TỔ CHỨC PHỐI HỢP, HIỆP ĐỒNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG GIẢI PHÓNG TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM
Cuộc Tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đã buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
Theo Hiệp định, Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc nước ta, song Hà Nội còn nằm trong vùng tập kết 80 ngày, Hải Dương nằm trong vùng tập kết 100 ngày, Hải Phòng, Kiến An, Hồng Quảng cùng 2 huyện Kim Môn, Kim Thành thuộc Hải Dương nằm trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp.
Lợi dụng thời gian còn ở Hà Nội, thực dân Pháp ráo riết tổ chức phá hoại ta về mọi mặt. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Thành ủy Hà Nội, quân dân Thủ đô Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực, kiên cường, mưu trí đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động phá hoại của địch.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội rợp cờ hoa, năm cửa ô tưng bừng đón mừng những đoàn quân hùng dũng tiến vào giải phóng, tiếp quản Thủ đô Hà Nội hầu như còn nguyên vẹn. Đó là cách kết thúc một cuộc chiến tranh rất đặc biệt, rất độc đáo, rất “Việt Nam”. Đồng thời, vừa là kết quả, vừa là sự thể hiện sinh động truyền thống đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Thắng lợi đó góp phần tô đậm, làm phong phú và nâng nghệ thuật quân sự đặc sắc “quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng” của dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới
Nói đến chiến tranh là nói sự tàn phá, hủy diệt, nên giữ được nguyên vẹn một thành phố lớn sau chiến tranh đối với một quốc gia bị đánh chiếm là hết sức khó khăn. Do đó, việc giữ nguyên vẹn Thủ đô Hà Nội, sau cuộc chiến tranh tàn khốc, kéo dài suốt 9 năm là một kỳ tích của quân dân Việt Nam và trở thành một sự kiện đặc biệt, hiếm có trong lịch sử chiến tranh thế giới. Sự kiện đó không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu, là sự phát triển biện chứng của cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ” của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là bằng chứng sinh động về sức mạnh của văn hóa Việt Nam, văn hóa “1000 năm Thăng Long-Hà Nội”, bằng chứng về sự toàn thắng của trí tuệ, của ý chí nghị lực, tinh thần Việt Nam trước sự hung bạo của thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, phản cách mạng và trước sức mạnh của vũ khí kỹ thuật hiện đại.
Cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc chiến tranh không cân sức với ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với niềm tin tưởng vào thắng lợi của cuộc chiến tranh chính nghĩa và sức mạnh của thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Theo đúng quy luật của chiến tranh: Chiến thắng thuộc về chính nghĩa. Trong cuộc chiến tranh ấy ta từng bước giành thế chủ động, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Địch từng bước lún sâu vào thế bị động, càng đánh càng thua. Đặc biệt khi thực dân Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức, triển khai thực hiện Kế hoạch Na-va, cố gắng cuối cùng của chúng trong chiến tranh Đông Dương, với mưu đồ tập trung xây dựng các binh đoàn cơ động mạnh và tổ chức tiến công tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta, bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng.
Để đập tan Kế hoạch Na-va, ta đã chủ động mở cuộc Tổng tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954. Với năm đòn tiến công chiến lược buộc Pháp rải quân ra khắp chiến trường Đông Dương, trong đó Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung quân lớn nhất, tạo cơ hội cho ta tổ chức chiến dịch tiêu diệt lớn sinh lực địch, đi đến kết thúc chiến tranh. Như vậy, lực lượng địch trong các thành phố và ở Hà Nội sẽ suy giảm, do đó, khi phải chấm dứt chiến tranh, dù có mưu đồ phá hoại thành phố Hà Nội, song chúng cũng khó có thể thực hiện được.
Mặt khác, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của đất nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ việc giải phóng, tiếp quản Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ mang tầm vóc chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với cả 300 ngày chuyển quân tập kết, tác động sâu sắc tới sự phát triển tình hình về sau và ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của ta trên trường quốc tế.
