là một ví dụ điển hình của tầm nhìn mắt chuồn chuồn. Vào đầu những năm 1990, HIV bùng phát tại Ấn Độ và trở thành mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Đối mặt với tình hình dịch bệnh phức tạp với tỷ lệ lây nhiễm gia tăng nhanh chóng, ông đã mở rộng khía cạnh tiếp cận vấn đề và đưa ra được "giải pháp Avahan" triển khai cho hơn 600 cộng đồng và cuối cùng ghi nhận ngăn ngừa được 600.000 ca nhiễm!
Bí quyết để phát triển tầm nhìn mắt chuồn chuồn là "neo bên ngoài" khi đối mặt với các vấn đề. Hãy lấy hệ sinh thái rộng lớn hơn, cách nhìn nhận phổ quát hơn làm điểm khởi đầu. Nhưng cần lưu ý: khi thời gian hoặc nguồn lực bị hạn chế, ta có thể phải thu hẹp tầm nhìn và đưa ra một câu trả lời truyền thống, cụ thể hơn.
4. Tập trung vào thực tại và không ngừng thử nghiệm những phương thức mới
Thực tại là những gì thực sự xảy ra tại một thời điểm và nơi chốn nhất định, không phải tiềm năng hay dự đoán đưa ra trước đó. Những vấn đề phức tạp không thể cản bước những người giỏi trong công cuộc khám phá các khía cạnh của một giải pháp hay kiểm nghiệm các giả thuyết nào đó. Phương pháp này không chỉ tổng hợp những thông tin sẵn có mà còn tạo ra thông tin mới, nhất là khi số liệu cũ không thể giúp ta đưa ra giải pháp sát thực tế nữa.
Hầu hết các đội chúng tôi từng làm việc cùng đều gặp phải hai vấn đề: sự bất định và sự phức tạp. Để giải quyết vấn đề, các công ty có tham vọng thống lĩnh những thị trường mới như ôtô điện hoặc xe tự hành thường sẽ thiết kế các thí nghiệm nhằm giảm các yếu tố bất định quan trọng chứ không hoàn toàn dựa vào thông tin sẵn có. Mỗi bước đi của họ không chỉ để đưa ra các quyết định hiện tại mà còn củng cố những bước đi tiếp theo, tạo thành các bậc thang dẫn đến mục tiêu hoặc quyết định từ bỏ mục tiêu đó. Mỗi bước đi sẽ mở ra những vùng bất định mới, tạo thêm thông tin, của cải, và củng cố tự tin tiếp bước.
Những người dám chấp nhận rủi ro tìm ra cách giải quyết vấn đề khi không ngừng thử nghiệm. Các nhà thống kê sử dụng EVPI (giá trị kì vọng của thông tin hoàn hảo) để thể hiện giá trị của thông tin thêm đến từ mẫu và thí nghiệm. Thử nghiệm A/B là một công cụ hiệu quả để thử nghiệm giá cả, khuyến mãi, hay các tính năng trong thị trường trực tuyến và hàng tiêu dùng. Thử nghiệm A/B đặc biệt dễ dàng hơn ở thị trường trực tuyến hiện nay.
Một người thí nghiệm cần có tư duy giống quan niệm “thất bại nhanh” của các công ty start-up: cần có sản phẩm và phản ứng từ khách hàng (tích cực hoặc tiêu cực) nhanh chóng qua thử nghiệm beta và cung cấp dịch vụ dùng thử. Thiếu nguồn thông tin có sẵn đôi khi lại là cơ hội thúc đẩy ta tạo ra thông tin của riêng ta: điều những đối thủ cạnh tranh của ta không có. Nếu không thể tiến hành thử nghiệm, ta cũng có thể so sánh nghiên cứu thực nghiệm ở hai khu vực tương đương.
