Vì sao Estonia đang vượt Phần Lan về kết quả PISA?
Trong gần 2 thập niên qua, Phần Lan được coi là quốc gia có hệ thống giáo dục phổ thông thành công nhất trên thế giới. Mỗi năm có tới hàng trăm đoàn chuyên gia giáo dục từ khắp các châu lục tìm đến nước này để nghiên cứu, học hỏi "bí quyết” giáo dục của họ và “lệ phí” để được bước vào cửa một lớp học của Phần Lan, với mỗi người lên tới 700 euro .
Nhưng từ sau cuộc khảo sát PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế - Programme for International Student Assessment) gần đây nhất - 2018, các chuyên gia giáo dục trên thế giới đã chuyển sự chú ý khỏi Phần Lan và hướng tới láng giềng của nước này là Estonia.
Trong cuộc khảo sát PISA 2018, kết quả của học sinh Estonia cải thiện đáng kể trong đọc hiểu và toán học. 15% học sinh Estonia đứng ở top đầu về toán, trong khi con số này ở học sinh Phần Lan chỉ là 11%. Chỉ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kết quả của Estonia mới bị giảm đôi chút, mặc dù họ là đội giỏi nhất châu lục.
Các chuyên gia giáo dục Phần Lan lấy làm ngạc nhiên và tự hỏi: Vì sao hệ thống giáo dục của Estonia dựa trên hình mẫu của Phần Lan, song học sinh Estonia lại vươn lên, đạt điểm cao nhất ở châu Âu, trong khi kết quả của học sinh Phần Lan lại sụt giảm. Các chuyên gia giáo dục Phần Lan cho rằng sự sụt giảm trong thành tích PISA của học sinh Phần Lan gắn liền với sự bùng nổ của Internet, game và mạng xã hội. Việc “đọc sách không còn thú vị nữa” với học sinh Phần Lan. Bằng chứng là một nghiên cứu gần đây nhất của PISA cho biết 63% trẻ em trai và 39% trẻ em gái ở Phần Lan thừa nhận rằng họ chỉ đọc nếu phải đọc.
Ở Estonia, người ta cũng nhận thấy việc sử dụng Internet có điểm không tốt cho việc học. Theo Phó giáo sư giáo dục Karin Täht từ Đại học Tartu (Estonia) việc học sinh sử dụng Internet nhiều ở nhà và đặc biệt là ở trường có thể dẫn đến kết quả kém hơn trong bài kiểm tra toán PISA và kỳ thi toán quốc gia. “Thời lượng sử dụng Internet lý tưởng ở trường không nên kéo dài hơn một giờ. Nếu lâu hơn sẽ dẫn đến kết quả thấp hơn,” Phó giáo sư Täht nói.
“Việc dùng Internet có thể khiến học sinh chuyển sự chú ý khỏi các hoạt động có lợi cho việc học và dẫn đến việc học sinh tìm kiếm các hình thức giải trí trên Internet”, Phó giáo sư này nói thêm.
Tuy nhiên, thật khó để giải thích tại sao kết quả PISA của học sinh Phần Lan lại tụt dốc, trong khi thành tích của học sinh Estonia lại đang cải thiện dựa vào việc sử dụng Internet.
Từ thực tiễn của giáo dục Estonia, Gunda Tira, Giám đốc chương trình khảo sát PISA của Estonia, cho rằng: Phần Lan đã và đang thử nghiệm các mô hình sáng tạo mang lại nhiều sự chủ động hơn cho học sinh. Trong khi đó, Estonia tiếp tục tuân theo các phương pháp giảng dạy truyền thống hơn, theo đó giáo viên vẫn giữ một vai trò quan trọng.
“Có lẽ phương pháp giảng dạy hiện đại lấy học sinh làm trung tâm được sử dụng nhiều hơn ở Phần Lan. Tôi nghĩ phương pháp lấy học sinh làm trung tâm chỉ nên được sử dụng khi học sinh đã đạt đến một trình độ kiến thức nhất định và đủ thông minh để làm chủ việc học”, Tira nói.
Cũng có chung quan điểm, một số giáo viên cũng như chuyên gia giáo dục Phần Lan đã chỉ trích việc quá lạm dụng các phương tiện kỹ thuật số trong việc học cũng như chương trình dạy học dựa trên chủ đề được áp dụng từ năm 2017 ở nước này. Lotta Liukkonen, một giáo viên ở Helsinki nói: “Ở Phần Lan, chúng ta đang thực sự phát triển hệ thống giáo dục theo hướng học tập do học sinh dẫn dắt thay vì học tập do giáo viên hướng dẫn và tôi nghĩ rằng dường như có nhiều hỗn loạn hơn trong lớp học”.