Bác Hồ quan tâm chỉ đạo trực tiếp việc tiếp quản Thủ đô. Ngày 19 tháng 9 năm 1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ), nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 trên đường tiến về tiếp quản Thủ đô, Bác căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.... Tám chín năm nay do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội, vì thế các chú được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, là nhận được một vinh dự rất lớn...”.
Với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 350, Bác nhắc nhiều về việc chống “viên đạn bọc đường” khi vào giải phóng Thủ đô. Bác còn trực tiếp viết tài liệu giáo dục “Mấy lời dặn các đơn vị bộ đội vào thành”, Người dạy “Suốt tám năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú phải làm kiểu mẫu đúng đắn để tranh lấy thắng lợi trong hoà bình[1].
Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản, từ ngày 3 tháng 7 năm 1954, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về “Bảo hộ các thành phố mới được giải phóng” định rõ phương châm, chính sách và chế độ quân quản đối với những nơi này, đồng thời ban hành 8 chính sách đối với những thành phố mới giải phóng và 10 điều kỷ luật của bộ đội, nhân viên công tác khi vào tiếp quản.
Ngày 6 tháng 9 năm 1954, Trung ương Đảng ra nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô[2], đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản. Đảng ủy tiếp quản chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn bộ các mặt quân sự, hành chính, kinh tế, văn hoá, xã hội và trật tự an ninh trong thành phố. Trong đó, đồng chí Vương Thừa Vũ phụ trách về quân sự. Tiếp đó, ngày 17 tháng 9 năm 1954, Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban quân chính Hà Nội. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó chủ tịch.
Trong hai ngày 17 và 18 tháng 9 năm 1954, Hội đồng Chính phủ đã họp nghe đồng chí Trần Duy Hưng thay mặt Ủy ban quân chính thành phố báo cáo về kế hoạch tiếp quản Thủ đô.
Trung ương cũng điều động về Hà Nội hàng trăm cán bộ lấy từ các lớp học tiếp quản của Trung ương ở Việt Bắc và của Liên khu 3 để xây dựng bộ máy tiếp quản Thủ đô. Cùng với cán bộ của Hà Nội, bộ máy tiếp quản với những đội công tác phụ trách tiếp quản từng khu vực, từng ngành, từng đơn vị được tổ chức từ trên xuống dưới, cả nội và ngoại thành.
Đảng ủy tiếp quản gấp rút mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho 500 cán bộ các ngành trước khi về hoạt động ở Thủ đô. Đồng thời cũng cấp tốc bồi dưỡng đào tạo hàng trăm cán bộ cốt cán từ thành phố đưa ra.
Đến ngày 20 tháng 9 năm 1954, ta đã chuẩn bị xong một đội ngũ cán bộ chính trị và quân sự cùng cán bộ chuyên môn kỹ thuật có đủ khả năng nắm và điều hành các cơ sở công nghiệp, thương nghiệp, ngân hàng, tài chính, giao thông vận tải, nhà ga, sân bay, bến cảng và các cơ quan y tế, giáo dục, thông tin văn hoá ... một khi địch chuyển giao sang tay ta.
Đối với quân dân Hà Nội, tiếp quản Thủ đô không đơn thuần là tiếp nhận - bàn giao mà là thực sự là cuộc đấu trí, đấu lực gay go phức tạp của ta trước sự ngoan cố, hung hãn, tráo trở và trước những âm mưu hành động phá hoại của đạo quân thất trận thực dân. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp hiệp động chặt chẽ nhịp nhàng giữa các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp mới có thể giành thắng lợi.
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã triển khai nhiều mặt công tác, trong đó chú trọng tập trung chấn chỉnh tổ chức và tăng cường cán bộ cho cơ sở. Trước hết, lựa chọn điều động 30 cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm xây dựng phong trào, am hiểu tình hình địa phương để vào nội thành xây dựng lực lượng tự vệ; thành lập Ban chỉ huy “quân báo thống nhất” để phối hợp điều tra âm mưu thủ đoạn của địch, tìm hiểu các công sở mà địch phải bàn giao cho ta, giúp Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh và Thành ủy đề ra chủ trương giúp các ngành, các lực lượng từng bước bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch tiếp quản.
