SUY NGẪM TỪ QUAN ĐIỂM GIÁO DỤC CỦA C. MÁC: BẢN THÂN NHÀ GIÁO DỤC CŨNG CẦN PHẢI ĐƯỢC GIÁO DỤC
TÓM TẮT
Platon (427 - 347 TCN) - Nhà triết học Hi Lạp cổ đại từng nói: "Nếu người thợ giầy là một người thợ tồi thì quốc gia không quá lo lắng về điều đó, dân chúng sẽ phải xỏ những đôi giầy kém chất lượng. Nhưng nếu thầy giáo là người dốt nát, thì trên đất nước sẽ xuất hiện cả một thế hệ kém cỏi và những con người xấu xa”. Quan điểm đó cho thấy tầm nhìn sâu sắc của Platon đối với vai trò của những người thầy - những nhà giáo dục đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Cho đến hiện nay, câu nói đó vẫn còn nguyên giá trị, bởi thực tế cho thấy, sức mạnh của các quốc gia không nằm ở sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên hay yếu tố nào khác mà chính là ở nguồn lực con người. Do vậy, đầu tư cho giáo dục, cho con người là trên hết và để làm tốt điều đó, các quốc gia cần đầu tư cho chất lượng của đội ngũ những người làm công tác giáo dục, những người thầy. “Bản thân nhà giáo dục cũng phải được giáo dục” là quan điểm của C. Mác về yêu cầu phẩm chất, năng lực cần có của nhà giáo dục. Bài viết đưa ra một số suy ngẫm từ quan điểm giáo dục trên của C. Mác và liên hệ quan điểm đó với thực tiễn giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
1. Mở đầu
Cùng với lịch sử phát triển của nhân loại, những người làm công tác giáo dục, những nhà giáo luôn được coi trọng và tôn vinh bởi người ta thấy được ý nghĩa, sứ mệnh cao cả của sự nghiệp giáo dục. Đối với mỗi quốc gia, để đưa đất nước phát triển lớn mạnh và bền vững, điều căn bản đầu tiên là phải chú trọng đầu tư, phát triển giáo dục và để đảm bảo cho một nền giáo dục chất lượng, đòi hỏi phải có những nhà giáo dục chất lượng. Để làm được điều đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng những nhà giáo dục trở thành khâu trọng yếu trong chiến lược phát triển giáo dục của mỗi quốc gia.
2. Nội dung
2.1. Những vấn đề cơ bản trong quan điểm giáo dục của C. Mác
C. Mác và Ph.Ăngghen là những người đầu tiên đã nghiên cứu giáo dục một cách khoa học. Ph.Ăngghen khẳng định: “Nền công nghiệp do toàn xã hội thực hiện một cách tập thể và có kế hoạch lại càng cần có những con người có năng lực phát triển toàn diện, đủ sức tinh thông toàn bộ hệ thống sản xuất”[1]. Như thế, mục đích của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa là: “làm cho những thành viên trong xã hội đó có khả năng sử dụng một cách toàn diện năng lực phát triển toàn diện của mình”[2]. Trên tinh thần đó, các nhà kinh điển mácxít đều khẳng định mục đích của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa là đào tạo nên những con người xã hội chủ nghĩa, những người lao động mới có ý thức và đạo đức xã hội chủ nghĩa, có trình độ văn hoá và khoa học tiên tiến, có kỹ năng lao động cần thiết, có óc thẩm mỹ, có sức khoẻ tốt – những con người phát triển toàn diện.
Để làm tốt nhiệm vụ đó, nhà giáo dục phải đảm bảo có đầy đủ năng lực và phẩm chất cần thiết thì sản phẩm họ đào tạo ra mới đáp ứng yêu cầu của nền giáo dục mới. Do vậy, điều cơ bản, cốt yếu nhất họ phải là những người được giáo dục.
Được giáo dục trước hết phải được hiểu là họ phải được đào tạo trường lớp bài bản, được trang bị nền tảng tri thức chuyên môn, kĩ năng nghiệp vụ. Điều đó được thể hiện trong quá trình học tập ở các cấp học phổ thông với những tri thức phổ thông, cơ bản nhất, sau đó, tùy vào năng lực và sự yêu thích của từng người mà họ tiếp tục được đào tạo nâng cao trình độ ở những bậc học cao hơn. Lúc này, tri thức gắn với những chuyên ngành nhất định mà họ được đào tạo cùng với hệ thống kĩ năng nghiệp vụ tương ứng. Quá trình tích lũy tri thức, kĩ năng này ngoài được đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục, còn có thể được tích lũy từ quá trình tự học, tự khám phá từ chính bản thân mỗi người trong suốt cuộc đời.
Thứ hai, họ phải là những người được sống, được giáo dục trong những môi trường (gia đình, xã hội) tốt, có đạo đức, có tác phong của người công dân tốt, tuân thủ pháp luật và sống có đạo đức. Bởi vì, nhân cách và sự gương mẫu của nhà giáo dục có giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự hình thành đạo đức và nhân cách của người học. Usinxki K.D - nhà giáo dục nhân dân chân chính của nước Nga cho rằng: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có sức ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kì cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kì một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”[3].
Trong xu thế hội nhập toàn cầu cùng sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục cùng với đào tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng, trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, dân tộc. Vai trò của giáo dục được thể hiện ở việc nâng cao dân trí, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ lao động, góp phần bảo vệ thể chế chính trị của mỗi đất nước.
