PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO SÂU SÁT, BẢN LĨNH DÁM NGHĨ, DÁM LÀM, DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM CỦA ĐỒNG CHÍ CHU HUY MÂN
PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO SÂU SÁT, BẢN LĨNH DÁM NGHĨ, DÁM LÀM, DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM CỦA ĐỒNG CHÍ CHU HUY MÂN
TS. Trần Cao Nguyên - Đại học Vinh
Đồng chí Chu Huy Mân (1913 - 2006) - từ một thanh niên yêu nước sớm bước vào con đường cách mạng, 76 năm tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng Đồng chí đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, đã từng xông pha trên hầu khắp các chiến trường ác liệt. Đồng chí từng đảm nhiệm nhiều trọng trách, khi là Chính ủy, khi là Tư lệnh, có khi kiêm nhiệm cả hai chức vụ đó ở các trung đoàn, sư đoàn, quân khu, mặt trận, là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban quân chính liên tỉnh, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ở cương vị nào Đồng chí Chu Huy Mân đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận xét: “Suốt cuộc đời, Đại tướng Chu Huy Mân đã đem hết sức lực và trí tuệ góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”[[1]]. Là người chỉ huy xuất sắc, thao lược trên chiến trường trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc; nhà lãnh đạo và tổ chức hoạt động thực tiễn tài năng của Đảng và Quân đội cả trong chiến tranh và hòa bình, Đại tướng Chu Huy Mân không chỉ là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, mà còn để lại những bài học quý về phong cách lãnh đạo sâu sát thực tế, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đặc biệt thể hiện trong những bước ngoặt của lịch sử cách mạng Việt Nam trong những thời điểm đầy thách thức, gian khó.
1.Bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo góp phần quan trọng vào những thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Nhìn lại quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân, có thể nói rằng, Đại tướng đã quán triệt sâu sắc lời chỉ giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”[[2]]. Do vậy, Đại tướng đã xác định quan điểm rõ ràng “đánh giá địch có đúng mới có quyết tâm đúng”[[3]]. Ở bất kỳ cương vị nào, Đại tướng luôn bám sát thực tiễn, nắm bắt tình hình, từ đó mới đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo.
Trưởng thành từ phong trào cách mạng ở địa phương, từ Đội phó Đội tự vệ xã trong Cao trào Xô viết 1930 - 1931, cho đến Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam. Dù mới hơn 30 tuổi đời, nhưng với phong cách lãnh đạo sâu sát, đồng chí đã nhanh chóng nắm bắt tình hình của địa phương, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách ở tỉnh Quảng Nam lúc đó. Sau đó, với trọng trách là Chủ tịch Uỷ ban quân chính Khu C (các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên), đồng chí đã cùng Ban lãnh đạo Khu 4 tập trung giải quyết những vấn đề của chính quyền non trẻ, khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp toàn quốc bùng nổ, cuối năm 1946, với cương vị Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng uỷ Trung đoàn 72 Bắc Kạn – Trung đoàn chủ lực đầu tiên của Việt Bắc, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 - Trung đoàn chủ lực của tỉnh Cao Bằng, đồng chí đã chủ động tạo được không khí thân mật; phát huy tốt sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo chỉ huy… xây dựng được đơn vị vững mạnh. Phong cách lãnh đạo sâu sát, quan hệ hòa đồng, đồng chí đã xây dựng mối quan hệ gắn bó với lãnh đạo Tỉnh ủy và Uỷ ban kháng chiến các tỉnh nơi Trung đoàn đóng quân, qua đó cùng nhau giải quyết các vấn đề bức thiết.