Estonia không chỉ giống Phần Lan ở chỗ người học của họ đứng đầu thế giới về kỹ năng. Các trường học của cả hai quốc gia cũng nổi bật vì sự bình đẳng. Sự khác nhau về hoàn cảnh gia đình không ảnh hưởng nhiều đến sự khác biệt kết quả giữa các học sinh như ở nhiều quốc gia khác.
Trường học ở Estonia thậm chí còn bình đẳng hơn so với ở Phần Lan. 16% trẻ em từ các gia đình Estonia có trình độ kinh tế xã hội thấp nằm trong số 1/4 học sinh tốt nhất về khả năng biết chữ, trong khi đó ở Phần Lan tỷ lệ này chỉ là 13%. Mặt khác ở Phần Lan, tỷ lệ học sinh đạt kết quả tốt ở thành phố cao hơn ở nông thôn. Nguyên nhân được suy đoán là do cha mẹ ở các thành phố có trình độ học vấn cao hơn.
Bầu không khí của các lớp học ở hai nước cũng có thể có sự khác biệt. Cứ 4 học sinh ở Phần Lan thì có một em nói rằng phải mất một thời gian dài cả lớp mới ổn định để bắt đầu bài học. Ở Estonia, loại cảm giác bồn chồn này hiếm hơn, vì chỉ có ở 1/5 học sinh.
Việc giáo dục các học sinh có năng khiếu ở hai nước cũng khác nhau. Sau khảo sát PISA đầu tiên của Estonia vào năm 2006, đã nổ ra một cuộc tranh luận về việc giáo dục các học sinh có năng khiếu ở nước này. Và khác với Phần Lan, Estonia chú ý hơn tới các học sinh có năng khiếu vì theo họ có như thế mới phát triển được các tố chất riêng của học sinh.
“Chúng tôi đã nói rất nhiều về sự cần thiết phải chú ý hơn với những người học tài năng, bởi vì nếu họ không được chú ý nhiều hơn, họ sẽ không tiến bộ tương xứng tài năng. Một số trường bắt đầu tổ chức các hoạt động thử thách hơn (sau buổi học) cho những học sinh giỏi hơn”, Tira cho biết.
Mặt khác, giống như ở Phần Lan, giáo dục đặc biệt cũng được tổ chức cho những học sinh gặp khó khăn trong trường học ở Estonia. Học sinh bước vào lớp 9 ở Estonia và Phần Lan có cùng độ tuổi. Song khác với ở Phần Lan, học sinh ở Estonia tham gia kỳ thi quốc gia vào cuối lớp này. Đây là kỳ thi quyết định việc các em có thể tiếp tục việc học lên của mình. Còn ở Phần Lan, kỳ thi quốc gia thực hiện ở cuối lớp 12.
Việc xếp hạng hàng đầu châu Âu trong các cuộc khảo sát PISA gần đây của học sinh Estonia cũng có thể được giải thích bởi thực tế là Estonia rất tin tưởng vào sức mạnh của giáo dục. Giáo viên ở Estonia có nhiều áp lực hơn giáo viên ở Phần Lan. Học sinh Estonia cũng được giao nhiều bài tập hơn, đồng thời các bài kiểm tra đánh giá trình độ của học sinh cũng được thực hiện nhiều hơn.
Mari-Pauliina Vainikainen, Giáo sư giáo dục tại Đại học Tampere (Phần Lan), gần đây đã phát biểu trên tạp chí Tiede (Khoa học) rằng: ở Estonia, phụ huynh và con cái vẫn có động lực mạnh mẽ để vượt lên trong cuộc sống thông qua giáo dục. Niềm tin vào giáo dục còn thể hiện ở vị trí được tôn trọng của các trường học và giáo viên.
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Hình dung lại tương lai của AI trong hệ sinh thái giáo dụcTin tức31/10/2024
- Chẩn đoán ADHD đã thay đổi theo thời gianTin tức08/10/2024
- Khai giảng K65, trao QĐ công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đối với chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý giáo dụcTin tức30/09/2024
- Thông báo tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động năm 2024Tin tức26/09/2024
- Hiểu nhầm về chứng khó đọc khiến trẻ bị chẩn đoán saiTin tức08/09/2024
- Nghiên cứu quốc tế đã làm sáng tỏ lý do tại sao người tự kỷ tham gia vào các diễn đàn căm thùTin tức07/09/2024
- Thay vì tư vấn cặp đôi, chúng ta hãy dành ra một khoảng nghỉ trong 5 giâyTin tức05/09/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024