ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG (2013 – 2023)
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình, thống nhất, nhưng vẫn còn đó những mất mát, hy sinh của biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống. Chính sách ưu đãi người có công luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nghệ An là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, là tỉnh có số lượng người có công lớn thứ ba trong cả nước. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm 2013-2023, Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã lãnh đạo thực hiện chính sách ưu đãi người có công đạt được những kết quả đáng ghi nhận; bước đầu đúc rút một số kinh nghiệm cũng như giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi người có công trong những năm tiếp theo.
Từ khóa: Chính sách ưu đãi người có công; Người có công; Nghệ An chính sách ưu đãi người có công; An sinh xã hội Nghệ An.
1. Chủ trương, quan điểm của Đảng bộ tỉnh Nghệ An đối với chính sách ưu đãi người có công
Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL, về việc Quy định chế độ đối với thương binh và liệt sĩ. Tháng 6-1947, Người đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm, ngày 27-7 là “Ngày thương binh”. Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”1.
Sau ngày đất nước thống nhất, để kịp thời quan tâm, chăm lo cho thương binh và các gia đình liệt sĩ, ngày 8-7-1975 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 223/CT-TW, quyết định lấy ngày 27-2 hằng năm là “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Ngày 29-8-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh năm 1994). Để phù hợp với thực tiễn và có những chính sách ưu tiên sát thực hơn đối với người có công, Pháp lệnh năm 1994 trải qua 7 lần sửa đổi vào các năm 1998; năm 2000; năm 2002; năm 2005; năm 2007; năm 2012; và đặc biệt Pháp lệnh sửa đổi năm 2020 được thông qua ngày 9-12-2020, gồm 7 chương và 58 điều đã cụ thể hoá nhiều nội dung về chính sách ưu đãi người có công. Pháp lệnh sửa đổi năm 2020 là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương vận dụng đưa đường lối vào thực tiễn, triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi người có công ở địa phương mình.
Trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, chính sách ưu đãi người có công tiếp tục được Đảng quan tâm. Đại hội XIII (2021) của Đảng xác định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”2.
Nghệ An là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, là một trong những địa phương có số lượng người hưởng các chế độ chính sách nhiều của cả nước. Hiện toàn tỉnh có trên 45.000 liệt sĩ, gần 60.000 thương, bệnh binh, trên 21.000 người tham gia chiến đấu, phục phụ chiến đấu bị nhiễm chất độc màu gia cam, 2.825 Mẹ Việt Nam Anh hùng 928 cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt, toàn tỉnh có trên 500.000 gia đình, cá nhân được nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến3.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chính sách đối với người có công, Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp sở, ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người có công, đồng thời căn cứ vào đặc điểm cụ thể của địa phương đưa ra nhiều cách làm, giải pháp hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình người có công trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhiều Nghị quyết đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành, cụ thể: Để lãnh đạo công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, ngày 12/3/2012, Ban thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 06- CT/TU Về lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào đền ơn đáp nghĩa [1]. Ngày 13-12-2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 32/2020/NQ-HĐND về “Quy định chính sách hỗ trợ đối với người có công và thân nhân người có công thuộc đối tượng là gia đình hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” [2]. Đặc biệt, ngày 9-12-2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 30/2021/NQ- HĐND, Về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo NQ số 30/2021, lần đầu tiên tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ cho con đẻ của người có công bị khuyết tật bẩm sinh; con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc gia cam thuộc thế hệ thứ 3 [3]. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), ngày 26/4/2022 UBND Tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 271 KH – UBND, Về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ngày 23/05/2023, UBND Tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 343/KH-UBND Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023)…
2. Một số kết quả và kinh nghiệm
Một số kết quả đạt được
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công ở tỉnh Nghệ An trong những năm 2013-2023 đã đạt được một số thành tựu sau:
Về chính sách chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần đối với người có công: Chính sách chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần đối với người có công trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện có hiệu quả. Nghệ An đã và đang thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho gần 68.000 đối tượng, chiếm tỷ lệ 2,2% dân số của toàn tỉnh, số tiền chi trả hàng tháng trên 136 tỷ đồng[4]. Trong 10 năm (2012-2023), tỉnh Nghệ An đã xác nhận mới và giải quyết các chế độ chính sách cho trên 9.500 người có công và giải quyết các chế độ theo đúng chính sách, chủ trương và pháp luật cho 1.516 thương binh, bệnh binh theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ[5]. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đã chi trả kinh phí trên 400 tỷ đồng cho việc điều dưỡng, khám sức khỏe với hơn 300.000 lượt quân nhân, cựu chiến binh người có công[6]. Công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công cũng được tỉnh Nghệ An quan tâm, nâng cao về chất lượng. Hiện tỉnh Nghệ An có 110 người có công đang được chăm sóc ở 2 cơ sở nuôi dưỡng người có công.