Ban Cán sự Đảng nội thành cũng đã xác định trách nhiệm về xây dựng lực lượng tự vệ cho các cấp, các ngành, đồng thời tăng cường đảng viên, đoàn viên, quần chúng trung kiên vào lãnh đạo chỉ huy lực lượng tự vệ, phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng trong thành phố, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bên ngoài vào tiếp quản Thủ đô. Một mặt, hướng trọng tâm xây dựng lực lượng tự vệ nhằm vào các nhà máy xí nghiệp quan trọng trực tiếp đảm bảo cho hoạt động của thành phố. Mặt khác, xây dựng nhanh và mạnh phong trào ngoại thành, lấy ngoại thành làm bàn đạp để tiếp quản tốt nội thành.
Về mặt quân sự, để bảo vệ thành phố, đề phòng địch tráo trở, phá hoại và khắc phục những hậu quả mà chúng có thể gây ra, theo nhiệm vụ, kế hoạch được phân công, các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 sẽ tiếp quản toàn bộ các khu vực nội thành và thị trấn Gia Lâm, Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304 tiếp quản thị xã Hà Đông và những xóm làng phía tây, phía nam thành phố, các Trung đoàn 254 và 53 thuộc Đại đoàn 350 tiếp quản khu vực sân bay Bạch Mai.
Cùng với việc tích cực chuẩn bị lực lượng tiếp quản, cuộc đấu tranh chống địch phá hoại cơ sở hạ tầng, di chuyển máy móc vào Nam, chống cưỡng ép dân di cư vào Nam cũng diễn ra quyết liệt. Ở Nhà máy điện Yên Phụ, tối 8 tháng 10 năm 1954, phát hiện địch tháo dỡ máy, chuyển tài liệu, tự vệ nhà máy đã kiên trì đấu tranh suốt đêm, buộc chúng phải nhượng bộ, để nguyên hiện trạng máy móc, tài liệu chờ ta tiếp quản.
Ở Nhà máy đèn Bờ Hồ, ngày 12 tháng 9 năm 1954, lợi dụng lúc công nhân nghỉ việc, bọn chủ âm mưu đem những máy móc, dụng cụ, thiết bị đi Nam. Hai trăm công nhân và tự vệ đã kéo đến giữ lại, sau đó tổ chức canh gác, không chúng mang đi.
Ngày 9 tháng 10 năm 1954, tự vệ Nhà máy nước đã phát hiện và tháo dỡ kịp thời mìn đặt tại tháp nước Hàng Đậu. Tại Sở bưu điện, tự vệ và công nhân tại đây đã đấu tranh khiến địch không thực hiện được âm mưu đưa hồ sơ, tài liệu máy móc vào Nam hòng làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc bưu điện sau khi ta tiếp quản.
Ở ngoại thành, với việc tổ chức hoạt động bảo vệ mùa màng, thôn xóm, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân và xây dựng phong trào quần chúng, ta buộc định phải rút bỏ nhiều đồn bốt như Đồng Trị, Khương Thượng, Nhân Chính, Cầu Mới, Nhổn... và thu được nhiều vũ khí, đạn dược của địch[3] còn cất giấu hoặc bỏ lại, không để lọt vào tay bọn phản động.
Để chống lại âm mưu, thủ đoạn của địch dụ dỗ, cưỡng bức đồng bào di cư, Thành ủy ra chỉ thị, nhấn mạnh: “Một nhiệm vụ quan trọng trong lúc này là vận động nhân dân, công nhân, công chức, trí thức ở lại làm việc với Chính phủ ta, không để địch lôi kéo vào Nam, nhất là những người có kỹ thuật, có tên tuổi...”.