Như vậy, giáo dục là sự nghiệp đảm nhận trọng trách vô cùng to lớn, quyết định sự sống còn và luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia. Quản Trọng (Là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu) đã từng nói: “Kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa, kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây, kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người”. Trách nhiệm của những người tham gia “trồng người” cũng vô cùng to lớn, đòi hỏi ở họ trước hết phải là những người có năng lực chuyên môn vững vàng, có nghiệp vụ, có bản lĩnh, yêu nghề, yêu người, sống có đạo đức, tôn trọng pháp luật, không ngừng học tập, rèn luyện hoàn thiện bản thân, chỉ như vậy họ mới hoàn thành được sứ mệnh vẻ vang của mình.
2.2. Vận dụng quan điểm của C. Mác vào sự nghiệp “trồng người” ở nước ta
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo Người, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”[4]. Do vậy, “trồng người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng. Trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo có đầy đủ về phẩm chất và năng lực. Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Học sinh, sinh viên của chúng ta đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam. Những thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các thầy cô giáo, của những nhà giáo dục.
Hồ Chí Minh luôn đánh giá đúng và đề cao vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội. Người cũng không quên nhắc nhở thầy cô giáo phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, kĩ năng nghiệp vụ. Trong bài phát biểu tại lớp học chính trị của các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc (ngày 13/9/1958), Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vả vang. Mong mọi người phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả các giáo viên chớ nên cho học thế này đã là đủ, mà phải tiếp tục học tập thêm để tiến bộ mãi”[5]. Lời căn dặn đó của Người đối với nhà giáo cũng chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của C. Mác “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục” và lời dạy của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi”.
Trên tinh thần nắm vững quan điểm của C. Mác, Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo giáo dục và đào tạo trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm gần đây, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng được quan tâm, không ngừng được xây dựng và củng cố. Trình độ chuyên môn, kĩ năng nghiệp vụ, tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức thường xuyên được bồi dưỡng, phát triển. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo đã cơ bản tiếp cận được những phương pháp dạy học mới, được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mới hiện nay.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và nhà quản lý giáo dục luôn tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, trở thành tấm gương sáng cho học trò noi theo đúng với phương châm: lấy nhân cách tác động đến nhân cách, dùng nhân cách người thầy để cảm hóa học trò. Theo Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[6], thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh. Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người.
3. Kết luận
Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và Hồ Chí Minh về yêu cầu phẩm chất, năng lực của nhà giáo dục và việc phát huy vai trò to lớn của người thầy sẽ là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của sự nghiệp giáo dục. Để xứng đáng là “người thầy” trong sự nghiệp “trồng người", mỗi thầy giáo, cô giáo cần luôn có ý thức rèn đức, luyện tài, tự tu dưỡng, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, yêu nghề, yêu người, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, sai trái trong giáo dục, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo hiện nay. Tự mình phấn đấu trở thành nhà giáo tốt, thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”.
Tài liệu tham khảo
1. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
3. Lý Việt Quang (Chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.
4. Usinxki K.D: Tuyển tập, NXB Giáo dục, tiếng Nga, 1983.
[1] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.474.
[2] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.475.
[3] Usinxki K.D (1983), Tuyển tập, NXB Giáo dục, Tập 2, tiếng Nga, tr. 62
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 5, tr.281
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.222
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.284
Tác giả: Ths. Nguyễn Kim Thi (bài đã được đăng ở tạp chí dạy học xưa và nay)
Duyệt đăng: TS. Trần Cao Nguyê
- TỔ CHỨC PHỐI HỢP, HIỆP ĐỒNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG GIẢI PHÓNG TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAMNghiên cứu29/09/2024
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XXNghiên cứu30/08/2024
- ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG (2013 – 2023)Nghiên cứu29/08/2024
- Thực trạng và những vẫn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0Nghiên cứu06/04/2024
- Bộ Giáo dục: Học Sư phạm ra, khả năng có việc làm là rất caoNghiên cứu20/03/2024
- SEMINAR KHOA HỌC CỦA KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ - TRƯỜNG SƯ PHẠM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH (Tháng 1- năm 2024)Nghiên cứu24/01/2024
- TRAO ĐỔI VỀ VẤN ĐỀ TỰ HỌC TRONG SINH VIÊN HIỆN NAYNghiên cứu10/01/2024
- Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng và sự vận dụng của Đảng ta trong bối cảnh hiện nayNghiên cứu04/01/2024
- CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNINGSinh viên16/12/2024
- Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học năm 2024Tin tức14/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Ứng dụng infographic trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu họcNghiên cứu01/12/2024
- Tổng kết hoạt động thao giảng Khoa Giáo dục Chính trị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2024Tin tức26/11/2024
- Australia: Đề xuất ban hành lệnh cấm truy cập mạng xã hội cho thấy sự thiếu hiểu biết nhất địnhTin tức23/11/2024
- Seminar: Sự trỗi dậy của New York như là một kinh đô nghệ thuật mớiNghiên cứu22/11/2024
- Đội Thể thao số 1 của Công đoàn Trường Sư Phạm đạt vị trí Nhất toàn đoàn trong giải Thể thao Công đoàn Trường Đại Học Vinh năm 2024Công đoàn22/11/2024