Xây dựng và sử dụng khung năng lực trong phát triển đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường ở trường tiểu học
TS. Lê Thục Anh
TÓM TẮT: Khung năng lực tư vấn học đường là công cụ cho các hoạt động phát triển đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường ở trường tiểu học là vô cùng cần thiết trong bối cảnh trường học ở Việt Nam hiện nay chưa có chức danh chính thức cho lực lượng chuyên trách làm công tác tư vấn tâm lí học đường. Bài viết đề xuất khung năng lực tư vấn học đường của giáo viên tiểu học với năm thành tố được đánh giá các mức độ gồm: 1/ Năng lực nhận thức về hoạt động tư vấn tâm lí học đường của giáo viên tiểu học; 2/ Năng lực tìm hiểu đặc điểm tâm - sinh lí học sinh tiểu và những khó khăn của học sinh tiểu học trong cuộc sống học đường; 3/ Năng lực xây dựng kế hoạch tư vấn tâm lí học đường cho học sinh tiểu học; 4/ Năng lực thiết kế, lựa chọn, thực hiện được chuyên đề tư vấn tâm lí học đường cho học sinh tiểu học; 5/ Năng lực phối hợp gia đình, cộng đồng trong tư vấn tâm lí học đường cho học sinh tiểu học. Khung năng lực có thể sử dụng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường ở trường tiểu học.
TỪ KHÓA: Khung năng lực, tư vấn học đường, giáo viên tiểu học, trường tiểu học, học sinh.
DOI: https://doi.org/10.15625/2615-8957/12311008
1. Đặt vấn đề
Đến trường và trở thành học sinh, đó là một bước ngoặt trong cuộc đời của học sinh tiểu học. Tham gia hoạt động học tập là hoạt động lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc sống của các em. Đứng trước ngưỡng cửa “phân chia hai cuộc sống khác nhau”, các em gặp không ít những khó khăn mà chính những khó khăn này sẽ cản trở trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập và phát triển bản thân của học sinh [1]. Tư vấn học đường nhằm đảm bảo sức khỏe thể chất và tâm lí ổn định cho mỗi em, tạo điều kiện tốt nhất cho các em tham gia học tập, rèn luyện và phát triển bản thân là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với học sinh tiểu học. Tuy nhiên, tư vấn học đường ở Việt Nam hiện nay còn chưa phổ biến và thường không có các chuyên gia đảm nhận công việc này như ở các nước phương Tây. Hầu hết các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn sẽ là người tư vấn học đường cho chính học sinh của mình. Bài viết này giới thiệu khung năng lực tư vấn học đường của giáo viên tiểu học góp phần đưa ra những định hướng trong việc bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường trong nhà trường tiểu học.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Một số khái niệm
2.1.1. Tư vấn học đường
Hiệp hội Tham vấn Hoa Kì (1998) định nghĩa: Tư vấn là mối quan hệ giữa một người trợ giúp chuyên nghiệp và người, nhóm người hoặc một chỉnh thể xã hội cần được giúp đỡ, trong đó nhà tư vấn cung cấp sự giúp đỡ cho thân chủ trong việc xác định và giải quyết vấn đề liên quan đến công việc hoặc người khác [2]. Như vậy, tư vấn là thuật ngữ chỉ một hoạt động chuyên môn hoặc một nghề nghiệp chuyên giúp người khác đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề, nâng cao năng lực của cá nhân bằng những phương pháp, nghiệp vụ chuyên môn. Người chuyên làm nghề này được gọi là “nhà tư vấn”. Tư vấn học đường là hình thức hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, trong đó bao gồm những đối tượng học sinh có vấn đề về hành vi, cảm xúc và những học sinh khó khăn trong học tập, trong giao tiếp và phát triển bản thân. Đó là sự hỗ trợ tâm lí, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn học sinh gặp phải khi đang học tại nhà trường.
Tư vấn học đường là một công việc quan trọng của giáo viên bên cạnh hai công việc chính là giáo dục và dạy học. Giáo viên ngoài việc tổ chức, điều khiển hoạt động giáo dục, dạy học, định hướng hoạt động tự học và tự rèn luyện của học sinh, cũng cần đồng hành, theo sát và kịp thời phát hiện những khó khăn riêng của những học sinh khác nhau. Từ đó, giáo viên phối hợp với các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm tìm ra biện pháp, cách thức hỗ trợ phù hợp, giúp học sinh thực hiện tốt hoạt động học tập và rèn luyện [3]. Tư vấn học đường không chỉ là việc tư vấn tâm lí cho từng học sinh cụ thể khi các em gặp khó khăn trong cuộc sống mà còn bao gồm các hoạt động mang tính phòng ngừa, hướng tới mọi học sinh trong nhà trường, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển nhân cách của các em, giúp các em nâng cao nhận thức, kĩ năng, cân bằng, hài hòa về tâm lí. Do đó, về bản chất, tư vấn học đường là hoạt động trợ giúp hướng đến tất cả học sinh trong nhà trường, nhằm đảm bảo sức khỏe thể chất và tâm lí ổn định cho học sinh, tạo điều kiện tốt nhất để các em tham gia học tập, rèn luyện và phát triển bản thân.
