MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
Cứ vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), khắp nơi trên cả nước lại vang lên lời bài hát rất đỗi quen thuộc "Bài ca người giáo viên nhân dân" của nhạc sĩ Hoàng Vân: "Trên khắp nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa luôn đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân…". Giai điệu thiết tha, ấm áp, ngọt ngào, trong sáng như dòng suối tuôn chảy dạt dào. Đây là bài hát nổi tiếng nhất viết về đề tài sư phạm từ trước đến nay. Chính vì vậy, ai đã từng làm công tác giáo dục cũng thuộc, cũng nhớ nằm lòng từng lời bài hát và đều trào dâng cảm xúc mỗi khi nghe lại bài hát vào thời điểm ngày 20/11 đến gần.
Trong cuộc đời dạy học của những người thầy, ngày 20/11 hàng năm là ngày vui nhất, xúc động nhất, bởi đây là ngày cả xã hội đều hướng về các thầy cô giáo với tấm lòng kính trọng, tôn vinh và khẳng định thiên chức cao quý của nghề dạy chữ, dạy người. Đôn-ki-xtôi đã có câu nói nổi tiếng: "Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học". Bác Hồ đã khẳng định: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang". Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời". Quả thật vậy, bao đời nay, nghề dạy học luôn được coi là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Để được xã hội tôn vinh, quý trọng, các thầy cô giáo đã phải âm thầm vượt lên những khó khăn, vất vả của đời thường, dồn hết tâm huyết của mình vào trang giáo án, ép cho mạch ngầm trí tuệ chảy trên trang giấy để từng phút, từng giờ thấm vào trang vở học sinh, thấm vào ý thức tự cường của mỗi công dân trước cuộc đời và tương lai của đất nước. Cả cuộc đời dồn hết chữ "Tâm" vào viên phấn trắng để vạch con đường cho học sinh đến với tương lai. Cả cuộc đời trau dồi ngôn ngữ, lựa chọn thanh âm để dần dần chạm khắc vào cõi tâm linh của mỗi con người, chạm vào cõi sâu thẳm của trí tuệ để làm bật lên cái rung cảm mãnh liệt trong tâm hồn mỗi học sinh, làm lóe sáng lên cái thần, cái thế, cái lung linh huyền ảo và cái đích của nhiều ngả đường trong từng bài giảng. Cả cuộc đời trau chuốt chữ "Nhân" để làm sáng thêm cho chữ "Nghề" và rạng rỡ cho chữ "Nghiệp". Cả cuộc đời bình dị mà sáng trong, thiêng liêng nhưng rất đỗi đời thường. Cả cuộc đời chỉ có viên phấn trắng với bảng đen đã làm nên những bài ca làm rung động lòng người, làm khao khát cháy bỏng hàng triệu con tim.
Thời gian cứ dần trôi, bao nhiêu lứa học sinh đi qua, mái tóc thầy càng trở nên bạc trắng, những vết nhăn hằn sâu trên khuôn mặt theo năm tháng, nhưng tâm huyết muốn đem tri thức và những bài học quý giá cho các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô như những người lái đò cần mẫn, miệt mài với việc đưa đón khách qua sông và thầm gửi gắm theo bước chân người khách ấy bao nhiêu hy vọng và cả kỳ vọng "Chuyện một con đò dãi dầm nắng mưa/Lặng lẽ chở bao dòng người xuôi ngược/Khách sang sông tiếp hành trình phía trước/Có ai nhớ chăng hình ảnh con đò…". Trên những chuyến đò ấy, không phải lúc nào cũng bằng phẳng, đôi khi gặp sóng gió, khó khăn, trở ngại, nhưng con đò vẫn cứ âm thầm lặng lẽ suốt ngày đêm, bỏ lại sau lưng bao nỗi nhọc nhằn, bước qua mọi khó khăn phía trước với ý chí kiên cường lái con đò tri thức cập bến tương lai.
