Tình trạng kiệt sức ở giáo viên
Tình Trạng Kiệt Quệ Ở Giáo Viên Là Gì?
Đây là một điều hoàn toàn có thể lý giải bởi nghề dạy học được xem là một trong những nghề căng thẳng nhất. Các giáo viên có thể thường xuyên phải đối mặt với những vấn đề như sự ràng buộc và trách nhiệm, sự đánh giá khắt khe về mọi mặt từ nhà trường và phụ huynh (thậm chí cả học sinh), những học sinh cá biệt và thiếu ý thức, những sự thay đổi bất ngờ, thiếu hụt thời gian và nguồn lực, thậm chí là thời kì đại dịch Covid cũng gây ra rất nhiều xáo trộn cho công việc của họ.
Tại Hoa Kỳ, 44% giáo viên bỏ nghề trong vòng 5 năm sau khi đi dạy (thống kê của Ingersoll, Merrill, Stuckey, & Collins, 2018). Hoa Kỳ có tỷ lệ hao hụt giáo viên là 8%, trong khi Phần Lan, Singapore và Canada có tỷ lệ là 3% –4% (Sutcher, Darling-Hammond, & Carver-Thomas, 2016). Trong số những giáo viên tự nguyện rời bỏ nghề giáo, hầu hết họ đều phản ánh rằng họ có nhiều vấn đề không hài lòng, đặc biệt là sự hỗ trợ không tốt từ các nhà quản lý giáo dục (Sutcher và cộng sự, 2016).
Các Triệu Chứng
Kiệt Sức (Exhaustion)
Trong một nghiên cứu năm 2008, Saleh & Shapiro đã đề cập rằng những giáo viên bị quá tải có thể cảm thấy kiệt sức ngay cả sau nhiều giờ ngủ vì họ đã phải làm quá nhiều việc trong ngày. Ngoài ra, họ có thể mắc chứng khó ngủ vì tình trạng kiệt sức có thể biểu hiện qua việc rối loạn giấc ngủ. Một số nghiên cứu khác tiến hành vào những năm sau đó cũng chỉ ra triệu chứng tương tự.
Trầm Cảm (Depression)
Các giáo viên trải qua tình trạng kiệt sức cũng có thể gặp phải các triệu chứng trầm cảm và tuyệt vọng. Họ phải chịu một áp lực quá lớn, họ không có thời gian để tạm nghỉ và hồi phục bởi các năm học luôn tiếp diễn liên tục. Thậm chí kỳ nghỉ hè cũng không hoàn toàn là kỳ nghỉ bởi giáo viên có rất nhiều việc phải làm cho mùa hè cũng như chuẩn bị cho năm học mới.
Họ có thể mất hết hứng thú, có cảm giác vô vọng, lo lắng, cáu kỉnh và các triệu chứng khác của sức khỏe tâm thần kém (theo nghiên cứu của Capone, Joshanloo, & Park, 2019 và Madigan & Kim, 2021). Khi giáo viên cảm thấy kiệt sức, họ có thể cảm tưởng như họ đang bị đặt trong trạng thái phải chiến đấu để sinh tồn mỗi ngày (thần kinh họ lúc nào cũng căng ra) và họ thường phản ứng lại các sự việc với tính khí nóng nảy.
Sự Rút Lui (Withdrawal)
Các giáo viên - những người đang gặp phải tình trạng kiệt sức có thể không tham gia các hoạt động xã hội hoặc gia đình (Schnaider - Levi et al., 2020). Họ cũng tránh việc cộng tác hoặc chia sẻ với các giáo viên khác. Nguyên nhân là do họ không còn năng lượng và tâm trạng tốt để tham gia thêm các hoạt động trong gia đình hay xã hội nữa. Sự rút lui sẽ khiến họ trở nên mất cân bằng và tạo nên cảm giác xa lạ hoặc thái độ tiêu cực đối với môi trường xung quanh.
Triệu Chứng Về Thể Chất
Theo một nghiên cứu của Kivimäki & Steptoe năm 2018, khi các giáo viên lâm vào tình trạng kiệt quệ, các triệu chứng căng thẳng của cơ thể bao gồm tim đập nhanh, khó thở và thường xuyên đau đầu hoặc đau bụng. Đặc biệt với những giáo viên lớn tuổi, các chỉ số này nên được theo dõi chặt chẽ vì căng thẳng có thể là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh.
