Giáo dục giá trị văn hoá truyền thống cho học sinh tiểu học thông qua nội dung giáo dục địa phương
TS. Lê Thục Anh, TS. Nguyễn Thị Quỳnh Anh
Tóm tắt: Các giá trị văn hóa truyền thống là sự kết tinh đời sống văn hóa của dân tộc, phản ánh diện mạo tinh thần, vật chất của cả một dân tộc. Đó cũng chính là dấu ấn văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, của mỗi địa phương, vùng miền. Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trước hết cần bắt đầu từ những hiểu biết, trải nghiệm về bản sắc văn hóa của địa phương. Bài viết đề xuất và phân tích một số giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi có thể giáo dục cho học sinh tiểu học thông qua nội dung giáo dục địa phương; nêu bật một số lưu ý cần thiết khi tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương để giáo dục giá trị văn hóa truyền thống theo đúng định hướng và mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Từ khóa: Giá trị văn hóa truyền thống, Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống, Nội dung giáo dục địa phương, học sinh tiểu học.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông góp phần hướng đến mục tiêu giáo dục chung, đó là: “… Phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe,
thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế” (Quốc hội, 2019).
Nội dung giáo dục địa phương là một thành phần hữu cơ trong chương trình giáo dục của nhà trường. Nội dung giáo dục địa phương có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục, góp phần hình thành nhân cách toàn diện, định hướng giá trị sống cho học sinh. Bài viết này tập trung bàn về vấn đề giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh thông qua nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Một số khái niệm cơ bản
2.1.1. Giá trị văn hóa truyền thống
Giá trị là phạm trù riêng có của loài người, liên quan đến lợi ích vật chất cũng như tinh thần của con người. Bản chất và ý nghĩa bao quát của giá trị là tính nhân văn. Tác giả Ngô Đức Thịnh cho rằng, “Giá trị trước nhất là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, nói cách khác đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất người. Giá trị cũng như tập quán, chuẩn mực, tri thức,... đều là sản phẩm của quá trình tư duy, sản xuất tinh thần của con người, nó là yếu tố cốt lõi nhất của văn hóa” (Ngô Đức Thịnh, 2009).
Giá trị văn hóa truyền thống thực chất là yếu tố cốt lõi của văn hóa, được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của dân tộc và nhân loại. Giá trị văn hóa truyền thống là một hệ thống các giá trị có ý nghĩa khách quan được quy định bởi thực tiễn lịch sử, bởi tính thông tin rộng rãi. Các giá trị văn hóa truyền thống đều chứa đựng những điều tốt đẹp (chân, thiện, mỹ) và luôn tạo ra các định hướng làm phát huy cái đúng, cái tốt, cái đẹp của con người.
Giá trị văn hóa truyền thống chính là những gì được chọn lọc và kết tinh thành truyền thống của mỗi dân tộc, được cộng đồng lựa chọn tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc và được truyền từ đời này qua đời khác. Các giá trị văn hóa truyền thống kết tinh lại trong hoạt động; trong quan niệm, tư tưởng, triết lý; trong đạo đức và cách ứng xử, ... phản ánh diện mạo tinh thần, vật chất của cả một dân tộc, có trong các sản phẩm vật thể và phi vật thể của văn hóa. Theo tác giả Trần Văn Giàu (1987), giá trị văn hóa truyền thống là: “Những nguyên lý đạo đức lớn mà con người trong nước thuộc các thời đại, các giai đoạn lịch sử dựa vào để phân biệt phải trái, nhận định nên chăng, nhằm xây dựng độc lập, tự do và tiến bộ của dân tộc đó.” (Trần Văn Giàu, 1987). Như vậy, giá trị văn hóa truyền thống là các giá trị tốt đẹp được phản ánh và kết tinh trong đời sống văn hóa của dân tộc, giúp điều tiết hành vi và định hướng sự phát triển tới chân - thiện - mỹ, góp phần tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của dân tộc.
2.1.2. Nội dung giáo dục địa phương
Nội dung giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, “Nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 26/12/2018).
Theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương được thực hiện thông qua các phương pháp tổ chức các hoạt động học tập, hoạt động trải nghiệm, dự án học tập tích cực để lựa chọn chủ đề thiết thực gắn với tình hình kinh tế, chính trị, lao động, sản xuất, văn hóa địa phương; Nội dung giáo dục địa phương được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt; gắn liền với những lĩnh vực, chủ đề, kết nối với các môn học và hoạt động giáo dục khác để có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương.
