CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 – GIÁ TRỊ LAN TỎA QUỐC TẾ VÀ Ý NGHĨA ĐỐI VỚI VIỆC KHƠI DẬY KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
Tóm tắt: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Bài viết đưa ra những luận chứng Cách mạng Tháng Tám không chỉ là thắng lợi của tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, mà còn là thắng lợi đầu tiên của một dân tộc thuộc địa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã lật đổ chế độ thực dân phong kiến, xác lập chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân. Đồng thời, thắng lợi của đó còn có giá trị lan tỏa sâu sắc đối với cách mạng thế giới về một hình mẫu nhân văn đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình; đã mở ra mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước với tư cách và vị thế của một quốc gia - dân tộc có độc lập, có chủ quyền. Phát huy những giá trị lịch sử, sức lan tỏa quốc tế trong Cách mạng tháng Tám, để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII đề ra.
Các từ khóa: Cách mạng Tháng Tám 1945; Giá trị lan tỏa; cách mạng giải phóng dân tộc; khát vọng phát triển đất nước.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đập tan ách thống trị hà khắc của chủ nghĩa thực dân tồn tại trên 80 năm và chủ nghĩa phát xít sau 5 năm trên đất nước ta, lật nhào chế độ quân chủ phong kiến đã lạc hậu, lỗi thời, đưa tới sự ra đời của một nhà nước kiểu mới - nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Từ đây, dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do gắn liền với CNXH. Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử lớn lao của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với tiến trình lịch sử của dân tộc và thế giới đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[1].
1. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã vượt tầm ảnh hưởng ra khỏi biên giới quốc gia và trở thành động lực, “niềm tin tinh thần - sức mạnh to lớn”, cổ vũ cho nhân dân các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập. Cách mạng Tháng Tám mãi được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới coi là ngọn đèn chiếu sáng, hình mẫu nhân văn, nhân ái cho các dân tộc yêu chuộng hòa bình. Cách mạng tháng Tám năm 1945, đó là cuộc cách mạng không chỉ giải phóng dân tộc, mà còn giải phóng con người, là động lực cho nhiều dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh, xác lập quyền tự do, độc lập trên thế giới trong thế kỷ XX.
Lịch sử thế giới thế kỷ XX đã ghi nhận tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - mở đầu thời đại mới của cách mạng thế giới, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Chính vì vậy, tính từ năm 1917 cho đến trước khi Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam thành công, chưa có một cuộc cách mạng nào “phổ quát” được những giá trị thời đại như Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - Giá trị phổ quát của nó chính là mức độ ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới. Cho nên, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam - Sự kiện trọng đại này mở ra thời kỳ mới cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỷ XX, “một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó là một cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa”[2], tầm vóc và giá trị của nó chính là sự phổ quát và truyền tải hết những giá trị tốt đẹp nhất mà cuộc cách mạng này đem đến cho cách mạng thế giới lúc bây giờ - “giải phóng dân tộc trên lập trường vô sản”.
Việc chiến thắng các thế lực xâm lược đất nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân có thể có nhiều con đường để thực hiện và giành thắng lợi. Tuy nhiên, cách mạng giải phóng dân tộc trên lập trường vô sản là cuộc cách mạng giải phóng triệt để nhất, cuộc cách mạng đó tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định, bền vững cho quá trình đi lên của mỗi quốc gia. Cho nên, thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đánh dấu sự mở đầu trên phạm vi quốc tế “cho cao trào giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ hai” [6].
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam năm 1945, đã tác động một cách trực tiếp đối với các quốc gia ở Đông Nam Á. Tác động của cách mạng tháng Tám, tạo niềm tin, cổ vũ mạnh mẽ cho nhân dân Lào nổi dậy giành chính quyền và ngày 12-10-1945, nước Lào tuyên bố độc lập. Sức lan tỏa của cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á phát triển lên cao, buộc các nước thực dân Âu, Mỹ lần lượt công nhận nền độc lập của Philippin (7-1946), Miến Điện (1-1948), Inđônêsia (8-1950), Malaisia (8-1957).
