Xây dựng văn hoá nhà trường trong bối cảnh thực hiện chương trình GDPT 2018
TS. Phạm Lê Cường, TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, TS. Dương Thị Thanh Thanh
Tóm tắt: Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giúp người học phát triển hài hòa thể chất và tinh thần, trong đó, văn hóa nhà trường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, góp phần rèn luyện nhân cách giúp phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ. Xây dựng văn hóa nhà trường gắn với bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn. Trên cơ sở làm rõ các vấn đề lý luận liên quan đến xây dựng văn hóa nhà trường, bài báo đề xuất một số giải pháp để thực hiện hiệu quả hoạt động này ở các trường phổ thông: Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên và các lực lượng giáo dục liên quan về sự cần thiết phải thực hiện xây dựng văn hóa nhà trường trong bối cảnh mới; Xác định đúng nội dung, cách thức xây dựng văn hóa nhà trường; Tổ chức xây dựng, quảng bá các giá trị cốt lõi của nhà trường; Rà soát, bổ sung và điều chỉnh quy chế chế chi tiêu nội bộ đảm bảo các điều kiện xây dựng văn hóa nhà trường...
Từ khóa: Văn hóa, văn hóa nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường; chương trình giáo dục phổ thông 2018.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Xây dựng văn hóa nhà trường (VHNT) là một trong những hoạt động quan trọng của nền giáo dục hiện đại, thúc đẩy sự phát triển hệ thống mang tính quy luật tự nhiên trong một môi trường giáo dục (GD) toàn cầu hóa có sự cạnh tranh lành mạnh và định hướng của Nhà nước, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Xây dựng VHNT là chìa khóa cho đổi mới quản trị nhà trường phổ thông (PT), giúp giải quyết hàng loạt vấn đề trong hệ thống hiện tại cũng như trong tương lai, phát huy được tối đa nguồn lực con người và cơ sở vật chất, thu hút tốt hơn các nguồn lực của xã hội, sử dụng hiệu quả hơn kinh phí của Nhà nước, mở rộng các hoạt động chuyển giao công nghệ và các dịch vụ, đảm bảo các điều kiện thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng VHNT ở trường PT không tách rời với bối cảnh của hệ thống, gắn với yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Sự cần thiết phải xây dựng văn hóa nhà trường gắn với thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Văn hóa nói chung và VHNT nói riêng là vấn đề luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ... Tiếp nối truyền thống, những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng VHNT thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”. Ngày 01/6/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, kết quả trực tiếp từ Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo GDĐT)” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21/11/2023. Đây là những quyết định quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong bối cảnh triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Chương trình GDPT 2018 được Bộ GDĐT ban hành bao gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp nhằm tích cực hóa hoạt động của người học, giúp hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực cốt lõi mà nhà trường và xã hội kì vọng.
Chương trình GDPT 2018 hình thành và phát triển cho những phẩm chất chủ yếu sau: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; và những năng lực cốt lõi: (1) Những năng lực chung bao gồm năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; (2) Những năng lực đặc thù bao gồm năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.
Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đặt ra những vấn đề lớn tác động, định hướng cho việc xây dựng văn hóa nhà trường PT như: vấn đề tự chủ trong xây dựng chương trình giáo dục nhà trường, tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bắt buộc, dạy học các môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và địa lý, thực hiện nội dung giáo dục địa phương, văn hóa trong thực hiện dạy học, giáo dục và đánh giá học sinh (HS) theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực…đòi hỏi trong quá trình xây dựng văn hóa nhà trường phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp với truyền thống của nhà trường và thực tiễn đổi mới GD.
Như vậy, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người, hướng tới xây dựng hệ giá trị văn hóa cần hình thành trong phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới. Ngược lại, VHNT là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng “...làm cho các em gia tăng sức đề kháng về văn hóa, có đủ khả năng để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, nhận thức và phản biện... có được nhân cách, phẩm chất và năng lực bền vững...” (Nguyễn Kim Sơn) (Sơn, 2022).
