TẦM NHÌN, KHÁT VỌNG VÀ Ý CHÍ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI KỲ MỚI
Tóm tắt: Đại hội XIII của Đảng có tầm vóc lịch sử và ý nghĩa lớn lao. Đại hội đã xác định tầm nhìn xa, rộng, đúng đắn, khoa học cho dân tộc ta tiến lên cùng thời đại. Đại hội đã khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh. Tầm nhìn, khát vọng, ý chí đó được thể hiện xuyên suốt toàn bộ các văn kiện đã được trình bày và thông qua tại Đại hội, trong đó nổi bật là chủ đề Đại hội, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cũng như sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược.
Từ khóa: Đại hội XIII; Tầm nhìn; Khát vọng; Ý chí.
1. Đặt vấn đề
Một dân tộc muốn đứng trên đỉnh cao của thời đại, dân tộc đó phải có khát vọng và ý chí vươn lên mãnh liệt. Một đất nước muốn trở nên hùng mạnh, trường tồn, đất nước đó phải được lãnh đạo bởi những cá nhân ưu tú và tập thể tiến bộ. Thật may mắn cho chúng ta, trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, chúng ta đã hội đủ những điều kiện cần để đưa đất nước, đưa dân tộc vươn lên một tầm cao mới. Điều đó đã được chứng minh và khẳng định bằng những kết quả rực rỡ, bằng những thành công ngoài mong đợi của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự thành công và những kết quả của Đại hội XIII được thể hiện cụ thể bằng những văn kiện được thông qua tại Đại hội. Đây chính là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020. Các văn kiện Đại hội đã khẳng định quan điểm, đường lối đổi mới, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước để phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới, thể hiện rõ nét tầm nhìn, khát vọng, ý chí xây dựng đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong thế kỷ 21.
Từ đó, chúng ta có thể khẳng định rằng Đại hội XIII có trọng trách vinh quang và sứ mệnh lịch sử to lớn, đây là đại hội định hướng cho tương lai của cả dân tộc. Đại hội không chỉ xác định mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn 2021 – 2025 mà còn chỉ ra những mục tiêu, nhiệm vụ cho cả một chặng đường dài phía trước, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao năm 2045. Có thể khẳng định chắc chắn rằng đây là Đại hội có tầm vóc lịch sử và ý nghĩa lớn lao. Chúng ta có thể gọi đây là Đại hội của niềm tin và hy vọng, Đại hội của ý Đảng – lòng Dân, Đại hội của tầm nhìn, khát vọng và ý chí xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
2. Tầm nhìn và khát vọng
Một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu về năng lực, phẩm chất của một cá nhân lãnh đạo hay của một đảng chính trị, đặc biệt là đảng cầm quyền, đó là phải có tầm nhìn xa, trông rộng, không chỉ bao quát những mục tiêu cụ thể, trước mắt mà còn thấy được cả những mục tiêu chiến lược lâu dài. Tầm nhìn không chỉ thể hiện tầm vóc trí tuệ mà còn chứa đựng lý tưởng phấn đấu, thể hiện bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của hệ thống chính trị. Tầm nhìn còn chứa đựng khát vọng, ý chí vươn tới, thể hiện những mục tiêu cần đạt được, là cơ sở để xác định nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Một đảng lãnh đạo không có tầm nhìn sâu rộng, không sớm thì muộn, đảng đó sẽ thất bại. Một dân tộc không có tầm nhìn xa, dân tộc đó không thể trường tồn. Tầm nhìn có vai trò vô cùng quan trọng, nó là yếu tố cốt lõi khẳng định tầm vóc và trí tuệ không chỉ của cá nhân mà còn của cả một tập thể, một đất nước, một dân tộc.
