Biện pháp phát triển kỹ năng chơi đóng vai cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ 5-6 tuổi
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tỉ lệ trẻ Rối loạn phổ tự kỉ (RLPTK) thay đổi nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo ước tính của Mạng lưới theo dõi Người khuyết tật Tự kỉ và theo dõi Người khuyết tật của CDC tại Mỹ tỷ lệ RLPTK vào năm 2000 là 1/150 trẻ, năm 2010 là 1/68 tăng 119,4% (CDC,2014). Trung bình tỉ lệ RLPTK tại các nước trên thế giới giao động trong khoảng 0,5-1,5%[3]. Ở Việt Nam, tỉ lệ này ước tính trong khoảng 0,5-1% [3]. RLPTK là nhóm rối loạn phát triển nhanh nhất (CDC,2008) đã đặt ra những vấn đề lớn đối với công tác can thiệp và giáo dục cho nhóm trẻ này. Việc tập trung nghiên cứu về RLPTK, đề xuất những chiến lược và biện pháp hỗ trợ nhằm phát huy tối đa khả năng cho trẻ RLPTK ngày càng trở lên cấp thiết.
Những khiếm khuyết cốt lõi về giao tiếp, tương tác xã hội, tưởng tượng và hành vi định hình đã dẫn đến những khó khăn đáng kể trong hoạt động vui chơi cũng như kĩ năng chơi của trẻ RLPTK. Trẻ RLPTK gặp nhiều khó khăn khi Chơi đóng vai (CĐV), điều này đã được Thuyết Tâm ý, Thuyết rối loạn chức năng điều hành lí giải [15]. Tuy nhiên mục tiêu phát triển KN CĐV cho trẻ RLPTK vẫn có thể đạt được khi có những biện pháp, chiến lược hỗ trợ phù hợp[6].
Chơi đóng vai (CĐV) có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ RLPTK. Nó giúp trẻ RLPTK mở rộng kiến thức xã hội, phát triển kĩ năng tương tác xã hội và giao tiếp, hình thành hành vi phù hợp, thói quen tham gia trò chơi [4]. Mặc dù có ý nghĩa lớn nhưng để tham gia CĐV trẻ RLPTK gặp nhiều khó khăn vì vậy một trong những nhiệm vụ quan trọng trong can thiệp giáo dục là khắc phục những hạn chế trong KN CĐV cho nhóm trẻ này.
Ở Việt Nam hiện nay, nghiên cứu về KN CĐV và đề xuất những biện pháp tác động nhằm phát triển kĩ năng này cho trẻ RLPTK còn nhiều hạn chế. Vì những khoảng trống trong việc phát triển KN CĐV cho trẻ RLPTK, nên chúng tôi đề xuất ba nhóm biện pháp phát triển KN CĐV cho trẻ RLPTK tại trường mầm non hòa nhập.
2. NỘI DUNG
2.1. Những hạn chế về kĩ năng chơi đóng vai của trẻ rối loạn phổ tự kỉ
Chơi đóng vai bao gồm việc tưởng tượng và đóng vai sử dụng một đối tượng nào đó để thay thế cho các đối tượng, con người và môi trường trong thực tế (Rutherford & Rogers, 2003)[14]. Theo Erin Barton (2012) có 4 mức độ CĐV: CĐV chức năng; CĐV thay thế; CĐV khi không có đối tượng trước mặt; CĐV gán ghép thuộc tính không có thật cho đối tượng [6]. Đối với trẻ RLPTK, các em có nhiều hạn chế trong KN CĐV được biểu hiện rất khác nhau tùy thuộc vào mức độ rối loạn của từng trẻ (Rutherford & Rogers, 2003)[16].
