Thực trạng và những vẫn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số (DTTS) ở khu vực miền núi Việt Nam hiện nay chính là toàn bộ lao động người DTTS – chủ thể chính trị ở khu vực miền núi, nguồn nhân lực này đang có khả năng tham gia vào các quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đưa đến những hy vọng mới cho nhân loại về sự phát triển của một nền văn minh mới, nó đang có sự tác động sâu sắc đến mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Đồng thời nó làm cho thị trường lao động bị phân hóa với yêu cầu đặt ra đối với chất lượng lực lượng lao động ngày càng cao, nếu như họ không được trang bị những kĩ năng mới - kĩ năng sáng tạo. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 đã trở thành vấn đề cấp bách mà nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có nguồn nhân lực người DTTS. Phát triển nguồn nhân lực người DTTS ở khu vực miền núi hiện nay đang là vấn đề cấp bách cần phải có chiến lược và giải pháp khả thi, phù hợp với thực tiễn chung của xu thế và yêu cầu phát triển của quốc gia.
Từ khóa: Nguồn nhân lực dân tộc thiểu số; Phát triển nhân lực dân tộc thiểu số; cách mạng công nghiệp 4.0.
1. Vai trò của nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số đối với sự phát triển ở khu vực miền núi Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa
Nguồn lực con người đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của nền kinh tế hiện đại [15]. Việc đầu tư vào con người luôn là một điều tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia. Trên thực tế, giữa nguồn lực con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất - kỹ thuật, khoa học - công nghệ... luôn có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nguồn nhân lực được xem là năng lực nội sinh chi phối các nguồn lực khác. Phát triển nguồn nhân lực chính là “quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện của con người vì sự hoàn thiện bản thân mỗi con người và sự phát triển của tổ chức nơi con người hoạt động”. Thực tiễn đã chứng minh, có những quốc gia không giàu về tài nguyên, điều kiện tự nhiên không thuận lợi như Nhật Bản, Singapore, Israel... nhưng vẫn phát triển, xuất phát từ chỗ các quốc gia đó biết coi trọng phát triển và phát huy nguồn nhân lực của đất nước [10]. Một quốc gia không thể phát triển nếu chỉ có nguồn nhân lực nghèo nàn, hay nói cách khác sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia chỉ có thể thực hiện được khi việc phát triển nguồn nhân lực được quan tâm và chú trọng.
Hiện nay, toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, các liên kết kinh tế xuất hiện và ngày càng có nhiều ảnh hưởng, thúc đẩy sự phân công lao động sâu sắc và hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu; cạnh tranh kinh tế diễn ra quyết liệt và mỗi quốc gia phải dành cho mình ưu thế trong cuộc cạnh tranh đó. Trong đó, nguồn lực con người, trở thành lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, là nhân tố làm chuyển dịch lợi thế so sánh giữa các quốc gia. Ở nhiều quốc gia hiện nay đã và đang xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia thông qua hệ thống các chủ trương, chính sách, kế hoạch hoạt động dựa trên thực trạng nguồn nhân lực hiện có hướng đến việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước và xu thế của thời đại [13]. Ở cấp độ vĩ mô, phát triển nguồn nhân lực quốc gia là nâng cao chất lượng của cơ cấu nguồn nhân lực về mọi mặt, bao gồm trình độ học vấn, chuyên môn; phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; kỹ năng nghề nghiệp; sức khỏe... của người lao động. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực trong gia đoạn hiện nay đã và đang trở thành nhiệm vụ hết sức cấp bách không phải chỉ ở cấp quốc gia mà còn là vấn đề của từng vùng, miền, dựa theo đặc điểm về địa lý, dân cư và yêu cầu định hướng phát triển kinh tế - xã hội [3].
Nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số (DTTS) ở khu vực miền núi hiện nay chính là toàn bộ lao động người DTTS – chủ thể chính trị ở khu vực miền núi, nguồn nhân lực này đang có khả năng tham gia vào các quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi. Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến những hy vọng mới cho nhân loại về sự phát triển của một nền văn minh mới, nó đang có sự tác động sâu sắc đến mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở tất cả các quốc gia trên toàn thế giới [1]. Đặc biệt, nó tạo nên những thách thức lớn đối với việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực người DTTS nói riêng. Với sự gia tăng của quá trình tự động hóa và ứng dụng số hóa trong sản xuất, làm cho những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông ngày càng mất dần khả năng cạnh tranh, dẫn đến tình trạng dư thừa lao động phổ thông, gia tăng thất nghiệp. Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nằm trong nhóm có thu nhập thấp, chưa được tiếp cận hoàn toàn công nghệ hiện đại, thêm vào đó, đây cũng là khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, địa hình phức tạp, bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực và làm gia tăng sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và các khu vực khác. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi hiện nay chính là cải thiện chất lượng của cơ cấu nguồn nhân lực người DTTS về mọi mặt, bao gồm trình độ học vấn, chuyên môn; phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; kỹ năng nghề nghiệp; sức khỏe... góp phần làm gia tăng chất lượng nguồn nhân lực đóng góp hiệu quả nhất vào việc phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực miền núi. Chất lượng nguồn nhân lực người DTTS ở khu vực miền núi nếu được nâng cao sẽ thu hút và khuyến khích được nhiều trí thức và nhân tài người DTTS gắn bó lâu dài với khu vực miền núi và đây chính là chìa khóa quan trọng giải quyết bài toán về chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực miền núi - nơi đang rất thiếu về nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển ở khu vực này, là khâu đột phá để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi. Vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực người DTTS ở khu vực miền núi hiện nay là cơ sở để định hướng và tạo ra được nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong thời kỳ mới là một việc thực sự cấp thiết và quan trọng.
2. Thực trạng và những vẫn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Việt Nam hiện nay
2.1. Thực trạng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Việt Nam
Khu vực miền núi Việt Nam hiện nay chiếm ¾ diện tích của cả nước, có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, KT-XH, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Khu vực miền núi Việt Nam phân bố tại 51/63 tỉnh, thành phố. Tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Hầu hết, các DTTS sinh sống ở miền núi, chỉ có dân tộc Khmer, dân tộc Chăm, dân tộc Hoa sinh sống ở đồng bằng và thành thị [8].
Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nay, với những chiến lược và kế hoạch kinh tế-xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện rất nhiều chương trình để phát triển toàn diện ở các địa bàn miền núi - nơi có nhiều các dân tộc thiểu số sinh sống. Các chương trình anh sinh xã hội và đầu tư công cho khu vực miền núi được triển khai, như: Chương trình về xóa đói, giảm nghèo được triển khai cho khu vực miền núi trên toàn quốc. Ðặc biệt, Chính phủ đã xây dựng và triển khai hai chương trình 133 và 135 với hàng loạt các kế hoạch về định canh, định cư và kinh tế mới, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, khuyến nông-lâm-ngư... để trợ giúp đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng đặc biệt khó khăn. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 14-3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tình hình mới…
Với nhiều chủ trương và chính sách khác nhau để thúc đẩy khu vực miền núi, vùng DTTS ngày càng phát triển, tính đến năm 2020 khu vực đồng bào DTTS đã có sự chuyển tương đối rõ nét. Hệ thống giáo dục được củng cố, mở rộng, chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được nâng lên, tính đến năm 2020 cả nước có 294 trường phổ thông dân tộc nội trú với 80.832 học sinh tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông đạt 81,6%; tỷ lệ người đi học cấp tiểu học đạt 100 %; tỷ lệ người đi học cấp trung học phổ thông đạt 56,5%...; 4 trường dự bị đại học với trên 3.000 học sinh/năm. Đến năm 2020, có 99,5% số xã có trường tiểu học; 93,2% số xã có trường trung học cơ sở; 12,9% số xã có trường trung học phổ thông và 96,6% số xã có trường mẫu giáo/mầm non; 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tất cả các tỉnh vùng dân tộc và miền núi đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế. Tính đến năm 2020, đồng bào các DTTS đã có trên 13.000 người có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng; gần 80.000 người có trình độ trung học chuyên nghiệp và trên 100.000 công nhân kỹ thuật... Trên địa bàn cả nước, các địa phương đã cử con em các DTTS thuộc 40/54 dân tộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi còn thấp ở các dân tộc thiểu số. Có khoảng 70% học sinh trong độ tuổi đi học, đi học đúng cấp. Tỷ lệ học sinh đi học đúng cấp trung học phổ thông trung bình chỉ đạt 32,3%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết tiếng phổ thông chỉ có 79,2%.
