ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Sau hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết trên, Đảng đã tổng kết:“Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên”[1]. Đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, Đảng đã đánh giá: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”[2]. Nguyên nhân sâu xa chính là công tác giáo dục tư tưởng, chính trị nói chung và giáo dục lý luận chính trị nói riêng còn hạn chế, khiếm khuyết. Đó là “việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”[3] .Do vậy, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, công tác giáo dục lý luận chính trị cần đổi mới cả về nội dung và phương thức, mới đáp ứng được nhiệm vụ cách mạng trong bối cảnh lịch sử mới.
1. Đổi mới về nội dung giáo dục lý luận chính trị
- Trước hết, để giáo dục lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nội dung giảng dạy không chỉ khẳng định, mà cần phải lý giải một cách sâu sắc, có sức thuyết phục về bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin và giá trị về di sản vô giá của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.
Tại Đại hội lần thứ VI (12-1986) Đảng đã nhận định: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[4]. Nội dung giáo dục lý luận chính trị phải minh chứng một cách thuyết phục vì sao Hồ Chí Minh lại khẳng định: “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[5]. Bởi học thuyết đó không chỉ vạch đường hướng cho con đường cách mạng vô sản, con đường giải phóng triệt để không chỉ giải phóng dân tộc, giai cấp mà còn giải phóng con người, đưa lại hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời, học thuyết này còn là một “học thuyết mở”, đó là “Học thuyết của Mác là lý luận của sự phát triển chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”[6]. Bởi vì “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn lạc hậu đối với cuộc sống”[7].
Với tư tưởng Hồ Chí Minh, cần làm rõ được đó là sự vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam với ba cấp độ: vận dụng đúng đắn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam và vận dụng có phát triển trong điều kiện lịch sử mới.
- Công tác giáo dục lý luận chính trị là hoạt động truyền thụ, bồi dưỡng kiến thức, lý luận về chính trị, pháp luật, đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đó xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Do đó, nội dung giáo dục lý luận chính trị cần khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, thông qua những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là sự minh chứng sinh động, khẳng định tính ưu việt của chế độ; truyền thống đoàn kết, yêu nước, lòng nhân ái và ý chí kiên cường của nhân dân ta. Càng trong khó khăn, thử thách, truyền thống và ý chí đó càng được nhân lên gấp bội, là nguồn lực và động lực to lớn, không một thế lực nào có thể ngăn cản, để xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, đất nước tiếp tục đi lên, dân tộc phát triển cường thịnh, trường tồn. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”[8].
- Nội dung giáo dục cần cập nhật, bổ sung các nội dung phù hợp với thực tiễn đất nước và thế giới. Thường xuyên, kịp thời cung cấp thông tin về những quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên. Trên thực tế, không ít trường hợp không nắm vững đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ quan dẫn đến giải quyết công việc kém hiệu quả, thậm chí phương hại đến lợi ích của tập thể hoặc cá nhân khác. Một bộ phận cán bộ, đảng viên lúng túng, xa rời sự chỉ đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chậm triển khai hoặc triển khai thực hiện không đến nơi đến chốn, để lại hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, khi bàn về công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân kiến thức lý luận chính trị vững chắc, từ đó có khả năng nhận diện các quan điểm sai trái.
Nội dung giáo dục lý luận chính trị cần tăng tính tổng kết thực tiễn, kết hợp lý luận với thực tiễn, gắn giáo dục với giải quyết các vấn đề thực tế. Giáo dục lý luận chính trị không chỉ truyền một chiều mà cần phải biết vận dụng tri thức lý luận chính trị vào thực tiễn. Năng lực hoạt động thực tiễn là một trong những tiêu chí quan trọng được Đảng Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12/5/1999 về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng đưa ra nguyên tắc chung tại Điều 1: Học tập là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn.
- Đồng thời với việc đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, tránh trùng lắp giữa các chương trình (sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị…) để hấp dẫn người học; trong bối cảnh các thế lực cơ hội, thù địch tăng cường chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, cần trang bị cho thêm cho người học những chuyên đề cần thiết để nhận diện và kịp thời đấu tranh phản bác lại những thông tin thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt sai sự thật của các thế lực thù địch trên các phương tiện, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
2. Đổi mới về phương thức giáo dục lý luận chính trị
- Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục lý luận chính trị lấy người học làm trung tâm, chuyển đổi từ phương pháp giảng dạy thụ động (giảng viên nói, người học ghi) sang phương pháp tương tác, khuyến khích người học thảo luận, đặt câu hỏi. Tăng cường sử dụng phương pháp học qua tình huống và phản biện. Khuyến khích tự học, tự nghiên cứ bằng cách giảng viên lý luận xây dựng ngân hàng tài liệu tham khảo phong phú, dễ tiếp cận, bao gồm sách, bài viết, tài liệu số hóa. Trên cơ sở cung cấp tài liệu, giảng viên hỗ trợ người học phát triển kỹ năng nghiên cứu độc lập và phân tích lý luận. Tổ chức các hội thảo trực tuyến, tọa đàm và diễn đàn tương tác để người nghe, người học có thể trao đổi ý kiến. Khơi dậy hứng thú và nâng cao khả năng tiếp thu của người học.