Hạn chế thứ nhất, khi tham gia TCĐV trẻ RLPTK thể hiện sự khó khăn đáng kể trong việc thể hiện bản chất của sự giả vờ như nhận thức về bản thân, tập trung vào ý nghĩ tưởng tượng, thể hiện niềm vui và sáng tạo (Hobson, Lee, & Hobson, 2009)[4]. Theo nghiên cứu của Christopher Jarrold (2003)[6] TCĐV của trẻ RLPTK ít xảy ra và diễn ra với thời gian ngắn, ngay cả khi so sánh với trẻ có các loại khuyết tật khác. KN CĐV ở trẻ RLPTK phát triển ở mức độ đơn giản và tần số xuất hiện thấp (Thorp, Stahmer, & Schreibman,1995)[16].
Hạn chế thứ hai, tần suất và sự đa dạng trong hành động CĐV ở trẻ RLPTK giảm sút hơn so với các trẻ cùng trang lứa và trẻ có rối loạn phát triển khác (Barton & Wolery, 2010; Kasari, Freeman, & Paparella, 2006)[4]. Mức độ thực hiện hành động CĐV ở trẻ RLPTK đơn giản [5][9][12]. Khi chơi trẻ chủ yếu chơi cảm giác, khám phá đồ vật qua các giác quan, cách chơi rập khuôn, kì lạ hoặc chỉ dừng lại ở việc bắt chước những hành động CĐV chức năng mà trẻ đã quan sát người lớn thực hiện. Để thực hiện hành động vai ở mức độ cao hơn thì trẻ cần có sự hỗ trợ đặc biệt.
Hạn chế thứ ba, mức độ độc lập khi thực hiện KN CĐV ở trẻ RLPTK giảm sút hơn so với các trẻ cùng trang lứa và trẻ có rối loạn phát triển khác [5][10]. Khi chơi đóng vai trẻ cần nhiều sự gợi nhắc, hỗ trợ từ phía người lớn.
Hạn chế thứ tư, một bộ phận trẻ RLPTK thiếu hụt tính sáng tạo khi tham gia CĐV [9]. Theo nghiên cứu của Low, Goddard và Melser (2009) chỉ ra rằng phần lớn trẻ RLPTK có khó khăn trong việc tạo ra những ý tưởng mới lạ, độc lập khi tham gia CĐV[5]. Mức độ thiếu hụt tính sáng tạo phụ thuộc vào mức độ rối loạn của trẻ.
Tóm lại, trẻ RLPTK có khó khăn ở nhiều khía cạnh khi tham gia CĐV như ý tưởng chơi, hành động CĐV, sự độc lập và sáng tạo trong khi chơi… Theo các nghiên cứu trên thế giới, việc phát triển KN CĐV RLPTK có rất nhiều phương pháp, biện pháp, chiến lược được đề xuất dựa trên việc đánh giá mức độ KN CĐV của trẻ [6] [7] [11]. Trong bài viết này, tôi đề xuất 3 nhóm biện pháp phát triển KN CĐV cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi dựa trên đặc điểm khó khăn của trẻ: Nhóm biện pháp chuẩn bị phát triển KN CĐV; Nhóm biện pháp tổ chức hướng dẫn phát triển KN CĐV; Nhóm biện pháp luyện tập, củng cố phát triển KN CĐV cho trẻ RLPTK.
2.2. Đề xuất biện pháp phát triển KN CĐV cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi
2.2.1. Nhóm biện pháp chuẩn bị phát triển KN CĐV của trẻ RLPTK 5-6 tuổi
2.2.1.1: Biện pháp phát triển các tiền đề cho KN CĐV của trẻ RLPTK 5-6 tuổi
Biện pháp phát triển các tiền đề cho KN CĐV của trẻ RLPTK 5-6 tuổi bao gồm:
Cung cấp và mở rộng nhận thức về nội dung CĐV: là việc GV tổ chức cho trẻ xem phim, nghe kể chuyện, quan sát các hoạt động xã hội với các chủ đề khác nhau phản ánh cuộc sống xã hội trong thực tế. Điều này sẽ giúp trẻ tích lũy biểu tượng về hành động chơi, cảm xúc và mối quan hệ xã hội của người lớn từ đó trẻ có thể mô phỏng một cách có ý nghĩa những biểu tượng này qua trò chơi đóng vai (TCĐV).