Đối với nước ta, tầm nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là tầm nhìn chung của cả quốc gia, dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam cũng như của liên minh công nông và đội ngũ trí thức. Đảng đại diện cho lợi ích chung của toàn thể nhân dân, toàn thể dân tộc. Đảng có sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền để hoàn thành mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, để xây dựng một xã hội mới thực sự công bằng, dân chủ, văn minh, dân giàu, nước mạnh, khác hẳn về chất so với tất cả các chế độ xã hội trước đây. Do đó tầm nhìn, khát vọng của Đảng cũng là tầm nhìn, khát vọng chung của đất nước, của dân tộc và đó cũng là cơ sở để thống nhất tư tưởng, đoàn kết không chỉ trong Đảng mà còn là cơ sở để tập hợp, đoàn kết, cổ vũ, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh để thực hiện những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra.
Tầm nhìn mới mẻ, khoa học, đúng đắn, mang ý nghĩa chiến lược, thể hiện tầm vóc trí tuệ lớn lao, sâu sắc của Đại hội XIII, theo chúng tôi trước hết được thể hiện rất rõ ràng ở chủ đề của Đại hội, đó là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” .
Có thể khẳng định rằng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng trong suốt 90 năm qua. Sự lãnh đạo đó cũng là yếu tố then chốt tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong 35 năm đổi mới. Do đó sự lãnh đạo này cũng sẽ là yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta trong những năm tới. Tuy nhiên, muốn hoàn thành trọng trách lịch sử và sứ mệnh vinh quang này, trong thời gian trước mắt và lâu dài, chúng ta phải đẩy mạnh, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng không thể hoàn thành trọng trách của mình khi vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân... làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định, phát triển đất nước, uy tín của Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Do đó, công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh được Đảng hết sức quan tâm. Tầm nhìn Đại hội XIII bên cạnh nhấn mạnh nội dung này đã bổ sung nội dung xây dựng đi đôi với chỉnh đốn. Không chỉ có xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn hệ thống chính trị, làm cho toàn bộ hệ thống trở nên thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là điểm mới cốt lõi trong tầm nhìn của Đại hội XIII đối với vai trò lãnh đạo, bản chất trong sạch của Đảng nói riêng và của hệ thống chính trị nói chung. Bên cạnh Đảng thì chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội cũng có vai trò đặc biệt quan trọng, hết sức lớn lao và không thể thay thế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng không thể tách rời công cuộc xây dựng, chỉnh đốn toàn thể hệ thống chính trị nói chung. Với tầm nhìn này, chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ mới, chúng ta sẽ có một bộ máy, một hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch, đủ tâm, đủ tầm đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, lãnh đạo dân tộc trong bối cảnh diễn biến khu vực và quốc tế đang ngày càng trở nên phức tạp.
Như phần trên chúng tôi đã đề cập, một dân tộc, một Đảng lãnh đạo không có khát vọng sẽ không thể trường tồn, không thể vươn lên. Do đó, cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong mọi giai đoạn cách mạng, khát vọng phát triển đất nước cùng với khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn luôn là nguồn sức mạnh to lớn để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thắng lợi vẻ vang. Bởi vậy, “phát huy sức mạnh toàn dân tộc” luôn là một nội dung quan trọng trong đường lối của Đảng, được nêu trong tiêu đề Báo cáo chính trị của nhiều Đại hội. Báo cáo chính trị Đại hội XIII tiếp tục đưa nội dung “phát huy sức mạnh toàn dân tộc” và bổ sung “khát vọng phát triển đất nước” vào tiêu đề: “…Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...” . Đây là điểm mới, cũng là tầm nhìn mới, vừa sâu sắc, vừa cụ thể, thiết thực. Việc khơi dậy khát vọng nồng nàn xây dựng, phát triển đất nước đồng nghĩa với việc thổi một luồng gió mới vào tình yêu Tổ quốc thiết tha, mãnh liệt trong trái tim mỗi một người dân Việt Nam. Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia; nước ta đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, toàn diện, ảnh hưởng và tác động quốc tế đối với nước ta ngày càng lớn, nhanh chóng và trực tiếp. Xu thế của thời đại, luật pháp, các quan hệ quốc tế, sự hợp tác, ủng hộ của các nước, cộng đồng quốc tế là nguồn sức mạnh to lớn để đất nước ta nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức giữ vững độc lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, phát triển nhanh, bền vững. Do đó, việc đưa nội dung khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại” vào tiêu đề Báo cáo chính trị Đại hội XIII là cần thiết, đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tầm nhìn mới, lớn lao, sâu sắc, toàn diện.