2.1.3. Giáo dục giá trị truyền thống thông qua nội dung giáo dục địa phương
Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống là quá trình giúp học sinh tiếp thu, lĩnh hội được những giá trị tốt đẹp của dân tộc, biến thành những giá trị đặc trưng của bản thân các em; giúp hình thành thái độ tôn trọng và định hướng các hành vi cá nhân trong đời sống hàng ngày. Các giá trị văn hóa truyền thống là sự kết tinh trong đời sống văn hóa của dân tộc, phản ánh diện mạo tinh thần, vật chất của cả một dân tộc, có trong các sản phẩm vật thể và phi vật thể của văn hóa. Giá trị văn hóa truyền thống cũng chính là văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của mỗi địa phương, vùng miền. Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trước hết cần bắt đầu từ những hiểu biết, trải nghiệm của học sinh về kinh tế, chính trị, lao động, sản xuất, văn hóa đời sống của địa phương. Tích hợp giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương sẽ mang lại hiệu quả góp phần thực hiện định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học.
Như vậy có thể hiểu, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống qua nội dung giáo dục địa phương là quá trình giúp học sinh tiếp thu, lĩnh hội được những giá trị tốt đẹp phản ánh và kết tinh trong đời sống văn hóa của địa phương, vùng miền mà các em sinh sống, qua đó giúp điều tiết hành vi và định hướng sự phát triển bản thân.
2.2. Sự cần thiết phải giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh tiểu học thông qua nội dung giáo dục địa phương
Căn cứ vào mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ngay từ tiểu học, chương trình giáo dục giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Vì vậy, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống có thể coi là hoạt động có định hướng, có tổ chức nhằm hình thành năng lực nhận thức, ý thức ứng xử đúng đắn và hoàn thiện phẩm chất, đức tính tốt đẹp cho học sinh ngay từ đầu cấp tiểu học trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, song song với cơ hội được giao lưu, hội nhập là nguy cơ nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, lãng quên. Một bộ phận học sinh đang bị ảnh hưởng bởi lối sống ngoại lai, buông thả, quay lưng với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cuộc sống dư giả về vật chất khiến một bộ phận của giới trẻ chấp nhận lối sống hưởng thụ, ích kỉ, đặt cái riêng trên cái chung, đặt lợi ích cá nhân trước lợi ích tập thể, chối bỏ trách nhiệm với cộng đồng, sống không có lý tưởng và mơ ước. Nhìn chung, học sinh ở trường hiện nay đang chịu nhiều áp lực học tập, thi cử, thành tích nên dễ mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến trạng thái nóng giận, hung hăng, thiếu sự nhường nhịn, khoan hòa. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, phần lớn học sinh ít được tham gia các chuyến dã ngoại, trải nghiệm thực tế cuộc sống để được hướng dẫn thực hành các kỹ năng xã hội cần thiết như giao tiếp và hợp tác hiệu quả, giải quyết mâu thuẫn, điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc,… Những bài học về giá trị văn hóa truyền thống nói chung chưa thực sự được chú trọng. Trong khi đó, việc hình thành các giá trị văn hóa truyền thống của giai đoạn này lại có ý nghĩa rất quan trọng góp phần định hướng cho sự hình thành, phát triển nhân cách của các em.
Để giúp học sinh có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống một cách tự giác, việc lựa chọn, tích hợp giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường thông qua nội dung giáo dục địa phương sẽ là giải pháp khả thi. Những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương được lĩnh hội thông qua hoạt động học tập, trải nghiệm về đời sống văn hóa địa phương, được khám phá qua sản phẩm vật thể và phi vật thể gắn bó bao đời với làng quê, thôn bản sẽ giúp các em hình thành những tình cảm đẹp và định hướng cho hành vi cá nhân trong đời sống hàng ngày.