Tạo hứng thú và nhu cầu chơi đóng vai: Biện pháp này chủ yếu tập trung vào:
(1) Nương theo sở thích của trẻ;
(2) Lựa chọn độ khó và độ dài của TCĐV phù hợp với khả năng của trẻ;
(3) Cân bằng các hoạt động chơi để đảm bảo trẻ RLPTK tham gia tốt nhất. Điều này sẽ giúp trẻ chủ động tích cực tham gia vàoTCĐV, chủ động giao tiếp với bạn khi chơi.
Trang bị các kĩ năng tiền đề cho KN CĐV:Trang bị cho trẻ RLPTK những kĩ năng tiền đề như: Kĩ năng luân phiên; kĩ năng giao tiếp với bạn trong lúc chơi; hiểu cảm xúc – hành động của người khác/ToM; kĩ năng tổ chức điều hành trong hoạt động chơi/EF; kĩ năng sử dụng và khám phá môi trường chơi, từ đó giúp trẻ RLPTK ứng dụng những kĩ năng này trong TCĐV để hình thành và phát triển KN CĐV.Việc trang bị cho trẻ RLPTK những kĩ năng tiền đề sẽ tạo điều kiện để trẻ tham gia vào TCĐV một cách dễ dàng hơn, giúp trẻ RLPTK biết cách giao tiếp và luân phiên với bạn chơi, đồng thời tăng khả năng dự đoán diễn biến trò chơi, giúp trẻ biết lập kế hoạch hoạt động chơi và điều chỉnh hành vi, cảm xúc của mình.
2.2.1.2. Biện pháp tạo nhóm chơi đóng vai
Tạo nhóm chơi đóng vai là việc GV lựa chọn và sắp xếp trẻ RLPTK cùng tham gia CĐV với trẻ RLPTK ở hình thức nhóm đôi và nhóm 3-4 trẻ. Việc tạo nhóm chơi nhằm mục đích lựa chọn và sắp xếp được đối tác cùng tham gia chơi đóng vai phù hợp với mức độ KN CĐV và sở thích của trẻ RLPTK. Điều này sẽ giúp trẻ RLPTK hứng thú tham gia chơi đóng vai và tương tác tốt hơn với bạn trong khi chơi.
Trong giai đoạn đầu hình thành KN CĐV cho trẻ, nhóm đôi sẽ bao gồm trẻ và GV. GV chơi cùng trẻ để hướng dẫn trẻ tham gia đóng vai theo các nội dung phát triển KN CĐV, điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng nắm bắt kĩ năng mới, đồng thời tạo cho trẻ một tâm lí thoải mái, an tâm khi tham gia trò chơi. Khi KN CĐV ở trẻ đã được hình thành, GV cần quan sát để tìm ra đối tác mà trẻ thích chơi chung nhất, từ đó lựa chọn và tạo nhóm chơi cho trẻ.
Trong nhóm 3-4 trẻ, GV cần sắp xếp trẻ RLPTK cùng một bạn mà trẻ RLPTK thích chơi chung nhất, với một hoặc hai bạn khác. Các trẻ trong nhóm cần có KN CĐV đồng đều và có chung sở thích ở chủ đề chơi đóng vai.
2.2.1.3. Biện pháp xây dựng môi trường chơi đóng vai
Xây dựng môi trường CĐV là việc GV chuẩn bị đồ chơi và sắp đặt môi trường phù hợp với khả năng, sở thích và điều kiện thực tế của từng cơ sở giáo dục sẽ góp phần giúp trẻ hứng thú và dễ dàng tham gia TCĐV.