2.2. Một số vấn đề lý luận
2.2.1. Văn hóa nhà trường và xây dựng văn hóa nhà trường
2.2.1.1. Văn hóa nhà trường
VHNT là một dạng của văn hóa tổ chức. Tuy nhiên do nhà trường là một loại hình tổ chứcGIÁO DỤC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP | 83 đặc thù mang tính chất hành chính - sư phạm, nơi chuyển giao và tiếp nhận kinh nghiệm xã hội, nơi hình thành và phát triển các tố chất, hình thành và phát triển toàn diện nhân cách con người, VHNT có những đặc trưng riêng:
- VHNT là “một dòng chảy ngầm của những chuẩn mực, giá trị, niềm tin, truyền thống và nghi lễ được hình thành theo thời gian do con người làm việc cùng nhau, giải quyết các vấn đề và đối mặt với các thách thức,… định hình suy nghĩ, cảm xúc và hành động của con người trong nhà trường,… tạo cho nhà trường sự khác biệt” (Kent D. Peterson and Terrence E. Deal ) (Bộ GD và Đào tạo, 2021).
- VHNT là tổng hòa của hai nhóm yếu tố: các giá trị vật chất và các giá trị tinh thần của nhà trường. Nó biểu hiện trước hết trong tầm nhìn, sứ mạng, triết lý, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý... bầu không khí tâm lý; thể hiện thành hệ thống các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin, quy tắc ứng xử... được xem là tốt đẹp và được mỗi người trong nhà trường chấp nhận.
- VHNT còn là “sự chia sẻ những kinh nghiệm cả trong và ngoài nhà trường, tạo nên những cảm xúc về cộng đồng, gia đình và các thành viên của một nhóm” (Edgar H. Schein, 2012 )
Như vậy, VHNT là tập hợp các chuẩn mực, các giá trị niềm tin và hành vi ứng xử... đặc trưng của một trường học và tác động đến toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của một nhà trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021).
Từ khái niệm trên có thể rút ra những đặc điểm cơ bản của văn hóa nhà trường:
1) VHNT là một tập hợp các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử…
2) VHNT là những nét đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự khác biệt của nhà trường với các tổ chức khác và sự khác biệt giữa trường này với trường khác.
3) VHNT liên quan đến toàn bộ các giá trị vật chất và các giá trị tinh thần của nhà trường.
4) Các giá trị này được các thế hệ thầy và trò của nhà trường xây dựng, tích lũy qua thời gian; được giáo dục cho các thế hệ giữ gìn và phát huy, phát triển trong điều kiện mới.
5) VHNT tốt hướng tới chuẩn mực chất lượng cao.
2.2.1.2. Xây dựng văn hóa nhà trường
Trong mỗi nhà trường, văn hóa tồn tại một cách tự nhiên, khách quan. Do vậy, nhà trường nào cũng có văn hóa riêng của mình. Để tạo lập và phát triển bản sắc văn hóa riêng ấy, mỗi trường cần nhận thức rõ bản chất văn hóa riêng của trường mình; đồng thời quá trình xây dựng và phát triển văn hóa ở mỗi nhà trường phải là việc làm lâu dài, có chủ đích rõ ràng và tiếp nối của các chủ thể quản lý nhà trường cùng sự thống nhất, đồng thuận của tập thể sư phạm.
Xây dựng VHNT là hình thành các giá trị vật chất và các giá trị tinh thần của nhà trường theo một phương hướng nhất định. Quá trình này gồm việc hình thành các giá trị mới và bảo lưu, phát huy các giá trị đã có phù hợp.
Xây dựng VHNT là một quá trình liên tục, lâu dài, vì vậy cần có những bước đi phù hợp.