2.1.2. Năng lực và năng lực tư vấn học đường
Trong Tâm lí học, việc hiểu khái niệm năng lực được nhấn mạnh, không phải là một thuộc tính tâm lí duy nhất nào đó mà là sự tổng hợp các thuộc tính tâm lí cá nhân, đáp ứng được những yêu cầu của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động đó đạt được kết quả mong muốn. Năng lực là tổ hợp các thuộc tính tâm lí của cá nhân, được hình thành và phát triển trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể.
Năng lực (Competency) được dùng để chỉ khả năng thực hiện thành công một hoạt động (The ability to do something successfully or efficiently) [4]. Khái niệm năng lực được sử dụng hiện nay là năng lực thực hiện. Đó là việc sở hữu kiến thức, kĩ năng, thái độ và đặc điểm nhân cách mà một người cần có để đáp ứng các yêu cầu của một nhiệm vụ cụ thể. Năng lực gồm các
thành tố kiến thức, kĩ năng và thái độ của mỗi cá nhân. Năng lực tư vấn học đường là khả năng làm chủ những kiến thức và kĩ năng cần thiết về tư vấn tâm lí trong nhà trường, thái độ cá nhân đối với công tác tư vấn tâm lí cho học sinh và vận hành chúng hợp lí để thực hiện thành công các yêu cầu của hoạt động trợ giúp học sinh giải quyết các vấn đề về hành vi, cảm xúc
và những khó khăn trong học tập, trong giao tiếp và phát triển bản thân.
Năng lực tư vấn học đường của giáo viên tiểu học là sự tổng hợp các kiến thức, kĩ năng, thái độ mà giáo viên cần có để hoàn thành tốt công việc tư vấn học đường ở trường tiểu học. Do đặc trưng của lao động, đội ngũ giáo viên tiểu học vừa làm nhiệm vụ giáo dục và dạy học vừa thực hiện vai trò của người làm công tác tư vấn học đường, giúp học sinh thực hiện tốt hoạt động học tập và rèn luyện. Vì vậy, năng lực tư vấn học đường vừa bao gồm sự tổng hợp kiến thức, kĩ năng, thái độ của giáo viên tiểu học vừa tổng hợp kiến thức, kĩ năng, thái độ của người tư vấn học đường.
2.2. Khung năng lực tư vấn học đường của giáo viên tiểu học
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều trường học chưa có cán bộ tâm lí học đường chuyên trách mà chủ yếu sử dụng giáo viên kiêm nhiệm công việc này. Việc xác định những năng lực cần thiết để giáo viên triển khai nhiệm vụ tư vấn học đường cho học sinh cần có cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lí. Trước hết, xuất phát từ đặc thù lao động của giáo viên phổ thông cùng với chức năng giảng dạy và giáo dục, giáo viên còn đảm nhiệm một chức năng vô cùng quan trọng liên quan tới việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh đó là chức năng tư vấn tâm lí. Tiếp đến, căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ban hành ngày 18 tháng 12 năm 2017 cũng cho thấy, công tác tư vấn tâm lí cho học sinh trong trường phổ thông hiện nay đòi hỏi đội ngũ giáo viên cần đáp ứng những yêu cầu nhất định về năng lực tư vấn học đường. Đặc biệt, chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh đã ban hành kèm theo Quyết định số 1876/QĐ - BGDĐT ngày 21 tháng 5 năm 2018 là cơ sở quan trọng để xác định các nănng lực cần thiết cho công tác tư vấn học đường của đội ngũ giáo viên phổ thông.
Xuất phát từ các phân tích trên, chúng tôi đề xuất khung năng lực tư vấn học đường của giáo viên tiểu học với các tiêu chí đánh giá được chia thành các mức độ sau: Mức độ 1: Năng lực ở mức độ Chưa đạt yêu cầu, cần được phát triển; Mức độ 2: Năng lực ở mức độ Đạt yêu cầu, cần được bồi dưỡng, phát triển; Mức độ 3: Năng lực ở mức độ Tốt, cần tiếp tục bồi dưỡng, duy trì và phát triển (xem Bảng 1).