Khi Đại đoàn 316 - Đại đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập (5-1951) tại Lạng Sơn, đồng chí được giao đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Phó Chính uỷ (1952 là Chính uỷ). Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Ở cương vị chỉ huy cấp Đại đoàn nhưng đồng chí luôn sát cánh với cán bộ, chiến sĩ trong các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn; nhanh chóng phát huy thuận lợi để giành lấy kết quả cao nhất. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đồng chí cùng lãnh đạo Đại đoàn nắm bắt tình hình cán bộ, chiến sĩ, phát hiện những tư tưởng hoang mang, dao động, kịp thời mở đợt giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, xốc lại tinh thần cán bộ, chiến sĩ trong toàn Đại đoàn, nêu cao ý chí quyết tâm đánh địch, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch.
Khi đảm đương cương vị Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc, với tính cách sâu sát, khả năng nắm bắt thực tiễn cao, đồng chí đã nhận rõ yếu kém về công tác cán bộ trên địa bàn, xác định phải tập trung xây dựng thành công đội ngũ cán bộ mới tạo tiền đề đưa Tây Bắc phát triển. Đồng chí đã đề nghị Khu ủy tập hợp những quần chúng cốt cán, đã tham gia các đoàn thể Cứu quốc để mở lớp huấn luyện, từ đó, nhiều người đã trở thành những cán bộ cơ sở có năng lực, đáp ứng được yêu cầu của địa phương. “Đồng chí như người gieo hạt, đã để lại một thành quả lớn là củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ người địa phương”[[4]]. Đồng chí đã chủ động trao đổi với Thường vụ Khu ủy, tổ chức kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức cơ sở đảng: “Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Mân, hầu hết nông thôn Tây Bắc đã có sơ sở Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành hệ thống từ khu ủy đến chi bộ. Chỉ ít năm sau đó, từ lớp đảng viên đầu tiên này, nhiều người con của đồng bào Tây Bắc đã trở thành cán bộ chủ chốt của xã, huyện, tỉnh”[[5]].
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Chu Huy Mân đã đảm đương nhiều cương vị chỉ huy trên các chiến trường trọng điểm, luôn bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình thực tế trước khi đưa ra những quyết định quan trọng. Khi được giao đảm đương trọng trách là Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Quân khu ủy (1961), đồng chí đã cùng một số cán bộ đến kiểm tra các đơn vị làm nhiệm vụ ở giới tuyến tạm thời bên sông Bến Hải để nắm bắt tình hình về kế hoạch đối phó khi quân địch vượt sông Bến Hải tiến công miền Bắc. Khi nắm rõ kế hoạch theo tư tưởng chiến lược phòng ngự tích cực của các đơn vị này, đồng chí và đoàn kiểm tra đã báo cáo Thường vụ Đảng ủy Quân khu, đề xuất cần chuyển từ tư tưởng phòng ngự tích cực sang tư tưởng chủ động tiến công, sẵn sàng vượt sông Bến Hải cùng đồng bào, chiến sĩ miền Nam đánh địch. Đề xuất đó đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu 4 nhất trí và được Quân ủy Trung ương chấp nhận. Do vậy, quân và dân trên địa bàn quân khu đã chủ động chuẩn bị mọi mặt đối phó với mọi mưu đồ của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.