Nhân loại đã thừa nhận vai trò của người thầy như người mẹ "Không có một vĩ nhân, một anh hùng nào trên đời này không qua bàn tay bế ẵm và dạy dỗ của bà mẹ, thì trên trái đất này, không có một vĩ nhân, một anh hùng nào lại không qua bàn tay dìu dắt và dạy dỗ của người thầy". Sự tôn vinh này, ta có thể hiểu rộng: từ vĩ nhân, quan chức, tướng lĩnh đến những người dân nơi thôn quê ít nhiều đều chịu ảnh hưởng phong cách và trí tuệ của người thầy. Do vậy, mỗi thành công trên từng lĩnh vực của mỗi con người đều có bóng dáng của người thầy. Bởi chính người thầy không chỉ dìu dắt, nâng đỡ chúng ta từ buổi đầu chập chững vào đời mà còn cho đến khi trưởng thành. Vì vậy, mỗi khi đến ngày 20/11, từ cụ già mái tóc bạc phơ đến những em thơ cắp sách đến trường, từ miền xuôi đến miền ngược, từ hải đảo xa xôi đến miền núi hẻo lánh đều tỏ lòng biết ơn vô hạn tới các thầy cô giáo. Đây chính là truyền thống "Tôn sư trọng đạo" vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Với vai trò và trách nhiệm to lớn như vậy, thời đại nào người thầy cũng được xã hội tôn vinh, quý trọng. Sự tôn vinh và kính trọng đó được đúc kết và thể hiện qua rất nhiều câu ca dao, tục ngữ như: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "Không thầy đố mày làm nên","Trọng thầy mới được làm thầy", "Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy",… Trong xã hội phong kiến, người thầy được coi là đức cao vọng trọng. Họ không chỉ là người dạy chữ thánh hiền mà còn rất mực trau dồi tài năng và giữ gìn phẩm cách. Vì vậy, xã hội luôn gửi gắm ở người thầy niềm tin về nhân cách, tài năng và luôn coi họ là chuẩn mực, là hình mẫu để vươn tới; thậm chí vị trí người thầy còn được xác định cao hơn cả người cha trong gia đình, thể hiện ở thang giá trị "Quân - sư - phụ", có nghĩa về thứ bậc trong xã hội: trước hết là vua, đến thầy rồi mới đến cha. Bởi lẽ, cha ông ta hết sức coi trọng việc học "học là để làm người, biết điều hơn thiệt, biết lời thị phi". Dù nghèo đến đâu, cha ông ta cũng cố gắng lo cho con "kiếm năm ba chữ để làm người". Coi trọng đạo làm người, cha ông ta luôn biết ơn, trân trọng và tôn vinh những người truyền dạy đạo làm người, nên có câu: "Công cha, áo mẹ, chữ thầy" là 3 nghĩa lớn thể hiện sự tôn vinh công lao to lớn đó của người thầy. Người thầy hầu hết đều có cái "Tâm". Cái tâm của người thầy chính là những hành động theo giá trị "chân, thiện, mỹ", bất luận trong hoàn cảnh nào nhịp đập con tim của người thầy cũng luôn hướng về học trò, vì lợi ích của cộng đồng, vì lợi ích của dân tộc. Người thầy bao giờ cũng có đạo đức, vì đạo đức vừa là phương pháp vừa là phương tiện giáo dục của người thầy. Đạo đức của người thầy thể hiện ở cách sống không vụ lợi, không chuộng hư danh, trong sáng, giản dị, luôn ý thức trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn để vươn lên phía trước với mục đích tất cả vì học trò. Người thầy không chỉ dạy cho học trò những tri thức giáo dục truyền thống mà còn dạy cho học trò cách học, cách tự học, cách tìm tòi để phát hiện ra cái mới, không ai khác chính người thầy luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Trong lịch sử giáo dục của nước nhà đã có biết bao người thầy đức độ và tài năng, được nhân dân mãi mãi tôn vinh, gương sáng còn lan tỏa đến ngày nay. Đó là người thầy của muôn đời Chu Văn An (1292 - 1370) - người dạy học cho thái tử, cũng là người đã dâng "Thất trảm sớ" xin vua chém lũ gian thần rồi cáo quan về quê sống cuộc đời thanh bạch. Đó là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), người vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời cũng là nhà thơ lớn - tác giả của nhiều bài thơ, văn bất hủ tràn đầy nhiệt huyết và thấm đẫm tấm lòng yêu nước thương dân. Đó là các bậc thầy cao quý như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Lân,... đã mang lại vinh quang cho đất nước và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Nói đến thầy giáo là nói đến con người trí tuệ, giàu lòng nhân ái, khoan dung độ lượng. Từ lâu, vai trò, vị trí của người thầy đã được nhân loại thừa nhận và đánh giá rất cao trong xã hội. Nhà hiền triết - thi hào Tago - người Ấn Độ đã từng nói: "Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy thì được một thế hệ". Câu nói đó như một chân lý sống cho mọi quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, xứ sở của truyền thống "Tôn sư trọng đạo" thì lại càng có ý nghĩa to lớn và sâu sắc vô cùng. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học và coi trọng chữ nghĩa. Sự học là vô bờ bến, từ thuở ấu thơ cho đến khi lập thân lập nghiệp vẫn học, đói vẫn học, khổ vẫn học, khó khăn cũng học, vì vậy những câu tục ngữ: "Người không học như ngọc không mài", "Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học", "Một kho vàng không bằng một nang chữ" là cơ sở cho những ứng xử theo tinh thần tôn sư trọng đạo của nhân dân đối với người dạy học. Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" qua hàng ngàn năm đó đã hình thành nên phương pháp sư phạm một chiều, đặc trưng cho xã hội học tập phong kiến mà ngày nay ta gọi là phương pháp "sư phạm quyền uy". Dù sao đi nữa cũng không thể phủ nhận rằng phương pháp "sư phạm quyền uy" là nhân tố cốt yếu tạo nên một nền giáo dục truyền thống rất hiệu quả, đã đào tạo được nhiều hiền tài, nhân tài trị nước, cứu nước, tạo nên những thời kỳ thịnh trị, những trang sử huy hoàng của dân tộc. Phương pháp sư phạm truyền thống đó đã tạo nên kỷ cương tuân phục tuyệt đối của trò đối với thầy và thể hiện sự trong sáng trong quan hệ thầy trò, một nét đẹp văn hóa đã được hình thành và gìn giữ hàng ngàn năm qua. Ngày nay, phương pháp "sư phạm quyền uy" đã không còn thích hợp nữa, mà thay vào đó là phương pháp "sư phạm hợp tác", lấy người học làm trung tâm và biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, giáo viên vừa là người thầy, vừa là người hướng dẫn học trò trong quá trình học tập. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn.