Chuẩn bị đồ chơi dạy trẻ KN CĐV: GV nên lựa chọn những đồ chơi liên quan đến sở thích của trẻ RLPTK và dễ thao tác, điều này sẽ kích thích nhu cầu tham gia CĐV ở trẻ. Đặc biệt nên chuẩn bị nhiều loại đồ chơi để thúc đẩy từng kiểu CĐV. Mỗi món đồ chơi, GV nên chuẩn bị ít nhất hai cái để có thể bắt chước hoạt động chơi của trẻ, từ đó thúc đẩy sự tương tác xã hội, tạo ra bầu không khí vui vẻ, thoải mái, bình đẳng giữa cô và trẻ và giữa các trẻ với nhau.
Sắp đặt môi trường: Sắp đặt môi trường CĐV cần rõ ràng về giới hạn không gian, có thể thông qua bàn, thảm, hoặc góc chơi có kí hiệu riêng để gợi nhắc trẻ đến tham gia TCĐV. Mức độ rộng của không gian chơi phụ thuộc vào mức độ chơi của trẻ RLPTK. Những trẻ có mức độ chơi thấp nên chơi ở khu vực nhỏ, có cấu trúc rõ ràng, có kí hiệu về trò chơi, trình tự trò chơi bằng hình ảnh minh họa rõ ràng để trẻ biết cách chơi.Với những trẻ có kĩ năng chơi và khả năng kiểm soát tốt hơn có thể mở sang không gian rộng như chơi trên sàn, trong góc chơi để môi trường chơi được tự nhiên nhất và tăng khả năng khái quá hóa về môi trường chơi cho trẻ.
2.2.1.4. Biện pháp thiết kế TCĐV phù hợp với đặc điểm tâm lí của trẻ RLPTK
Thiết kế TCĐV bao gồm việc lựa chọn chủ đề CĐV và thiết kế TCĐV với 4 mức độ khác nhau phù hợp với đặc điểm tâm lí của trẻ RLPTK. Những trò chơi này được xây dựng dựa trên chủ đề chơi mà trẻ yêu thích, kĩ năng đề cập đến trong TCĐV sẽ được điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với mức độ KN CĐV của từng trẻ. Khi thiết kế TCĐV, GV cần chú trọng phát triển 5 tiêu chí của KN CĐV đó là mức độ tham gia, mức độ thực hiện hành động vai, mức độ độc lập, mức độ sáng tạo và mức độ hứng thú khi tham gia TCĐV của trẻ. Bên cạnh đó chú trọng việc cung cấp biểu tượng về nội dung CĐV, lịch trình hoạt động CĐV bằng hình ảnh, sắp xếp góc đóng vai phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ RLPTK.
Việc thiết kế TCĐV riêng cho trẻ RLPTK sẽ giúp tăng hứng thú, nhu cầu tham gia CĐV, từ đó nâng cao hiệu quả của quá trình phát triển KN CĐV cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi. Ngoài ra, giúp GV có sẵn tài liệu giảng dạy, không mất nhiều thời gian chuẩn bị.
2.2.1.5. Biện pháp lập kế hoạch can thiệp KN CĐV cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi
Kế hoạch can thiệp KN CĐV cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi là văn bản xác định mục tiêu (phát triển mức độ tham gia TCĐV; mức độ hành động vai, mức độ độc lập, sáng tạo và hứng thú khi CĐV), nội dung, biện pháp, hình thức, thời gian thực hiện, người thực hiện và kết quả mong đợi khi phát triển KN CĐV cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi.
Kế hoạch can thiệp KN CĐV cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi là cơ sở để tiến hành việc phát triển KN CĐV cho trẻ một cách có mục đích, để kiểm soát, điều chỉnh hoạt động giáo dục của GV hướng tới mục tiêu phát triển KN CĐV cho trẻ. Đồng thời đây cũng là cơ sở để đánh giá hiệu quả của quá trình phát triển KN CĐV cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi.
2.2.2. Nhóm biện pháp tổ chức hướng dẫn phát triển kĩ năng chơi đóng vai cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi
2.2.2.1. Biện pháp làm mẫu
Làm mẫu KN CĐV cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi bao gồm việc GV làm mẫu kĩ năng mới và làm mẫu luyện tập qua từng buổi chơi. Việc làm mẫu giúp trẻ quan sát được cách GV thực hiện hành động vai, cách thức tương tác giao tiếp với bạn chơi, biểu hiện cảm xúc của vai chơi, từ đó trẻ RLPTK bắt chước và thực hiện theo. Điều này giúp trẻ RLPTK 5-6 tuổi hình thành KN CĐV một cách trực quan và thuận lợi.
