Rối loạn ở trẻ (P1)
Có một nhóm các bệnh lý, khi xuất hiện, được chẩn đoán sớm ở thời thơ ấu, thường là trước thời điểm trẻ đến trường. Những bệnh lý này được liệt kê trong DSM-5 ở dạng rối loạn phát triển thần kinh, và chúng liên quan đến các vấn đề phát triển về chức năng cá nhân, xã hội, học tập và trí tuệ (APA, 2013).
Rối loạn tăng động giảm chú ý
Diego luôn là đứa trẻ năng động, từ thời điểm thức dậy vào buổi sáng cho đến khi đi ngủ vào ban đêm. Mẹ cậu bé kể rằng khi vừa lọt lòng, cậu bé đã không ngừng đá chân và la hét, và cậu bé chưa bao giờ ngừng cựa quậy kể lúc ấy. Cậu bé là một đứa trẻ có tính khí ngọt ngào, nhưng dường như luôn gặp rắc rối với giáo viên, cha mẹ và cố vấn viên chương trình sau giờ học. Cậu bé thường vô tình làm hỏng mọi thứ; cậu bé đã làm mất áo khoác ba lần vào mùa đông năm ngoái, và dường như không bao giờ chịu ngồi yên. Các giáo viên của Diego tin rằng cậu bé là một đứa trẻ thông minh, nhưng lại không bao giờ hoàn thành bất cứ việc gì mà cậu bắt đầu và thường quá bốc đồng đến mức không học được gì nhiều ở trường.
Diego có khả năng mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Các triệu chứng của rối loạn này được Hans Hoffman mô tả lần đầu tiên vào những năm 1920. Trong khi chăm sóc con trai lúc vợ ông đang nằm viện sinh đứa con thứ hai, Hoffman nhận thấy cậu bé khó tập trung làm bài tập, kém chú ý và phải làm đi làm lại các bài tập dễ để học các kiến thức cơ bản. (Jellinek & Herzog, 1999). Sau đó, người ta phát hiện ra rằng nhiều trẻ em hiếu động - những đứa trẻ hay cáu kỉnh, bồn chồn, gây rối và khó kiểm soát xung động - cũng cho thấy có khoảng thời gian chú ý ngắn, có các vấn đề về tập trung và thường bị xao nhãng. Vào những năm 1970, rõ ràng là nhiều trẻ em có biểu hiện khó chú ý cũng thường có dấu hiệu tăng động. Để ghi nhận những phát hiện như vậy, DSM-III (xuất bản năm 1980) bao gồm một rối loạn mới: rối loạn giảm tập trung có và không có tăng động, hiện nay được biết đến với tên gọi rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD).
Trẻ mắc phải rối loạn tăng động giảm chú ý có biểu hiện thường xuyên mất chú ý và/hoặc hành vi hiếu động và bốc đồng dẫn đến cản trở các chức năng bình thường (APA, 2013). Một số dấu hiệu của sự giảm chú ý bao gồm khó thực hiện và né tránh các nhiệm vụ đòi hỏi sự chú ý lâu dài (chẳng hạn như trò chuyện hoặc đọc), không tuân theo hướng dẫn (thường dẫn đến không hoàn thành bài tập ở trường và các nhiệm vụ khác), vô tổ chức (khó giữ mọi thứ trong trật tự, quản lý thời gian kém, làm việc cẩu thả và lộn xộn), thiếu chú ý đến chi tiết, dễ bị phân tâm và hay quên. Tăng động có đặc trưng là di chuyển quá mức, bao gồm bồn chồn hoặc trằn trọc, rời khỏi chỗ ngồi trong các tình huống được mong muốn phải ngồi yên tại chỗ, khó ngồi yên (ví dụ: trong nhà hàng), chạy loanh quanh và leo lên đồ vật, thốt ra câu trả lời trước khi câu hỏi của người khác kết thúc hoặc một câu tuyên bố chưa được nói xong, khó khăn trong việc đợi đến lượt cho điều gì đó và làm gián đoạn, xâm lấn những người xung quanh. Thường thì đứa trẻ tăng động được xem là ồn ào và hay ầm ỹ. Hành vi của trẻ thường hấp tấp, bốc đồng và dường như làm mà chưa suy nghĩ trước; những đặc điểm này có thể giải thích tại sao trẻ vị thành niên và thanh niên được chẩn đoán mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thường nhận nhiều vé phạt giao thông hơn và gặp nhiều tai nạn giao thông hơn những người khác (Thompson, Molina, Pelham, & Gnagy, 2007).