2.2.2. Vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng và các thành viên của nhà trường trong xây dựng văn hóa nhà trường
2.2.2.1. Vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng
VHNT là sản phẩm được tạo nên bởi tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, - những thành viên của tổ chức nhà trường, không phải là sản phẩm mang tính cá nhân. Tuy nhiên, trong việc xây dựng và phát triển VHNT bao giờ cũng có ảnh hưởng quyết định của người đứng đầu nhà trường - người hiệu trưởng. Để thực hiện xây dựng VHNT, người hiệu trưởng vừa thực hiện vai trò của một nhà quản lý, vừa thực hiện vai trò của một người lãnh đạo.
Tiêu chí 11, Điều 6, Chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT (2018) quy định rõ nhiệm vụ của hiệu trưởng trong việc xây dựng văn hóa nhà trường: chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử của nhà trường theo quy định; xây dựng được các điển hình tiên tiến về thực hiện nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử của nhà trường; tạo lập được môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện trong nhà trường và hướng dẫn, hỗ trợ CBQL cơ sở giáo dục phổ thông về xây dựng văn hóa nhà trường.
Như vậy, trong việc xây dựng VHNT, hiệu trưởng là sự tổng hợp của các vai trò: nhà nhân chủng học, nhà sử học, người nhìn xa trông rộng, người đại diện, thợ gốm, thi sỹ, diễn viên, thầy thuốc. Các vai trò đó giúp hiệu trưởng phân tích, nhận diện được VHNT thực tại; định hướng, định hình VHNT trong tương lai; dẫn dắt, thúc đẩy để tạo ra những thay đổi trong VHNT (Deal & Peterson, 2009). Để xây dựng VHNT, người hiệu trưởng vừa thực hiện vai trò, nhiệm vụ của một nhà quản lý, vừa thực hiện vai trò của một người lãnh đạo, định hướng VHNT, tâm điểm thống nhất các giá trị trong nhà trường(Bộ GD và Đào tạo, 2021).
2.2.2.1. Vai trò, trách nhiệm của các thành viên nhà trường
VHNT có tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của nhà trường, VHNT quyết định đến việc các thành viên trong nhà trường cùng tập trung vào mục tiêu chung, cam kết và nỗ lực cho mục tiêu đó. VHNT giúp các thành viên xác định và xây dựng cam kết cho mỗi cá nhân và của nhà trường đối với các giá trị cốt lõi. Một nhà trường có nền văn hóa tích cực sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện hiệu quả làm việc, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. tựa như chất keo gắn kết các thành viên lại thành một khối. Vì vậy, mỗi thành viên trong nhà trường đều có vị trí nhất định trong việc xây dựng VHVT.
Vai trò, trách nhiệm của các thành viên nhà trường (bao gồm: giáo viên chủ nhiệm và nhân viên, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam và các đoàn thể trong nhà trường, các bên liên quan (tập thể , Ban đại diện cha mẹ , cộng đồng xã hội) được quy định rõ trong Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ THCS, trường THPT và trường PT có nhiều cấp học(Bộ GD và Đào tạo, 2020). Đây cũng là hành lang pháp lý, đạo lý để mỗi thành viên nỗ lực duy trì và phát triển các giá trị cốt lõi của nhà trường, phù hợp với từng bối cảnh.
2.3. Các giải pháp xây dựng văn hóa nhà trường trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
2.3.1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên và các lực lượng giáo dục liên quan về sự cần thiết phải xây dựng văn hóa nhà trường trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Mục tiêu của giải pháp là giúp cho cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) và các thành viên khác của nhà trường có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết phải xây dựng VHNT gắn với việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong xây dựng, phát huy giá trị văn hóa của nhà trường.