- Trong quá trình giảng dạy, phải biết lựa chọn nội dung cốt lõi nhất để đi sâu phân tích, truyền thụ, ngắn gọn, súc tích, cô đọng, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ tổ chức thực hiện.
Chẳng hạn khi trình bày nghị quyết các cấp, giảng viên cần xác định thật cụ thể, rõ ràng khâu đột phá để giải quyết nhiệm vụ then chốt, khâu yếu, mặt yếu, tạo bước phát triển, bảo đảm tính hấp dẫn, tính khoa học, vừa bảo đảm tính thực tiễn. Khắc phục tình trạng giảng dạy nghị quyết chung chung chỉ về lý thuyết, dàn trải, kinh viện, xa rời thực tiễn. Để thực hiện được điều này giảng viên không chỉ nắm vững nội dung của vấn đề cần truyền đạt mà cần có kỹ năng sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy hiện đại trong việc thực hiện truyền thụ kiến thức lý luận chính trị.
- Sử dụng công nghệ, phương pháp giảng dạy hiện đại, đa phương tiện để tăng tính hấp dẫn, hiệu quả: Tăng cường sử dụng video, đồ họa, và hình ảnh minh họa trong bài giảng để tạo sự sinh động. Kết hợp các chương trình tuyên truyền, giáo dục lý luận với hoạt động thực tế tại cơ sở, như thăm quan di tích lịch sử cách mạng, giao lưu với nhân chứng lịch sử. Sử dụng các kênh truyền thông chính thống và mạng xã hội để phổ biến các giá trị tích cực, đồng thời phản bác lại thông tin sai lệch.
Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực thù địch triệt để tận dụng công cụ truyền thông, báo chí, không gian mạng để đẩy mạnh hoạt động chống phá về tư tưởng. Chúng tăng cường thực hiện nhiều chiêu thức khác nhau, như xuất bản tài liệu, ấn phẩm sách báo, tạp chí, tập san, tờ rơi...; thành lập trang web, blog, các kênh phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt; ….Đặc biệt, lợi dụng quá trình “chuyển đổi số”, các thế lực thù địch đã số hóa các dữ liệu không có thật, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ Đảng, lãnh đạo Đảng và Nhà nước...; thiết lập cơ sở dữ liệu, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn (Big Data)... để tạo ra các dữ liệu, tài liệu giả theo kiểu “có giá trị như thật” nhằm chống Đảng và Nhà nước. Các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Do vậy, công tác giáo dục lý luận chính trị cần đổi mới hơn nữa về hình thức giáo dục, sử dụng các nền tảng trực tuyến, tổ chức lớp học từ xa, phù hợp với xu hướng số hóa giáo dục. Phát triển các ứng dụng và cổng thông tin giáo dục chuyên biệt, giúp người học tự nghiên cứu và kiểm tra kiến thức.
3. Để đổi mới nội dung và phương thức giáo dục lý luận chính trị có hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp
- Trước hết, cần xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Đảm bảo đội ngũ giảng viên lý luận chính trị được trang bị kiến thức sâu rộng, kỹ năng giảng dạy hiện đại và khả năng ứng dụng công nghệ. tiếp tục nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng dạy lý luận chính trị, trong đó tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Ngoài việc bám sát nội dung kiến thức trong khung chương trình giáo trình, đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần tích cực, chủ động, kịp thời cập nhật, bổ sung các kiến thức mới về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là những kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và các vấn đề do thực tiễn đang đặt ra. Chủ động và kịp thời nhận diện, kiên quyết phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong mọi tình huống.
- Thứ hai, cần tập trung các nguồn lực khoa học nghiên cứu sâu sắc hơn về sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới hiện nay ở Việt Nam. Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta”[9]. Do vậy, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ ra cần chú trọng hơn nữa việc nghiên cứu lý luận, “không thể kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành cùng thực tiễn”, “phải có tầm nhìn vượt trước”[10]. Đó chính là sự quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới để bổ sung, phát triển lý luận của Đảng. Tiếp tục bổ sung, phát triển hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”[11].
- Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội để xây dựng một môi trường chính trị, tư tưởng lành mạnh. Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý luận chính trị góp phần thúc đẩy nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chiến lược lâu dài để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ từ nhiều phía, từ cấp lãnh đạo đến toàn thể xã hội. Đồng thời cần huy động sức mạnh tổng hợp của các “binh chủng” truyền thông để kiên quyết và kiên trì đấu tranh, phá tan âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động hòng phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên tất cả mọi lĩnh vực.
- Thứ tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị, nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu của đội ngũ làm công tác lý luận, học tập phương thức tiên tiến của thế giới trong giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong giáo dục lý luận chính trị, gắn kết với đặc thù của Việt Nam. Khi hoạch định đường lối cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng chỉ rõ “phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo.”[12]. Tham khảo kinh nghiệm để đi tắt, đón đầu, nhưng không phải rập khuôn, máy móc. Điều này Hồ Chí Minh đã từng căn dặn “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”[13]. Do vậy, học tập kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị của các nước trên thế giới trong quá trình nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác quan điểm sai trái thù địch, cần chú trọng nghiên cứu đặc điểm thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
- Thứ năm, trước sự chống phá ngày càng nhiều thủ đoạn và càng tinh vi của các thế lực thù địch, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng đặt ra cấp thiết, do vậy vấn đề nâng cao nhận thức lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân cần được đặc biệt chú trọng. Trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Kết luận số 69-KL/TW ngày 14-4-2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quy định 54-QĐ/TW ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; Kết luận 57-KL/TW ngày 8-3-2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong bối cảnh hiện nay, khi công cuộc đổi mới ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu và nhiệm vụ mới, các cấp uỷ, tổ chức đảng, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cần quán triệt sâu sắc hơn những quan điểm trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (2022) của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là tài liệu có giá trị, phục vụ việc học tập, giáo dục lý luận chính trị, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là “việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta, truớc hết là các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân”[14].
- Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội, lợi dụng những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của nền kinh tế trị trường; một số yếu kém trong quản lý, điều hành của Nhà nước… các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để ra sức chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do vậy, đổi mới nội dung và phương thức giáo dục lý luận chính trị không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là bước đột phá quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, từ đó có sự sáng suốt, vững vàng trước những thử thách để có thể lựa chọn và đưa ra những quyết định đúng đắn, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cách mạng. Đồng thời, góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh lịch sử mới của đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H.2021.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1987.
- C.Mác, Ph.Ăngghen:Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995.
- V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.232.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, NxbCTQG, H, 2011
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10
- Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022.
[[1]]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H.2021, t.II, tr.170
[[2]]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,2021, Tập II, tr.168.
[[3]]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H.2021, t.II, tr.172.
[[4]]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.125
[[5]]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, NxbCTQG, H, 2011, tr. 289
[[6]]. C.Mác, Ph.Ăngghen:Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.628.
[[7]]. V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.232.
[[8]]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 104
[[9]]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.92.
[[10]]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.273.
[[11]]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 234 - 235
[[12]]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.92.
[[13]]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.391.
[[14]]. Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.399
Bài viết của tác giả: TS. Trần cao Nguyên
Duyệt đăng: BBT
- TỔ CHỨC PHỐI HỢP, HIỆP ĐỒNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG GIẢI PHÓNG TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAMNghiên cứu29/09/2024
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XXNghiên cứu30/08/2024
- ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG (2013 – 2023)Nghiên cứu29/08/2024
- Thực trạng và những vẫn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0Nghiên cứu06/04/2024
- Bộ Giáo dục: Học Sư phạm ra, khả năng có việc làm là rất caoNghiên cứu20/03/2024
- SEMINAR KHOA HỌC CỦA KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ - TRƯỜNG SƯ PHẠM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH (Tháng 1- năm 2024)Nghiên cứu24/01/2024
- TRAO ĐỔI VỀ VẤN ĐỀ TỰ HỌC TRONG SINH VIÊN HIỆN NAYNghiên cứu10/01/2024
- Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng và sự vận dụng của Đảng ta trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu04/01/2024
- 🔥🔥THÔNG TIN TUYỂN SINH KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ NĂM 2025 🔥Tin tức05/05/2025
- Hành trình của sinh viên Khoa Hóa học tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường Sư phạm năm học 2024 - 2025Giới thiệu28/04/2025
- Sôi nổi hội thi rèn nghề ngành Quản lý giáo dục và Tâm lý học giáo dụcTin tức28/04/2025
- Thông tin tuyển sinh ngành Sư phạm Tin học năm 2025Tin tức24/04/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2024-2025Nghiên cứu23/04/2025
- Cơ cấu tổ chức - Khoa Giáo dục thể chấtKhoa Giáo dục thể chất23/04/2025
- Cơ cấu tổ chức - Khoa Sinh họcCơ cấu tổ chức22/04/2025
- Khoa Ngữ văn tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa họcNghiên cứu16/04/2025