2.3. Một số giá trị văn hóa truyền thống được giáo dục cho học sinh tiểu học thông qua nội dung giáo dục địa phương
Nội dung giáo dục địa phương nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông về những vấn đề cơ bản hoặc thời sự thuộc lĩnh vực văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp của địa phương để bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước. Nội dung giáo dục địa phương trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương. Lựa chọn giá trị văn hóa truyền thống gắn với tình hình kinh tế, chính trị, lao động, sản xuất, văn hóa địa phương giúp trang bị cho học sinh hiểu biết, từ đó hình thành và phát triển tình yêu, niềm tự hào, sự gắn bó với quê hương, với cộng đồng địa phương; Ý thức được vai trò của bản thân và ý nghĩa của sự gắn kết, hòa nhập với cộng đồng, sẵn sàng tham gia đóng góp xây dựng quê hương và cộng đồng; có ý thức giữ gìn truyền thống quê hương, phát huy tiềm lực và thế mạnh địa phương, chuẩn bị cho cuộc sống xã hội và nghề nghiệp góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 19/8/2019).
Như vậy, qua nội dung giáo dục địa phương, học sinh được trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng hoạt động, hình thành thái độ đối với văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường của địa phương. Nói cách khác, nội dung giáo dục địa phương đã giúp học sinh lĩnh hội các yếu tố cốt lõi của văn hóa được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của dân tộc và nhân loại gần gũi, xung quanh các em, trong môi trường sống và học tập ở địa phương. Các yếu tố cốt lõi đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, tinh thần cần cù, sáng tạo … của dân tộc Việt Nam.
2.2.1. Lòng yêu nước
Yêu nước là tình cảm tự nhiên, tình cảm sâu sắc nhất của con người đối với Tổ quốc; đằng sau tình cảm ấy là tinh thần trách nhiệm và sứ mệnh đối với đất nước. Yêu nước luôn là giá trị đứng đầu trong bảng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tác giả Trần Văn Giàu (1987) đã từng nhận định, yêu nước là “Tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị”, là “Động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống các giá trị đạo đức của dân tộc ta” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 26/12/2018). Suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, yêu nước đã trở thành một trong những tài sản quý, một giá trị văn hóa thiêng liêng góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Giáo dục lòng yêu nước cho học sinh là một bộ phận của giáo dục toàn diện giúp cho các em hiểu biết được nội dung, ý nghĩa của lòng yêu nước, lòng tự hào của dân tộc mình. Giáo dục ý thức của các em đối với Tổ quốc nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của các em với lòng yêu nước, tự hào về dân tộc mình, từ đó giúp các em bồi đắp tình cảm lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh, tôn trọng, yêu quý học tập và phấn đấu rèn luyện bản thân mình trở thành con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, đội viên tốt, người công dân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Chẳng hạn, giáo dục khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, bồi đắp tình cảm lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh qua chủ đề “Nhân vật anh hùng ở Nghệ An” trong nội dung giáo dục địa phương Nghệ An. Với chủ đề này, học sinh biết đến tên tuổi, đóng góp của các anh hùng ở Nghệ An như Nguyễn Xuân Ôn với phong trào Cần Vương; Phan Bội Châu với phong trào Đông Du. Cũng với chủ đề này, các em được hiểu biết nhiều hơn về sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhân vật anh hùng trên quê hương Xô Viết như Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu… Những tượng đài, những khu tưởng niệm, những địa chỉ đỏ ngay trên quê hương cũng giúp các em hiểu hơn về tinh thần, ý chí kiên cường đấu tranh vì Tổ quốc của các chiến sỹ cách mạng; giúp các em khám phá, hình dung một cách sinh động cuộc sống lao động và bảo vệ đất nước qua bao cuộc chiến tranh, hiểu rõ những mất mát đau thương, những khó khăn gian khổ của người dân trên quê hương mình; khâm phục trước những hy sinh, cống hiến lớn lao của các nhân vật anh hùng… Tất cả những trải nghiệm gắn với chủ đề “Nhân vật anh hùng ở Nghệ An” đã góp phần khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn về các truyền thống quý báu của quê hương, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân của học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Giáo dục lòng yêu nước cũng có thể bắt đầu từ bồi đắp tình yêu, lòng tự hào và ý thức bảo tồn, phát huy nét đặc trưng văn hóa của quê hương trên cơ sở được tìm hiểu về một số nét văn hóaGIÁO DỤC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP | 53 của địa phương như nhà ở, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, ẩm thực thông qua các chủ đề “Lịch sử và truyền thống văn hóa Nghệ An”, “Nhạc cụ dân tộc ở Nghệ An”, “Món ăn đặc trưng của Nghệ An”…
2.2.2. Tinh thần đoàn kết
Tinh thần đoàn kết là một trong những giá trị cốt lõi của cuộc sống và cũng là một giá trị truyền thống lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa người Việt. Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc sâu sắc là một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta mà ngày nay vẫn cần được giữ gìn và phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Trước lúc đi xa, Người còn nhắn nhủ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kì quý báu của Đảng và của dân ta”. Tinh thần đoàn kết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người và mang lại sự hỗ trợ, sự tin tưởng, sự đồng cảm trong cuộc sống. Đoàn kết bao gồm sự đồng tình, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau nhằm tạo ra sức mạnh cộng đồng. Tinh thần đoàn kết giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách. Tinh thần đoàn kết cũng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một xã hội hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ. Khi tinh thần đoàn kết được lan tỏa trên toàn xã hội, mọi người cảm thấy được sự an toàn, tin tưởng từ những người xung quanh mình. Điều này giúp giảm bớt bất đồng và xung đột, từng bước kiến tạo một môi trường sống hòa đồng và thân thiện hơn, giúp xã hội phát triển và tiến bộ hơn.
