XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CỦA GIÁO VIÊN VÀ SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH 2018
NCS. Nguyễn Trung Kiền (và cộng sự)
1. Đặt vấn đề
Sự phát triển của khoa học công nghệ với sự xuất hiện của các thiết bị số hiện đại đã đưa nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số. Điều này đặt ra một vấn đề trong công tác giáo dục là cần hình thành cho người học năng lực số - năng lực cốt lõi của kỷ nguyên số. Việc bồi dưỡng năng lực số ở trường tiểu học và trung học là điều hết sức cần thiết (Kallas & Pedaste, 2022). Năng lực số đã được nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm nghiên cứu trên nhiều khía cạnh, trong đó các tác giả đã đề cập đến khung năng lực số cho nhiều đối tượng, có thể kể đến như: Khung năng lực số châu Âu cho người dân (DigComp) (Vuorikari và cs., 2022); Khung năng lực số toàn cầu (DLGF) của UNESCO (2018); Khung năng lực số cho nhà giáo dục châu Âu (DigcompEdu) (UNICEF, 2022)... Ở Việt Nam, một số nghiên cứu ban đầu cũng đã làm rõ khái niệm năng lực số và đề xuất khung năng lực số cho học sinh phổ thông và sinh viên, như: Khung năng lực số cho học sinh phổ thông Việt Nam (Vinh và cs., 2021); Khung năng lực số cho sinh viên (Hùng và cs., 2021)…
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể và chương trình GDPT môn Tin học định hướng 5 phẩm chất và 10 năng lực trong đó có năng lực tin học được mô tả chi tiết cho học sinh các cấp (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018). Tuy nhiên, theo những nghiên cứu của tác giả, việc làm rõ mối liên hệ giữa năng lực tin học và năng lực số của học sinh tiểu học thì chưa có nghiên cứu nào đề cập đến, bên cạnh đó việc đề xuất khung năng lực số cụ thể cho đối tượng là giáo viên tiểu học và sinh viên ngành giáo dục tiểu học (GDTH) cụ thể thì chưa có công trình nào công bố. Trên cơ sở phân tích năng lực tin học trong chương trình GDPT 2018 môn Tin học và các khung năng lực số hiện hành trên thế giới cũng như ở Việt Nam, bài viết làm rõ hơn khái niệm năng lực số, tìm mối liên quan giữa năng lực tin học và năng lực số của học sinh tiểu học, đồng thời đề xuất các thành tố năng lực số của giáo viên, sinh viên ngành GDTH và các yêu cầu cần đạt được mô tả chi tiết, rõ ràng của từng thành tố.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp phân tích và tổng hợp các tài liệu trong và ngoài nước của các tác giả về năng lực số và khung năng lực số của công dân và học sinh phổ thông, tài liệu trong nước về chương trình GDPT tổng thể và chương trình GDPT môn Tin học năm 2018. Trên cơ sở đó, tác giả so sánh, đối chiếu sự tương đồng giữa năng lực tin học và năng lực số của học sinh tiểu học và đề xuất các yêu cầu cần đạt về năng lực số làm cơ sở xây dựng khung năng lực số cho giáo viên và sinh viên ngành GDTH trong bối cảnh giáo dục hiện nay.
3. Nội dung nghiên cứu
3.1. Khái niệm năng lực số
Sánchez-Caballé và cs.(2020) cho thấy năng lực số có thể có nhiều tên gọi khác nhau như: kỹ năng/năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), kỹ năng công nghệ, kỹ năng công nghệ thông tin, hiểu biết về thông tin, hiểu biết về kỹ thuật số và kỹ năng số. Theo UNESCO, năng lực số là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, tích hợp, giao tiếp, đánh giá và tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua các công nghệ kỹ thuật số cho việc làm và khởi nghiệp. Năng lực này bao gồm các năng lực được gọi chung là hiểu biết về máy tính, hiểu biết về công nghệ thông tin, hiểu biết về thông tin và hiểu biết về truyền thông (UNESCO, 2018). Tang & Chaw (2016) đưa ra định nghĩa năng lực số là nhận thức, thái độ và khả năng của mỗi cá nhân sử dụng hợp lý các công cụ và cơ sở vật chất kỹ thuật số để xác định, truy cập, quản lý, kết hợp, đánh giá, phân tích và tổng hợp tài nguyên số, xây dựng kiến thức mới, tạo biểu thị truyền thông và giao tiếp với người khác, trong các tình huống đời sống cụ thể, nhằm thực hiện hành động xã hội mang tính xây dựng và để phản tư về quá trình này. Cazco và cs. (2016) cho rằng năng lực số là giá trị, niềm tin, kiến thức, khả năng và thái độ sử dụng công nghệ một cách thích hợp, bao gồm máy tính cũng như nhiều phần mềm khác nhau và mạng Internet, cho phép nghiên cứu, truy cập, tổ chức và sử dụng thông tin để hình thành kiến thức.
Qua phân tích các khái niệm năng lực số của các tổ chức và tác giả trên, chúng tôi đưa ra một định nghĩa tổng quát về năng lực số như sau: Năng lực số là khả năng mà người học hiểu biết và sử dụng thành thạo về các phương tiện công nghệ số, biết tìm kiếm, khai thác, đánh giá và sử dụng hợp lý thông tin từ môi trường số, có khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin, giao tiếp và hợp tác hiệu quả với người khác trên nền tảng công nghệ số, biết thể hiện vai trò, thái độ, trách nhiệm của cá nhân cũng như khả năng nhận biết, đánh giá và giải quyết các vấn đề, đảm bảo sự an toàn cho bản thân và người khác từ môi trường số đồng thời linh hoạt nắm bắt xu thế để phát triển bản thân trong thời đại số.