2.3. Sử dụng khung năng lực trong phát triển đội ngũ giáo viên ở trường tiểu học làm công tác tư vấn học đường
2.3.1. Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên ở trường tiểu học làm công tác tư vấn học đường theo khung năng lực
Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên ở trường tiểu học làm công tác tư vấn học đường là một nội dung quan trọng trong phát triển đội ngũ. Trước hết, việc xây dựng kế hoạch đảm bảo xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ một cách dài hạn, đúng đắn và có hiệu quả.
Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên ở trường tiểu học làm công tác tư vấn học đường cần dựa trên mục tiêu, yêu cầu tư vấn tâm lí học đường cho học sinh tiểu học; nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của học sinh tiểu học. Đồng thời, việc xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên ở trường tiểu học làm công tác tư vấn học đường phải chú trọng tới các hoạt động giúp làm phát triển ở giáo viên phẩm chất và năng lực phù hợp với yêu cầu của hoạt động trợ giúp học sinh giải quyết các vấn đề về hành vi, cảm xúc và những khó khăn trong học tập, trong giao tiếp và phát triển bản thân.
Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên ở trường tiểu học làm công tác tư vấn học đường, các chủ thể quản lí cần tổ chức thực hiện tốt các biện pháp sau: 1/ Nâng cao nhận thức cho các chủ thể quản lí về ý nghĩa của xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường ở trường tiểu học; 2/ Thiết lập các căn cứ để xây dựng dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường ở trường tiểu học; 3/ Quy trình hóa việc tổ chức xây dựng xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường ở trường tiểu học.
2.3.2. Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở trường tiểu học làm công tác tư vấn học đường theo khung năng lực
Khung năng lực tư vấn học đường được xem là chuẩn đầu ra của quá trình bồi dưỡng đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường ở trường tiểu học. Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở trường tiểu học làm công tác tư vấn học đường có mục đích trang bị kiến thức, hình thành kĩ năng, phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức và tâm lí, tạo nên những mẫu hình cơ bản của nhà tư vấn học đường. Từ đặc trưng lao động của nhà tư vấn học đường trong nhà trường tiểu học, hình thành các năng lực hành động tương ứng cho giáo viên làm công tác tư vấn học
đường; nhằm khắc phục mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực, bù đắp những thiếu hụt, khiếm khuyết của đội ngũ trong quá trình hoạt động; tạo ra phẩm chất mới và sự phát triển toàn diện của đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường ở trường tiểu học.
Hoạt động bồi dưỡng đội ngũ theo khung năng lực được bắt đầu từ việc xác định những năng lực còn thiếu, còn hạn chế, của đội ngũ, từ đó xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực tư vấn học đường cho đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường ở trường tiểu học. Theo đó, hoạt động bồi dưỡng cần hướng tới hình thành và phát triển các năng lực: 1/ Năng lực nhận thức về hoạt động tư vấn học đường của giáo viên tiểu học; 2/ Năng lực tìm hiểu đặc điểm tâm - sinh lí học sinh tiểu và những khó khăn của học sinh tiểu học trong cuộc sống học đường; 3/ Năng lực xây dựng kế hoạch tư vấn học đường cho học sinh tiểu học; 4/ Năng lực thiết kế, lựa chọn, thực hiện được chuyên đề tư vấn học đường cho học sinh tiểu học; 5/ Năng lực phối hợp gia đình, cộng đồng trong tư vấn tâm lí học đường cho học sinh tiểu học.
Theo Quyết định 1876/QĐ-BGDĐT bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông, mỗi địa phương cũng như mỗi cơ sở giáo dục cần chú trọng việc xây dựng kế hoạch chương trình bồi dưỡng theo khung năng lực; tổ chức hoạt động bồi dưỡng đội ngũ theo quy trình nhất định; chỉ đạo đánh giá kết quả bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên.
2.3.3. Đánh giá đội ngũ giáo viên ở trường tiểu học làm công tác tư vấn học đường theo khung năng lực
Đánh giá chính xác, khách quan năng lực của giáo viên làm công tác tư vấn học đường; giúp chủ thể quản lí có được bức tranh đầy đủ về đội ngũ, từ đó có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, điều chỉnh; đánh giá giúp đội ngũ giáo viên nhận được những thông tin phản hồi khách quan, để cải thiện việc thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông
trong giai đoạn hiên nay.