Tại chiến trường Quân khu 5, Tây Nguyên (suốt từ tháng 9/1963 đến hết năm 1976), với những cương vị: Phó Bí thư Khu ủy rồi Chính ủy, Bí thư Quân Khu ủy Khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 Tây Nguyên.... Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, đồng chí đã đến nhiều địa bàn, xuống tận cơ sở để nắm bắt tình hình, cùng cấp ủy nhanh chóng tổ chức lại chiến trường trên toàn địa bàn phù hợp với đối tượng tác chiến. “Tổ chức lại chiến trường và xác định hậu phương của các chiến trường một cách khoa học và chính xác có công lớn của anh Chu Huy Mân”[[6]]. Khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, đồng chí đã khẳng định “Ta chưa có kinh nghiệm chiến đấu với quân đội Mỹ, thì quyết tâm của ta vừa đánh vừa rút kinh nghiệm. Đánh đi rồi sẽ biết”[[7]]. Với kinh nghiệm thực tế, bám sát địa bàn, đồng chí đã cùng lãnh đạo Quân khu phát động chủ trương xây dựng “Vành đai diệt Mỹ”; tổ chức lực lượng cấp trung đoàn, sư đoàn để đánh diệt gọn từng đơn vị địch, lấy phương châm tác chiến tiêu diệt địch ngoài công sự là chính... Để thực hiện chủ trương, đồng chí đã xuống Quảng Nam trực tiếp chỉ đạo xây dựng một trung đoàn qua đó rút kinh nghiệm cho toàn Quân khu. Bám sát những diễn biến trên chiến trường, kịp thời phát hiện và nhanh chóng chớp thời cơ, năm 1975 đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân dân trên địa bàn tiến đánh táo bạo, thần tốc đập tan đội quân của tướng ngụy Ngô Quang Trưởng, giải phóng các tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung Bộ, góp phần vào chiến thắng chung của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng đã đi thăm và làm việc hầu hết với các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các chiến trường từ Nam ra Bắc. Đại tướng dành nhiều thời gian làm việc với cấp dưới sư đoàn, trung đoàn, tiếp xúc với đơn vị cơ sở, cán bộ, chiến sĩ ở tiểu đoàn, đại đội. Có lần trời mưa tầm tã, đường lầy lội, Đại tướng đi đến thăm và làm việc với Quân khu 2 và chỉ huy mặt trận tiền phương, sau hai giờ vật lộn mới đến được một đơn vị chiến đấu. nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đứng dưới tán cây rừng, Đại tướng đã hỏi han cặn kẽ về tình hình mọi mặt, chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông với nỗi vất vả gian truân của cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu ở phía trước. Đại tướng nhắc nhở chỉ huy mặt trận phải chú trọng bảo đảm cho anh em không chỉ có ăn, mặc và súng đạn mà còn phải lo cải thiện đời sống tinh thần cho anh em. Điều đó đã thực sự động viên tinh thần chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước của cán bộ chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam 1977-1979, ngay khi trận đánh của Quân đoàn 3 chủ động tấn công qua biên giới Campuchia để đánh bại lực lượng cực hữu Pôn Pốt, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Chu Huy Mân đã có mặt ngay tại trận địa xem xét tình hình để đề nghị Quân ủy có chủ trương phù hợp. Sau khi nghe Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 báo cáo tình hình, đồng chí đã chỉ đạo: Ta phải giành thế chủ động trong mọi tình huống, đẩy địch vào thế bị động thì mới giữ vững được biên giới; đồng thời tìm cách liên lạc với lực lượng chống đối Pôn Pốt của Bạn để phối hợp chiến đấu, chuyển cuộc chiến bảo vệ biên giới thành cuộc chiến đấu của Bạn, để cùng Bạn, giúp Bạn giải phóng nhân dân khỏi họa diệt chủng. Tư tưởng chỉ đạo đó đã góp phần đưa cuộc giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng vào tháng 1-1979. Đến hè năm 1984, chiến sự lại bùng nổ dữ dội ở khu vực biên giới huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ngay từ những ngày đầu chiến sự nổ ra, đồng chí đã có mặt ở Vị Xuyên, trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo tiến hành các nội dung trọng tâm của công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nắm bắt sâu sát tình hình của quân đội, Đại tướng đã chỉ rõ nhiệm vụ căn cốt là phải động viên cán bộ chăm lo xây dựng quân đội ta tinh nhuệ, phải bằng chính trị, tinh thần là chủ yếu, then chốt nhất là phải có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, có phẩm chất đạo đức, năng lực...
Giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước trong thời điểm đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, các cơ sở, địa phương đang sôi động tìm cách “xé rào” để tìm cơ chế mới, đồng chí luôn quan tâm đến cơ sở, tìm hiểu tình hình cơ sở, “khát khao muốn có thông tin cập nhật nhiều về tình hình hoạt động xã hội trên khắp mọi miền đất nước”, tìm hiểu những đổi thay như khoán sản phẩm “chui” trong nông nghiệp ở Hải Phòng, những tín hiệu tích cực ở của cách thức làm ăn mới ở Thành phố Hồ Chí Minh, Sông Bé… Chính những chuyến đi khảo sát thực tiễn của Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước với những sự lắng nghe, đúc kết từ thực tiễn đã góp phần từng bước hình thành cơ sở lý luận cho những đường lối đổi mới vào năm 1986.
Không chỉ đối với cách mạng Việt Nam, mà ba lần được cử sang làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào, quán triệt tinh thần “giúp bạn là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Chu Huy Mân đã đi sâu nắm bắt tình hình cụ thể trên chiến trường Lào, tình hình lực lượng cách mạng Lào và yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Lào trên từng địa bàn cụ thể. Đồng chí đã căn dặn cán bộ chiến sỹ Việt Nam đang làm nghĩa vụ quốc tế là: “Trong mọi công việc cán bộ cố vấn phải nghiên cứu chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, có nội dung và kế hoạch cụ thể. Phải làm tốt việc nêu vấn đề làm cho Bạn hiểu và nắm chắc nội dung công việc, rồi tự đề ra chủ trương, biện pháp thực hiện”[[8]]. Để giúp cách mạng Lào xây dựng kế hoạch tác chiến trên chiến trường, đồng chí Chu Huy Mân cùng cán bộ cố vấn Đoàn 100 đã nghiên cứu kỹ lưỡng địa bàn, đặc điểm của chiến trường Lào, từ đó đưa ra đề xuất “Phải làm tốt công tác chuẩn bị chiến trường, nắm thật chắc lực lượng và quy luật hoạt động của địch”[[9]]. “Sau khi chuẩn bị thực địa, lập sa bàn, thực trạng bố trí đóng quân của địch, từ đó mới lên phương án tác chiến...”[[10]].
Sau khi khảo sát, nắm tình hình cách mạng Lào, nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo của cách mạng Lào, đồng chí Chu Huy Mân đã nhìn nhận ra vấn đề quan trọng nhất đối với sự nghiệp cách mạng Lào là: “Vấn đề then chốt là củng cố, phát triển Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trong đó mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ trưởng thành tiến bộ cả về phẩm chất và năng lực, tự đảm đương được nhiệm vụ, làm chủ lấy công việc của mình là một yêu cầu cơ bản, có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cách mạng và quân đội Lào trước mắt cũng như lâu dài”[[11]]. Thực tiễn lịch sử cách mạng Lào đã minh chứng, phong cách lãnh đạo sâu sát của đồng chí Chu Huy Mân trong những năm tháng trên các chiến trường Lào không chỉ góp phần giúp đỡ về đường lối, phương pháp tiến hành kháng chiến, mà còn đã góp phần quan trọng trong xây dựng lực lượng cách mạng Lào ngày càng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế của cách mạng Việt Nam đối với cách mạng Lào.
2. Bản lĩnh dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh, trên mọi cương vị lãnh đạo
Bản lĩnh cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân đã được thể hiện ngay khi mới 16 tuổi (1930), thời điểm đất nước đang chìm đắm dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, Đảng vừa mới ra đời, hoạt động bí mật, bất hợp pháp dưới chính quyền thực dân phong kiến, người thanh niên yêu nước trẻ tuổi Chu Huy Mân đã dám dấn thân vào con đường cách mạng - đứng trong hàng ngũ của Đảng với lời thề: “Nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng”.