Thực tiễn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đất nước ta đã cho thấy tinh thần, ý chí, khát vọng của một dân tộc là một sức mạnh to lớn. Chính ý chí, khát vọng cháy bỏng phải giành, bảo vệ cho được độc lập, tự do, thống nhất đất nước đã tạo nên sức mạnh thần kỳ để nước ta chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất của thời đại. Ngày nay, bên cạnh những khó khăn, thách thức, đất nước ta có những thuận lợi, cơ hội to lớn để phát triển, chúng ta rất cần phải phát huy mạnh mẽ ý chí, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để tạo nên động lực mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nắm bắt, tận dụng tốt mọi thuận lợi, thời cơ, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đây cũng chính là yêu cầu, là lời hiệu triệu của Đảng, của đất nước đối với mỗi người Việt Nam chúng ta.
Tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước trong thời kỳ mới không chỉ thể hiện trong chủ đề của Đại hội XIII mà còn thể hiện rất rõ trong mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể. Mục tiêu tổng quát được Đại hội XIII xác định như sau: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” . Đây là một mục tiêu vừa có tính tổng quát, vừa khoa học, hiện thực, thiết thực, thể hiện rõ nhãn quan chiến lược và tư duy khoa học, khách quan, đúng đắn. Rõ ràng, việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh phải đi đôi với củng cố niềm tin của nhân dân, khát vọng phát triển đất nước phải gắn liền với khối đại đoàn kết toàn dân. Quá trình xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc phải song hành và dựa trên nền tảng giữ vững hòa bình, ổn định. Trong mục tiêu này, điểm mới nhất và cũng thể hiện tầm nhìn vừa sâu sắc, vừa thiết thực nhất đó chính là phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự thiết thực ở đây chính là cụm từ “trở thành nước phát triển”. Rất rõ ràng, không chung chung, trừu tượng, không mơ hồ, sáo rỗng. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là những những mục tiêu lâu dài, trước khi vươn tới những điều đó, chúng ta phải là nước phát triển, nghĩa là dân phải giàu, nước phải mạnh theo đúng thông lệ quốc tế. Trong những năm gần đây, các nước, các tổ chức quốc tế (như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế...) đều đánh giá, phân loại các nước thành nước phát triển, nước đang phát triển, nước kém phát triển. Theo cách phân loại này, nước phát triển là nước có thu nhập cao, chất lượng cuộc sống cao, người dân thực sự có cuộc sống văn minh, dân chủ, bình đẳng, tự do. Nước ta đã hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, việc xác định mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI sử dụng cách phân loại mức độ phát triển quốc gia theo thông lệ quốc tế là cần thiết để thuận lợi cho việc phân tích, đánh giá và so sánh quốc tế. Trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước ta những năm vừa qua cũng như theo xác nhận của nhiều tổ chức quốc tế, trong những năm qua, nước ta là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Do đó việc phấn đấu đến năm 2045 chúng ta trở thành nước phát triển là hoàn toàn có tính khả thi, hiện thực.
Bên cạnh mục tiêu tổng quát, những mục tiêu cụ thể được trình bày và xác định trong Đại hội XIII cũng cho thấy những nội dung mới, lớn lao, sâu sắc, thiết thực trong tầm nhìn và khát vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong giai đoạn mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ có mục tiêu cụ thể cho 5 năm, tới năm 2025, mà còn có các mục tiêu cho 10 năm, tới năm 2030 và tầm nhìn cho đến năm 2045. Đây cũng là ba mốc lịch sử quan trọng của đất nước ta: năm 2025 là năm kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; năm 2030 là năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và năm 2045 là năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Từ những phân tích, đánh giá trên đây, chúng ta có thể thấy tầm nhìn và khát vọng của Đại hội XIII có mối liên hệ chặt chẽ, có sự kế thừa và cụ thể hóa tầm nhìn, mục tiêu do Cương lĩnh năm 1991 cũng như Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và các Đại hội trước đó. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự phát triển của đất nước, là cơ sở bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa trong chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Đảng qua các kỳ Đại hội Đảng cho đến đến giữa thế kỷ XXI, bảo đảm sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong đường lối phát triển đất nước. Đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm quyền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của đất nước ta.