a. Tuyên truyền về ý nghĩa của hoạt động xây dựng văn hóa nhà trường và sự cần thiết phải quản lý hoạt động này
Trước hết, CBQL và các thành viên của nhà trường phải nhận thức được ý nghĩa của hoạt động xây dựng VHNT gắn với bối cảnh mới; Có nắm được ý nghĩa của hoạt động xây dựng VHNT thì mới quan tâm đầy đủ đến hoạt động này. Đồng thời, cần phải giúp CBQL và các thành viên thấy rõ sự cần thiết phải quản lý hoạt động xây dựng VHNT. Nếu không quản lý hoạt động xây dựng VHNT thì hiệu quả của hoạt động này không cao, không đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp hiện nay.
b. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm cán bộ quản lý và các thành viên của nhà trường trong xây dựng văn hóa nhà trường và quản lý hoạt động xây dựng văn hóa nhà trường
Cả CBQL và GV đều là chủ thể của quản lý hoạt động xây dựng VHNT nhưng có vai trò, trách nhiệm khác nhau. Vai trò, trách nhiệm của CBQL là xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo và kiểm tra đánh giá hoạt động xây dựng VHNT trên phạm vi toàn trường. Còn GV cũng thực hiện vai trò, trách nhiệm đó nhưng ở lớp mình phụ trách. Ngay đối với GV, vai trò, trách nhiệm xây dựng VHNT cũng có sự khác nhau giữa GV bộ môn, GV chủ nhiệm và Tổng phụ trách Đội...
c. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng và quản lý hoạt động xây dựng văn hóa nhà trường cho cán bộ quản lý và các thành viên trường phổ thông
Hình thức phổ biến, tuyên truyền để mội người nhận thức đầy đủ về hoạt động xây dựng VHNT cần được đa dạng, như tổ chức những hoạt động mang tính chất tuyên truyền về công tác xây dựng VHNT bằng các hình thức như sân khấu hóa các kịch bản về cách ứng xử, giao tiếp hàng ngày, tổ chức lễ kí cam kết xây dựng VHNT giữa hiệu trưởng với các tổ chức trong nhà trường; xây dựng diễn đàn trực tuyến, tạo điều kiện để các thành viên trong và ngoài trường trao đổi kinh nghiệm về xây dựng VHNT ...
Hiệu trưởng sử dụng những hình thức dưới dây để dẫn dắt, lãnh đạo phát triển VHNT trong bối cảnh đổi mới giáo dục và cách mạng khoa học công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong giáo dục:
1. Thực hiện chính sách “mở cửa” phòng: coi trọng và tạo cơ hội để các thành viên của nhà trường thể hiện quan điểm và khả năng của mình trong việc xây dựng nhà trường; thiết lập thời gian mở cửa phòng và thông báo đến tất cả các thành viên trong nhà trường và các lực lượng liên quan;
2. Sử dụng các kênh giao tiếp ứng dụng công nghệ: các hộp đề xuất, biểu mẫu trực tuyến xử lý các phản hồi của các thành viên trong nhà trường về các vấn đề liên quan đến xây dựng VHNT (Google, biểu mẫu Monkey…)
3. Xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá, khen thưởng hợp lý thúc đẩy mọi người nỗ lực làm việc: tập trung vào công lao của GV hơn là thiếu sót của họ; ghi nhận sự nỗ lực của GV trước cha mẹ HS và cộng đồng;
4. Xây dựng bản mô tả công việc, làm rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường;
5. Tạo môi trường tương tác “không chính thức”: Hiệu trưởng tăng cường trao đổi chuyên môn với GV đứng lớp về cách dạy và học thông qua các cuộc trò chuyện, gửi email, thư xin ý kiến, thư khen ngợi, thư chúc mừng nhân các dịp đặc biệt (ngày thành lập trường, ngày truyền thống, các thành tích đạt được)…; tranh thủ nói chuyện, tiếp xúc với HS trong các giờ ra chơi, hoạt động ngoại khóa, trong các giờ ăn trưa, tham dự càng nhiều vào những sinh hoạt của ở trường thì càng tốt;…
6. Thiết lập niềm tin trong HS: Làm cho biết là các em được yêu thương, được quan tâm chăm sóc; Cố gắng bảo đảm cho có một tương lai xứng đáng với sự đầu tư của cha mẹ các em; có mặt thường xuyên trong trường và trong lớp học;
7. Tạo ra văn hóa trao quyền: Hiệu trưởng chia sẻ quyền lực, mạnh dạn trao quyền cho giáo viên trong đó đề cao vai trò lãnh đạo hoạt động dạy và học của giáo viên; Cho mọi người thấy là bạn đang làm việc với cương vị là một hiệu trưởng, đầy nhiệt tâm, luôn trách nhiệm và đầy tình yêu thương học trò;
