Đặc trưng chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nay
TS. Phạm Lê Cường
1. Đặt vấn đề
Chất lượng đào tạo luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các trường đại học ở nước ta và trên thế giới. Chất lượng đào tạo không chỉ tạo nên uy tín, thương hiệu và lợi thế cạnh tranh cho các trường đại học mà quan trọng hơn là lí do tồn tại của trường đại học. Đối với các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm, chất lượng đào tạo lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn, khi sản phẩm mà các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm đào tạo ra (đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục các cấp) là lực lượng quyết định chất lượng của cả hệ thống giáo dục quốc dân. Chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm đã được nhiều tác giả trong nước và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Ở nước ngoài, có các nghiên cứu của PN Malunda [1], C.Husbands [2], C. Evansa, C.K.Howsonc, A.Forsythed, C.Edwardse [3], Z Ruiz- Alfonso [4], S. Patfield [5]. Các nghiên cứu này đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lí luận và thực tiễn về chất lượng đào tạo và chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm. Ở Việt Nam, các nghiên cứu của Nguyễn Đức Chính và Nguyễn Phương Nga [6], Nguyễn Hữu Châu [7], Nguyễn Văn Tuấn [8] tuy chỉ đề cập đến chất lượng đào tạo đại học nói chung nhưng chúng là những gợi ý khi nghiên cứu chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm. So với các cơ sở giáo dục đại học khác, chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm có những đặc trưng riêng biệt. Vì thế, việc tìm hiểu những đặc trưng riêng biệt này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu lí luận như: phân tích - tổng hợp lí thuyết, khái quát hóa các nhận định độc lập để tìm ra các đặc trưng riêng biệt về chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nay.
2.2. Kết quả nghiên cứu
2.2.1. Khái niệm chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm
Xuất phát từ định nghĩa “Chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu” của Nguyễn Hữu Châu [7], có thể hiểu chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm là sự phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm. Một cách tổng quát, mục tiêu của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm là đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ đại học. Mục tiêu đó được cụ thể ở những yêu cầu mà sinh viên cần đạt được khi tốt nghiệp, đó là: Có phẩm chất chính trị, đạo đức và các năng lực nghề nghiệp (năng lực tìm hiểu người học và môi trường giáo dục; năng lực dạy học; năng lực giáo dục; năng lực giao tiếp; năng lực đánh giá trong giáo dục; năng lực hoạt động xã hội; năng lực phát triển nghề nghiệp). Từ đó, một trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm có chất lượng cao chính là nơi đào tạo ra được một đội ngũ giáo viên tiên tiến, chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp. Chất lượng người học được xem là chất lượng trung tâm của quá trình đào tạo. Cùng với chất lượng người học, chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm bao gồm: Chất lượng của chương trình đào tạo; Chất lượng của hoạt động đào tạo; Chất lượng của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lí; Chất lượng nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục và hợp tác quốc tế; Chất lượng tổ chức, quản lí nhà trường; Chất lượng của cấu trúc hạ tầng và trang thiết bị hỗ trợ; Nguồn tài chính; Khả năng đáp ứng yêu cầu của sinh viên và các cơ sở giáo dục... Nói cách khác, chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm là sự đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng trong tất cả hoạt động của nhà trường [9].
2.2.2. Cơ sở xác định đặc trưng chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm
a. Lao động sư phạm của giáo viên
Lao động sư phạm của giáo viên cần phải được xem xét trên các phương diện: Mục đích lao động sư phạm, sản phẩm lao động sư phạm, tính chất lao động sư phạm và công cụ lao động sư phạm.
Về mục đích lao động sư phạm: Lao động sư phạm của giáo viên hướng vào mục đích hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm); các năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo); các năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất) phù hợp với học sinh ở từng cấp học.
Về sản phẩm lao động sư phạm: Sản phẩm lao động sư phạm của giáo viên là những con người phát triển toàn diện: “Có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” [10]. Như vậy, so với sản phẩm lao động của ngành nghề khác, sản phẩm lao động của giáo viên là
những nhân cách sống động, chứa đựng một tiềm năng phát triển vô cùng lớn mà bản thân khoa học giáo dục hiện đại cũng chưa thể khám phá hết.
