Thực trạng đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường/ khoa đại học sư phạm theo tiếp cận năng lực
TS. Chế Hải Linh
TÓM TẮT: Tiểu học là bậc học nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân, có nhiệm vụ hình thành cơ sở ban đầu của nội dung học vấn phổ thông, góp phần hình thành những yếu tố đầu tiên vô cùng quan trọng của một nhân cách hài hòa, toàn diện theo mục tiêu giáo dục đề ra. Đội ngũ giáo viên tiểu học là yếu tố trực tiếp thực hiện công tác dạy học. Vì vậy, hoạt động đào tạo đội ngũ này đóng vai trò quyết định tới chất lượng giáo dục. Trong phạm vi bài viết, tác giả làm rõ thực trạng và chỉ ra nguyên nhân của thực trạng đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường/khoa đại học sư phạm, từ đó có những định hướng cho công tác quản lí đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
TỪ KHÓA: Đào tạo giáo viên, đào tạo giáo viên tiểu học, thực trạng, tiếp cận năng lực.
Nhận bài 03/7/2023 Nhận bài đã chỉnh sửa 18/8/2023 Duyệt đăng 15/9/2023.
DOI: https://doi.org/10.15625/2615-8957/12310908
1. Đặt vấn đề
Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục - đào tạo trong bối cảnh quốc tế hóa và hội nhập kinh tế với mục tiêu: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân” [1] đã đặt ra những yêu cầu mới cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo trong đó có giáo viên tiểu học: “...Mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo... được chuẩn hóa đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo, thông qua việc quản lí, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [2].
Ý thức được điều đó, trong những năm qua, các trường/ khoa đại học sư phạm với nhiệm vụ đào tạo giáo viên, trong đó có giáo viên tiểu học cho hệ thống giáo dục quốc dân đã có những chuyển biến trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên các mặt: Chuẩn hóa mục tiêu, chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng, cải tiến và đổi mới chương trình, xây dựng quy trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu mới… Những thành tích và tiến bộ đạt được trong công tác đào tạo giáo viên tiểu học thời gian qua là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông theo tiếp cận năng lực học sinh những thành tích đó chưa tạo được chuyển biến căn bản trong công tác đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng nhiệm vụ dạy học mới. Vì vậy, bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng hoạt động đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường/khoa đại học sư phạm để có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Thiết kế và tổ chức nghiên cứu
2.1.1. Đối tượng và địa bàn khảo sát
- Đối tượng khảo sát: Tổng số đối tượng khảo sát: 528 người, trong đó: cán bộ quản lí, giảng viên của các cơ sở đào tạo giáo viên tiểu học: 192 người; cán bộ quản lí, giáo viên tiểu học: 232 người; sinh viên ngành Giáo dục tiểu học: 104 người.
- Địa bàn khảo sát: Cơ sở đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành sư phạm giáo dục tiểu học bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, cùng các cơ sở thực hành, đơn vị sử dụng lao động (các trường tiểu học).
2.1.2. Phương pháp nghiên cứu
Để tiến hành nghiên cứu, tác giả sử dụng các phương pháp gồm: Phương pháp quan sát, chuyên gia, điều tra bằng phiếu hỏi, phỏng vấn sâu và phương pháp xử lí số liệu bằng thống kê toán học nhằm thu thập những thông tin cần thiết phục vụ cho nghiên cứu vấn đề, được tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1: Trao đổi với các đối tượng khảo sát và chuyên gia để hình thành phiếu điều tra lần thứ nhất;
Bước 2: Soạn phiếu điều tra, điều tra thử trên mẫu nhỏ, chỉnh sửa bộ phiếu và biên soạn bộ phiếu chính thức;
Bước 3: Chọn mẫu và tổ chức khảo sát chính ở 05 cơ sở đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành sư phạm Giáo dục tiểu học;
Bước 4: Lấy ý kiến về những vấn đề cần nghiên cứu nhưng chưa được đề cập trong bảng hỏi thông qua các phương tiện
thông tin liên lạc (điện thoại, email, website...);
Bước 5: Xử lí thông tin từ các phiếu điều tra theo phương pháp thống kê toán học.