Về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ: Cùng với việc thực hiện chi trả chế độ với người có công, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt của liệt sĩ bằng các phương pháp hiện đại được tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm. Từ năm 2013-2023, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều kế hoạch phối hợp với phòng Chính sách bộ đội Quân khu IV và các sở, ban, ngành trong tỉnh thực hiện việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ đạt nhiều kết quả. Chỉ tính trong năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp tham mưu tổ chức tiếp nhận, bàn giao, di chuyển, lấy mẫu sinh phẩm 96 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào, cung cấp 89 giấy báo tin mộ, xác nhận thông tin mộ liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ trong cả nước; 130 giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê an táng; 65 văn bản đề nghị lấy mẫu hài cốt, giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ theo đề nghị của thân nhân liệt sĩ; 158 văn bản đề nghị xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin4.
Cùng với đó, tỉnh đã hoàn thành cấp đổi 324 bằng Tổ quốc ghi công bị hư hỏng, thất lạc cho thân nhân liệt sĩ. Chỉ đạo, hướng dẫn, hoàn thành việc rà soát, đối chiếu, làm sạch và nhập dữ liệu người có công với cách mạng trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các cấp chính quyền, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm tu bổ, tôn tạo công trình ghi công liệt sỹ, chỉnh trang các nghĩa trang liệt sỹ, mộ liệt sỹ, nhà thờ, nhà bia ghi danh liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ. Nghệ An hiện có 116 công trình ghi công liệt sỹ, trong đó, có 1 nghĩa trang liệt sỹ cấp tỉnh (Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào); 21 nghĩa trang liệt sỹ và đài (Đền) tưởng niệm liệt sỹ cấp huyện; 94 nghĩa trang, đài tưởng niệm, nhà bia liệt sỹ cấp xã quản lý5… Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chủ trương thực hiện dự án xây dựng đền thờ liệt sỹ tỉnh Nghệ An; cấp kinh phí thực hiện tôn tạo, sửa chữa khu mộ liệt sỹ Nghệ An tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Vĩnh Linh- Quảng Trị...
Về thực hiện phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”: Phong trào Đền ơn, đáp nghĩa hỗ trợ người có công có hoàn cảnh khó khăn được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng, ủng hộ. Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh đã vận động được 94.948 triệu đồng cho quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, đã trao tặng 3.507 sổ tiết kiệm cho người có công; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.573 ngôi nhà [7]. Cùng với các chính sách và sự hỗ trợ của tỉnh, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” trong tỉnh cũng được xã hội hóa sâu rộng. Trong năm 2023, có 167.117 người có công và thân nhân người có công với cách mạng được tặng quà với số tiền, quà trị giá trên 52,4 tỷ đồng. Năm 2023, toàn tỉnh đã vận động thu được trên 17,2 tỷ đồng góp quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” (đạt 102% kế hoạch năm)[8]. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 154 nhà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, tổng trị giá trên 6,3 tỷ đồng; tặng 27 sổ tiết kiệm cho người có công, số tiền 200 triệu đồng[9]... Một số huyện, đơn vị làm tốt công tác chính sách người có công như: Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Tân Kỳ, Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên, Anh Sơn...6. Trong năm 2024, tỉnh Nghệ An phấn đấu huy động sự ủng hộ khoảng 17 tỷ đồng đóng góp vào quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” thực hiện đối với người có công.
Về hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quản lý đối với người có công: Tỉnh Nghệ An đang từng bước hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu đối với người có công trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Năm 2023, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành việc số hóa về tài liệu, hồ sơ của người có công, 38 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực người có công được công bố, công khai trên hệ thống nền tảng Internet quốc gia, cho phép người dân có thể truy cập để tìm hiểu và làm các thủ tục trực tuyến, việc triển khai được thực hiện trong toàn tỉnh. Tỉnh Nghệ An cũng đã thực hiện việc chi trả chế độ chính sách đối với người có công qua dịch vụ bưu điện và nhận được sự đồng thuận của người dân.
Những kết quả đạt được về thực hiện chế độ chính sách đối với người có công ở tỉnh Nghệ An góp phần bù đắp một phần sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, góp phần chia sẻ bớt những khó khăn, làm vơi đi những mất mát đau thương, động viên các gia đình người có công vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục có những đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện chính sách đối với người có công ở tỉnh Nghệ An trong những năm 2013-2023 còn những tồn tại, hạn chế như: tình trạng giả mạo hồ sơ, làm khống hồ sơ để được hưởng các chính sách đối với người có công vẫn còn; tình trạng người có công nhưng bị mất giấy tờ, mất thông tin chưa được giải quyết các chế độ chính sách; tình trạng nhiều gia đình có công còn gặp rất nhiều khó khăn về đời sống kinh tế chưa được hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiện tượng cấp sai, chi sai cho các đối tượng với người có công…
Một số kinh nghiệm
Từ những kết quả đạt được bước đầu nêu lên một số kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ở tỉnh Nghệ An như sau:
Một là, nắm vững, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với người có công, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của địa phương để thực hiện hiện chính sách ưu đãi người có công có hiệu quả.