Rối loạn tăng động giảm chú ý xảy ra ở khoảng 5% dân số trẻ em (APA, 2013). Trung bình, trẻ nam có nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý cao gấp 3 lần trẻ nữ; tuy nhiên, những phát hiện như vậy có thể phản ánh xu hướng lớn hơn của trẻ nam tham gia vào các hoạt động thể hiện tính hung hăng và chống đối xã hội, và do đó có nhiều khả năng được đưa đến các phòng khám tâm lý (Barkley, 2006). Trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý phải đối mặt với những thách thức nặng nề về học tập và xã hội. So với những trẻ không mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, trẻ mắc rối loạn này có điểm số và điểm kiểm tra theo chuẩn chung thấp hơn, và tỷ lệ bị đuổi học, lưu ban và bỏ học cao hơn (Loe & Feldman, 2007). Chúng cũng cũng ít được yêu thích và thường bị bạn bè xa lánh (Hoza et al., 2005).
Trước đây, rối loạn tăng động giảm chú ý được cho là sẽ tự biến mất khi đến tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, các nghiên cứu cắt dọc đã cho thấy rối loạn tăng động giảm chú ý là một tình trạng mãn tính, có thể kéo dài đến tuổi vị thành niên và cả tuổi trưởng thành (Barkley, Fischer, Smallish, & Fletcher, 2002). Một nghiên cứu gần đây cho thấy 29,3% người trưởng thành đã được chẩn đoán mắc rối loạn tăng động giảm chú ý hàng thập kỷ trước đó vẫn xuất hiện các triệu chứng (Barbaresi và cộng sự, 2013). Hơi đáng lo ngại, nghiên cứu này cũng báo cáo rằng gần 81% những người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý kéo dài đến tuổi trưởng thành đã trải qua ít nhất một rối loạn đi kèm khác, so với 47% những người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý mà không kéo dài.
Những vấn đề trong cuộc sống
Những đứa trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn tăng động giảm chú ý phải đối mặt với những hệ quả lâu dài tồi tệ hơn đáng kể so với những đứa trẻ không được chẩn đoán như vậy. Trong một cuộc điều tra, 135 người trưởng thành được xác định là có các triệu chứng ADHD trong những năm 1970 đã được liên lạc và phỏng vấn trong nhiều thập kỷ sau đó (Klein và cộng sự, 2012). So với mẫu đối chứng gồm 136 người chưa bao giờ được chẩn đoán mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, những người được chẩn đoán khi còn nhỏ:
- Có trình độ học vấn kém hơn (nhiều khả năng đã bỏ học ở cấp trung học và ít có khả năng lấy được bằng cử nhân hơn);
- Có địa vị kinh tế xã hội thấp hơn;
- Đảm nhận các vị trí công việc ít uy tín;
- Thường thất nghiệp;
- Có mức lương ít hơn đáng kể;
- Bị cho điểm kém hơn trên thang đo về chức năng nghề nghiệp (ví dụ: cho thấy mức độ hài lòng trong công việc thấp hơn, có mối quan hệ đồng nghiệp kém hơn và thậm chí bị sa thải);
- Bị đánh giá thấp trên thang do về chức năng xã hội (chẳng hạn: có ít bạn bè và ít tham gia vào các hoạt động xã hội);
- Thường ly hôn; và
- Có nhiều khả năng vướng vào vấn đề lạm dụng chất không liên quan đến chất có cồn (Klein và cộng sự, 2012).
Các nghiên cứu cắt dọc cũng chỉ ra rằng trẻ em được chẩn đoán mắc rối loạn tăng động giảm chú ý có nguy cơ mắc các vấn đề lạm dụng chất gây nghiện cao hơn. Một nghiên cứu báo cáo rằng mắc phải rối loạn tăng động giảm chú ý thời thơ ấu có thể dự đoán các vấn đề về sử dụng chất sau này như: uống rượu, hút thuốc hàng ngày, sử dụng cần sa và các loại ma túy bất hợp pháp khác (Molina & Pelham, 2003). Nguy cơ của các vấn đề lạm dụng chất kích thích dường như thậm chí còn lớn hơn đối với những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý có xu hướng chống đối xã hội (Marshal & Molina, 2006).
Nguyên nhân
Các nghiên cứu về gia đình và các cặp sinh đôi chỉ ra rằng di truyền đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của rối loạn tăng động giảm chú ý. Burt (2009), khi tham khảo về 26 nghiên cứu khoa học khác, cho thấy tỷ lệ trung bình hòa hợp của các cặp song sinh cùng trứng là 0,66 (một nghiên cứu báo cáo tỷ lệ là 0,90), trong khi tỷ lệ trung bình hòa hợp đối với các cặp song sinh khác trứng là 0,20. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng tỷ lệ trung bình hòa hợp đối với anh chị em không có quan hệ họ hàng (nhận con nuôi) là 0,09; mặc dù con số này nhỏ, nhưng nó lớn hơn 0, do đó cho thấy rằng môi trường có thể có ít nhất một số ảnh hưởng. Một đánh giá khác của các nghiên cứu kết luận rằng khả năng di truyền của rối loạn giảm chú ý và tăng động lần lượt là 71% và 73% (Nikolas & Burt, 2010).