2.1.3. Đánh giá kết quả khảo sát
Phiếu điều tra, ý kiến của cán bộ quản lí, giảng viên, giáo viên, sinh viên, các chuyên gia và tài liệu liên quan được tập hợp lại theo phương pháp thống kê. Việc đánh giá các nội dung khảo sát như sau: Về nhận thức theo bốn mức độ: Rất cần thiết; Cần thiết; Tương đối cần thiết; Không cần thiết (Rất phù hợp; Phù hợp; Tương đối phù hợp; Không phù hợp); Về thực hiện các nội dung trong quản lí đào tạo giáo viên tiểu học theo bốn mức độ: Tốt; Khá; Trung Bình; Yếu/Thường xuyên; Thỉnh thoảng; Hiếm khi; Chưa thực hiện. Ở từng mức độ có tiêu chí/chỉ báo đánh giá cụ thể.
2.2. Kết quả nghiên cứu
2.2.1. Thực trạng nhận thức về hoạt động đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực ở các trường/khoa đại học sư phạm
Kết quả ở Bảng 1 cho thấy, các đối tượng khảo sát đều đánh giá hoạt động đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực là “Rất cần thiết” (chiếm tỉ lệ 78%).
Điều này cho thấy, cán bộ quản lí, giảng viên, giáo viên tiểu học và cả sinh viên ngành Giáo dục tiểu học đều khẳng định “đào tạo theo tiếp cận năng lực”, là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu xã hội trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ đối tượng khảo sát cho rằng “Chưa cần thiết” và “Không cần thiết” (chiếm tỉ lệ 2,3% và 0,9%), đặc biệt là nhận thức của sinh viên (chiếm 9,6% và 4,8%). Đây là một khó khăn trong triển khai các hoạt động đào tạo của nhà trường, đặc biệt là trong việc “Tư vấn, định hướng mục tiêu học tập, rèn luyện các năng lực nghề nghiệp cho sinh viên” [3].
2.2.2. Thực trạng xây dựng mục tiêu đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực ở các trường/khoa đại học sư phạm
Kết quả khảo sát ở Bảng 2 cho thấy, hiện nay hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên tiểu học vẫn đang xây dựng mục tiêu đào tạo dựa vào chương trình đào tạo của từng trường, chưa thực sự xây dựng mục tiêu trên cơ sở “mô tả năng lực của người học”. Chính vì thế, tính “trừu tượng, khó hiểu, yêu cầu cao” của mục tiêu chiếm tỉ lệ đánh giá rất cao từ các đối tượng khảo sát (chiếm 89,2%). Điều này dẫn đến những khó khăn đối với cán bộ quản lí, giảng viên và sinh viên trong công tác quản lí, giảng dạy và học tập.
Tiến hành phỏng vấn sâu, chuyên gia BMH ở Trường Đại học Sư phạm X cho rằng: “Mục tiêu đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực do các trường/khoa đại học sư phạm xây dựng có những tiêu chí chưa cụ thể, chưa sát với năng lực đặc thù của người giáo viên tiểu học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông” [3]. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho mức độ đáp ứng các năng lực cần thiết đối với sinh viên chưa cao (xem Bảng 3). Tỉ lệ “Yếu” của các nhóm năng lực còn cao, lần lượt là 6,2%, 8,3%, đặc biệt là nhóm năng lực hành vi chiếm 50,7%. Nhóm năng lực này đóng vai trò rất quan trọng đối với các hoạt động nghề nghiệp của giáo viên tiểu học trong bối cảnh mới. Do đó, việc hình thành và phát triển nhóm năng lực này nói riêng và các nhóm năng lực nói chung là việc làm cần thiết của các cơ sở đào tạo, nơi được coi là “môi trường giả định” giúp sinh viên hình thành, rèn luyện và phát triển các năng lực nghề nghiệp tương lai. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy năng lực của đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của quy trình đào tạo mới. Những hạn chế này đòi hỏi các chủ thể quản lí có những điều chỉnh trong xây dựng và thiết kế mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giảng viên, đảm bảo nâng cao chất lượng về đội ngũ giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay.
