“Về nguồn” – chuyến thực tế chuyên môn nhiều ý nghĩa và cảm xúc
Không phải chỉ những người đã từng đi qua chiến tranh mới thấu hiểu được những mất mát, đau thương mà nhân dân ta đã trải qua trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ trẻ như chúng tôi, dù chưa từng trải qua cảnh mưa bom, bão đạn nhưng phần nào vẫn cảm nhận được điều đó, trân quý giá trị của hòa bình mà các thế hệ cha anh đã hi sinh để có được thông qua những bài học lịch sử, những cuốn phim tư liệu, những bài học đạo đức và qua cả những chuyến “về nguồn”.
Về nguồn đã trở thành truyền thống của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trường Đại học Vinh. Năm nay, chúng tôi đã tổ chức chuyến về nguồn vào những ngày cuối tháng 7, nhân kỉ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022). Chuyến xe về nguồn của đoàn cán bộ giảng dạy lý luận chính trị Trường Đại học Vinh do PGS.TS. Trần Viết Quang (Phó Hiệu trưởng trường Khoa học Xã hội và Nhân văn), TS. Trần Cao Nguyên (Phó trưởng khoa Giáo dục Chính trị) là trưởng đoàn, đã xuất phát từ sáng ngày 28/7/2022, điểm đến của hành trình là những “địa chỉ đỏ” nằm trên các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Địa điểm đầu tiên đoàn đặt chân tới là Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 nữ chiến sĩ thanh niên xung phong đã anh dũng hi sinh sau cuộc oanh tạc của không quân Mỹ ngày 24/7/1968. Ngày hôm đó, đất trời Đồng Lộc tấp nập đón những đoàn người hành hương ở khắp mọi miền Tổ quốc về với nơi trong chiến tranh mệnh danh là “tọa độ chết”, nơi mà 1m2 đất phải hứng chịu 3 quả bom cày xới, thấm đẫm máu xương của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Cùng với Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong là khu Tượng đài Tổ quốc ghi công Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, phía đằng sau có mười ngôi mộ trắng nghi ngút khói nhang được bao bọc bởi rừng cây xanh mát. Đoàn chúng tôi đã thành kính dâng hương tưởng nhớ, biết ơn sự hi sinh của các chị - những cô gái dũng cảm ngã xuống cho hòa bình của Tổ quốc.
Ảnh: Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong
Tiếp tục hành trình về nguồn, đoàn đi vào Quảng Bình, ghé thăm quan địa đạo Vịnh Mốc. Đây là di tích quốc gia đặc biệt mang nhiều giá trị lịch sử, giáo dục to lớn, là biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất diệt, ý chí quật cường và sự sáng tạo của cha ông ta trong những năm kháng chiến. Giữa những năm bom đạn ác liệt, không ai có thể ngờ rằng lại có một địa đạo Vịnh Mốc – một thế giới sống và chiến đấu ở trong lòng đất, biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Tận mắt tham quan, chúng tôi cảm nhận được sự chịu đựng gian khổ, sức sáng tạo không ngừng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân Quảng Trị trong những năm chiến tranh.
Ảnh: Đoàn thăm quan Địa đạo Vịnh Mốc
Một địa chỉ không thể không ghé qua ở Quảng Bình là Tượng đài Mẹ Suốt anh hùng. Đến đây, đứng bên dòng sông Nhật Lệ, thắp nén tâm hương cho Mẹ, trong lòng lại hiện lên những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về mẹ Suốt - người đã lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm 1964 - 1967:
Gan chi gan rứa mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…
(Trích: Mẹ Suốt – Tố Hữu)
Ảnh: Đoàn dâng hương tại Tượng đài Mẹ Suốt anh hùng
Sau Quảng Bình, đoàn tiếp tục chuyến hành trình vào Quảng Trị, tới dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Trị là nơi chịu sự đánh phá ác liệt, mất mát và hi sinh bậc nhất cả nước. Chúng tôi- những người được sống trong hòa bình, nghiêng mình trước anh linh liệt sĩ đã ngã xuống nơi đại ngàn Trường Sơn, từng nén nhang thắp lên phần mộ các liệt sĩ như hàng ngàn, hàng vạn lời tri ân sâu sắc gửi tới những người đã ngã xuống, hòa máu xương vào đất mẹ anh hùng.
Ảnh: Đoàn dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt – Gio Linh – Quảng Trị. Nơi đây quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ và tưởng niệm hơn 10.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hi sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, nơi đây còn trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta.
Ảnh: Cán bộ, giảng viên thắp hương phần mộ các anh hùng liệt sĩ
Chuyến hành trình về nguồn đến với địa chỉ đỏ tiếp theo là Thành cổ Quảng trị, nơi ghi dấu cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972). Nơi đây đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng nghìn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống. Xương máu của các anh đã hóa thân vào từng tấc đất, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn "ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng"... "
Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
(Trích thơ "Lời người bên sông" - Lê Bá Dương)
Ảnh: Thành cổ Quảng Trị và Cột cờ Hiền Lương - Vĩ tuyến 17
Trên hành trình trở về, chúng tôi ghé thăm cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải - vĩ tuyến 17. Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), vĩ tuyến 17 chính là nơi đánh dấu sự chia cắt đất nước thành 2 miền Nam - Bắc.
Hành trình về nguồn của đoàn giảng viên giảng dạy Lý luận chính trị - Trường Đại học Vinh đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi. Chuyến đi là một vinh dự, tiếp thêm niềm tự hào dân tộc, giúp cán bộ giảng viên thêm niềm tin, thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, tu dưỡng đạo đức, sống có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, hành trình về nguồn còn có ý nghĩa sâu sắc nhằm góp phần tăng cường giáo dục tình cảm cách mạng, truyền thống lịch sử cho các thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên thông qua những bài giảng của giảng viên cho sinh viên Trường Đại học Vinh.
(Viết bài: Nguyễn Thị KimThi; Ảnh: Phạm Thị Thúy Hồng)
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- TOẠ ĐÀM KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 – 20/11/2024)Tin tức18/11/2024
- Lịch sử và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam - 20/10Tin tức16/10/2024
- TỔ CHỨC PHỐI HỢP, HIỆP ĐỒNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG GIẢI PHÓNG TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAMNghiên cứu29/09/2024
- ĐẠI HỘI LỚP - CHI ĐOÀN – CHI HỘI CÁC LỚP 62A, 63A, 64A KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ NĂM HỌC 2024 – 2025 THÀNH CÔNG TỐT ĐẸPTin tức28/09/2024
- KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TỔ CHỨC BUỔI CHÀO ĐÓN SINH VIÊN KHÓA 65 NỒNG ẤM, ĐOÀN KẾT VÀ GỬI GẮM NHIỀU KỲ VỌNG TỚI SINH VIÊN TOÀN KHOATin tức26/09/2024
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XXNghiên cứu30/08/2024
- ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG (2013 – 2023)Nghiên cứu29/08/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Seminar: Sự trỗi dậy của New York như là một kinh đô nghệ thuật mớiNghiên cứu22/11/2024
- Đội Thể thao số 1 của Công đoàn Trường Sư Phạm đạt vị trí Nhất toàn đoàn trong giải Thể thao Công đoàn Trường Đại Học Vinh năm 2024Công đoàn22/11/2024