8. Hiệu trưởng thường xuyên trau dồi kỹ năng giao tiếp; lắng nghe tất cả mọi người.
2.3.2. Xác định đúng nội dung, cách thức xây dựng văn hóa nhà trường
Mục tiêu của giải pháp là giúp cho nhà trường xác định đúng nội dung, cách thức xây dựng văn hóa nhà trường gắn với việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.
a. Gắn với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường phổ thông cần xác định các công việc cụ thể:
(1) Nghiên cứu Chương trình GDPT quốc gia, chương trình GD và nội dung giáo dục địa phương, xác định các yêu cầu về xây dựng VHNT
Chương trình GDPT 2018 là chương trình định hướng phát triển phẩm chất và năng lực HS. Vì vậy trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và các kế hoạch hỗ trợ khác (bao gồm kế hoạch xây dựng VHNT) cũng phải đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018 và phải là kế hoạch theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS.
Việc xây dựng văn hóa nhà trường ở trường PT theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS phải đáp ứng yêu cầu:
- Giúp triển khai các hoạt động giáo dục theo một quy trình khoa học và logic, thể hiện đặc trưng riêng của nhà trường
- Giúp thực thi các hoạt động giáo dục phù hợp với các cấp quản lý và HS các khối, lớp
- Giúp nhà trường chủ động trong việc triển khai các hoạt động giáo dục và xây dựng thương hiệu
- Đánh giá được mức độ đạt được theo từng giai đoạn của phát triển của nhà trường
- Có kế hoạch triển khai các hoạt động giáo dục trong tổng thể kế hoạch của nhà trường
- Định hướng, lựa chọn được các phương pháp và hình thức tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục phù hợp với chức năng và đặc trưng văn hóa của nhà trường
- Tận dụng được thời gian tối ưu để thực hiện kế hoạch giáo dục và các kế hoạch phát triển nhà trường tốt nhất
- Dự kiến những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình thực hiện kế hoạch và chuẩn bị những phương án để khắc phục
- Tạo ra môi trường phối hợp thống nhất, thuận lợi giữa nhà trường và các lực lượng tham gia phối hợp
- Xác định tiêu chuẩn và cách thức đo lường, đánh giá các hoạt động của nhà trường, đơn vị và các cá nhân HS nhằm hình thành phát triển phẩm chất, năng lực của HS
- Chỉ ra một lịch trình các hoạt động chính của nhà trường (bao gồm cả hoạt động xây dựng VHNT) trong kỳ kế hoạch theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS.
(2) Xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển VHNT
- Xây dựng các giá trị mới về vật chất và tinh thần đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của
Nội dung xây dựng văn hóa nhà trường ở trường PT phải bám sát các điểm mới của chương trình giáo dục các cấp (hàm chứa các yếu tố văn hóa) khi triển khai Chương trình GDPT 2018.
- Kế thừa và phát huy các giá trị phù hợp đã có
Bên cạnh xây dựng các giá trị vật chất và tinh thần cần thiết đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, trong xây dựng VHNT cần chú ý đến kế thừa và phát huy các giá trị vật chất và các giá trị tinh thần đã có phù hợp, phát huy bản sắc, thương hiệu riêng, vốn có của nhà trường qua các thời kì hình thành, xây dựng và phát triển.