Không chỉ giới hạn ở khu vực Đông Nam Á, sức mạnh lan tỏa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn góp phần quan trọng thức tỉnh các dân tộc trên thế giới, đặc biệt các nước ở Đông Bắc Á, Nam Á, các nước châu Phi, Mỹ Latinh đang bị cùm trói trong vòng nô lệ, lệ thuộc của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, cổ vũ các dân tộc vùng lên đấu tranh để tự giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, lệ thuộc của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Ở Đông Bắc Á: Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam đã đem lại niềm tin, sự thắng lợi trong phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Trung Quốc, niềm tin đó đã trở thành hiện thực vào tháng 10/1949, cách mạng Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, thắng lợi này đã phá vỡ khâu quan trọng trong hệ thống thuộc địa chủ nghĩa đế quốc, nêu tấm gương sáng cho phong trào giải phóng dân tộc nối liền phe chủ nghĩa xã hội từ Âu sang Á. Cùng năm 1952 nhân dân Libi giành được độc lập.
Tại Nam Á: Phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ càng trở nên mạnh mẽ hơn từ sau thành công cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, ảnh hưởng của cách mạng tháng Tám đã đưa cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ có bước phát triển đi từ đòi tự trị đến độc lập (26/1/1950) [6].
Ở Châu Phi: Ảnh hưởng của cách mạng tháng Tám năm 1945 đã lan sang các nước Bắc Phi, tấm gương của nhân dân Việt Nam đã trở thành động lực, niềm tin để nhiều nước ở Bắc Phi đứng lên đấu tranh và giành được độc lập như Ai Cập (1952), Angieri (1962). Trong năm 1960 có 17 nước Châu Phi giành được độc lập.
Khu vực Mỹ Latinh: Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Cu Ba thoát khỏi Chế độ độc tài Batixta (do Mỹ dựng lên), đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Sức lan tỏa của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nhiều quốc gia thuộc địa đã giành độc lập là tấm gương cho nhân dân Cu Ba tiến lên, và cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam chính là niềm tin, động lực để giúp cho nhân dân Cu Ba tin tưởng vào thắng lợi như nhân dân Việt Nam đã giành được. Dưới sự lãnh đạo của PhiđenCatxtrô, ngày 01/01/1959 cách mạng Cu-ba thành công.
Đánh giá về tính lan tỏa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới trong những năm nửa sau của thế kỷ XX, Giáo sư, nhà Sử học L.Esmonson, Trường Đại học Cornell (Mỹ) cho rằng: “Đó là một sự kiện lớn của thế giới. Cuộc cách mạng Tháng Tám của Việt Nam có một ý nghĩa lịch sử rất to lớn, nó giải phóng con người, giải phóng cho một dân tộc bị áp bức. Trên bình diện quốc tế, nó còn là hình mẫu và là động lực cho nhiều nước khác đứng lên đấu tranh, đánh đuổi thực dân, giành lại chính quyền. Những quốc gia thuộc địa của Pháp, đặc biệt là các nước ở khu vực Đông Dương, Châu Phi đã tiến hành công cuộc cách mạng theo đúng tiến trình cách mạng ở Việt Nam”[3].
Giáo sư người Jamaica Horet Compel nhìn nhận: “Cuộc cách mạng Việt Nam năm 1945 có một tác động to lớn đối với lịch sử đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa Pháp lúc đó, trong đó có nhiều nước Châu Phi. Khi cuộc cách mạng ở Việt Nam thành công, cũng là lúc các nước Châu Phi như: Cameroon, Algeria, Tanzania… đang chuẩn bị những cuộc cách mạng lớn. Nhờ có bài học từ Việt Nam, họ đã có những bài học kinh nghiệm quý báu, làm nên thành công của các cuộc cách mạng ở những nước thuộc địa Pháp ở Châu Phi”[4].