Giáo dục tinh thần đoàn kết cho học sinh tiểu học có thể thông qua việc trang bị cho các em những hiểu biết về cuộc sống của cộng đồng, làng xã trên quê hương mình nhằm khơi dậy ý thức gắn kết, tinh thần hợp tác, chia sẻ trong học tập, lao động. Chẳng hạn, những hiểu hiết của học sinh về các kiểu nhà truyền thống của người dân đồng bào trên quê hương Nghệ An như dân tộc Thái, dân tộc Khơ mú được chuyển tải qua chủ đề “Nhà ở truyền thống các dân tộc ở Nghệ An” sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng - một trong các biểu hiện của tinh thần đoàn kết. Học sinh cũng thông qua các tương tác khi đọc, chia sẻ mà hiểu được ngôi nhà truyền thống chính là nơi sinh hoạt, gắn kết tình yêu thương của các thành viên trong gia đình, dòng họ.
2.2.3. Lòng nhân ái
Bên cạnh lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết thì lòng nhân ái là một giá trị văn hóa tinh thần truyền thống rất nổi bật của dân tộc ta. Lòng nhân ái là phẩm chất đặc biệt trong mỗi con người. Trong mọi hoàn cảnh khác nhau thì lòng nhân ái sẽ được biểu thị dưới những hành vi khác nhau, không có bất cứ một định nghĩa hay quy chuẩn nào cho lòng nhân ái. Tất cả đều xuất phát từ sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ cho những con người khó khăn, kém may mắn hơn mình, đây chính là biểu hiện sâu sắc nhất của đức tính này.
Lòng nhân ái thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, hiện diện qua từng cử chỉ, lời nói, hành động… của mỗi người. Khi ta mở lòng nhân ái đối với bất kì ai, người đó chắc chắn sẽ cảm nhận được sự ấm áp, sự yêu thương. Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta có từ ngàn xưa. Các thế hệ tiếp nối có trách nhiệm gìn giữ và phát huy truyền thống đó. Mỗi cá nhân đều phải sống có trách nhiệm với xã hội để góp phần vào sự phát triển của dân tộc.
Giáo dục lòng nhân ái là bồi đắp, hình thành tình yêu thương và biết cách trao gửi, chia sẻ, lan tỏa tình yêu đến với nhiều người. Con người ta chỉ có lòng yêu thương, chỉ có cái tâm thiện thôi là chưa đủ, còn phải biết cách thể hiện tình yêu ấy một cách tế nhị. Trên tinh thần ấy, người Việt sâu sắc có câu triết lý: “Của cho không bằng cách cho”. Vì vậy, giáo dục lòng nhân ái cần hướng dẫn để các em biết thực hiện các hành động thể hiện sự cảm thông, chia sẻ tình yêu thương của mình tới những người xung quanh. Bằng các hoạt động nghĩa tình trên chính quê hương thông qua chủ đề “Tết vì người nghèo ở địa phương em” , học sinh có cơ hội để bày tỏ thái độ, suy nghĩ, cảm xúc trước những hoạt động thể hiện tinh thần tương thân tương ái: một chiếc áo ấm dành tặng bạn nghèo, một lời hỏi han đúng lúc, một cặp bánh “Tết yêu thương”.... Hơn thế nữa, các hoạt động trải nghiệm mà học sinh được tham gia sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của các em. Do đó, khi dạy học những chủ đề như đã nêu, cần chú ý để thiết kế các hoạt động thực tiễn, mang tính thời sự gần gũi và phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học nhằm tạo được sự quan tâm, hứng thú đối với các em.