Làm mẫu kĩ năng mới: GV sẽ thực hiện mẫu hành động vai, cách thức tương tác giao tiếp với bạn chơi, biểu hiện cảm xúc của vai chơi để trẻ RLPTK bắt chước và thực hiện theo. Tùy vào khả năng của trẻ và mức độ KN CĐV, GV có thể hướng dẫn cho trẻ tất cả các bước trong một buổi học hoặc có thể chia ra làm nhiều buổi hướng dẫn. Những KN khó hoặc dài GV nên sử dụng chuỗi hình ảnh minh họa trực quan, chia nhỏ các bước giúp trẻ ghi nhớ được trình tự thực hiện các hành động. GV có thể làm mẫu nhiều lần tùy thuộc vào mức độ lĩnh hội của trẻ. Sau quá trình hướng dẫn, GV quan sát trẻ thực hiện và gợi nhắc trẻ khi cần.
Làm mẫu luyện tập: Việc làm mẫu luyện tập sẽ được GV thực hiện khi trẻ CĐV trong nhóm 3-4 bạn. Lúc này KN CĐV ở trẻ RLPTK 5-6 tuổi đã được hình thành, tuy nhiên trong quá trình chơi trẻ có thể quên cách thực hiện một số hành động vai hoặc chưa có cách tương tác và biểu hiện cảm xúc phù hợp với bạn khi chơi thì GV có thể làm mẫu để trẻ có các hành động phù hợp hơn. GV cũng có thể sắm vai bạn chơi của trẻ và tham gia vào TCĐV để việc làm mẫu được tự nhiên hơn và không làm trò chơi bị gián đoạn.
2.2.2.2. Biện pháp mở rộng KN CĐV cho trẻ RLPTK
Biện pháp mở rộng KN CĐV của trẻ bao gồm việc GV sử dụng bình luận miêu tả; tương tác tăng cường và chiến lựơc “B-Gợi ý” và “4T” hướng dẫn trẻ RLPTK CĐV. Biện pháp này giúp mở rộng, phát triển ý tưởng CĐV cho trẻ RLPTK, hạn chế việc trẻ thụ động bắt chước hành động của người lớn. Giúp trẻ chơi CĐV một cách tự nhiên, tăng sự chủ động, hứng thú và sự sáng tạo trong TCĐV của trẻ RLPTK.
Bình luận miêu tả là khi GV cung cấp những lời bình luận nhẹ nhàng về những gì trẻ quan tâm, trẻ đang nhìn, những gì trẻ đang làm liên quan đến việc CĐV. Việc này giúp trẻ có thêm vốn từ và khuyến kích việc trẻ bắt chước ngôn ngữ nói của GV.
Tương tác tăng cường: GV sẽ quan sát cách trẻ giao tiếp khi CĐV để bắt chước trẻ. Tạo ra, lặp lại những động tác quen thuộc, sau đó thêm vào một điều mới. Từ đó mở rộng những phản ứng, hành động, cử chỉ và lời nói của trẻ.
Chiến lược “B-Gợi ý”: Để duy trì và mở rộng cuộc hội thoại khi CĐV, GV sẽ tạo ra cuộc trò chuyện bao hàm sở thích, ý tưởng và từ ngữ của trẻ. Khi trẻ chủ động giao tiếp, GV sẽ diễn giải thông điệp của trẻ bằng lời. Cuối cùng GV bổ sung ý tưởng riêng về TCĐV vào cuộc hội thoại và chờ đợi những phản ứng từ phía trẻ.