Nhận rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm lớn lao của nhà giáo, Đảng, Nhà nước ta đã coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Trong sự nghiệp lâu dài ấy, sự đóng góp của các nhà giáo có ý nghĩa quyết định và quan trọng nhất. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: "Đất nước ta thu được nhiều thành tựu phát triển rất đáng tự hào, vị thế của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. Những thành công ấy không phải tự nhiên mà có, mà đó là kết quả của quá trình phấn đấu lâu dài, là sức mạnh trí tuệ Việt Nam. Trí tuệ ấy, bản lĩnh ấy xuất phát từ Giáo dục - Đào tạo mà có". Sự ghi nhận này là phần thưởng cao quý vào hành sang trọng bậc nhất đối với đội ngũ nhà giáo Việt Nam. Nhà sư phạm Xô Viết lỗi lạc Makarenco đã nói: "Giáo dục không phải là một nghề mà là một sứ mạng. Đó là làm cho trí tuệ, tâm hồn và nhân cách của con người càng ngày càng được hoàn thiện hơn". Nhiệm vụ này vô cùng hệ trọng và khó khăn, đòi hỏi người làm công tác giáo dục không chỉ có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề mà còn phải có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt, vì "Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được" và biết hy sinh như Bác Hồ đã từng dạy: " Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh". Một người thầy xứng đáng đã là một anh hùng vô danh. Bản chất hai chữ "Nhà giáo" đã là một danh hiệu rồi. Nhưng có lẽ, danh hiệu nhà giáo sẽ là cao quý nhất khi nó đọng mãi trong trái tim của học trò, trong lòng nhân dân, để dù đi đâu, làm gì, mỗi năm đến ngày 20/11, học trò cũ lại tìm đến thầy cô để tỏ lòng tri ân sâu nặng. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người thầy giáo.
Nghề dạy học gắn liền với cái đẹp của con người đích thực mà xã hội nào, thời đại nào cũng cần vươn đến. Đó là cái đẹp của giá trị "Chân - Thiện - Mỹ", của hai phạm trù nhân cách là cái "Tâm" và cái "Tài" ở mỗi con người. Trong xã hội hiện đại đang phát triển như vũ bão, khoa học công nghệ hiện đại và lượng tri thức sản sinh gấp bội hàng ngày; nếu thầy không yêu nghề, không hết lòng, hết sức vì học trò, biết nâng tầm bản thân và sự nghiệp thì tất yếu vai trò người thầy đứng trước nguy cơ tụt hậu. Điều đó còn ảnh hưởng đến tri thức của trò và nền giáo dục nói chung. Có thể xã hội ta còn thiếu những điều kiện cần thiết cho thầy nhưng trước hết khi người thầy biết động viên học trò vươn lên thì thầy cũng phải "vượt lên chính mình". Kết thúc bài viết này, tôi mượn lời nhà thơ Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) nói về nghề giáo: "Mặt trời mọc, mặt trời tắt. Trăng tròn rồi trăng lại khuyết. Nhưng ánh sáng người thầy không bao giờ tắt".
Đăng bài: TS. Trần Cao Nguyên
Stt:
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- TOẠ ĐÀM KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 – 20/11/2024)Tin tức18/11/2024
- Lịch sử và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam - 20/10Tin tức16/10/2024
- ĐẠI HỘI LỚP - CHI ĐOÀN – CHI HỘI CÁC LỚP 62A, 63A, 64A KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ NĂM HỌC 2024 – 2025 THÀNH CÔNG TỐT ĐẸPTin tức28/09/2024
- KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TỔ CHỨC BUỔI CHÀO ĐÓN SINH VIÊN KHÓA 65 NỒNG ẤM, ĐOÀN KẾT VÀ GỬI GẮM NHIỀU KỲ VỌNG TỚI SINH VIÊN TOÀN KHOATin tức26/09/2024
- SINH VIÊN KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TÍCH CỰC THAM GIA HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2023-2024Tin tức30/06/2024
- ĐOÀN GIẢNG VIÊN GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH THỰC TẾ CHUYÊN MÔN TẠI CÁC TỈNH TÂY BẮCTin tức18/06/2024
- THÔNG TIN TUYỂN SINH KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TRƯỜNG SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC VINH NĂM HỌC 2024Tin tức11/04/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Seminar: Sự trỗi dậy của New York như là một kinh đô nghệ thuật mớiNghiên cứu22/11/2024
- Đội Thể thao số 1 của Công đoàn Trường Sư Phạm đạt vị trí Nhất toàn đoàn trong giải Thể thao Công đoàn Trường Đại Học Vinh năm 2024Công đoàn22/11/2024