Nhân ái là một giá trị văn hóa truyền thống cực kì quý báu của dân tộc Việt Nam, là nguồn gốc, là cơ sở sâu xa và bền vững của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, chủ nghĩa nhân đạo hiện thực. Giáo dục lòng nhân ái cho học sinh chính là sự kế thừa và phát huy nó lên một tầm cao mới.
2.2.4. Tính cần cù, sáng tạo trong lao động
Cần cù và sáng tạo trong lao động là một trong những giá trị truyền thống nổi bật của dân tộc Việt Nam. Đức tính cần cù sáng tạo thể hiện ở sự chăm chỉ, cần mẫn, kiên trì trong công việc,
quyết tâm đạt được mục đích của mình. Cần cù, sáng tạo là phẩm chất quý báu có thể giúp con người vượt qua khó khăn thử thách trên đường đời, biết đứng lên mỗi khi vấp ngã. Tuy nhiên, cần cù, sáng tạo không phải là một tố chất bẩm sinh, nó được hình thành trên cơ sở của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự cần cù chịu khó trau dồi kiến thức, tích lũy vốn sống. Tính cần cù, sáng tạo và ý chí vươn lên trong cuộc sống có mối liên hệ mật thiết với nhau, cần cù năng động, sáng tạo giúp cho ý chí vươn lên trong cuộc sống trở thành hiện thực. Thành công thật sự hiếm khi đến với những “nỗ lực ngắn hạn”, mà đó là cả một quá trình dài kiên trì phấn đấu. Giáo dục tính cần cù lao động cho học sinh tiểu học từ chính cuộc sống, học tập và sinh hoạt hàng ngày, từ những tấm gương người thật việc thật gần gũi với các em. Với học sinh tiểu học ở Nghệ An, nhân vật anh hùng đầu tiên được kể đến là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con của quê hương xứ Nghệ, tấm gương lớn về sự cần cù, sáng tạo trong lao động và học tập. Các em hiểu rõ hơn về điều này khi được nghe những câu chuyện về sự miệt mài lao động, học tập khi ra nước ngoài của Bác Hồ. Ngoài ra, các em còn biết đến nhiều tấm gương về sự cần cù, hiếu học của những người con xứ Nghệ. Những tấm gương, những bài học về sự chăm chỉ, nỗ lực vươn lên trong học tập, say mê tìm tòi, học hỏi để tìm ra những cách thức làm việc phù hợp để đạt hiệu quả cao trong công việc… góp phần giáo dục ý thức học tập, sự tích cực trau dồi bản thân để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Tính cần cù sáng tạo cũng có thể khơi dậy qua tình yêu, lòng tự hào về các giá trị mà lao động của người dân trên quê hương đã tạo nên. Học sinh được trải nghiệm vẽ tranh/làm tờ rơi để quảng bá một sản phẩm ở địa phương em khi học về chủ đề “Một số sản phẩm ở quê hương em” đã thôi thúc các em tìm hiểu về quá trình lao động nhiều khó khăn, gian khổ của người dân trên mảnh đất miền Trung khắc nghiệt, nhiều nắng, gió...
Tính cần cù, sáng tạo của học sinh cũng có thể bắt đầu từ những hiểu biết, tình cảm và thái độ trân trọng đối với ngành nghề của địa phương để từ đó khơi dậy khát vọng làm phát triển các lĩnh vực nghề nghiệp của địa phương. Nhằm phát huy tinh thần cần cù và sáng tạo trong lao động, hiện nay chúng ta đã thực hiện nhiều phong trào tuyên truyền và vận động ý thức hăng say lao động trong quần chúng nhân dân, mỗi ngành nghề địa phương đều có phong trào thi đua của riêng mình cho phù hợp với điều kiện của từng ngành nghề địa phương. Học sinh cần phải hiểu và thể hiện rõ vai trò của mình trong các hoạt động này.