Chỉ số phát triển con người (HDI) vùng đồng bào DTTS rất thấp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất y tế và chất lượng đội ngũ cán bộ y bác sĩ ở vùng DTTS còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ. Tỉ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân còn thấp, thiếu cán bộ y tế có chuyên môn sâu, cán bộ người địa phương. Theo kết quả số liệu từ Uỷ ban Dân tộc, năm 2020 số người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt tỉ lệ cao nhưng số lượng người khám, chữa bệnh, mức độ thụ hưởng các dịch vụ bảo hiểm y tế, mức chi trả bình quân trên thẻ bảo hiểm y tế đạt thấp. Tuổi thọ trung bình của người DTTS thấp, tỉ lệ trẻ em DTTS dưới 1 tuổi tử vong cao, tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em còn phổ biến, tỉ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số dân tộc rất ít người còn cao… Tất cả những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất của người DTTS đây cũng chính là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nhân lực người DTTS [9].
Lực lượng lao động người DTTS đã qua đào tạo có tỷ lệ rất thấp với 6,2%, bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình của lực lượng lao động cả nước. Nam giới người dân tộc thiểu số có việc làm chiếm tỷ lệ 56% trong khi đó tỷ lệ việc làm của nữ giới chỉ chiếm 44%. Điều này cho thấy sự chênh lệch về giới tính trong cơ cấu việc làm người DTTS cũng rất lớn. Nguồn lao động của vùng dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu tham gia vào nghề nông và các nghề đơn giản, các lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và trung bình rất ít. Tại vùng trung du và miền núi phía Bắc có đến 79% dân số người DTTS từ 15 tuổi trở lên chủ yếu là lao động nông nghiệp và các ngành nghề đơn giản; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung lỷ lệ lao động người DTTS trong nông nghiệp chiếm đến trên 65%; khu vực các tỉnh Tây Nguyên là lao động người DTTS làm nông nghiệp chiếm đến gần 77%.
Tính đến năm 2020, nguồn nhân lực người DTTS trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo mới đạt 10,5% (so với cả nước 25%), trong khi chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất lớn 89,5%; nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trình độ đại học, trên đại học đạt 2,8%, riêng người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 1,1% (thấp hơn 4 lần so với toàn quốc).
2.2. Những vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Có thể nói rằng, các chương trình được triển khai thực hiện cho khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS cho khu vực miền núi. Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể nhưng nguồn nhân lực người DTTS khu vực miền núi hiện nay được đánh giá là: còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng ở cả ba mặt: thể lực, trí lực, tâm lực. Vì vậy, nguồn nhân lực người DTTS ở khu vực miền núi hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, còn nhiều vấn đề đặt ra đối với sự phát triển đối nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Một là, về mặt thể lực, đa số lực lượng lao động người DTTS hiện nay có chiều cao, cân nặng nhỏ bé hơn mức trung bình của cả nước, kém xa mức trung bình về thể chất của lực lượng lao động ở các nước trên thế giới. Nguyên nhân là do những thiếu thốn trong chế độ dinh dưỡng, hậu quả của những thủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết... và đặc điểm trong lao động sản xuất: trẻ em người dân tộc thiểu số phải phụ giúp công việc gia đình từ sớm, gùi, vác nặng...