Thực hiện chỉ thị của Thành ủy, tự vệ các nhà máy xí nghiệp tổ chức đưa công nhân kỹ thuật ra vùng tự do. Tự vệ Nhà máy nước vận động được 30 gia đình đã chuẩn bị đi Nam ở lại. Tự vệ Nhà bưu điện đã vận động được hầu hết công nhân và nhân viên kỹ thuật trung, cao cấp ở lại.
Cuộc đấu tranh của quân dân Thủ đô diễn ra sôi nổi dưới nhiều hình thức phong phú, trong khuôn khổ trật tự, bình tĩnh với thái độ kiên quyết đúng mức, có lý lẽ chính đáng, có sự chứng kiến của Ủy ban kiểm soát quốc tế, đã ngăn chặn có hiệu quả sự phá hoại của địch.
Ngày 2 tháng 10, đồng chí Trần Danh Tuyên, Trưởng đoàn cán bộ hành chính của Chính phủ VNDCCH vào Hà Nội gặp Bộ chỉ huy quân đội Pháp để ký biên bản bàn giao toàn diện
Từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 10, Đội hành chính, Đội trật tự của ta đã tiến vào thành phố làm công tác chuẩn bị tiếp quản.
Ngày 5 tháng 10, Đội trật tự gồm 158 cán bộ, chiến sĩ công an có vũ trang vào Hà Nội để chuẩn bị nhận bàn giao các cơ quan công sở, các đồn cảnh sát của Pháp và ngụy quyền. Tiếp đó, 244 cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn Bình Ca (Tiểu đoàn 18) thuộc Trung đoàn Thủ đô cũng được lệnh vào trước để chuẩn bị tiếp nhận các công sở, xí nghiệp, doanh trại và cùng canh gác với binh lính Pháp ở 35 vị trí. Nhân dân thành phố hết sức phấn khởi, trước sự có mặt công khai, đàng hoàng của những đại diện đầu tiên của Chính phủ cách mạng.
Ngày 6 tháng 10, địch rút khỏi Văn Điển, ta đã tiếp thu và giải phóng quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành.
Theo kế hoạch tiếp quản Hà Nội của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, từ ngày 7 tháng 10, trên các hướng, những đơn vị chủ lực của ta đã tiến dần về thành phố.
Ngày 8 tháng 10, Ban tiếp thu quân sự của ta triển khai trong 6 khu vực nội thành và Gia Lâm, tiếp nhận bàn giao cơ quan và các vị trí quân sự. Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304 tiến vào chiếm lĩnh các khu vực đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Nhật Tân và bố trí canh gác cùng lính Pháp ở những vị trí cần thiết. Tự vệ và công nhân nhà máy canh gác bảo vệ xí nghiệp. Địch rút đến đâu ta tiếp quản tới đó.
18 giờ ngày 8 tháng 10 năm 1954, tướng Mát-Sông, đại diện cho quân đội Pháp đã làm lễ cuốn cờ về nước.
Ngày 9 tháng 10 năm 1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra bản Nhật lệnh cho các đơn vị vào Thành, nêu rõ: “Nhiệm vụ tiếp quản rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, do đó phải đoàn kết giữa các lực lượng để giữ gìn trật tự an ninh Thủ đô. Phải nêu cao kỷ luật, triệt để chấp hành 8 chính sách và 10 điều kỷ luật của Chính phủ, bảo vệ, tôn trọng, giúp đỡ nhân dân luôn nêu cao cảnh giác sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại”[4].
Ủy ban quân chính thành phố cũng đã ra thông cáo gửi toàn thể đồng bào, chiến sĩ Thủ đô.
Thực hiện kế hoạch tiếp quản, từ 5 giờ sáng đến 16 giờ ngày 9 tháng 10, các đơn vị được giao nhiệm vụ lần lượt tiến vào các vị trí để tiếp nhận bàn giao của đối phương. Lực lượng tự vệ làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội vào thành phố. Lực lượng tự vệ tại chỗ có nhiệm vụ hỗ trợ cho bộ đội trong việc tiếp nhận bàn giao của đối phương, đảm bảo bàn giao đầy đủ, hạn chế những thất thoát có thể xảy ra, nhất là các công trình phục vụ công cộng, như điện, nước, thông tin bưu điện....