Năng lực tư vấn học đường là một trong các năng lực phát triển chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên tiểu học. Khung năng lực tư vấn học đường là thành tố của khung năng lực giáo viên tiểu học; Một mặt, khung năng lực tư vấn học đường giúp cụ thể hóa một tiêu chí trong hệ thống các tiêu chí/tiêu chuẩn đánh giá giáo viên tiểu học; Mặt khác, khung năng lực tư vấn học đường được sử dụng để đánh giá hiệu quả của một nhiệm vụ quan trọng khác của giáo viên bên cạnh hai nhiệm vụ chính là giáo dục và dạy học.
Đánh giá đội ngũ giáo viên tiểu học làm công tác tư vấn học đường cần được tiến hành theo các bước sau: 1/ Xác định rõ mục đích, yêu cầu đánh giá; 2/ Lựa chọn nội dung đánh giá; 3/ Sử dụng các phương pháp đánh giá theo khung năng lực; 4/ Tổ chức đánh giá theo một quy trình chặt chẽ; 5/ Sử dụng kết quả đánh giá phục vụ phát triển đội ngũ ở các giai đoạn tiếp theo.
3. Kết luận
Trong bối cảnh trường học ở Việt Nam hiện nay, xây dựng khung năng lực tư vấn học đường là cần thiết để đội ngũ giáo viên tiểu học kiêm nhiệm được công tác tư vấn cho học sinh theo Thông tư số 31/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lí cho học sinh trong trường phổ thông. Khung năng lực tư vấn học đường cũng là công cụ cho các hoạt động sử dụng, bố trí sắp xếp hợp lí đội ngũ; bồi dưỡng đội ngũ; đánh giá đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường ở trường tiểu học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.
DEVELOPING AND USING COMPETENCE FRAMEWORK IN ENHANCING TEACHERS WORKING AS SCHOOL COUNSELORS IN PRIMARY SCHOOLS
ABSTRACT: The school counseling competence framework- a tool for the development activities of teachers working as school counselors at primary schools is essential in the current school context in Vietnam without an official title for the workforce specializing in school psychology counseling. The article proposes a school counseling competence framework for primary school teachers with five components assessed at levels including: 1/ The primary teacher's cognitive capacity for school psychology counseling activities; 2/ Ability to learn psycho-physiological characteristics of the primary school pupils and their difficulties in school life; 3/ Ability to develop a school psychology counseling plan for primary school pupils; 4/ Ability to design, select, and implement school psychology counseling plans for primary school pupils; 5/ Capacity to coordinate family and community in school psychology counseling for primary school pupils. It can be used to improve the quality of teachers working as school counselors at primary schools.
KEYWORDS: Competence framework, school counseling, primary school teachers, primary schools, pupils.
Tham khảo:
[1] Bùi Văn Huệ - Phan Thị Hanh Mai - Nguyễn Xuân Thức, (2022), Giáo trình Tâm lí học tiểu học, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[2] Trần Thị Minh Đức, (2014), Giáo trình Tham vấn tâm lí, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, (18/12/2017), Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về Hướng dẫn công tác tư vấn tâm lí cho học sinh trong trường phổ thông.
[4] Dictionary, O. E., (1999), The Oxford Dictionary and Thesaurus, Oxford: Oxford University Press.
[5] Nguyễn Đức Sơn (chủ biên), (2018), Tài liệu bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lí trong trường phổ thông, NXB Giáo dục Việt Nam.
[6] Bộ Giáo dục và Đào tạo, (21/5/2018), Quyết định số 1876/QĐ-BGDĐT về ban hành Chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh.
[7] Neukrug, E, (2011), The world of the counselor: An introduction to the counseling profession, Nelson Education.
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Đặc trưng chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu07/10/2024
- XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CỦA GIÁO VIÊN VÀ SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH 2018Nghiên cứu04/10/2024
- Trẻ em có thể dạy cho chúng ta điều gì về khoa học thần kinh ẩn sau sự tò mòNghiên cứu06/09/2024
- Các nhà tâm lý học phát hiện ra hiện tượng sởn gai ốc diễn ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩNghiên cứu21/06/2024
- A Systematic Review of Problem-Solving Skill Development for Students in STEM EducationNghiên cứu06/06/2024
- Proposing and Experimenting with a Public University Governance Model and MechanismsNghiên cứu03/06/2024
- Internal Quality Assurance of Initial Teacher Education Programs in Vietnam: A Descriptive StudyNghiên cứu03/06/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024