Tiến sĩ Sanomish Dashtsevel (Mông Cổ) nhấn mạnh: "Cách mạng Tháng Tám đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Cuộc Cách mạng tháng Tám còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc và dân chủ ở các nước châu Á và trên thế giới"[5].
Có thể khẳng định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã trở thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mở đầu cho tiến trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân. Lịch sử thế giới thế kỷ XX đã ghi nhận tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười năm 1917 mở đầu thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH và Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở đầu trào lưu phi thực dân hoá trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới và vì vậy, đã góp phần quan trọng “làm biến đổi bản đồ thế giới”.
2. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, nằm trong quỹ đạo của cách mạng vô sản. Cuộc cách mạng này do Đảng Cộng sản lãnh đạo, vì vậy, thành công của cách mạng là triệt để, là “đến nơi” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trước đó. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới chứ không như các cuộc cách mạng dân chủ tư sản trước đây. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã lật đổ ách thống trị thực dân Pháp hơn 80 năm, ách thống trị phong kiến tay sai và ách thống trị của chủ nghĩa phát xít Nhật (1941 - 1945), đưa dân tộc Việt Nam bước vào thời đại mới - thời đại độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Sức lan tỏa và giá trị nhân văn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là sự khẳng định bằng thực tiễn lịch sử về tính đúng đắn của sự lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc - “con đường cách mạng vô sản”, con đường cách mạng gắn kết một cách tất yếu độc lập dân tộc và CNXH - dòng chủ đạo xuyên suốt trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám đã khai phá con đường thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển của khu vực và thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là trung thành vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn mà còn phát triển, bổ sung cho chủ nghĩa Mác - Lênin lý luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh sự bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đồng thời còn nêu một mẫu mực đấu tranh giải phóng dân tộc cho các dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh[6]. Chính vì vậy, các dân tộc thuộc địa coi Việt Nam là chiến sỹ tiên phong, anh hùng giải phóng dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ của Việt Nam mà là những vấn đề lý luận và thực tiễn mang tầm vóc quốc tế, có giá trị phổ quát thời đại. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa dân tộc Việt Nam đến với các giá trị chính trị, xã hội cao nhất trong nền văn minh nhân loại - đó là chế độ dân chủ nhân dân, nhà nước pháp quyền XHCN do nhân dân làm chủ, các quyền công dân và quyền con người được tôn trọng, rút ngắn con đường phát triển của dân tộc hàng thế kỷ.
3. Tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, sức lan tỏa quốc tế trong Cách mạng tháng Tám - khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đưa đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Giá trị lịch sử, sức lan tỏa của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chứng minh chân lý của dân tộc Việt Nam “lấy chính nghĩa để thắng hung tàn”, “lấy chí nhân để thay cường bạo”, thắng lợi to lớn và vẻ vang của Cách mạng tháng Tám như là “vầng sáng chói lọi chiếu khắp năm châu”. Từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam đã trở thành điểm tựa tinh thần cho các quốc gia dân tộc bị áp bức, bóc lột, các dân tộc yêu chuông hòa bình coi là mẫu hình lý tưởng trong phong trào đấu tranh, giải phóng dân tộc. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, không chỉ đơn thuần là chiến thắng của một cuộc cách mạng, của một dân tộc trước một tên đế quốc xâm lược mà đó còn là chiển thắng để mở ra một kỷ nguyên cho một nền ngoại giao của một quốc gia có chủ quyền. Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho nền ngoại giao của dân tộc Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới, thì Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã hiện thực hóa tư tưởng của Người, từ sau cách mạng tháng Tám 1945, cách mạng Việt Nam thực sự trở thành một bộ phận khăng khít không thể tách rời của phong trào cách mạng thế giới. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lần đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tên trên bản đồ thế giới; đồng thời đã mở ra mối quan hệ ngoại giao với các nước với tư cách và vị thế của một quốc gia - dân tộc có độc lập, có chủ quyền.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, sức lan toản của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được phát huy, bài học của cách mạng tháng Tám là cơ sở để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là Đảng đã biết phát huy sức mạnh nội lực “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” kết hợp với ngoại lực. Trong đó phải khẳng định sự sắc bén về dự báo tình hình, chủ động chuẩn bị nội lực để khi thời cơ đến đã nhanh chóng, khẩn trương phát Lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Thắng lợi đó đã để lại những bài học có giá trị cho cách mạng Việt Nam trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp để giải quyết nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh lịch sử mới.