Chiến lược “4T”: GV điều chỉnh cách nói khi giao tiếp với trẻ trong TCĐV: Thu gọn- nói ngắn gọn, cô động, biểu cảm trong lời nói và nét mặt. Trọng tâm-nói nhấn mạnh ý chính. Từ từ-chậm rãi trong lời nói và biểu cảm. Thêm minh họa-Sử dụng kết hợp hành động chỉ, xem tranh ảnh, video để trẻ hiểu điều GV muốn thể hiện.
2.2.2.3. Biện pháp Gợi nhắc/hỗ trợ
Biện pháp gợi nhắc (Prompting) là một trong những phương pháp giảng dạy được thực chứng khoa học là làm tăng tần suất và sự đa dạng trong TCĐV của trẻ RLPTK (Barton & Wolery, 2008, 2010). Biện pháp này cho phép GV dạy trẻ các KN CĐV mới, mức độ cao hơn khi trẻ chơi một cách tự nhiên.
Sử dụng biện pháp gợi nhắc với 7 mức độ khác nhau bao gồm: Nhắc thể chất toàn phần, nhắc thể chất một phần, làm mẫu, gợi nhắc bằng hình ảnh, gợi nhắc bằng từ ngữ, gợi nhắc bằng cử chỉ, gợi nhắc trong môi trường tự nhiên. Các mức độ này được sắp xếp từ mức độ nhắc nhiều nhất đến mức độ nhắc ít nhất, nó cũng tương ứng với mức độ độc lập ít nhất đến nhiều nhất sẽ giúp trẻ có thể độc lập thực hiện được các thành phần của KN CĐV.
2.2.2.4. Hệ thống củng cố
Hệ thống củng cố bao gồm củng cố dương tính và củng cố âm tính.
Củng cố dương tính là cung cấp một kích thích ngay sau khi trẻ có hành vi tốt (hành vi mục tiêu) nhằm gia tăng hành vi tích cực ở trẻ. GV cần quan sát thật chi tiết, cụ thể quá trình CĐV của trẻ RLPTK và thực hiện củng cố dương tính ngay khi trẻ có biểu hiện tiến bộ dù là rất nhỏ. Các hình thức củng cố dương tính GV có thể sử dụng là củng cố vật chất (đồ dùng,đồ chơi),củng cố tinh thần (lời khen, nụ cười) và củng cố thể chất (những kích thích giác quan, cù nách). Những củng cố này là sự động viên kịp thời nhằm kích thích trẻ chủ động CĐV.
Củng cố âm tính được GV sử dụng khi trẻ RLPTK có một số hành vi không mong muốn trong quá trình CĐV như tập trung quá nhiều vào một bộ phận của đồ chơi, không chia sẻ đồ chơi với bạn, trêu chọc bạn…Hình thức củng cố âm tính GV có thể sử dụng là tinh thần (nghiêm mặt, nhìn nghiêm khắc, nhắc nhở…), vật chất (thay thế đồ vật khác; lấy lại đồ chơi có báo trước…), thể chất (di chuyển ghế của trẻ ra xa bạn, góc bình tĩnh…). Việc củng cố âm tính sẽ giúp trẻ nhận ra hành vi tiêu cực, dưới sự động viên kích lệ của GV trẻ sẽ thay thế bằng những hành vi tích cực.
2.2.3. Nhóm biện pháp luyện tập, củng cố KN CĐV của RLPTK 5-6 tuổi
2.2.3.1. Tích hợp vào các hoạt động giáo dục khác và sinh hoạt hàng ngày
Việc phát triển KN CĐV cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi sẽ được tích hợp chủ yếu qua hoạt động làm quen với tác phẩm văn học, hoạt động khám phá môi trường xung quanh và trong sinh hoạt hằng ngày.