Khi bị thực dân Pháp bắt giam, lưu đày qua nhiều nhà lao, với bản lĩnh kiên cường dám chịu trách nhiệm, không chỉ đã giữ vững khí tiết của người cộng sản, mà còn “biến nhà tù thành trường học”, đồng chí đã tận dụng những năm tháng lao tù thành môi trường học tập, rèn luyện. Chính bản lĩnh kiên cường ấy, khi vượt ngục thành công (năm 1943), đồng chí đã nhanh chóng bắt liên lạc với tổ chức Đảng và được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam trực tiếp lãnh đạo nhân dân Quảng Nam trong cuộc vận động đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi phát xít Nhật chuẩn bị tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, đồng chí cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam triệu tập Hội nghị mở rộng, khẩn trương bàn kế hoạch khởi nghĩa cướp chính quyền; quyết định phát động khởi nghĩa toàn tỉnh, không chờ chỉ thị mới của Trung ương hoặc Xứ ủy. Đó là một quyết định đúng đắn, nhạy bén, phù hợp với tình hình thực tiễn, đầy bản lĩnh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. Quyết định đó đã phát huy được sức mạnh quần chúng, kịp thời chớp thời cơ nổi dậy cướp chính quyền.
Trong hai cuộc kháng chiến, với nhiều trọng trách khác nhau, chỉ huy trên các chiến trường trọng điểm, trước những thời điểm cam go của cuộc kháng chiến, bản lĩnh của người chỉ huy trên chiến trường càng bộc lộ rõ. Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào chiến trường miền Nam thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, phải đối đầu với đội quân hùng mạnh với những trang thiết bị chiến tranh hiện đại đã xuất hiện tư tưởng “sợ Mỹ”, “ngại đương đầu với quân Mỹ”. Khi đó đồng chí Chu Huy Mân là Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (1965-1967), cùng với tập thể Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xây dựng quyết tâm đánh thắng Mỹ ngay từ trận đầu. Đồng chí đã nêu quyết tâm trước Đảng ủy Mặt trận: “chúng ta phải làm cho cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch có ý chí quyết tâm đánh, trước hết là phải dám đánh Mỹ, cứ đánh thắng khắc tìm ra cách đánh. Với phương châm: vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện”[[12]]. Đó cũng chính là tinh thần quyết tâm đánh Mỹ, tìm cách thắng Mỹ với tư tưởng chiến lược tiến công được thể hiện trong Nghị quyết 12 của BCHTU Đảng (12-1965). Thượng tướng Nguyễn Hữu An nhớ lại: “Ngay từ khi nhận được tin Mỹ vào chiến trường này không phải trong đầu mọi người không có ý gì thắc mắc, trái lại có nhiều là khác, nhưng có thể quy mọi thắc mắc vào một câu hỏi: “đánh Mỹ như thế nào?”. Đúng vậy, anh em cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên lúc đó tập trung theo một hướng “Đánh Mỹ như thế nào?” không hề có hơi thở hoảng sợ dù là len lỏi. Chính vì vậy, câu giải thích giản dị của Chính ủy Chu Huy Mân: “Ta chưa có kinh nghiệm chiến đấu với quân Mỹ thì quyết tâm của ta vừa đánh vừa rút kinh nghiệm. Đánh đi rồi sẽ biết” đã được toàn quân ở Tây Nguyên tiếp nhận dễ dàng”[[13]].
Thắng lợi của chiến dịch Plâyme (19/10-26/11/1965), không những đã phản ánh sự sáng tạo về cách đánh Mỹ của quân dân trên chiến trường Tây Nguyên, làm thất bại một hình thức chiến thuật mới của quân Mỹ là “trực thăng vận”, phá sản cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 của quân Mỹ trên chiến trường, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, mà còn thể hiện về tính quyết đoán dám nghĩ, dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm của người chỉ huy - người Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, đồng thời là Tư lệnh chiến dịch trong những thời điểm quan trọng. Những quyết sách của Đại tướng Chu Huy Mân và tập thể Đảng ủy Mặt trận, Quân khu, thể hiện bản lĩnh của những người chỉ huy dày dạn trên chiến trường đã góp phần xây dựng niềm tin và sự quyết tâm “dám đánh, biết đánh và biết thắng” của quân và dân ta trên các chiến trường đánh Mỹ.