Từ giá trị lịch sử đó, khi bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng xác định: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại” [7].
Sau hơn 37 năm đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (thông qua tại Đại hội VII của Đảng) cơ đồ, vị thế tiềm lực và uy tín quốc tế được nâng cao, tuy nhiên, đất nước vẫn đứng trước nhiều thách thức cả trong nước và quốc tế. Do vậy, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những kinh nghiệm về phát huy giá trị phổ quát và vấn đề dân tộc được đặt lên hàng đầu trong Cách mạng tháng Tám, đã được Đảng tiếp tục phát huy trong đường lối đối ngoại của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” [8]. Trên cơ sở đó, trong điều kiện lịch sử mới, Đảng đã xác định “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân” [8]. Tính “toàn diện” thể hiện trên các chủ thể, địa bàn, cả song phương và đa phương, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin đối ngoại… qua đó phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả đất nước, để nâng cao vị thế quốc tế quốc gia.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước là trọng tâm lớn của Nghị quyết Đai hội XIII của Đảng.
Sự nghiệp cách mạng là một quá trình đầy khó khăn, thách thức nhưng với những giá trị đạt được từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên chính trường quốc tế. Điều đó càng minh chứng sức lan tỏa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là hướng đi đúng với một thể chế chính trị ưu việt tiếp tục soi rọi, trở thành động lực để các quốc gia, dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới hướng tới xây dựng một xã hội đưa con người đạt đến các giá trị cao nhất của nhân loại - giá trị hòa bình, độc lập và phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 6, tr.159
2. Thomas Hodgkis: Thế giới bàn về Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H, 1975, T.2, tr.224
3. Dẫn theo: Nguyễn Đức Thắng, Tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Báo Biên phòng, ngày 10-8-2015, tr. 2
4, 5. Dẫn theo "Việt Nam trong thế kỷ XX", Hội thảo quốc tế, H, 2008, tr. 3, 4
6. Nguyễn Anh Thái (chủ biên): Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục, H, 2009 tr. 314
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb, Chính trị quốc gia, H.2011, tr.66
8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb, Chính trị quốc gia sự thât, H.2021, tr.161, 162
Tác giả bài viết: TS. TRẦN CAO NGUYÊN
- TỔ CHỨC PHỐI HỢP, HIỆP ĐỒNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG GIẢI PHÓNG TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAMNghiên cứu29/09/2024
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XXNghiên cứu30/08/2024
- ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG (2013 – 2023)Nghiên cứu29/08/2024
- Thực trạng và những vẫn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0Nghiên cứu06/04/2024
- Bộ Giáo dục: Học Sư phạm ra, khả năng có việc làm là rất caoNghiên cứu20/03/2024
- SEMINAR KHOA HỌC CỦA KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ - TRƯỜNG SƯ PHẠM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH (Tháng 1- năm 2024)Nghiên cứu24/01/2024
- TRAO ĐỔI VỀ VẤN ĐỀ TỰ HỌC TRONG SINH VIÊN HIỆN NAYNghiên cứu10/01/2024
- Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng và sự vận dụng của Đảng ta trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu04/01/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Seminar: Sự trỗi dậy của New York như là một kinh đô nghệ thuật mớiNghiên cứu22/11/2024
- Đội Thể thao số 1 của Công đoàn Trường Sư Phạm đạt vị trí Nhất toàn đoàn trong giải Thể thao Công đoàn Trường Đại Học Vinh năm 2024Công đoàn22/11/2024