Nguyên Nhân
Có rất nhiều người thắc mắc tại sao tình trạng kiệt quệ về sức khỏe thể chất và tinh thần lại có thể xảy ra với những người làm nghề giáo – một trong những nghề được xem là có môi trường làm việc thoải mái, an toàn, cố định cũng như thường xuyên có những kì nghỉ lễ dài (nghỉ hè, nghỉ đông). Thêm vào đó, việc họ luôn được tiếp xúc với trẻ em cũng khiến cho không khí xung quanh họ khá vui vẻ, tích cực, ít sự phức tạp và cạnh tranh. Vậy vì sao có nhiều giáo viên vẫn mắc phải các vấn đề tâm lý, thậm chí phải bỏ nghề? Dưới đây là một số nguyên nhân chính:
Thiếu Hụt Thời Gian
Theo một báo cáo của hai nhà khoa học Zafarullah và Pertti, giáo viên thường không có đủ thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ ở trường cũng như trong cuộc sống. Họ phải vật lộn với cân bằng giữa công việc và cuộc sống, hoặc gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian. Trong khi một người bình thường có thể chỉ quản lý một vài đứa con của họ, thì giáo viên phải quản lý cả một lớp học với rất nhiều trẻ em cùng những tính cách, đặc điểm khác nhau. Ngoài ra, họ phải làm thêm rất nhiều công việc như soạn bài, chấm chữa bài, chăm sóc các hoạt động ngoại khóa của học sinh thay vì chỉ dạy học. Ngoài giờ lên lớp, các giáo viên cũng còn rất nhiều công việc khác trong gia đình như chăm sóc con cái của họ, dọn dẹp nhà cửa, v.v. Nếu có thể quản lý thời gian hiệu quả thì giáo viên sẽ bớt căng thẳng và tăng sự hài lòng trong công việc.
Dư Thừa Hoặc Thiếu Hụt Nguồn Lực
Ngành nghề này có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt các nguồn lực tương xứng dẫn tới quá tải hoặc dư thừa nguồn lực dẫn tới cạnh tranh cao. Ngoài ra, yêu cầu công việc cao cũng dẫn đến hiệu quả cá nhân và phúc lợi của giáo viên bị giảm sút.
Yêu Cầu Cao
Nhiều giáo viên thường phải đảm nhận quá nhiều công việc. Tùy thuộc vào trường học, có rất nhiều những công việc khác mà giáo viên phải tham gia bao gồm các công việc trong bộ môn, cố vấn giáo viên và tổng phụ trách, mà ở những công việc đó, họ luôn được (bị) đòi hỏi phải làm tốt nhất. Ngoài ra, việc phụ huynh thường xuyên liên lạc và hỏi han cũng gây thêm căng thẳng cho giáo viên.
Các Nhiệm Vụ Và Đánh Giá Từ Các Cấp Cao
Phải trải qua quá nhiều bài đánh giá, sát hạch và nghĩa vụ hoàn thành chương trình giảng dạy cũng là các yếu tố gây ra kiệt quệ ở giáo viên. Các giáo viên phải trải qua các cuộc thi giáo viên giỏi, các tiết chuyên đề cũng như phải thay đổi phương pháp và chương trình giảng dạy một cách liên tục không ngừng nghỉ do xuất hiện nhiều chương trình cải cách.
Vande Corput trong báo cáo năm 2012 đã nhận thấy rằng những nhiệm vụ của các cấp cao giao cho giáo viên đã có tác động tiêu cực đến bản thân họ, phong cách giảng dạy ưa thích của họ, khiến họ có ít quyền quyết định bài giảng nào được nhấn mạnh và cách giảng dạy chương trình đó ra sao.
Đảm Nhiệm Quá Nhiều Vai Trò
Các nhà giáo phải thực hiện vô số nhiệm vụ và vai trò, bao gồm cố vấn, nhà tâm lý học, chuyên viên hòa giải, chuyên viên công tác xã hội, người hướng dẫn, y tá và thậm chí là người cha người mẹ thứ hai của học sinh. Có quá nhiều vai trò và trách nhiệm ẩn sau hai từ “giáo viên” mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu. Thông thường, các nhiệm vụ khác này không được liệt kê trong mô tả công việc dành cho giáo viên (Scriven, 1994). Giáo viên nhiều khi cảm thấy rằng họ không đủ sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần để thực hiện những nhiệm vụ này, tuy nhiên họ vẫn phải cố gắng hết sức.