Bản lĩnh dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm của đồng chí còn thể hiện rõ nét trong chỉ đạo quân dân Khu 5 trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Với cương vị là Tư lệnh cùng Chính ủy Võ Chí Công căn cứ thực tế tình hình chiến trường Khu 5 đã đi đến quyết định dùng lực lượng nhỏ, đặc công, pháo cối tiếp tục đánh vào thị xã, thị trấn, còn đại bộ phận lực lượng rút ra đánh địch ở nông thôn và giữ vững thế trận chiến lược, để tránh được những tổn thất cho quân và dân ta trong bối cảnh khi yếu tố bất ngờ trong chiến dịch không còn nữa. Lịch sử phong trào cách mạng trên chiến trường miền Nam sau Mậu Thân 1968 đã minh chứng đó là sự quyết đoán nhạy bén, sáng suốt. Trong các trường hợp đó, đồng chí càng tỏ rõ bản lĩnh, tâm huyết và dũng khí của một nhân tài lãnh đạo, chỉ huy tầm chiến lược [[14]].
Bản lĩnh dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm của đồng chí Chu Huy Mân không chỉ thể hiện trên cương vị chỉ huy trong trận mạc mà còn thể hiện cả trong trong quá trình rèn luyện, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, chiến sỹ. Có thể dẫn chứng từ việc xử lý phê bình cán bộ trong cuộc tập huận chính trị ở mặt trận Tây Nguyên. Sau chiến dịch Plâyme điều kiện chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ nảy sinh những tư tưởng dao động, kỷ luật sút kém, giảm sút ý chí chiến đấu, Đảng ủy Mặt trận B3 chủ trương củng cố bộ đội toàn diện. Cuộc tập huấn chính trị do đồng chí Chu Huy Mân -Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo (từ ngày 25/12/1965 đến 05/01/1966). Sau khi phát động tư tưởng nói hết tâm tư vướng mắc, đề nghị cán bộ trung, cao cấp phải tự giác đề cao tự phê bình và phê bình, mỗi người làm hai bản kiểm điểm, một bản nêu rõ ưu điểm và một bản nêu rõ những suy nghĩ và hành động trái với truyền thống và bản chất cách mạng của Đảng và quân đội. Kết thúc đợt tập huấn chính trị, Đồng chí Chu Huy Mân cầm hai tập giấy khá dày và nói: “Đây là bản kiểm điểm của các đồng chí. Phần ưu điểm các đồng chí giữ lấy để phát huy trong hoạt động chiến đấu lâu dài, còn đây là những bản trình bày khuyết điểm, tôi đọc và thấy các đồng chí đã tự phê bình một cách nghiêm túc trách nhiệm chính trị của mình trước Đảng. Tôi tuyên bố đốt tất cả những bản kiểm điểm về khuyết điểm”. Chỉ có người lãnh đạo có bản lĩnh vững vàng, với tầm nhìn và tư duy sâu sắc mới xử lý tình huống này một cách thấu lý đạt tình, mới nhìn nhận được bản chất, ưu thế của cán bộ chiến sỹ để đi đến quyết định: “Vấn đề còn lại là làm thế nào để phát huy cho được ưu thế ấy”, nhằm củng cố tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu cho cán bộ và chiến sỹ. Được Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Mặt trận gửi gắm niềm tin, toàn mặt trận được xốc lại tinh thần với tư tưởng chiến lược tiến công bước vào trận chiến đấu mới, nên ngay sau đó đã giành thắng lợi ở Sa Thầy tháng 10-1966 và Đắk Tô, Tân Cảnh Thu Đông 1967, đưa phong trào cách mạng ở miền Nam bước sang thế và lực mới.