Hai là, về mặt trí lực, chất lượng giáo dục vùng DTTS hiện nay, nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, tình trạng ở lại lớp, bỏ học tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn. Nguyên nhân một phần là do chương trình, sách giáo khoa chưa phù hợp với học sinh dân tộc, một phần không nhỏ khác là do trường, lớp ở xa nhà, đi lại khó khăn; thời tiết khắc nghiệt; hoàn cảnh gia đình nghèo túng; trẻ em phải giúp việc gia đình từ khá sớm; ảnh hưởng của một số luật tục như tảo hôn, lễ hội, du canh, du cư ... đã tác động tới quá trình theo học liên tục của các em.
Ba là, về mặt tâm lực, do đặc điểm về địa lý, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế-xã hội kém phát triển, tập quán canh tác lạc hậu, ở nhiều nơi còn du canh, du cư, y tế, văn hóa nghèo nàn, dân cư thưa thớt, địa bàn cư trú rộng lớn, giao thông bị chia cắt do sông núi hiểm trở lại bị đe dọa nhiều vì thiên tai khắc nghiệt, điều kiện sống ít giao thiệp với bên ngoài và khó khăn về mặt ngôn ngữ nên phần đa trẻ em DTTS, miền núi chưa có nhiều kỹ năng sống trong môi trường hiện đại cần hợp tác, trao đổi...
Những vấn đề đặt ra trên đây đã thể hiện trình độ dân trí người DTTS đang trở thành rào cản rất lớn trong việc nâng cao năng suất lao động, thu hẹp cơ hội chuyển đổi hoặc tìm kiếm việc làm. Rộng hơn nữa, nó sẽ gây khó khăn trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Về mặt xã hội, nguồn nhân lực với trình độ thấp sẽ kéo theo tình trạng nghèo đói, bệnh tật và tiềm ẩn các nguy cơ về tệ nạn xã hội.
Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực người DTTS ở khu vực miền núi là một vấn đề có tính chất quan trọng cả về chính trị và xã hội ở khu vực miền núi, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động trực tiếp đến quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
3. Đề xuất một số nội dung phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi hiện nay
Một là, đẩy mạnh nâng cao trình độ học vấn phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học, mở rộng quy mô hợp lý, đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng yêu cầu huy động học sinh trong độ tuổi; quy hoạch và phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú một cách hợp lý để tạo nguồn nhân lực người DTTS có chất lượng; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường dự bị đại học nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực người DTTS có chất lượng. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đào tạo đại học theo hình thức cử tuyển, đào tạo theo nhu cầu sử dụng, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học cho nguồn nhân lực người DTTS... Nâng cao chất lượng tuyển sinh học sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú, dự bị đại học và hệ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu tiên đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng DTTS, miền núi và các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu tiên, miễn, giảm học phí, học bổng, hỗ trợ chi phí học tập, chính sách đối với trẻ mầm non; tín dụng cho học sinh, sinh viên và các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước. Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa những bất cập đối với chính sách hiện có; nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù phù hợp với học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng DTTS, miền núi.
Hai là, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi. Trong đó, Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách phù hợp cho phát triển nhân lực ở khu vực miên núi, trong đó cần tập trung nhất là đầu tư cho giáo dục, cho y tế và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi. Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển nhân lực người DTTS, nhất là trong lĩnh vực đào tạo, huy động nguồn vốn xã hội cho giáo dục và đào tạo. Cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho đào tạo nhân lực người DTTS với các hình thức khác nhau, gắn đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu xã hội và phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới. Cần có sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, các ngành, của người dân. Động viên mọi nguồn lực, vận động và xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn vốn từ ngoài nước, trong đó phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS là yếu tố bảo đảm và là khâu đột phá cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của khu vực miền núi.
Ba là, cần đổi mới nhận thức về phát triển, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm coi con người là nền tảng, là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững. Vì vậy, một trong những yêu cầu của đổi mới nhận thức về phát triển nguồn nhân lực người DTTS ở khu vực miền núi hiện nay là phải coi trọng hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực người DTTS. Trong điều kiện hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng thu hẹp, thì vấn đề phát triển chất lượng nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu.
