Chứng lo âu xã hội (Social Anxiety) có thể là một tình trạng suy nhược, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, sự nghiệp, gia đình và các mối quan hệ của bạn. Tùy thuộc vào kiểu lo âu của bạn, bạn có thể bị căng thẳng trong tất cả các tình huống xã hội hoặc nó chỉ kích hoạt khi gặp trường hợp cụ thể.
Tháp phân cấp lo âu xã hội (hay Hệ thống phân cấp mức độ lo âu xã hội - Social Anxiety Hierarchy) là một trường hợp của Tháp Phơi Nhiễm (Exposure Hierarchy).
Tháp phân cấp lo âu xã hội sẽ giúp bạn diễn đạt chính xác tình huống khiến bạn lo lắng bằng các thuật ngữ cụ thể, chẳng hạn như bối cảnh, số lượng người xung quanh bạn hoặc vai trò của bạn trong đó. Bằng cách chia nhỏ tình huống thành từng bước, bạn có thể biết chính xác phần nào của bối cảnh xã hội khiến bạn lo lắng. Các cấp bậc khác nhau của sự lo lắng sẽ cung cấp định hướng để bạn đối mặt với nỗi lo âu của chính mình một cách chậm rãi và an toàn.
Để xác định tháp lo âu xã hội, nhà trị liệu sẽ làm việc cùng thân chủ để thiết lập một danh sách dựa trên các tình huống gây lo lắng. Sau khi danh sách được xác định, nhà trị liệu sẽ giúp thân chủ dần thích ứng và vượt qua được nỗi lo âu xã hội ở bậc cao nhất.
Dưới đây là một ví dụ về tháp phân cấp của một người mắc chứng lo âu xã hội trong bối cảnh tham gia vào bữa tiệc:
-
Nói chuyện riêng với một người bạn
-
Nói chuyện trực tiếp với một người quen bình thường
-
Nói chuyện trực tiếp với một người không quen biết
-
Mỉm cười với những người bạn không biết trong một bữa tiệc
-
Nói chuyện với một người mà bạn không biết trong một bữa tiệc
-
Nói chuyện với ba người bạn tại một bữa tiệc
-
Nói chuyện với những người bạn không quen biết tại một bữa tiệc
-
Tham gia một bữa tiệc hoặc sự kiện mà bạn không biết ai
Tháp nhu cầu của Maslow
Tháp nhu cầu của Maslow (hay Hệ thống phân cấp nhu cầu Maslow - Abraham Maslow's Hierarchy of Needs) trong tâm lý học là một trong những lý thuyết nổi tiếng nhất về động lực. Abraham Maslow lần đầu tiên đưa ra khái niệm về Tháp nhu cầu trong bài báo năm 1943 của ông, có tiêu đề "Lý thuyết về động lực của con người" và một lần nữa trong cuốn sách tiếp theo của ông có tên "Động lực và tính cách". Lý thuyết tháp nhu cầu của Maslow đưa ra 5 mức độ nhu cầu của con người từ thấp đến cao và diễn giải rằng hành động của chúng ta được thúc đẩy bởi những nhu cầu sinh lý và tâm lý nhất định tiến triển từ cơ bản đến phức tạp. Trước khi đạt được các mức nhu cầu cao, con người phải đi từ những mức thấp. Đây là một lý thuyết vô cùng đột phá vì thay vào việc tập trung nghiên cứu các hành vi có vấn đề của con người, Maslow quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu điều gì khiến mọi người hạnh phúc và họ làm những gì để đạt được mục tiêu đó.
Sau đây là tháp nhu cầu của Maslow với các cấp độ từ thấp đến cao.
Cấp độ 1 – Nhu cầu Sinh lý (Physiological Needs)
Nhu cầu sinh lý bao gồm những nhu cầu cơ bản cho sự sống còn như nhu cầu về không khí, nhiệt độ thích hợp, dinh dưỡng (thức ăn, nước uống) cân bằng nội môi, nơi ở, trang phục…
Cấp độ 2 – Nhu cầu An ninh và An toàn (Security and Safety Needs)
Một số nhu cầu cơ bản về an ninh và an toàn bao gồm: an toàn về sức khỏe thể chất và tinh thần, phòng chống tai nạn và thương tích, an ninh tài chính,…
Cấp độ 3 – Nhu cầu Xã hội (Social Needs)
Các nhu cầu xã hội trong cấp độ này của Maslow bao gồm tình yêu, sự công nhận và cảm giác được thuộc về.
Cấp độ 4 – Nhu cầu được tôn trọng (Esteem Needs)
Cấp độ này bao gồm nhu cầu được công nhận, lòng tự trọng và giá trị cá nhân. Mọi người cần được ghi nhận và tôn trọng vì họ muốn cảm thấy rằng mình đang đóng góp cho thế giới.
Cấp độ 5 – Nhu cầu tự hiện thực (Self-Actualization Needs)
Những người đạt được nhu cầu này sẽ có ý thức về bản thân, phát huy được các tiềm năng của họ và ít bị ảnh hưởng bởi những ý kiến của người khác.