Phần lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của quân đội, một lòng một dạ xây dựng quân đội Việt Nam vững mạnh. Do vậy, đồng chí đã trăn trở khi nhận thấy chế độ “Phó chỉ huy về chính trị” thay thế chế độ chính ủy, chính trị viên dẫn đến vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội chưa đúng tầm, trên thực tế đã làm giảm sút hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội. Cùng với các cán bộ lão thành của quân đội, đồng chí đã thẳng thắn có nhiều ý kiến tâm huyết với lãnh đạo Đảng. Trong thư gửi Tổng Bí thư của Đảng (17-4-2004), Đại tướng đã viết: “…hiện nay, tôi chỉ có một ham muốn, một khát vọng là Đảng ta mãi mãi trong sạch, vững mạnh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nắm chắc quân đội, quan tâm xây dựng sức mạnh chính trị và tổ chức cán bộ cho quân đội, được thế thì dù sóng gió bão bùng đến đâu, Đảng cũng vững vàng dẫn dắt dân tộc, nhân dân ta và quân đội ta vững bước đến đỉnh cao hạnh phúc, văn minh của thời đại mới”[[15]].
Quán triệt quan điểm của Chủ tịc Hồ Chí Minh “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”[[16]], mặc dù khi đã rời chính trường, nhưng Đại tướng vẫn lo lắng, băn khoăn về công tác xây dựng Đảng. Nói đến một bộ phận đảng viên, cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất, Đại tướng chỉ rõ “cần xác định tính chất rất quan trọng của vấn đề, là nó phá hoại sức chiến đấu, làm giảm khả năng lãnh đạo, bản chất cách mạng bị biến dạng, uy tín và thanh danh của Đảng bị hạ thấp, cuối cùng đương nhiên hiệu quả lãnh đạo của Đảng và Nhà nước bị yếu đi”[[17]]. Do vậy, Đại tướng đã thẳng thắn góp ý: “một đảng viên cộng sản, một cán bộ cách mạng nếu không dám nhìn sự thật thì dù ở cấp nào cũng đã là hư hỏng”[[18]]. Do vậy, đồng chí chỉ rõ: “Đánh giá đúng bệnh thì mới có quyết tâm chữa bệnh. Nếu đánh giá không đúng thì không có quyết tâm chữa. Ngay cả cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng, nếu đánh giá đúng thì phải làm cho tốt, như một cuộc tấn công, có diện có điểm, có phương pháp, sơ kết tổng kết hẳn hoi và để cho dân góp ý. Muốn làm phải làm kiểu ấy, chứ làm như lâu nay không đạt kết quả”[[19]]. Chỉ có những người đã trải nghiệm qua bao phong ba trận mạc, cả cuộc đời gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng mới có những trăn trở suy tư và mới dám nói thẳng thắn trong công tác xây dựng Đảng là “làm như lâu nay không đạt kết quả”. Đó là vấn đề mà thực tiễn lịch sử Đảng trong các nhiệm kỳ vừa qua (từ Đại hội XI cho đến Đại hội XIII) toàn Đảng đã đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đã xác định đây là “vấn đề cấp bách” có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, với đất nước, với chế độ, và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân là người toàn tâm toàn ý hiến dâng cho Đảng, cho cách mạng. Dấu chân của đồng chí đã in trên khắp mọi miền đất nước trong đấu tranh cách mạng giành chính quyền, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tầm nhìn xa, trông rộng, phong cách lãnh đạo sâu sát, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Chu Huy Mân luôn chủ động phân tích, đánh giá, dự báo sát đúng những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn để tìm ra phương pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp, kịp thời trong những thời khắc khó khăn, phức tạp nhất của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đại tướng Chu Huy Mân “ đã suốt đời sống chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có những đóng góp vào thắng lợi to lớn của sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như nghĩa vụ quốc tế” [[20]].
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913-17/3/2023) giữa lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nghiên cứu về phong cách lãnh đạo sâu sát, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân càng có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Trong đó, đặc biệt xây dựng bản lĩnh và đạo đức cách mạng đối với cán bộ tầm chiến lược của Đảng trong bối cảnh hiện nay, như chính Đại tướng đã chỉ rõ:“Người cộng sản chân chính, trung thực, vô tư mới trồng được con người cộng sản chân chính” [[21]].