Tích hợp vào hoạt động làm quen với tác phẩm văn học: GV tạo cho trẻ RLPTK cơ hội được nghe các câu chuyện, xem đóng kịch, múa rối, đọc thơ, ca dao, câu đố… với hình ảnh minh họa trực quan một cách cụ thể, chi tiết ở các chủ đề khác nhau. Qua đó giúp trẻ mở rộng biểu tượng và phát triển vốn từ về bản thân, gia đình, nghề nghiệp và các mối quan hệ trong xã hội…từ đó giúp trẻ nâng cao nhận thức làm phong phú thêm nội dung CĐV, đồng thời việc giúp trẻ tích lũy vốn từ sẽ là phương tiện hữu hiệu để trẻ giao tiếp, tương tác với bạn khi CĐV.
Tích hợp vào hoạt động khám phá môi trường xung quanh: GV tạo cơ hội cho trẻ RLPTK được trực tiếp quan sát, học cách sử dụng đồ dùng, đồ chơi. Trẻ học cách nhận biết bộ phận trên cơ thể và cách chăm sóc chúng. Về chủ đề nghề nghiệp trẻ biết được hoạt động chủ đạo của từng nghề, dụng cụ của một số nghề và cách sử dụng chúng…tất cả những kiến thức này sẽ là tư liệu hữu ích để trẻ ứng dụng khi tham gia TCĐV. Khi hướng dẫn trẻ RLPTK khám phá MTXQ GV cần chú trọng cung cấp những kiến thức này một cách trực quan, lặp đi lặp lại nhiều lần và cho trẻ trải nghiệm trong các trò chơi mở rộng để trẻ ghi nhớ và tái hiện lại trong TCĐV.
Tích hợp vào hoạt động sinh hoạt hằng ngày: GV có thể củng cố những kiến thức về hoạt động của con người và mối quan hệ của con người trong xã hội cho trẻ RLPTK trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như vệ sinh cá nhân, giờ ăn, giờ ngủ, giờ sinh hoạt chiều, thăm quan, dã ngoại…Những kiến thức được cung cấp mọi lúc, mọi nơi sẽ giúp trẻ khắc ghi và khi được tạo điều kiện CĐV trẻ sẽ phản ánh những điều đã quan sát và trải nghiệm vào trong TCĐV của mình.
2.2.3.2. Đánh giá KN CĐV của trẻ RLPTK 5-6 tuổi
Đánh giá KN CĐV của trẻ RLPTK 5-6 tuổi bằng phiếu đánh giá: Để đánh giá KN CĐV của trẻ, trước tiên GV cần xây dựng được phiếu đánh giá với những tiêu chí chặt chẽ. Việc này giúp GV quan sát, đánh giá có mục đích để xác định mức độ KN CĐV hiện tại của trẻ, những thành phần KN CĐV mà trẻ thiếu hụt.Trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp phát triển KN CĐV cho phù hợp với trẻ RLPTK 5-6 tuổi.
Đánh giá KN CĐV của trẻ RLPTK 5-6 tuổi bằng cách quan sát: GV có thể quan sát và ghi chép các biểu hiện về KN CĐV của trẻ RLPTK trong quá trình CĐV, làm cơ sở để đánh giá KN CĐV ở trẻ RLPTK 5-6 tuổi, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong việc lập kế hoạch, đặt mục tiêu phát triển KN CĐV cho trẻ RLPTK.
3. Kết luận
Kĩ năng chơi đóng vai của trẻ RLPTK có nhiều hạn chế. Hiện nay, ở Việt Nam việc nghiên cứu về kĩ năng chơi của trẻ RLPTK nói chung và kĩ năng chơi đóng vai nói riêng còn chưa được chú trọng. Bài viết dừng lại ở việc đề xuất những biện pháp nhằm phát triển kĩ năng chơi đóng vai cho trẻ RLPTK 5-6 tuổi ở khía cạnh khái niệm, ý nghĩa và cách thực hiện. Trong quá trình can thiệp giáo dục, cần linh hoạt trong việc lựa chọn biện pháp phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích và mức độ kĩ năng của từng trẻ RLPTK để phát triển kĩ năng chơi đóng vai cho trẻ RLPTK một cách hiệu quả nhất.