3.2. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và yêu cầu cần đạt về năng lực số của học sinh tiểu học
Chương trình GDPT tổng thể và chương trình GDPT các môn học/hoạt động giáo dục được ban hành năm 2018 đã tạo sự một sự đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục và đào tạo ở các cấp học. Chương trình hướng tới hình thành cho học sinh 5 phẩm chất và 10 năng lực, trong đó có năng lực tin học là một trong những năng lực đặc thù, gồm các thành phần: sử dụng và quản lý các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông; ứng xử phù hợp trong môi trường số; giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học; hợp tác trong môi trường số
Đối sánh các biểu hiện năng lực tin học của học sinh tiểu học với khung năng lực số toàn cầu DLGF (UNESCO, 2018) và khung năng lực số cho học sinh phổ thông Việt Nam do nhóm tác giả Lê Anh Vinh và cs. (2021) xây dựng, chúng tôi thấy có nhiều điểm tương đồng, điều này chứng tỏ năng lực tin học của chương trình GDPT cũng chính là năng lực số (Bảng 1).
Như vậy, có thể thấy năng lực tin học của học sinh tiểu học trong chương trình GDPT về cơ bản đều ánh xạ đến các thành phần của khung năng lực số DLGF và khung năng lực số học sinh phổ thông Việt Nam.
3.3. Năng lực số của giáo viên và sinh viên ngành Giáo dục tiểu học đáp ứng đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Năng lực số cho học sinh tiểu học chủ yếu được hình thành và phát triển qua môn Tin học. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tin học trong các môn học và hoạt động giáo dục khác cũng góp phần quan trọng. Như vậy, không chỉ giáo viên tin học mà giáo viên tiểu học dạy các môn văn hoá cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển năng lực số cho học sinh. Điều này đòi hỏi sinh viên ngành GDTH cũng cần có những nền tảng về năng lực số. Trên cơ sở các yêu cầu cần đạt về năng lực số của học sinh tiểu học cùng với việc tham khảo các khung năng lực số hiện hành trên thế giới và ở Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất các yêu cầu cần đạt về năng lực số đối với giáo viên và sinh viên ngành GDTH như Bảng 2.
4. Kết luận
Trên thế giới và ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu các khía cạnh khác nhau về năng lực số, tuy có những cách tiếp cận khác nhau nhưng đều có những điểm thống nhất về khái niệm năng lực số, các thành tố của năng lực số và biểu hiện của các thành tố đó. Phân tích chương trình GDPT 2018 và các khung năng lực số hiện hành cho thấy sự tương đồng về biểu hiện các thành tố của năng lực tin học và năng lực số số đối với học sinh phổ thông nói chung và học sinh tiểu học nói riêng. Đây là cơ sở để xác định các yêu cầu cần đạt và đề xuất khung năng lực số cho người làm công tác giáo dục cấp tiểu học đồng thời cũng là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học đổi mới chương trình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực số cho sinh viên đại học ngành GDTH. Trong tương lai, năng lực số sẽ là một năng lực nghề nghiệp cốt lõi, do đó ngay từ bây giờ, cần phải có lộ trình để đưa năng lực này là một phần trong công tác bồi dưỡng giáo viên cũng như đào tạo nghề cho sinh viên sư phạm nói chung và sinh viên ngành GDTH nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể, Chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học, Hà Nội.
2. H. O. Cazco, M. C. González, F. M. Abad, J. E. D. Altamirano, M. E. S. Mazón (2016), “Determining factors in acceptance of ICT by the university faculty in their teaching practice”, ACM International Conference Proceeding Series, 02-04-Nove, pp. 139-146. 12093. Kallas, M. Pedaste (2022), “How to improve the digital competence for e-learning?”, Applied Sciences (Switzerland), 12(13).
4. Sánchez-Caballé, M. Gisbert-Cervera, F. Esteve-Mon (2020), “The digital competence of university students: A systematic literature review”, Aloma, 38(1), pp. 63-74.
5. Tang, L. Y. Chaw (2016), “Digital literacy: A prerequisite for effective learning in a blended learning environment?”, Electronic Journal of e- Learning, 14(1), pp. 54-65.
6. UNESCO (2018), A Global Framework of Reference on Digital Literacy Skills for Indicator 4.4.2. Information Paper No51, 51, p. 146.
7. UNICEF (2022), Educators’ Digital Competency Framework, European Union.
8. Vuorikari, S. Kluzer, Y. Punie (2022), DigComp 2.2. The digital competence framework for citizens. With new examples of knowledge, skills and attitudes, Publications Office of the European Union.
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Đặc trưng chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu07/10/2024
- Trẻ em có thể dạy cho chúng ta điều gì về khoa học thần kinh ẩn sau sự tò mòNghiên cứu06/09/2024
- Các nhà tâm lý học phát hiện ra hiện tượng sởn gai ốc diễn ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩNghiên cứu21/06/2024
- A Systematic Review of Problem-Solving Skill Development for Students in STEM EducationNghiên cứu06/06/2024
- Proposing and Experimenting with a Public University Governance Model and MechanismsNghiên cứu03/06/2024
- Internal Quality Assurance of Initial Teacher Education Programs in Vietnam: A Descriptive StudyNghiên cứu03/06/2024
- Developing an Integrated Model to Early Childhood Education and Care in Vietnam: Perspectives of Early Childhood EducatorsNghiên cứu02/06/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024