5. Tận dụng trí tuệ tập thể và của đám đông
Trong thế giới thay đổi nhanh chóng mặt ngày nay, crowdsourcing (tìm nhân lực từ đám đông) có thể giúp ta tìm những người thông minh nhất để làm một công việc nào đó ngay cả khi họ không ở đây. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (TNC) đã tìm thuật toán học máy nhằm bảo vệ các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng ở châu Á bằng cách tổ chức một cuộc thi với giải thưởng 3.5 tỉ VNĐ trên Kaggle, thu hút 2.293 đội trên toàn thế giới.
Crowdsource còn thường xuất hiện ở một hình thức khác: phương pháp benchmark (đối chuẩn). Khi còn là CEO của tập đoàn Conzinc Riotinto Australia (CRA), để giảm thời gian sửa chữa đột xuất của xe tải, Sir Rod Carnegie đã cử một đội đến Anh Quốc để học tập cách thay lốp xe tốt nhất ở đường đua Thể thức Một và áp dụng nó ở Úc, nơi cách đó hàng nghìn cây số. Bài học rút ra là giải pháp tốt nhất đôi khi còn không đến từ người trong ngành của ta.
Tuy nhiên, crowdsource cũng có những khuyết điểm nhất định. Phương pháp này có thể cần nhiều thời gian, tiền bạc, và người dùng crowdsource cần cẩn trọng tránh vô ý để lộ kế hoạch hay thông tin quan trọng với các đối thủ cạnh tranh.
6. Dùng “câu chuyện” để thúc đẩy hành động
Ai trong chúng ta cũng quen thuộc với những “câu chuyện” từ khi còn bé nhưng ít ai nghĩ nó có thể giúp ta giải quyết vấn đề. Ta sẽ dùng câu chuyện để độc giả liên hệ gần gũi với vấn đề, sau đó thuyết phục họ hành động bằng logic và lý lẽ.
Lính mới sẽ cho bạn xem quá trình phân tích cùng hàng loạt phép toán để thuyết phục bạn, nhưng những bậc lão làng sẽ trình bày vấn đề sao cho bạn thấy mình cần làm theo giải pháp của họ.
Để kể câu chuyện tốt hơn, đầu tiên nói rõ giải pháp của bạn sẽ dẫn đến những hành động nào, sau đó trình bày tư duy logic bằng hình ảnh sao cho lối đi đó có thể được cân nhắc và lựa chọn. Hãy thuyết phục người nghe bằng cả cảm xúc lẫn tư duy, cho họ thấy vì sao cách giải quyết của bạn sẽ mang lại phần thưởng xứng đáng với rủi ro đặt ra. Đừng quên nói rõ các rủi ro nếu họ không hành động (và thường điều này sẽ tốn kém hơn cả hành động không hoàn hảo).
Tư duy của người giỏi giải quyết vấn đề cũng quan trọng không kém phương pháp họ sử dụng. Sáu lối tư duy như trên sẽ tạo ra vô số tiềm năng mới, hữu dụng trong nhiều tình huống khác nhau và đặc biệt không thể thiếu trong thời kỳ đầy biến động như hiện nay.
- Khoa Tâm lý-Giáo dục chào đón tân sinh viên K65Sinh viên03/10/2024
- Khoa Tâm lý-Giáo dục rộn ràng chào đón tân sinh viên K65Sinh viên30/09/2024
- Đại hội Chi đoàn các lớp chuyên ngành Quản lý giáo dụcSinh viên27/09/2024
- Giới trẻ Australia bi quan về tương lai của mìnhSinh viên10/09/2024
- Hà Lan cấm học sinh sử dụng điện thoại di động tại trường họcSinh viên03/09/2024
- Dành cả thanh xuân học ngành tâm lý học, ra trường mình làm gì?Sinh viên26/08/2024
- Tham vấn tâm lý cho sinh viên: Cách tiếp cận từ các trường đại họcSinh viên26/07/2024
- Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản lý giáo dụcSinh viên16/05/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024