Đến 16 giờ ngày 9 tháng 10, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm.
Cuối ngày 9 tháng 10 năm 1954, ta đã tiếp thu hoàn toàn thành phố Hà Nội an toàn và trật tự. Như vậy, sau một thời gian đấu trí, đấu lực quyết liệt với địch, ta đã tiếp thu tuyệt đối an toàn, nhanh gọn toàn bộ thành phố Hà Nội, bao gồm hàng loạt các căn cứ quân sự cùng 129 công sở, xí nghiệp, bệnh viện, trường học... được nguyên vẹn.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, đại quân ta từ năm cửa ô tiến vào Thủ đô Hà Nội. Cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Hà Nội hăng hái làm nhiệm vụ dẫn đường cho các cánh quân và cùng các đoàn thể cách mạng tổ chức giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Đúng 15 giờ ngày 10 tháng 10, nhân dân Hà Nội long trọng tổ chức Lễ chào cờ chiến thắng, xúc động nghe đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô Hà Nội: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời khỏi Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể... Toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí với Chính phủ, vượt mọi khó khăn làm cho Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh...”[5]
Thực hiện lời Bác, sau ngày tiếp quản, các tầng lớp nhân dân Hà Nội nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, sản xuất, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nếu trong nhiệm vụ “Mở đầu” và tiến hành kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược, quân dân Thủ đô chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thì trong nhiệm vụ tiếp quản giải phóng Thủ đô, quân dân Hà Nội lại nêu cao truyền thống đạo lý “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo”, đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực và các lực lượng khác, mưu trí, dũng cảm, kiên trì, bền bỉ đấu tranh buộc thực dân Pháp phải thực hiện đúng Hiệp định Giơ-ne-vơ, để Thủ đô Hà Nội được tiếp quản giải phóng hầu như còn nguyên vẹn và diễn ra trong hòa bình. Một cách kết thúc chiến tranh mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó cũng chính là một nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam “quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng” được quân dân Thủ đô kế thừa, phát triển lên tầm cao mới.
Tự hào với truyền thống, bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, truyền thống văn hóa “Xứ Đoài”, truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của lực lượng vũ trang Thủ đô, cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quyết tâm vượt mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, giàu đẹp, phồn vinh sánh vai cùng Thủ đô các nước trên thế giới.Theo TTXVN
Đăng bài: TS. Trần Cao Nguyên
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh về vấn đề quân sự. Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1975, trang 293.
[2] Đảng ủy tiếp quản Hà Nội gồm 11 đồng chí: Trần Quốc Hoàn, Trần Danh Tuyên, Lê Trung Toản, Lê Quốc Thân, Vương Thừa Vũ, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng, Trần Sâm, Minh Việt, Nguyễn Tài, Quang Nghĩa.
[3] Đến ngày tiếp quản tự vệ ngoại thành đã thu được 8.585 khẩu súng các loại cùng hàng chục tấn đạn dược.
[4] Nhật lệnh, diễn từ và thư động viên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1963.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7 (1953- 1955) NXBCTQG, H1996 (lần 2) trg 360.
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XXNghiên cứu30/08/2024
- ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG (2013 – 2023)Nghiên cứu29/08/2024
- Thực trạng và những vẫn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0Nghiên cứu06/04/2024
- Bộ Giáo dục: Học Sư phạm ra, khả năng có việc làm là rất caoNghiên cứu20/03/2024
- SEMINAR KHOA HỌC CỦA KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ - TRƯỜNG SƯ PHẠM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH (Tháng 1- năm 2024)Nghiên cứu24/01/2024
- TRAO ĐỔI VỀ VẤN ĐỀ TỰ HỌC TRONG SINH VIÊN HIỆN NAYNghiên cứu10/01/2024
- Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng và sự vận dụng của Đảng ta trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu04/01/2024
- ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH – NHÀ CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ XUẤT SẮC CỦA ĐẢNGNghiên cứu03/01/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024