3. KẾT LUẬN
Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh tiểu học có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả giáo dục những phẩm chất cốt lõi mà chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hướng tới. Một mặt khác, học sinh là một trong những lực lượng góp phần không nhỏ trong việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các em sẽ phát huy được các năng lực, phẩm chất cần thiết khi nội dung giáo dục địa phương gắn với văn hóa, lịch sử của dân tộc, đáp ứng đúng theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trên cơ sở những hiểu biết về truyền thống quê hương, về các dân tộc đang sinh sống ở địa phương, các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực, lịch sử và địa lý và nghề nghiệp ở địa phương, các em sẽ nảy nở tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào, đồng chí, tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động… Đó vừa là những phẩm chất đáng quý của con người vừa là những cốt lõi của văn hóa truyền thống Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Quốc hội (2019). Luật Giáo dục, Luật số: 43/2019/ QH14.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (26/12/2018). Chương trình Giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể, Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (19/8/2019). Văn bản hướng dẫn số 3536/BGDĐT-GDTH Về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học trong Chương trình Giáo
dục phổ thông 2018 và tổ chức thực hiện từ năm học 2020-2021.
Trần Văn Giàu (1987). Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Ngô Đức Thịnh (2009). Một số vấn đề lý luận nghiên cứu hệ giá trị văn hóa truyền thống trong đổi mới và hội nhập, Báo cáo Hội thảo khoa học Bảo tồn và Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập.
TRADITIONAL CULTURAL VALUES EDUCATION FOR PRIMARY SCHOOL STUDENTS THROUGH LOCAL EDUCATIONAL CONTENT
Abstract: Traditional cultural values are the crystallization of a nation's cultural life, reflecting the spiritual and material vision of an entire nation. That is also the culture, history, geography, economy, society, environment,... hallmark of each locality and region. Educating the value of traditional culture first needs to start from the understanding and experience of local cultural identity. This article proposes and analyzes some core traditional cultural values that can educate elementary students through local education content; emphasize some necessary notes when organizing teaching local education content to educate traditional cultural values according to the exact orientation and goals of the general education program at the elementary level.
Keywords: Traditional cultural values, Traditional cultural values education, Local education content, elementary students.
ENSEIGNEMENT DES VALEURS CULTURELLES TRADITIONNELLES POUR LES ÉLÈVES DU PRIMAIRE AVEC L’INTÉGRATION DE CONTENU LOCAL
Résumé: Les valeurs culturelles traditionnelles résultent d’une cristallisation des vécus culturels nationaux, reflétant le profil identitaire tant spirituel que matériel de toute une nation. Ce sont des empreintes culturelles, historiques, géographiques, socio-économiques et environnementales de chaque localité ou chaque région du pays. L’enseignement des valeurs culturelles traditionnelles débutent en premier lieu avec les connaissances et le vécu fondés sur l’identité propre à la localité concernée. La présente intervention analyse et suggère certaines valeurs traditionnelles essentielles au profit des élèves du primaire, mettant en relief notamment un enseignement lié au local, attire une attention particulière quant à l’organisation éducative des contenus locaux afin de respecter, dans l’encadrement portant sur des valeurs traditionnelles, les orientations et les objectifs du programme éducatif général niveau des classes du primaire.
Mots clés: Valeurs culturelles traditionnelles, enseignement des valeurs culturelles traditionnelles, contenu éducatif concernant le local, élèves du primaire.
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Đặc trưng chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu07/10/2024
- XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CỦA GIÁO VIÊN VÀ SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH 2018Nghiên cứu04/10/2024
- Trẻ em có thể dạy cho chúng ta điều gì về khoa học thần kinh ẩn sau sự tò mòNghiên cứu06/09/2024
- Các nhà tâm lý học phát hiện ra hiện tượng sởn gai ốc diễn ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩNghiên cứu21/06/2024
- A Systematic Review of Problem-Solving Skill Development for Students in STEM EducationNghiên cứu06/06/2024
- Proposing and Experimenting with a Public University Governance Model and MechanismsNghiên cứu03/06/2024
- Internal Quality Assurance of Initial Teacher Education Programs in Vietnam: A Descriptive StudyNghiên cứu03/06/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024