SEMINAR KHOA HỌC CỦA KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TRƯỜNG SƯ PHẠM – TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
“Trao đổi về cách diễn giải các quy luật cấm mâu thuẫn, bài trung trong lôgíc hình thức”
Nhằm thiết thực nâng cao chất lượng dạy và học môn Lôgíc hình thức cho sinh viên Trường Đại học Vinh. Ngày 10 tháng 11 năm 2022 tại Văn phòng khoa, Khoa Giáo dục Chính trị - Trường Sư phạm đã tổ chức seminar khoa học với chủ đề: “Trao đổi về cách diễn giải các quy luật cấm mâu thuẫn, bài trung trong lôgíc hình thức” của tác giả Phan Huy Chính.
Ths Phan Huy Chính – Giảng viên bộ môn Triết học chủ trì seminar. Buổi seminar có sự tham dự của PGS. TS Nguyễn Thái Sơn – Trưởng khoa Giáo dục chính trị; GVC. TS Bùi Thị Cần – Phó trưởng khoa Giáo dục chính trị; TS Nguyễn Thị Hải Yến; các giảng viên giảng dạy học phần Triết học và các giảng viên bộ môn khác.
Ths Phan Huy Chính đã trình bày các vấn đề liên quan đến nội dung của seminar, gồm:
1. Về cách diễn giải hai quy luật
- Một số ít tài liệu (Hoàng Chúng - Lôgíc học phổ thông) dùng quan hệ phủ định giữa hai phán đoán để trình bày cả hai quy luật. Theo đó, quy luật cấm mâu thuẫn được phát biểu: Hai phán đoán phủ định lẫn nhau A và A không thể đồng thời cùng đúng. Còn quy luật bài trung: Hai phán đoán phủ định lẫn nhau A và A không thể đồng thời cùng sai. Như thế, theo một số tác giả, đối tượng chịu tác động của hai quy luật trên là như nhau.
Đối với cách diễn giải trên, người báo cáo seminar cho rằng: nó có ưu điểm là rõ ràng, dễ áp dụng vì chỉ sử dụng quan hệ phủ định hay phép phủ định đã được hiểu rất thống nhất trong cả lôgíc hình thức và lôgíc kí hiệu. Ưu điểm nữa là nó thể hiện rõ phạm vi áp dụng gồm cả phán đoán đơn và phức. Tuy nhiên, nhược điểm của nó khi phát biểu và phân tích quy luật cấm mâu thuẫn là đã bỏ qua một số quan hệ giữa các phán đoán đơn tuy không phủ định nhau, nhưng cũng chịu tác động của quy luật cấm mâu thuẫn, như quan hệ đối chọi trên (không thể cùng đúng nhưng có thể cùng sai).
- Rất nhiều tài liệu khác chỉ ra rằng đối tượng chịu tác động của hai quy luật không phải như nhau. Quy luật cấm mâu thuẫn có phạm vi áp dụng rộng hơn, cho các cặp phán đoán đơn có hình thức S là P và S không là P; Mọi S là P và Mọi S không là P; Mọi S là P và Một số S không là P... Quy luật bài trung có phạm vi hẹp hơn: không áp dụng cho cặp Mọi S là P và Mọi S không là P.
Người báo cáo nhận xét rằng việc chỉ ra các phạm vi áp dụng khác nhau của hai quy luật là ưu điểm của cách diễn giải trên. Tuy nhiên khi diễn đạt và triển khai cụ thể, nhiều tài liệu thuộc loại này đã bộc lộ hai nhược điểm.
Thứ nhất, khi liệt kê ra các đối tượng chịu tác động của mỗi quy luật, các tài liệu đó không đề cập đến các phán đoán phức. Điều đó có thể dẫn đến cách hiểu không đúng rằng hai quy luật nói trên chỉ áp dụng cho các phán đoán đơn. Đề xuất của người báo cáo: khi thống kê, phân loại đối tượng của mỗi quy luật, ngoài các phán đoán đơn, cần chỉ ra cả những phán đoán phức có liên quan.
Thứ hai, để biểu thị những tập hợp đối tượng phân biệt nhau của hai quy luật, đa số các tài liệu nói trên đã không sử dụng các thuật ngữ khác nhau, hoặc có dùng nhưng không sử dụng chúng một cách chặt chẽ, nhất quán. Điều này làm yếu đi tính chất sáng sủa, chặt chẽ của lý thuyết lôgíc, gây khó khăn, lẫn lộn cho sinh viên khi học hai quy luật nói trên. Đề xuất của người báo cáo: Tránh dùng chung thuật ngữ mâu thuẫn, hay phủ định khi phát biểu hai quy luật. Cụ thể: với quy luật cấm mâu thuẫn, ta nên dùng thuật ngữ mâu thuẫn để khớp với tên gọi của quy luật này. Sau đó chỉ ra các loại quan hệ mâu thuẫn trực tiếp, gián tiếp ... Với quy luật bài trung, ta nên dùng thuật ngữ phủ định, là thuật ngữ có nghĩa rất ổn định trong lôgíc kí hiệu và lôgíc hình thức, phù hợp nhất để diễn đạt đối tượng quy luật này.