2.2.3. Thực trạng nội dung, chương trình đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực ở các trường/khoa đại học sư phạm
Kết quả ở Bảng 4 cho thấy, đánh giá của các đối tượng khảo sát về nội dung, chương trình đào tạo là tương đối thống nhất, nằm ở mức trung bình khá. Tỉ lệ đánh giá “Khá” và “Trung bình” chiếm 74,5%. Nội dung chương trình “Được xây dựng theo hướng mở, dễ bổ sung và điều chỉnh”, “Cấu trúc mềm dẻo, đảm bảo trình tự hợp lí và gắn kết giữa các học phần” được đánh giá với tỉ lệ “Khá”, “Tốt” khá cao, chiếm tỉ lệ 42,9% và 46,6%. Hai nội dung “Mục tiêu của chương trình đào tạo rõ ràng, chuẩn xác, hợp lí và khái quát”, “Nội dung tập trung hình thành phẩm chất và năng lực đặc trưng của người giáo viên tiểu học” được các đối tượng đánh giá thấp hơn cả, có tỉ lệ thực hiện “Trung bình” và “Yếu” chiếm 71,2% và 74,6%. Điều này cho thấy, mục tiêu của chương trình đào tạo giáo viên tiểu học ở cơ sở đào tạo còn được xây dựng chung chung, chuẩn đầu ra chương trình thiết kế chưa sát với các năng lực đặc thù của giáo viên tiểu học, sự phân nhiệm chuẩn đầu ra vào các học phần chưa cụ thể. Do đó, chưa định hướng rõ ràng cho quá trình triển khai và thực hiện chương trình.
Có thể thấy, kết quả khảo sát trên khá phù hợp với thực tiễn xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường/khoa đại học sư phạm hiện nay. Theo phản hồi từ các đối tượng khảo sát, hiện nay, mỗi cơ sở đào tạo đều có chương trình đào tạo riêng được xây dựng phù hợp với thực tiễn của nhà trường, địa phương. Tuy nhiên, mục tiêu và nội dung chủ yếu đang được triển khai theo hình thức đào tạo tín chỉ, mang tính chất định tính và chưa hoàn toàn định hướng tiếp cận năng lực.
2.2.4. Thực trạng hình thức đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực ở các trường/khoa đại học sư phạm
Kết quả ở Bảng 5 cho thấy, đây là những hình thức đào tạo cơ bản trong đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường/khoa đại học sư phạm hiện nay. Tỉ lệ đánh giá cho các hình thức đào tạo ở mức “Khá” đạt từ 40,6% đến 60,4%. Đối với hình thức đào tạo truyền thống “Thông qua các hoạt động học tập ở lớp” được đánh giá ở mức độ “Tốt” chỉ chiếm 8,3%, mức độ “trung bình” chiếm tỉ lệ cao (49,5%). Điều này chứng tỏ theo đánh giá của các đối tượng khảo sát, hình thức này có hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do các học phần còn nặng lí thuyết, tính thực tiễn chưa cao. Do đó, muốn nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên cần tăng thêm tính thực tế trong giảng dạy bằng các bài tập thảo luận, thực hành, nêu vấn đề, xây dựng tình huống sư phạm hay đưa ví dụ minh hoạ để tăng tính thực tiễn cho hình thức này. Hình thức “Đào tạo thông qua các hoạt động thực hành, thực tế, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm...” có kết quả đánh giá cao hơn. Tỉ lệ đánh giá “Tốt” và “Khá” chiếm hơn 80%. Có thể nói, đây là con đường chính để hình thành và phát triển các năng lực nghề nghiệp của giáo viên tiểu học tương lai. Thông qua các hoạt động thực hành, thực tế, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm sinh viên ngành Giáo dục tiểu học sẽ hình thành được năng lực nghề nghiệp và năng lực hành vi, đặc biệt là tư duy hệ thống, ứng xử linh hoạt trong các tình huống thực tiễn. Do đó, cần tăng cường thực hiện hình thức này trong đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực. Hình thức “Đào tạo thông qua các hoạt động khác” như hoạt động đoàn thể, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh viên nghiên cứu khoa học... cũng đem lại những hiệu quả nhất định trong việc phát triển các năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Với tỉ lệ “Tốt” và “Khá” chiếm 75,5%. Như vậy, các hình thức đào tạo mà các trường/ khoa đại học sư phạm sử dụng về cơ bản phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và mang lại hiệu quả trong đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực.