Về tính chất lao động sư phạm: Lao động sư phạm đòi hỏi ở giáo viên một sự sáng tạo lớn. Không thể đào tạo ra được những thế hệ học sinh sáng tạo nếu lao động của giáo viên không có tính sáng tạo. Hiện nay, khi giáo dục phổ thông đang thực hiện Chương trình 2018 với nhiều đổi mới về quan điểm, mục tiêu; nội dung và thời lượng giáo dục; phương pháp dạy học; vai trò của sách giáo khoa, giáo viên, cơ sở giáo dục; yêu cầu đối với học sinh, cha mẹ học sinh; điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; trách nhiệm của địa phương… Những đổi mới này đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo trong mọi hoạt động của mình. Có như vậy mới góp phần thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Về công cụ lao động sư phạm: Công cụ lao động sư phạm của giáo viên không chỉ là kiến thức, kĩ năng sư phạm mà còn là nhân cách sống của họ nữa. Vì thế, giáo viên phải luôn luôn giữ cho tâm hồn tươi trẻ, trí tuệ sáng tạo, cảm xúc chân thật để tác động hiệu quả đến từng học sinh, để khơi dậy ở các em niềm hạnh phúc được học tập và sáng tạo.
b. Sự thay đổi vai trò của giáo viên
Trong bối cảnh mà thế giới đang có sự “thay đổi một cách chóng mặt” về khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục như hiện nay, đòi hỏi giáo viên cũng phải thay đổi để thích ứng với tốc độ hiện đại hóa của xã hội cũng như để duy trì mối quan hệ với học sinh nhằm tạo ra một môi trường học tập hiệu quả. Định hướng cho chuyển đổi vai trò của giáo viên ở chỗ từ “Truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc” sang “Dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực” [11]. Với sự định hướng này, cần xem xét giáo viên ở những vai trò sau:
Giáo viên là người dạy học sinh cách học, cách nghĩ: Trước đây, giáo viên đóng vai trò là người truyền thụ tri thức một chiều, giúp học sinh ghi nhớ máy móc. Hiện nay, vai trò của giáo viên được đặt trọng tâm vào dạy học sinh cách học, cách nghĩ. Nói cách khác, giáo viên phải bồi dưỡng cho học sinh phương pháp học tập, phương pháp tư duy. Khi học sinh có phương pháp học tập, phương pháp tư duy đúng đắn, các em có thể tự làm giàu vốn hiểu biết của bản thân từ kho tàng tri thức của nhân loại. Trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi tri thức mà nhân loại tích lũy được không ngừng tăng lên theo cấp số cộng, cấp số nhân và hàm số mũ thì yêu cầu dạy học sinh cách học, cách nghĩ càng có ý nghĩa quan trọng hơn.
Giáo viên là người chịu trách nhiệm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về phát triển giáo dục đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học” [12]. Yêu cầu này đòi hỏi giáo viên phải thay đổi cơ bản cách thức dạy học, giáo dục của mình. Để phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học, giáo viên phải “hoạt động hóa” nội dung dạy học - giáo dục. Điều đó có nghĩa là, đối với từng nội dung dạy học - giáo dục, giáo viên phải thiết kế thành các hoạt động học tập - rèn luyện tương ứng, đồng thời tổ chức cho tất cả học sinh tham gia các hoạt động này một cách tích cực và tự giác. Chỉ có thông qua hoạt động và bằng chính hoạt động, năng lực, phẩm chất học sinh mới được hình thành, phát triển toàn diện.
Giáo viên là người nuôi dưỡng lòng yêu thích học tập và khuyến khích học sinh học tập suốt đời: Hứng thú học tập có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc học tập của học sinh. Hoạt động học tập chỉ đạt kết quả cao khi học sinh có hứng thú với hoạt động này. Hứng thú học tập của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp và kĩ thuật dạy học của giáo viên. Vì thế, giáo viên cần ưu tiên sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học có nhiều khả năng phát huy tính tích cực, sáng tạo và hứng thú học tập của học sinh. Giữa tính tích cực, sáng tạo và hứng thú học tập của học sinh có mối quan hệ mật thiết với nhau. Học sinh chỉ thực sự hứng thú học tập khi tính tích cực, sáng tạo của các em được phát huy. Ngược lại, khi học sinh hứng thú học tập, tính tích cực, sáng tạo của các em cũng sẽ mang “màu sắc cảm xúc” hơn. Cùng với nuôi dưỡng lòng yêu thích học tập, giáo viên cần khuyến khích học sinh học tập suốt đời. Học tập suốt đời đã trở thành một xu thế giáo dục tất yếu của thời đại. Có học tập suốt đời, con người mới thích ứng được với xã hội hiện đại mà đặc tính chủ yếu của nó là thường xuyên biến đổi. Để khuyến khích học sinh học tập suốt đời, đòi hỏi giáo viên khi dạy cho học sinh bất kì kiến thức nào phải chỉ cho các em thấy rõ ý nghĩa của kiến thức đó đối với việc học tập hiện tại và công việc sau này của các em. Kiến thức đó các em tiếp tục được mở rộng, tìm hiểu sâu hơn ở đâu và khi nào?