Hai là, huy động cả hệ thống chính trị vào thực hiện chính sách ưu đãi người có công, phát huy hiệu quả tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, hỗ trợ giúp đỡ gia đình thân nhân người có công, đẩy mạnh xã hội hóa trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Ba là, công khai, minh bạch và tạo mọi điều kiện tốt nhất thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Bốn là, vận dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào quản lý và tìm kiếm, xác định AND đối với liệt sĩ chưa xác định rõ thân nhân.
Một số giải pháp
Để làm tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công có hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Thực hiện tốt chính sách người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội””7 [10]. Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn toàn tỉnh cần quán triệt thực hiện nghiêm túc và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp cụ thể với địa phương, có cách làm hay góp phần thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Hai là, nghiêm khắc xử lý các trường hợp sai phạm, trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm khống hồ sơ hưởng lợi bất chính về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành liên quan giải quyết kịp thời, đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch đối với các trường hợp người có công đang vướng mắc về hồ sơ, thủ tục.
Ba là, huy động cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh tham gia vào việc tuyên truyền, động viên nhân dân ủng hộ, giúp đỡ người có công, phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc, lan tỏa thông điệp nhân văn, cao đẹp, nghĩa tình trong nhân dân, góp công góp sức nâng cao đời sống vật chất tinh thần đối với người có công.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu trong khoa học - kỹ thuật hiện đại về quản lý dữ liệu thông tin, hình ảnh, kỷ vật về các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh; ứng dụng thành tựu khoa học hiện đại để xác định chính xác ADN cho các trường hợp liệt sĩ chưa rõ thông tin. Chú trọng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý và giải quyết các chế độ chính sách ưu đãi người có công.
Với truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm 2013-2023, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, Nghệ An là tỉnh có nhiều thành tựu về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bên cạnh đó những tồn tại và hạn chế về chính sách ưu đãi người có công cũng đặt ra cho tỉnh Nghệ An yêu cầu cần phải giải quyết, từ thực tiễn các bài học kinh nghiệm rút ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên là cơ sở góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công ở tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H, 2011, T. 15, tr. 616
2, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H, 2021, T. I, tr. 270, 148-149.
3, 4. Nguồn: Sở Lao động -Thương binh và xã hội Nghệ An, tháng 5-2024
5, 6. Dẫn theo: Đoàn Hồng Vũ: Nghệ An quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Giám đốc Sở Lao động- TB và XH Nghệ An. Cổng thông tin điện tử Sở Lao động TB&XH Tỉnh Nghệ An, số ngày 26/07/2023.
Bài viết: TS. Trần Cao Nguyên - Đăng tạp chí Lịch sử Đảng số tháng 8-2024
[1] Chỉ thị số 06- CT/TU Về lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào đền ơn đáp nghĩa.
[2] Nghị quyết số 32/2020/NQ-HĐND về “Quy định chính sách hỗ trợ đối với người có công và thân nhân người có công thuộc đối tượng là gia đình hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”.
[3] Nghị quyết số 30/2021/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
[4]. Dẫn theo: Văn Quang, Nghệ An: Xây dựng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo bảo đảm chính sách đối với người có công. Tạp chí điện tử Hoà Nhập, số ngày 04/7/2022
[5]. Dẫn theo: Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động- TB và XH Nghệ An Nghệ An: quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Cổng thông tin điện tử Sở Lao động TB&XH Tỉnh Nghệ An, số ngày 26/07/2023
[6]. Dẫn theo: Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động- TB và XH Nghệ An Nghệ An: quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Cổng thông tin điện tử Sở Lao động TB&XH Tỉnh Nghệ An, số ngày 26/07/2023
[7]. Dẫn theo: Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động- TB và XH Nghệ An Nghệ An: quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Cổng thông tin điện tử Sở Lao động TB&XH Tỉnh Nghệ An, số ngày 26/07/2023
[8]. Dẫn theo: Mỹ Hằng, Nghệ An trách nhiệm nghĩa tình với người có công, tạp chí Lao Động & xã hội, số ngày 22/04/2024.
[9] Dẫn theo: Mỹ Hằng, Nghệ An trách nhiệm nghĩa tình với người có công, tạp chí Lao Động & xã hội, số ngày 22/04/2024.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t. I, tr.270, 148-149.
- TỔ CHỨC PHỐI HỢP, HIỆP ĐỒNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG GIẢI PHÓNG TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAMNghiên cứu29/09/2024
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XXNghiên cứu30/08/2024
- Thực trạng và những vẫn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0Nghiên cứu06/04/2024
- Bộ Giáo dục: Học Sư phạm ra, khả năng có việc làm là rất caoNghiên cứu20/03/2024
- SEMINAR KHOA HỌC CỦA KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ - TRƯỜNG SƯ PHẠM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH (Tháng 1- năm 2024)Nghiên cứu24/01/2024
- TRAO ĐỔI VỀ VẤN ĐỀ TỰ HỌC TRONG SINH VIÊN HIỆN NAYNghiên cứu10/01/2024
- Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng và sự vận dụng của Đảng ta trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu04/01/2024
- ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH – NHÀ CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ XUẤT SẮC CỦA ĐẢNGNghiên cứu03/01/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024