2.2.5. Thực trạng kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường/khoa đại học sư phạm theo tiếp cận năng lực
Tổng hợp Kết quả từ Bảng 6 cho thấy, có sự không đồng đều về đánh giá của các đối tượng khảo sát về mức độ thực hiện các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tâp của sinh viên trong đào tạo theo tiếp cận năng lực. Hình thức “kiểm tra, đánh giá qua bài thi lí thuyết” được thực hiện “thường xuyên” nhất, với 392 lựa chọn, chiếm tỉ lệ 74,2%. Kết quả này chứng tỏ đây là hình thức kiểm tra thông dụng được giảng viên sử dụng để đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Hình thức “kiểm tra, đánh giá qua bài thi thực hành” được coi là hình thức kiểm tra đo lường được mức độ thực hiện của năng lực nhưng mức độ sử dụng “thường xuyên” có tỉ lệ thấp, chỉ 15,5%. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc đo lường mức độ năng lực đạt được của sinh viên so với mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình và mục tiêu đào tạo. Hình thức “kiểm tra, đánh giá qua bài tập tự học, tự nghiên cứu” và hình thức “kiểm tra, đánh giá qua hồ sơ học tập” tỉ lệ thực hiện “thường xuyên” rất thấp (chiếm 6,0% và 2,8%). Đây là hai hình thức kiểm tra, đánh giá phục vụ đắc lực cho hoạt động đào tạo theo tiếp cận năng lực nhưng trong thực tế việc thực hiện tại các trường/khoa đại học sư phạm còn mang tính hình thức, chưa thực sự có hiệu quả do bị tác động của các yếu tố như nội dung, thời gian, cách thức tiến hành… Do đó, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường/khoa đại học sư phạm cần chú trọng khâu kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, cần kết hợp kiểm tra định tính và định lượng, đặc biệt là các hình thức kiểm tra mang tính định lượng để đo đạc được mức độ năng lực của sinh viên tốt nghiệp, đảm bảo chuẩn đầu ra do nhà trường đã xác định.
2.2.6. Thực trạng mức độ hoạt động đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực đáp ứng chuẩn đầu ra ngành học
Từ kết quả tổng hợp ở Bảng 7, mức độ đáp ứng của các yếu tố đào tạo theo tiếp cận năng lực còn thấp, tỉ lệ đánh giá “Trung bình” và “Yếu” cao, chiếm 65,4%. Ba yếu tố có tỉ lệ lựa chọn “Yếu” cao nhất là: “Chương trình đào tạo” (27,6%), “Hình thức đào tạo” (22,2%), “Kiểm tra, đánh giá hoạt động đào tạo” (20,5%). Kết quả này phù hợp với thực trạng khảo sát các yếu tố của quá trình đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường/khoa đại học sư phạm. Hoạt động đào tạo theo tiếp cận năng lực hiện nay ở các nhà trường được thực hiện theo chủ quan của mỗi trường/khoa đại học sư phạm và chưa theo một chuẩn mực chung nhất định, chưa có sự thống nhất giữa các trường trong việc tổ chức thực hiện chương trình, phương pháp đào tạo và kiểm tra, đánh giá. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ thể quản lí, các bên liên quan và kết hợp cải tiến nội dung, phương pháp đào tạo là các biện pháp có thể nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội và đổi mới giáo dục phổ thông.