Giáo viên là người tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục: Khó khăn trong học tập là khó khăn phổ biến mà hầu như học sinh nào cũng gặp phải với những biểu hiện và mức độ khác nhau. Trong thực tiễn dạy học và giáo dục, tùy vào biểu hiện, mức độ khó khăn của từng học sinh mà giáo viên tư vấn, hỗ trợ cho các em một cách cụ thể, thích hợp. Tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm, hỗ trợ để học sinh phát triển cân bằng và ổn định, thực hiện tốt các dạng hoạt động khác nhau [13].
Giáo viên là người chuẩn bị tương lai cho học sinh: Tương lai của học sinh như thế nào phụ thuộc phần lớn vào sự chuẩn bị của giáo viên. Do đó, giáo viên phải giúp học sinh hiểu được bối cảnh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và chuẩn bị cho các em sự nghiệp trong các lĩnh vực như: Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học. Giáo viên phải đảm bảo rằng, học sinh của mình đã có những kiến thức và kĩ năng cần thiết để thành công trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Các em đang theo đuổi đam mê và phát triển tài năng của mình.
c. Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là ứng dụng công nghệ kĩ thuật số, hệ thống thông tin Internet vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lí giáo dục. Mục tiêu chung của chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là: “Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lí giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số” [14]. Để thực hiện mục tiêu trên, cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau: Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; Phát triển hệ sinh thái chuyển
đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lí giáo dục và đào tạo, cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; Đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục, nhân viên và người học; Nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về Chính phủ điện tử; Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách [14]. Chuyển đổi số thực sự trở thành một quá trình mà kết quả của nó sẽ tạo ra diện mạo hoàn toàn mới với phương thức, cách thức, phương pháp, kĩ thuật, công cụ và phương tiện mới cho giáo dục. Đồng thời, chuyển đổi số cũng trở thành một thành tố của chất lượng giáo dục và đào tạo nói chumg, chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm nói riêng.
2.2.3. Đặc trưng chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm
a. Chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/ khoa Sư phạm luôn luôn ở trạng thái “động”
Đối với một sản phẩm hay một dịch vụ thông thường, chất lượng của nó được cố định trong sản phẩm hay dịch vụ. Còn sản phẩm đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm là giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục với những yêu cầu nhất định về phẩm chất và năng lực. Mức độ đạt được những yêu cầu về phẩm chất và năng lực này phản ánh sinh động chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm. Trong khi đó, những yêu cầu về phẩm chất và năng lực đối với sản phẩm đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm lại thường xuyên thay đổi để đáp ứng sự phát triển của đối tượng giáo dục; sự chuyển đổi vai trò của
giáo viên trong xã hội hiện đại. Đối tượng giáo dục chính là người học ở các lứa tuổi/
cấp học khác nhau. Dưới sự ảnh hưởng của môi trường kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục, học sinh có sự phát triển rất lớn về các mặt, nhất là về mặt nhận thức, tình cảm. Cùng là học sinh trung học phổ thông nhưng học sinh trung học phổ thông của ngày hôm nay rất khác học sinh trung học phổ thông những năm 2010 và càng khác xa với học sinh trung học phổ thông những năm 2000. Sự phát triển của đối tượng giáo dục đòi hỏi giáo viên phải có sự phát triển tương ứng, dẫn đến sự xuất hiện những yêu cầu mới về năng lực và phẩm chất đối với giáo viên. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi vai trò của giáo viên từ chỗ là người truyền thụ tri thức một chiều sang là người dạy học sinh cách học, cách nghĩ; chịu trách nhiệm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh; nuôi dưỡng lòng yêu thích học tập và khuyến khích học sinh học tập suốt đời; tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục; chuẩn bị tương lai cho người học cũng đặt ra những yêu cầu mới về năng lực, phẩm chất đối với giáo viên. Chính vì thế, chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm luôn luôn ở trạng thái “động” [9].
b. Chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/ khoa Sư phạm mang tính chất “kép”
Sứ mạng của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả hệ thống giáo dục quốc dân, đó là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp. Chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm được phản ánh một cách sinh động qua chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp. Từ đó, các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm không chỉ quan tâm đến “Chất lượng hiện thời” của sản phẩm đào tạo mà còn phải quan tâm đến cả “Chất lượng tiềm năng” của sản phẩm đào tạo. Chất lượng hiện thời là chất lượng đảm bảo cho người học khi ra trường có thể đáp ứng ngay những yêu cầu của giáo viên. Cụ thể, người học phải có phẩm chất và phong cách nhà giáo;
có khả năng xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; có khả năng sử dụng phương pháp dạy học theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; có khả năng kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; có khả năng tư vấn và hỗ trợ học sinh; có khả năng xây dựng môi trường giáo dục; có khả năng phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; có khả năng sử dụng ngoại ngữ, tiếng dân tộc và công nghệ thông tin... [13]. Chất lượng tiềm năng là chất lượng đảm bảo cho người học có khả năng phát triển chuyên môn của bản thân; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ trong quá trình hoạt động nghề nghiệp sau này.
Ví dụ, đối với yêu cầu sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, khi ra trường đòi hỏi người học áp dụng được các phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh (chất lượng hiện thời). Sau này người học phải có khả năng chủ động cập nhật, vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học và giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế; hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp về kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm vận dụng những phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (chất lượng tiềm năng). Hoặc đối với yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục khi ra trường, đòi hỏi người học sử dụng được các phần mềm ứng dụng cơ bản, thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục và quản lí học sinh theo quy định; hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng, khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục theo quy định (chất lượng hiện thời). Sau này, người học phải có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và học liệu số trong hoạt động dạy học, giáo dục; cập nhật và sử dụng hiệu quả các phần mềm; khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học, giáo dục; hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học, giáo dục (chất lượng tiềm năng) [13]. Vì thế, trong quá trình đào tạo, các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm vừa phải tạo ra ở người học chất lượng hiện thời, vừa phải chuẩn bị cho người học chất lượng tiềm năng để người học có khả năng “tự hoàn thiện”, “tự làm ra” chất lượng trong tương lai, qua từng hoạt động giảng dạy - giáo dục ở trường phổ thông.
c. Chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/ khoa Sư phạm gắn liền với sự đổi mới sáng tạo
Đổi mới sáng tạo hiện đang là xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Có nhanh chóng đổi mới sáng tạo thì nhân loại mới có thể tạo ra những bước ngoặt trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục... Ở các trường đại học nói chung, các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm nói riêng cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu và khởi nghiệp, kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng đại học thông minh. Đổi mới sáng tạo vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để các trường đại học phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm, đổi mới sáng tạo lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn, khi sản phẩm của họ có sứ mạng “sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Không thể có các thế hệ học sinh sáng tạo nếu như không có các thế hệ thầy cô sáng tạo. Bởi vậy, đổi mới sáng tạo phải trở thành tiêu chí quan trọng nhất trong tất cả các yếu tố chất lượng của trường Đại học Sư phạm/ khoa Sư phạm: Từ mục tiêu, chương trình, hoạt động đào tạo đến đội ngũ cán bộ quản lí, giảng viên, sinh viên; nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục và hợp tác quốc tế; tổ chức quản lí nhà trường; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học... Trong các yếu tố chất lượng của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm, hoạt động đào tạo là yếu tố đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo nhiều nhất. Đổi mới sáng tạo trong hoạt động đào tạo phải theo hướng kiến tạo và chuyển giao tri thức, công nghệ dạy học - giáo dục cho người học; phát triển môi trường sư phạm mà trong đó người học có thể trải nghiệm các công việc của giáo viên với tất cả cảm xúc, hành vi chân thực của mình. Dù học ở trên lớp hay trong các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, thực tập sư phạm... cần để một “khoảng trống” dành cho sự sáng tạo người học. Phải chuyển hoạt động đào tạo coi trọng việc truyền thụ tri thức, kĩ năng cho người học sang hoạt động đào tạo coi trọng tính sáng tạo của người học, lấy sự sáng tạo làm tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kết quả học tập của người học.
d. Chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/ khoa Sư phạm hướng tới tập trung vào chất lượng người học
Trong các trường đại học nói chung, trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm nói riêng, chất lượng người học được xem là chất lượng trung tâm. Các chất lượng khác như: Chất lượng chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo; Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí, giảng viên, nhân viên; Chất lượng quản trị nhà trường, cơ sở vật chất thiết bị dạy học, tài chính... đều phục vụ cho chất lượng trung tâm này. Khi xem chất lượng người học là chất lượng trung tâm thì mọi cải tiến, mọi đổi mới sáng tạo trong nhà trường đều phải bắt đầu từ người học, từ mục tiêu nâng cao chất lượng người học. Chất lượng người học là “Chất lượng tổng thể”: bao gồm nhiều chất lượng thành phần: Chất lượng phẩm chất của nhà giáo (tuân thủ các quy định và rèn luyện về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức và tạo dựng phong cách nhà giáo); Chất lượng năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ (nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục); Chất lượng năng lực xây dựng môi trường giáo dục (thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường); Chất lượng năng lực phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội (tham gia tổ chức và thực hiện các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh) [13]. Ngoài ra, chất lượng người học còn bao gồm các kĩ năng mềm, sự khéo léo ứng xử sư phạm, sự nhạy cảm trước những biểu hiện của học sinh...
e. Chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/ khoa Sư phạm tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế
Trong những năm qua, giáo dục đại học Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với giáo dục đại học khu vực và thế giới. Nhiều trường đại học nước ngoài đã được thành lập ở Việt Nam và nhiều sinh viên nước ngoài đã chọn các trường đại học Việt Nam để học tập. Nhiều bộ tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài (AUN-QA, HCERES, FIBAA, QAA) đã được các trường đại học Việt Nam sử dụng. Việc đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo bộ tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài là bước quan trọng để các trường đại học Việt Nam, trong đó có các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế về chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có trường Đại học Sư phạm nào được công nhận đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế. Ở các trường Đại học Sư phạm/ khoa Sư phạm, chỉ mới có một số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng của AUN-QA. Vì thế, vấn đề đặt ra cho các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm hiện nay là phải dựa vào các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để xây dựng, phát triển nhà trường theo các tiêu chuẩn/tiêu chí kiểm định chất lượng. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo.
3. Kết luận
Chất lượng đào tạo là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các trường đại học nói chung, trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm nói riêng. So với chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học khác, chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm có các đặc trưng sau: Chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm luôn luôn ở trạng thái “động”; Chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/ khoa Sư phạm mang tính chất “kép”; Chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm gắn liền với sự đổi mới sáng tạo; Chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm hướng tập trung vào chất lượng người học; Chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế. Nghiên cứu đặc trưng chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm là cơ sở để hoạch định chất lượng đào tạo; điều khiển chất lượng đào tạo và kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo.
Tham khảo
[1] PN Malunda,(2012), Teacher Professional Development and Quality of https://umispace.umi.ac.ug › bitstream › handle.
[2] C. Husbands, (2012), What makes great pedagogy? Nine claims from research. https://assets.publishing. service.gov.uk › media.
[3] C. Evansa, C. K. Howsonc, A. Forsythed and C. Edwardse, (2020), What constitutes high quality higher education pedagogical research? https://doi.org/10.108 0/02602938.2020.1790500.
[4] Z Ruiz-Alfonso, (2020), Teaching Quality: An Explanatory Model of Learning in...https://journals.copmadrid.org › art.
[5] S Patfield, (2022), Towards quality teaching in higher education, https://www.tandfonline.com › doi › full
[6] Nguyễn Đức Chính - Nguyễn Phương Nga, (2000), Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo dùng cho các trường đại học Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước.
[7] Nguyễn Hữu Châu (Chủ biên), (2008) Chất lượng giáo dục, những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[8] Nguyễn Văn Tuấn, (2011), Chất lượng giáo dục đại học - nhìn từ góc độ hội nhập, NXB Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh.
[9] Phạm Lê Cường, (2016), Giải pháp đảm bao chất lượng đào tạo trong các trường/khoa Đại học Sư phạm, Luận án Tiến sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên ngành Quản lí giáo dục, Trường Đại học Vinh.
[10] Quốc hội, (2019), Luật Giáo dục.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, (2013), Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
[12] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, (2021), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội
[13] Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2018), Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (Ban hành theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT).
[14] Chính phủ, (2022), Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CỦA GIÁO VIÊN VÀ SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH 2018Nghiên cứu04/10/2024
- Trẻ em có thể dạy cho chúng ta điều gì về khoa học thần kinh ẩn sau sự tò mòNghiên cứu06/09/2024
- Các nhà tâm lý học phát hiện ra hiện tượng sởn gai ốc diễn ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩNghiên cứu21/06/2024
- A Systematic Review of Problem-Solving Skill Development for Students in STEM EducationNghiên cứu06/06/2024
- Proposing and Experimenting with a Public University Governance Model and MechanismsNghiên cứu03/06/2024
- Internal Quality Assurance of Initial Teacher Education Programs in Vietnam: A Descriptive StudyNghiên cứu03/06/2024
- Developing an Integrated Model to Early Childhood Education and Care in Vietnam: Perspectives of Early Childhood EducatorsNghiên cứu02/06/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024