[[1]] Báo Nhân dân, ngày 7-7-2006.
[[2]] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thậ, 2011, tr. 552.
[[3]] Những lời tâm huyết cuối cùng của Đại tướng Chu Huy Mân. (qua lời kể của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu), Tin247.com, ngày 10-7-2006
[[4]] Trần Quyết, Chúng tôi học hỏi được nhiều phẩm chất quý báu trong thời kỳ cùng công tác với Đại tướng Chu Huy Mân, Trong sách Đại tướng Chu Huy Mân- Nhà chính trị, quân sự tài ba- Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Nxb CTQG, Hà Nội.2007, tr 47.
[[5]] Nguyễn Đức Tâm, Anh Chu Huy mân, nhà quân sự, chính trị, chiến lược toàn năng,Trong sách: Đại tướng Chu Huy Mân- Nhà chính trị, quân sự tài ba- Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Nxb CTQG, Hà Nội.2007, tr 34- 35
[[6]] Thượng tướng Nguyễn Chơn, Đại tương Chu Huy Mân ba điển hình tôi tâm đắc. Đại tướng
[7] Ngọc Phúc, Đại tướng Chu Huy Mân trên tuyến đầu chống Mỹ, Đại tướng
[[8][ Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr 219-220
[[9]]Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr 242-243
[[11]] Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr 218
[[12]] Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.420.
[[13]] Thượng tướng Nguyễn Hữu An: Chiến trường mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.35-36.
[[14]] Xem bài: Đại tướng chu huy mân với tư duy đột phá trong hoạt động chính trị - quân sự - của Trung tướng PGS,TS Nguyễn Tiến Bình Nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng ( trong Kỷ yếu Hội thảo: Đồng chí Chu Huy Mân với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An, năm 2013)
[[15]] Đại tướng Chu Huy Mân- Nhà chính trị, quân sự tài ba- Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Nxb CTQG, Hà Nội.2007, tr.113.
[[16]] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.289.
[[17]] Những lời tâm huyết cuối cùng của Đại tướng Chu Huy Mân. (qua lời kể của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu), Tin247.com, ngày 10-7-2006
[[18]] Theo Báo Tuổi trẻ Online, ngày 07-02-2013.
[[19]] Những lời tâm huyết cuối cùng của Đại tướng Chu Huy Mân, TL đã dẫn.
[[20]] Báo Nhân dân, ngày 7-7-2006.
[[21]] Đại tướng Chu Huy Mân, Nhà chính trị, quân sự tài ba tấm gương sáng về đạo đức cách mạng (Hồi ký), Sđd, tr.41
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- TOẠ ĐÀM KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 – 20/11/2024)Tin tức18/11/2024
- Lịch sử và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam - 20/10Tin tức16/10/2024
- TỔ CHỨC PHỐI HỢP, HIỆP ĐỒNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG GIẢI PHÓNG TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAMNghiên cứu29/09/2024
- ĐẠI HỘI LỚP - CHI ĐOÀN – CHI HỘI CÁC LỚP 62A, 63A, 64A KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ NĂM HỌC 2024 – 2025 THÀNH CÔNG TỐT ĐẸPTin tức28/09/2024
- KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TỔ CHỨC BUỔI CHÀO ĐÓN SINH VIÊN KHÓA 65 NỒNG ẤM, ĐOÀN KẾT VÀ GỬI GẮM NHIỀU KỲ VỌNG TỚI SINH VIÊN TOÀN KHOATin tức26/09/2024
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XXNghiên cứu30/08/2024
- ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG (2013 – 2023)Nghiên cứu29/08/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Seminar: Sự trỗi dậy của New York như là một kinh đô nghệ thuật mớiNghiên cứu22/11/2024
- Đội Thể thao số 1 của Công đoàn Trường Sư Phạm đạt vị trí Nhất toàn đoàn trong giải Thể thao Công đoàn Trường Đại Học Vinh năm 2024Công đoàn22/11/2024