Điều 23 (Giữ gìn và phát huy truyền thống nhà trường), Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GDĐT Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định ((Bộ GD và Đào tạo, 2020).
“1. Trường trung học có phòng truyền thống để giữ gìn những tài liệu, hiện vật có liên quan tới việc thành lập và phát triển của nhà trường để phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống nhà trường cho giáo viên, nhân viên và .
2. Mỗi trường chọn một ngày trong năm làm ngày truyền thống của trường (nếu có).
3. cũ của trường được thành lập ban liên lạc để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, huy động các nguồn lực để giúp đỡ nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục”.
b. Quá trình xây dựng và phát triển văn hóa ở mỗi nhà trường phải gắn với những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước.
Trong bối cảnh mới, Đảng ta đã nhấn mạnh phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất" (Văn kiện Đại hội XIII) (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021).
Các bước xây dựng VHNT nhà trường PT hiện nay gắn liền với sáu nhiệm vụ trọng tâm của việc xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc đã được Đảng ta xác định:
Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.
Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, của những người làm công tác văn hóa.
Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh
2.3.3. Tổ chức xây dựng, quảng bá các giá trị cốt lõi của nhà trường
Mục tiêu của giải pháp là giúp cho nhà trường xác định được các giá trị cốt lõi và cách thức quảng bá các giá trị cốt lõi trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT 2018. Giá trị cốt lõi của nhà trường là hệ thống giá trị nền tảng của VHNT liên quan đến chất lượng của nhà trường, được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển; trở thành các giá trị, niềm tin, nguyên tắc, chuẩn mực, truyền thống ăn sâu vào mọi hoạt động của nhà trường; chi phối tình cảm, suy nghĩ và hành động của tất cả thành viên của nhà trường trong việc theo đuổi thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn của nhà trường.
Giá trị cốt lõi có vai trò quan trọng trong định hình VHNT, giúp mọi người nhận diện nhà trường một cách rõ ràng hơn và chi tiết hơn. Có thể hiểu giá trị cốt lõi của nhà trường như là linh hồn của nhà trường. Xây dựng VHNT cần thiết phải xây dựng giá trị cốt lõi của nhà trường.
a. Các căn cứ xây dựng giá trị cốt lõi của nhà trường phổ thông
- Bối cảnh xã hội, mục tiêu giáo dục cấp học và các văn bản chỉ đạo về xây dựng VHNT;
- Thực trạng VHNT PT;
- Chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường dài hạn, trung hạn;
- Truyền thống của nhà trường; Nguyên tắc để xây dựng những giá trị cốt lõi của nhà trường...
b. Cách thức xây dựng giá trị cốt lõi của nhà trường phổ thông
- Bước 1: Xác định các giá trị cốt lõi của nhà trường mà nhà trường đang có
- Bước 2: Thiết lập các giá trị cốt lõi của nhà trường phù hợp bối cảnh mới
- Bước 3: Quyết định các giá trị cốt lõi nhà trường sẽ theo đuổi
c. Việc thực hiện quảng bá các giá trị cốt lõi của nhà trường PT có thể được thực hiện thông qua các hình thức truyền thống cũng như tận dụng các phương tiện truyền thông hiện đại: in ấn, sử dụng trên hệ thống áp phích, poster, băng rôn tại những địa điểm dễ tiếp cận bên trong và bên ngoài khuôn viên trường học; lồng ghép vào các biểu tượng (logo) của nhà trường; các ấn phẩm sử dụng trong trường học; sử dụng hệ thống mạng xã hội (các website chính thức của nhà trường; các trang facebook, fanpage do cán bộ, của trường tạo lập...); thành lập ban Truyền thông để phụ trách việc quảng bá; các hoạt động ở kênh truyền thanh, truyền hình như phóng sự, phim tài liệu; thành lập các câu lạc bộ trong nhà trường (ví dụ: Câu lạc bộ báo chí; câu lạc bộ truyền thông, câu lạc bộ nhiếp ảnh,…).