Mệt Mỏi Trắc Ẩn
Sự mệt mỏi vì lòng trắc ẩn (compassion fatigue) - còn được gọi là chấn thương thứ cấp - là khi giáo viên cảm thấy kiệt sức, sợ hãi, buồn bã, choáng ngợp, lo lắng, chán nản hoặc bất lực khi phải liên tục hỗ trợ tinh thần cho học sinh của họ (Cordaro, 2020). Thông thường, giáo viên là người phải lắng nghe và đồng hành cùng những trải nghiệm mệt mỏi, đau buồn của học sinh và điều này có thể gây tổn hại cho họ như thể chính họ phải chịu đựng những nỗi buồn đó.
Hậu Quả
Việc gia tăng tình trạng kiệt sức ở giáo viên dẫn tới rất nhiều hệ lụy. Đầu tiên và quan trọng nhất, tình trạng kiệt quệ này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về mặt thể chất và tâm lý của giáo viên. Với tỉ lệ 40 – 50% giáo viên bỏ nghề trong năm đầu tiên công tác tại Mỹ (Ingersoll & Smith, 2003), thiếu hụt giáo viên trầm trọng là điều đáng báo động. Tình trạng thiếu hụt giáo viên cũng khiến chi phí và học phí tăng lên. Ngoài ra, chất lượng giảng dạy của giáo viên cũng sẽ suy giảm. Các giáo viên bị kiệt sức không thể cung cấp cho học sinh không khí lớp học vui vẻ và tích cực, điều này về lâu dài sẽ có hại cho tâm lý và sự phát triển của các em.
Sự Kiệt Sức Của Giáo Viên Có Đáng Trách Không?
Điều quan trọng chúng ta nên làm là cảm thông với những nhà giáo thay vì khiến trách hay khắt khe với họ. Chúng ta cũng nên hỗ trợ các giáo viên dù ở tư cách là học sinh, phụ huynh hay những nhà quản lý để giúp họ khơi dậy và duy trì niềm đam mê trong nghề. Theo đó, nên có những chương trình tham vấn tâm lý cho giáo viên để giúp họ vượt qua những giai đoạn mệt mỏi và khó khăn trong con đường sự nghiệp của mình.
Nguồn: Positive Psychology - Teacher Burnout: 4 Warning Signs & How to Prevent It
- Báo cáo về nhu cầu đối với sức khoẻ tâm thần, sinh hoạt phí và cải cách giáo dục của giới trẻ AustraliaTin tức03/04/2025
- Lịch thi tốt nghiệp THPT 2025Tin tức24/03/2025
- Thao giảng cấp khoaTin tức05/03/2025
- Quy định Khung năng lực số cho người họcTin tức07/02/2025
- Gặp gỡ đầu xuân Ất Tỵ 2025Tin tức03/02/2025
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Chẩn đoán ADHD đã thay đổi theo thời gianTin tức08/10/2024
- Khoa Ngữ văn tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa họcNghiên cứu16/04/2025
- RA MẮT CÂU LẠC BỘ CODE CLUB CỦA SINH VIÊN NGÀNH SƯ PHẠM TIN HỌCKhoa Tin học12/04/2025
- Chuyến Đi Trải Nghiệm Học Tập Thực Tế Tại Nhà Máy Lọc Dầu Nghi Sơn Của Sinh Viên Khoa Hóa Học – Trường Sư Phạm - Trường Đại Học VinhKhoa Hoá học07/04/2025
- Báo cáo về nhu cầu đối với sức khoẻ tâm thần, sinh hoạt phí và cải cách giáo dục của giới trẻ AustraliaTin tức03/04/2025
- Quy định về chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạmSinh viên03/04/2025
- KHOA TIN HỌC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2024 – 2025Khoa Tin học02/04/2025
- Bản đồ cơ thể đầu tiên về ảo giácNghiên cứu01/04/2025
- HỘI NGHỊ HỌC VIÊN, SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KHOA HÓA HỌC - TRƯỜNG SƯ PHẠM NĂM HỌC 2024 - 2025Khoa Hoá học31/03/2025