Các tác giả:
Nguyễn Thị Tấn -Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM
Nguyễn Nữ Tâm An – Tiến sĩ, Trường Đại học sư phạm Hà Nội
(Bài đã được đăng trong Kỷ yếu Tuyển tập công trình Khoa học Hội thảo Quốc gia tổ chức tại Vinh- tỉnh Nghệ An 10/2020, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội 2020)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ lao động và thương binh xã hội (2019), Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ tại Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội
- Trần Văn Công-Nguyễn Thị Hoàng Yến (2017), Tỉ lệ rối loạn Phổ Tự Kỷ: Những con số Thống kê, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Volume 62, Issue 9AB
- Nguyễn Xuân Hải-Nguyễn Thị Thu Hằng (2017), Tổng quan các kết quả nghiên cứu về giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỉ ở Viêt Nam, Tạp Chí Khoa học, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Volume 62, Issue 9AB
- Barton, E. E., & Wolery, M. (2008). Teaching pretend play to children with disabilities: A review of the literature. Topics in Early Child Special Education, 28, 109-125.
- Barton, E. E., & Wolery, M. (2010). Training teachers to promote pretend play in young children with disabilities. Exceptional Children.
- Erin E. Barton (University of Colorado Denver), Rachel Pavilanis (University of Oregon), 2012. Teaching pretend play to young children with Autism. Vol. 15, No. 56
- Emily J. Jorgenson, 2017. Pretend play and children with autism spectrum disorder: Deficits and interventions. Honors Thesis. Appalachian State University;
- Hobson, J. A., Hobson, R. P., Cheung, Y., & Caló, S. (2014). Symbolizing as interpersonally grounded shifts in meaning: Social play in children with and without autism. Journal of Autism and Developmental Disorders, 45(1), 42-52.
- Kasari, C., Chang, Y., & Patterson, S. (2013). Pretending to play or playing to pretend: The case of autism. American Journal of Play.
- Kasari, C., Freeman, S., & Paparella, T. (2006). Joint attention and symbolic play in young children with autism: A randomized controlled intervention study. Journal of Child Psychology and Psychiatry.
- Linda R. Watson. Enhancing Pretend Play Skills in Preschoolers with Autism Spectrum Disorders. University of North Carolina at Chapel Hill.
- Low, J., Goddard, E., & Melser, J. (2009). Generativity and imagination in autism spectrum disorder: Evidence from individual differences in children’s impossible entity drawings. British Journal of Developmental Psychology, 27(2), 425-444.
- Leslie, A. M. (1987). Pretense and representation: The origins of “theory of mind” Psychological Review. doi:10.1037//0033-295X.94.4.412
- Low, J., Goddard, E., & Melser, J. (2009). Generativity and imagination in autism spectrum disorder: Evidence from individual differences in children’s impossible entity drawings. British Journal of Developmental Psychology. doi:10.1348/026151008X334728
- Rutherford, M. D., & Rogers, S. J. (2003). Cognitive underpinnings of pretend play in autism. Journal of Autism and Developmental Disorders, 33(3).
- Thorp, D. M., Stahmer, A. C., & Schreibman, L. (1995). Effects of sociodramatic play training on children with autism. Journal of Autism and Developmental Disorders, 25(3), 265-282.
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Đặc trưng chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu07/10/2024
- XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CỦA GIÁO VIÊN VÀ SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH 2018Nghiên cứu04/10/2024
- Trẻ em có thể dạy cho chúng ta điều gì về khoa học thần kinh ẩn sau sự tò mòNghiên cứu06/09/2024
- Các nhà tâm lý học phát hiện ra hiện tượng sởn gai ốc diễn ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩNghiên cứu21/06/2024
- A Systematic Review of Problem-Solving Skill Development for Students in STEM EducationNghiên cứu06/06/2024
- Proposing and Experimenting with a Public University Governance Model and MechanismsNghiên cứu03/06/2024
- Internal Quality Assurance of Initial Teacher Education Programs in Vietnam: A Descriptive StudyNghiên cứu03/06/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024