3. Ý chí và quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước
Có tầm nhìn, có khát vọng, nhưng nếu thiếu đi ý chí và sự quyết tâm cao độ để vượt qua mọi khó khăn thử thách thì mọi giấc mơ đều khó trở thành hiện thực. Đại hội XIII của Đảng không chí xác định tầm nhìn, khơi dậy ước mơ, khát vọng mà còn thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm và ý chí cao độ trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhằm xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Những quyết tâm, ý chí này được thể hiện trên rất nhiều khía cạnh, trên rất nhiều nội dung. Trước hết đó là những nỗ lực tuyệt vời để vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Trong những năm qua, dù có rất nhiều tác động của dịch bệnh và thiên tai liên tiếp xảy ra, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Có thể nói Đại hội XIII là Đại hội ghi dấu ấn rất rõ về tinh thần, ý chí quyết tâm đổi mới sáng tạo, vượt mọi khó khăn, đi cùng thời đại và tiến lên cùng thời đại. Ý chí, quyết tâm đó được thể hiện rất rõ nét từ công tác chuẩn bị công phu, nghiêm túc cho đến quá trình diễn ra Đại hội một cách thành công, suôn sẻ, hoàn hảo cho dù dịch bệnh covid 19 đang bùng phát ở nhiều địa phương trong nước. Ý chí, quyết tâm đó còn thể hiện ở chỗ Đại hội XIII đã nhất trí cao thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Ý chí, quyết tâm cao độ còn thể hiện ở kết quả Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm 200 đồng chí tiêu biểu cho hơn 5 triệu đảng viên, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ để gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong diễn văn bế mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thành công rất tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng sẽ cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Một lần nữa, chúng ta có thể khẳng định thành công rực rỡ của Đại hội XIII của Đảng thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có thể nói nhiệm kỳ Đại hội XIII là một dấu mốc quan trọng làm tiền đề cho một thời kỳ phát triển rục rỡ tiếp theo của đất nước, của dân tộc. Đây là “Đại hội thể hiện cao độ sự thống nhất của ý Đảng – lòng Dân” , là Đại hội của khát vọng, của sự quyết tâm “khơi dậy tinh thần và ý chí quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn” .
Ý chí, quyết tâm xây dựng đất nước của Đại hội XIII được thể hiện rõ nét trong năm quan điểm chỉ đạo được xác định trong Báo cáo chính trị. Đó là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Những quan điểm chỉ đạo này chính là sự kết tinh ý chí, quyết tâm hoàn thành trọng trách lịch sử vẻ vang của Đảng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ý chí, quyết tâm của Đại hội XIII còn được thể hiện thông qua việc xác định một cách đúng đắn, chính xác, khoa học 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược cho thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Việc hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm này không hề dễ dàng, đơn giản nếu như không có tinh thần nghị lực cao, có phương pháp tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả. Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh” . Gắn liền với nhiệm vụ này chính là công cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhiệm vụ thứ hai được xác định là “Tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng đại trà vắc-xin COVID-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ” . Đại dịch covid 19 đang lan tràn khắp thế giới với diễn biến ngày càng phức tạp. Ngăn cản dịch bệnh song hành với tăng trưởng, phát triển kinh tế là không hề dễ dàng. Nhiều quốc gia phát triển, có tiềm lực kinh tế gấp chúng ta nhiều lần cũng không thể thực hiện nổi nhiệm vụ kép khó khăn này. Điều đó đòi hỏi ý chí quyết tâm cao độ.
Nhiệm vụ thứ ba là “Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”. Trong bối cảnh hiện nay, việc giữ vững độc lập chủ quyền trước sự phức tạp của bối cảnh khu vực và quốc tế càng khó khăn, nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngoài lòng yêu nước, ý chí quyết tâm cao độ còn đòi hỏi sự thông minh, khéo léo, chiến lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt và đặc biệt là một nền tảng thực lực kinh tế, chính trị, quốc phòng hung hậu, chính quy, hiện đại.