Bốn là, nâng cao năng lực sử dụng công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ưu tiên cho các dự án đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhanh chóng chuyển từ nơi cung cấp nguồn lao động phổ thông giá rẻ sang lao động tri thức có trình độ cao để có thể bắt kịp làn sóng công nghệ đang thay đổi nhanh như vũ bão vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Thị Kim Anh (2018), Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc làm ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản.
- Ban Tuyên giáo Trung ương (2021). Chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực. Truy cập tại: http://tuyengiao.vn/thoi-su/chi-so-nguon-nhan-luc-viet-nam-dung-thu-2-trong-khu-vuc-131532.
- Đoàn thế Hanh (2012), Quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tạp chí cộng sản.
- Trần Thị Bích Huyền (2019) Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. https://bvhttdl.gov.vn/tac-dong-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-doi-voi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-20200102145425687.htm.
- Trương Thị Huệ (2020). Quản trị nhân lực trong kỷ nguyên số và vai trò của quản trị tri thức. Truy cập tại https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/98636/1/Ban%20bong%.
- Quốc Hưng (2018). Các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử và đặc điểm cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Truy cập tại http://socongthuong.phutho.gov.vn/post/detail/362/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-trong lich-su-va-dac-diem-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu
- Nguyễn Thanh Mai (2020), Phát triển nguồn nhân lực góp phần nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ TNU (tr59-65) số 225(07).
- Nguyễn Thị Lan (2020), Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạp chí chiến lược và chính sách dân tộc. DOI:https://doi.org/10.25073/0866-773X/494.
- Nghiêm Thị Thanh (2022), Rào cản đối với phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Giáo dục 22(5), 1-7.
- Cao Nhâm Thành (2021) Đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, Tạp chí Quốc phòng toàn dân. http://tapchiqptd.vn/vi/quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet/dot-pha-chien-luoc-ve-phat-trien-nguon-nhan-luc-nhat-la-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-hien-nay/17823.html
- Phạm Xuân Trường, Từ Thúy Anh (2019). Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. VNU Journal of Science: Policy and Management Studies, 35(3), 12-20.
- Tổng cục Thống kê (2021). Thông báo cáo chí tình hình lao động, việc làm quý 1/2021. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/04/thong-bao-cao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-i-2021.
- Cseh, Manikoth (2013). The future of human resource development: Shaping national human resource development policies in the global context. [Online] Avalabile at http://www.ufhrd.co.uk/wordpress/wpcontent/uploads/2012/11/UFHRD2012.
- Korean Educational Development Institute (2017). A Window into Korean Education. [Online] Avalabile at https://www.salzburgglobal.org/fileadmin/user_upload/Documents/2010 2019/2018/Session_603/ 2018_A_Window_into_Korean_Education.pdf
- Tolstyakova, Nazygul Batyrova (2020). Strategic management of human resources in modern conditions: a case study, Volume 8 Number 2 (December).
Bài viết đăng HTKH QG 4/2024. TS. Trần Cao Nguyên
- TỔ CHỨC PHỐI HỢP, HIỆP ĐỒNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG GIẢI PHÓNG TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAMNghiên cứu29/09/2024
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XXNghiên cứu30/08/2024
- ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG (2013 – 2023)Nghiên cứu29/08/2024
- Bộ Giáo dục: Học Sư phạm ra, khả năng có việc làm là rất caoNghiên cứu20/03/2024
- SEMINAR KHOA HỌC CỦA KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ - TRƯỜNG SƯ PHẠM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH (Tháng 1- năm 2024)Nghiên cứu24/01/2024
- TRAO ĐỔI VỀ VẤN ĐỀ TỰ HỌC TRONG SINH VIÊN HIỆN NAYNghiên cứu10/01/2024
- Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng và sự vận dụng của Đảng ta trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu04/01/2024
- ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH – NHÀ CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ XUẤT SẮC CỦA ĐẢNGNghiên cứu03/01/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024