2.3.4. Rà soát, bổ sung và điều chỉnh quy chế chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo các điều kiện khác để xây dựng văn hóa nhà trường trong bối cảnh mới
Mục tiêu của giải pháp là nhằm bổ sung, điều chỉnh cần thiết các quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ, cơ chế huy động các nguồn lực tạo hành lang pháp lý để các trường thực hiện xây dựng VHNT trong bối cảnh mới.
a. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu áp dụng thống nhất trong đơn vị các hoạt động dành cho xây dựng VHNT (trong các bối cảnh mới), đảm bảo sử dụng kinh phí hiệu quả, thực hiện quyền tự chủ đồng thời gắn với trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và các tổ chức thực hiện.
b. Xây dựng cơ chế khai thác, sử dụng các nguồn lực để thực hiện kế hoạch xây dựng VHNT ở các trường PT.
Các nguồn lực để thực hiện kế hoạch xây dựng VHNT rất phong phú, đa dạng nhưng không có sẵn. Do đó, cần chỉ đạo khai thác, sử dụng các nguồn lực để thực hiện kế hoạch xây dựng VHNT.
c. Chủ động tìm kiếm các nguồn lực trong và ngoài trường phục vụ cho xây dựng VHNT
Với nguồn lực hiện có, các trường PT thường gặp khó khăn trong việc triển khai và quản lý hoạt động xây dựng VHNT theo yêu cầu mới. Vì thế, các trường cần phải chủ động tìm kiếm, khai thác các nguồn lực trong và ngoài trường phục vụ cho hoạt động xây dựng VHNT.
3. KẾT LUẬN
Đối với nhà trường, văn hóa vừa là mục tiêu mà nhà trường hướng tới và vừa là công cụ để quản lý nhà trường trong bối cảnh hiện đại. Do đó, xây dựng VHNT là nhiệm vụ có ý nghĩa cấp thiết của mỗi nhà trường. Xây dựng VHNT là việc kế thừa và phát huy những giá trị phù hợp đã có và bổ sung thêm các giá trị mới để nhà trường đáp ứng được yêu cầu giáo dục của địa phương và quốc gia. Kế thừa và bổ sung là hai mặt thống nhất, biện chứng của xây dựng văn hóa nhà trường ở trường PT trong từng bối cảnh cụ thể.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Xây dựng văn hóa nhà trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông (Tài liệu Bồi dưỡng cán bộ quản lý cốt cán). Hà Nội.
Đảng Cộng Sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, của Thủ tướng chính phủ, nagyf 1/6/2022, kết quả trực tiếp từ Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo GDĐT)” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21/11/2023.
Bùi Minh Hiền - Nguyễn Vũ Bích Hiền (2015). Quản lý và lãnh đạo nhà trường, NXB Đại học Sư phạm.
Nguyễn Kim Sơn (2022). Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”, ngày 22/8/2022).
Đỗ Tiến Sỹ (2016). Phát triển năng lực nhà giáo trong xây dựng văn hóa nhà trường, Tạp chí Quản lý Giáo dục, số 83, tr.12-14, 29.
E.H.Schein (2012). Văn hóa tổ chức và lãnh đạo, NXB Thời đại (Nguyễn Phúc Hoàng dịch).
Lê Thị Ngọc Thúy (2018). Xây dựng văn hóa nhà trường phổ thông- Lý thuyết và thực hành, NXB ĐHQG Hà Nội, 2018.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 09 năm 2020 của
Bộ GDĐT, “Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học”, Hà Nội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT, ngày 04 tháng 9 năm 2020 của
Bộ GDĐT, Thông tư “Ban hành Điều lệ Trường tiểu học, Hà Nội.
Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 ban hành
Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.