2. Về khái niệm mâu thuẫn lôgíc, và thắc mắc: cần cấm mâu thuẫn lôgíc trong tư duy đến đâu?
Một số tài liệu lôgíc hình thức phân biệt mâu thuẫn lôgíc với mâu thuẫn trong thực tế, hay mâu thuẫn biện chứng dựa theo quan điểm của Lênin. Theo những tài liệu này thì mâu thuẫn lôgíc là mâu thuẫn trong tư duy, là biểu hiện của sai lầm chủ quan trong việc phản ánh sự vật. Tư duy đúng đắn nhất thiết không được dung chứa mâu thuẫn lôgíc.
Về nhận định trên của một số tài liệu lôgíc hình thức, người báo cáo đặt vấn đề: để phản ánh được mâu thuẫn khách quan của sự vật, Ăngghen đã chỉ ra rằng trong những trường hợp cần thiết, bên cạnh cái “hoặc là ... hoặc là ...”, tư duy biện chứng cần phải thừa nhận cái “vừa là ... vừa là ...”, rằng một vật vừa là nó, vừa không phải là nó, vừa tồn tại vừa không tồn tại. Như thế, phải chăng yêu cầu cấm mâu thuẫn trong tư duy của lôgíc hình thức cũng có giới hạn của nó? Có thể nói rằng ở nơi mà quy luật cấm mâu thuẫn hết hiệu lực, là nơi mà một loại lôgíc khác bắt đầu?
Tại buổi báo cáo, các đại biểu tham dự tích cực phát biểu, tham gia đóng góp ý kiến về chủ đề seminar. Thầy Nguyễn Thái Sơn đánh giá cao tính thiết thực, bổ ích trong vấn đề seminar của thầy Phan Huy Chính, đồng thời trao đổi thêm một số cách tiếp cận hiện nay về logic học hiện đại, logic biện chứng.... Thầy Nguyễn Văn Sang nhất trí với ý kiến cho rằng quy luật cấm mâu thuẫn có phạm vi áp dụng rộng hơn quy luật bài trung, nên cần dùng các thuật ngữ phân biệt để phát biểu, trình bày hai quy luật này.
Buổi seminar còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các giảng viên khác như GV. Ths Hoàng Thị Nga, TS Nguyễn Thị Hải Yến, TS Bùi Thị Cần; … về khái niệm, nội dung và ý nghĩa của cách diễn giải các quy luật cấm mâu thuẫn, bài trung trong lôgíc hình thức.
Buổi seminar đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến bổ ích, có giá trị để tác giả nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện hơn bài viết của mình. Nội dung của Seminar của Thầy Phan Huy Chính có ý nghĩa thiết thực đối với giảng viên bộ môn Triết học trong quá trình giảng dạy bộ môn Logic hình thức, gợi mở hướng tiếp cận, luận giải mới trong Logic hình thức, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học học phần này tại Trường Đại học Vinh.
Tin bài: Ths. Hoàng Thị Nga
- TỔ CHỨC PHỐI HỢP, HIỆP ĐỒNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG GIẢI PHÓNG TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAMNghiên cứu29/09/2024
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XXNghiên cứu30/08/2024
- ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG (2013 – 2023)Nghiên cứu29/08/2024
- Thực trạng và những vẫn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0Nghiên cứu06/04/2024
- Bộ Giáo dục: Học Sư phạm ra, khả năng có việc làm là rất caoNghiên cứu20/03/2024
- SEMINAR KHOA HỌC CỦA KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ - TRƯỜNG SƯ PHẠM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH (Tháng 1- năm 2024)Nghiên cứu24/01/2024
- TRAO ĐỔI VỀ VẤN ĐỀ TỰ HỌC TRONG SINH VIÊN HIỆN NAYNghiên cứu10/01/2024
- Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng và sự vận dụng của Đảng ta trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu04/01/2024
- TỔNG KẾT RLNVSPTX CHO SINH VIÊN K62 GDMN TRƯỜNG MN THSP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINHKhoa GD Mầm non14/01/2025
- RECAP HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA GIÁO DỤC MẦM NON 2024Khoa GD Mầm non14/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA HOÁ HỌC NĂM HỌC 2024-2025Khoa Hoá học14/01/2025
- Khoa Toán học tổ chức thành công Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm năm học 2024-2025Tin tức02/01/2025
- HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA SINH HỌC NĂM HỌC 2024-2025Sinh viên18/12/2024
- Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”Nghiên cứu17/12/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024