3. Kết luận
Nghiên cứu thực trạng đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường/khoa đại học sư phạm theo tiếp cận năng lực đã chỉ ra rằng, phần lớn cán bộ quản lí, giảng viên, giáo viên tiểu học đều có chung nhận định, đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực là hướng đi đúng đắn trong đào tạo giáo viên ở các trường/khoa đại học sư phạm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục đáp ứng sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo nói chung và đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng. Chính vì vậy, các cơ sở đào tạo giáo viên tiểu học cần đặc biệt quan tâm đến công tác này, xem đây là nhiệm vụ trọng yếu trong hoạt động của nhà trường. Kết quả nghiên cứu phản ánh bức tranh về thực trạng đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực ở các trường/khoa đại học sư phạm đạt mức độ khá. Việc xác định và thực hiện mục tiêu đào tạo chưa cụ thể, rõ ràng. Nội dung, chương trình đào tạo chưa thực sự tập trung hình thành những phẩm chất, năng lực đặc trưng của giáo viên tiểu học. Các hình thức và phương pháp đào tạo được sử dụng đa dạng, song cũng cần phối kết hợp linh hoạt nhằm phát huy tối đa ưu điểm của từng phương pháp, hình thức. Muốn làm được điều đó, cần không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí, giảng viên, giáo viên tiểu học và sinh viên về ý nghĩa, sự cần thiết của hoạt động đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực; cải tiến nội dung, chương trình đào tạo và đa dạng hoá các hình thức và phương pháp đào tạo nhằm hình thành những năng lực cần thiết cho giáo viên tiểu học trong tương lai, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông.
Tài liệu tham khảo
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, (2013), Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, (2004), Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư về việc Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục.
[3] Chế Thị Hải Linh (2019), Quản lí đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường/khoa đại học sư phạm theo tiếp cận năng lực, Luận án Tiến sĩ Quản lí giáo dục, Trường Đại học Vinh.
[4] Trần Khánh Đức, (2013), Nghiên cứu nhu cầu và xây dựng mô hình đào tạo theo năng lực trong lĩnh vực giáo dục, Đề tài trọng điểm Đại học Quốc gia Hà Nội.
[5] Trần Kiểm, (2013), Giáo trình Tiếp cận hiện đại trong quản lí giáo dục, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[6] Bùi Văn Nghị, Lê Ngọc Sơn, (2015), Xây dựng và phát triển chương trình đào tạo giáo viên tiểu học theo hướng phát triển năng lực, Kỉ yếu Hội thảo Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giáo dục tiểu học, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội 2
THE REALITY OF PRIMARY SCHOOL TEACHER TRAINING IN UNIVERSITY AND COLLEGES OF EDUCATION ACCORDING TO COMPETENCY APPROACH
ABSTRACT: Primary education serves as the foundation level in the national education system, providing the initial basis of general knowledge and contributing to the development of crucial elements of a harmonious and comprehensive personality. The primary school teaching staff directly carry out the teaching task, making the training activities for staff crucial in determining the quality of education. In this article, the author clarifies the current situation and identifies the causes of the current state of training primary school teachers in universities and departments of education. The aim is to provide directions for training management to enhance the quality of training for primary school teaching staff to meet the requirements of educational innovation.
KEYWORDS: Teachers’ training, Primary teachers’ training; current situation; competency-based approach.
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Đặc trưng chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu07/10/2024
- XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CỦA GIÁO VIÊN VÀ SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH 2018Nghiên cứu04/10/2024
- Trẻ em có thể dạy cho chúng ta điều gì về khoa học thần kinh ẩn sau sự tò mòNghiên cứu06/09/2024
- Các nhà tâm lý học phát hiện ra hiện tượng sởn gai ốc diễn ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩNghiên cứu21/06/2024
- A Systematic Review of Problem-Solving Skill Development for Students in STEM EducationNghiên cứu06/06/2024
- Proposing and Experimenting with a Public University Governance Model and MechanismsNghiên cứu03/06/2024
- Internal Quality Assurance of Initial Teacher Education Programs in Vietnam: A Descriptive StudyNghiên cứu03/06/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024