BUILDING A SCHOOL CULTURE IN THE CONTEXT OF THE IMPLEMENTATION OF THE 2018 GENERAL EDUCATION PROGRAM
Abstract: The aim of the 2018 General Education Program is to foster the holistic development of learners, encompassing both their physical and mental well-being. School culture serves as the fundamental basis for promoting and enhancing the quality of education, aligning with the overarching objective of comprehensive educational reform. It plays a vital role in fostering character development and enables students to grow in virtues, intellect, physical abilities, and aesthetic appreciation. The establishment of a school culture, closely tied to the implementation of the 2018 National Education Program, is an imperative derived from practical realities. This article explores theoretical aspects related to the development of school culture and presents several effective solutions for its implementation in high schools. These solutions include increasing awareness among administrators, teachers, and relevant educational stakeholders regarding the necessity of cultivating school culture in the new educational landscape, determining appropriate content and methodologies for fostering a school culture, developing and promoting the core values of the school, and reviewing, supplementing, and adjusting internal financial regulations to ensure the necessary conditions for building a school culture…
Keywords: Culture, school culture, building school culture, 2018 General Education Program.
EDIFICATION D’UNE CULTURE D’ACTIVITÉS INTERNE POUR L’ÉTABLISSEMENT SCOLAIRE EN CONTEXTE D’APPLICATION DU PROGRAMME ÉDUCATIF GÉNÉRAL DE 2018
Résumé: L’objectif du programme éducatif général de 2018 étant le développement équilibré de l’écolier tant sur le plan physique que sur le plan moral. Au sein d’une telle perspective, la culture d’activité ou de fonctionnement de l’établissement scolaire sera le fondement pour promouvoir et renforcer la qualité éducative, réaliser les objectifs de réforme essentielle et globale de l’éducation nationale, pour contribuer en effet à la formation de la personnalité chez l’écolier tout en offrant à celui-ci les opportunités de plein épanouissement sur tous les plans : moral, intellectuel, physique et esthétique. Il va de soi que l’édification de la culture d’activité pour l’établissement scolaire, lié au contexte actuel de la mise en œuvre du Programme éducatif général de 2018, devra s’inspirer de la demande des réalités ambiantes. Sur la base d’une explicitation des aspects théoriques concernant une telle édification de la culture d’activité de l’établissement scolaire, la présente intervention tient à suggérer quelques solutions visant à la bonne application des activités souhaitées en milieu scolaire : prise de conscience accentuée chez les cadres gestionnaires, les enseignants et d’autres partenaires éducatifs concernés, en ce qui concerne l’impératif de l’édification d’une culture d’activité/de fonctionnement de l’établissement scolaire dans le contexte actuel ; organisation, diffusion et promotion des valeurs fondamentales de l’école ; révision et modification du règlement intérieur dont le volet concernant les recettes et dépenses internes en vue d’assurer les conditions favorables à la mise en œuvre de l’édification de la culture d’activité de l’établissment scolaire en question.
Mots clés: Culture, Culture d’activité/de fonctionnement de l’établissement scolaire, Programme éducatif national niveau secondaire de 2018.
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Đặc trưng chất lượng đào tạo của các trường Đại học Sư phạm/khoa Sư phạm trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu07/10/2024
- XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CỦA GIÁO VIÊN VÀ SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH 2018Nghiên cứu04/10/2024
- Trẻ em có thể dạy cho chúng ta điều gì về khoa học thần kinh ẩn sau sự tò mòNghiên cứu06/09/2024
- Các nhà tâm lý học phát hiện ra hiện tượng sởn gai ốc diễn ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩNghiên cứu21/06/2024
- A Systematic Review of Problem-Solving Skill Development for Students in STEM EducationNghiên cứu06/06/2024
- Proposing and Experimenting with a Public University Governance Model and MechanismsNghiên cứu03/06/2024
- Internal Quality Assurance of Initial Teacher Education Programs in Vietnam: A Descriptive StudyNghiên cứu03/06/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024