Các gen cụ thể liên quan đến rối loạn tăng động giảm chú ý được cho là bao gồm ít nhất hai gen có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh dopamine (Gizer, Ficks, & Waldman, 2009), cho thấy rằng dopamine có thể quan trọng với rối loạn tăng động giảm chú ý. Thật vậy, các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý, chẳng hạn như methylphenidate (Ritalin) và amphetamine với dextroamphetamine (Adderall), có chất kích thích và nâng cao hoạt động của dopamine. Những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý cho thấy ít hoạt động của dopamine hơn ở các vùng quan trọng trên não, đặc biệt là những vùng liên quan đến động lực và phần thưởng (Volkow và cộng sự, 2009), điều này càng minh chứng cho lý thuyết rằng sự thiếu hụt dopamine có thể là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển rối loạn này ( Swanson và cộng sự, 2007).
Các nghiên cứu hình ảnh chụp não đã chỉ ra rằng trẻ em bị rối loạn tăng động giảm chú ý có biểu hiện bất thường ở thùy trán, một khu vực chứa nhiều dopamine. So với những đứa trẻ không bị rối loạn tăng động giảm chú ý, những đứa trẻ mắc rối loạn này dường như có thể tích thùy trán nhỏ hơn và ít cho thấy sự kích thích hoạt động ở vùng thùy trán hơn khi thực hiện các nhiệm vụ về trí óc. Nhớ lại rằng một trong những chức năng của thùy trán là ức chế hành vi của con người. Do đó, những bất thường trong vùng này có thể đi một chặng đường dài để giải thích cho hành vi hiếu động, mất kiểm soát của trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý.
Cho đến những năm 1970, nhiều người đã nhận thức được mối liên hệ giữa các yếu tố dinh dưỡng và hành vi thời thơ ấu. Vào thời điểm đó, phần lớn công chúng tin rằng tăng động xảy ra do đường và các chất phụ gia thực phẩm, chẳng hạn như phẩm màu và hương liệu nhân tạo. Rõ ràng, một phần sức hấp dẫn của giả thuyết này là nó đã cung cấp một lời giải thích đơn giản (và cách điều trị) về các vấn đề hành vi ở trẻ. Tuy nhiên, một khảo sát thống kê từ 16 nghiên cứu khác đã kết luận rằng lượng đường được tiêu thụ hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động hành vi và nhận thức của trẻ em (Wolraich, Wilson, & White, 1995). Ngoài ra, mặc dù các chất phụ gia thực phẩm đã được chứng minh là làm gia tăng sự tăng động ở trẻ em không mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, những ảnh hưởng có thể có cũng là khá nhỏ (McCann và cộng sự, 2007). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ đáng kể giữa việc tiếp xúc với nicotine có ở khói thuốc trong giai đoạn trước khi sinh và rối loạn tăng động giảm chú ý (Linnet và cộng sự, 2003). Người mẹ hút thuốc trong thời kỳ mang thai có liên hệ mật thiết đến sự phát triển triệu chứng nặng nề hơn cho rối loạn này (Thakur và cộng sự, 2013).
Rối loạn tăng động giảm chú ý có phải do khả năng nuôi dạy con kém? Không hề. Hãy nhớ rằng, các nghiên cứu về di truyền được thảo luận ở trên cho thấy rằng môi trường gia đình dường như không đóng nhiều vai trò trong sự phát triển của dạng rối loạn này; nếu điều đó xảy ra, chúng tôi hy vọng tỷ lệ trung bình hòa hợp ở các cặp song sinh và anh chị em nuôi sẽ cao hơn so với những gì đã được chứng minh. Xét lại mọi thứ, các bằng chứng dường như chỉ ra kết luận rằng rối loạn tăng động giảm chú ý được kích hoạt nhiều hơn bởi các yếu tố di truyền và thần kinh, và ít hơn là bởi các yếu tố xã hội hoặc môi trường.
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Đặc trưng chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu07/10/2024
- XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CỦA GIÁO VIÊN VÀ SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH 2018Nghiên cứu04/10/2024
- Trẻ em có thể dạy cho chúng ta điều gì về khoa học thần kinh ẩn sau sự tò mòNghiên cứu06/09/2024
- Các nhà tâm lý học phát hiện ra hiện tượng sởn gai ốc diễn ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩNghiên cứu21/06/2024
- A Systematic Review of Problem-Solving Skill Development for Students in STEM EducationNghiên cứu06/06/2024
- Proposing and Experimenting with a Public University Governance Model and MechanismsNghiên cứu03/06/2024
- Internal Quality Assurance of Initial Teacher Education Programs in Vietnam: A Descriptive StudyNghiên cứu03/06/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024