Nhiệm vụ chiến lược thứ tư được Đại hội XIII xác định là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam” .
Nhiệm vụ thứ năm là “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc” .
Nhiệm vụ trọng tâm thứ sáu là “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt” .
Cùng với việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm, Đại hội XIII cũng đã chỉ ra ba đột phá chiến lược để xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới. Trong đó đột phá đầu tiên tập trung vào việc hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh tế. Đột phá thứ hai hướng tới vấn đề phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; Đột phá thứ ba là nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Việc xác định một cách đúng đắn, khoa học các nhiệm vụ trong tâm và đột phá chiến lược trên đây cho thấy ý chí, quyết tâm cao độ, vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng đất nước, thắp sáng tương lai của dân tộc trong thời đại mới. Ý chí, quyết tâm của Đảng cũng là ý chí, quyết tâm của toàn quân, toàn dân, của toàn thể người Việt Nam yêu nước. Không chỉ có tầm nhìn và khát vọng, chính ý chí, nghị lực, quyết tâm sẽ là cơ sở để tập hợp, đoàn kết sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại và nhân loại tiến bộ. Chính sức mạnh này sẽ là nguồn động lực to lớn đưa chúng ta đứng trên tầm cao mới, tầm cao của trí tuệ, văn minh, nhân văn và bác ái.
4. Đôi lời kết luận
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Đại hội chính là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết, đồng lòng xây dựng, phát triển đất nước hùng mạnh, trường tồn. Đại hội đã mang lại tầm nhìn thời đại, khát vọng lớn lao và ý chí cao độ để chúng ta tiếp tục kiên trì con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta phải khẩn trương thực hiện đó là nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết cũng như các văn kiện của Đại hội để nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống, để biến tầm nhìn, khát vọng nói trên trở thành hiện thực. Đây là công việc thường xuyên và phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Tập 1 NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Tập 2, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Tác giả: Nguyễn Thái Sơn; Khoa Giáo dục Chính tri; Trường Sư phạm; Trường Đại học Vinh
- Lịch sử và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam - 20/10Tin tức16/10/2024
- TỔ CHỨC PHỐI HỢP, HIỆP ĐỒNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG GIẢI PHÓNG TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAMNghiên cứu29/09/2024
- ĐẠI HỘI LỚP - CHI ĐOÀN – CHI HỘI CÁC LỚP 62A, 63A, 64A KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ NĂM HỌC 2024 – 2025 THÀNH CÔNG TỐT ĐẸPTin tức28/09/2024
- KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TỔ CHỨC BUỔI CHÀO ĐÓN SINH VIÊN KHÓA 65 NỒNG ẤM, ĐOÀN KẾT VÀ GỬI GẮM NHIỀU KỲ VỌNG TỚI SINH VIÊN TOÀN KHOATin tức26/09/2024
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XXNghiên cứu30/08/2024
- ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG (2013 – 2023)Nghiên cứu29/08/2024
- SINH VIÊN KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TÍCH CỰC THAM GIA HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2023-2024Tin tức30/06/2024
- ĐOÀN GIẢNG VIÊN GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH THỰC TẾ CHUYÊN MÔN TẠI CÁC TỈNH TÂY BẮCTin tức18/06/2024
- Current Status of Developing Primary School Teacher Training Programs Approaching CdioNghiên cứu16/11/2024
- Khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức seminar khoa học về ứng dụng AI và hệ sinh thái Microsoft trong đào tạoNghiên cứu12/11/2024
- Tọa đàm kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (1959-2024)Tin tức11/11/2024
- KHOA VĂN NGÀY ẤY...Nghiên cứu07/11/2024
- THẦY... CHƠI CHỮNghiên cứu07/11/2024
- Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Khoa Giáo dục Tiểu học năm học 2024-2025Đào tạo05/11/2024
- Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Toán học” (ngày 09 tháng 11 năm 2024)Tin tức04/11/2024
- Nhớ về một thế hệ vàng - Những người thầy của tôiKhoa Ngữ văn03/11/2024